Các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật về ấu dâm:

Cần thận trọng trong cách chuyển tải thông điệp

Thứ Năm, 13/07/2017, 14:30
Sau nhiều vụ án về nạn ấu dâm làm rúng động xã hội trong thời gian qua, đề tài này ngay lập tức trở thành chủ đề “nóng” mà các dự án văn hóa – nghệ thuật hướng tới...


Ca sỹ, nhạc sỹ Trang Pháp vừa khởi động dự án “Đừng để con một mình”. Đây là dự án cộng đồng đầu tiên nữ ca sĩ lên ý tưởng và thực hiện nhằm nâng cao ý thức của xã hội và tìm ra giải pháp chung bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn ấu dâm.

Không chỉ cho ra mắt những MV kêu gọi mang thông điệp “Đừng bao giờ để con một mình, dù chỉ là một lần thôi”, dự án của Trang Pháp còn gồm nhiều hoạt động thiết thực bắt nguồn từ những câu chuyện thực tế của gia đình không may mắn có con là nạn nhân của ấu dâm.

Giai đoạn đầu, "Đừng để con một mình" quy tụ sự tham gia của 6 bà mẹ nổi tiếng Vbiz là Hồng Nhung, Thu Minh, Đoan Trang, Thảo Trang, Trương Quỳnh Anh và Trà My Idol. MV ra mắt hồi tháng 6 cũng ngay lập tức được xã hội và truyền thông chú ý.

Tọa đàm “Rủi ro và thoát hiểm” bàn về ấu dâm, cách thoát hiểm của trẻ.

Sau Trang Pháp, người mẫu Xuân Lan cùng 135 em bé và 26 nghệ sĩ cũng rục rịch thực hiện MV “Cho con tuổi thơ”. Đây là bài hát do nhạc sĩ Phương Uyên sáng tác, nằm trong chiến dịch cộng đồng “Đừng im lặng - Chúng con cần được bảo vệ”.

Bài hát này cũng sẽ xuất hiện chính thức trong “Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam” – “Vietnam Junior Fashion Week 2017” sắp diễn ra ở Hà Nội. Nhiều nghệ sỹ cũng tham gia góp giọng vào MV cộng đồng này, giúp thông điệp dự án lan tỏa như Thành Lộc, Linh Nga, Trấn Thành, Hoàng Bách, Quốc Thiên, Thanh Duy, Phạm Anh Khoa, Ái Phương..

Cùng với thời điểm trên, cuốn sách “Hai trong một” chứa đựng nội dung dành cho cha mẹ và trẻ em  “Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con”– “Những bảo bối của hiệp sĩ TANI – Trẻ em bảo vệ trẻ em!” cũng được in và phát hành rộng.

Thông điệp của cuốn sách là: Mọi thành viên trong gia đình hãy luôn bên nhau trong hành trình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, và trẻ em chính là người bảo vệ mình tốt nhất. Nhóm tác giả biên soạn gồm Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, nhà báo Đào Trung Uyên và cô bé 9 tuổi Trần Lê Thảo Nhi.

Có một điều thú vị, trong phần kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục (XHTD), bên cạnh những câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ thì còn nhiều câu chuyện thoát hiểm thiết thực và tranh minh họa sinh động.

Các kỹ năng này được truyền tải bởi nhân vật nữ hiệp sĩ TANI dũng cảm, đáng yêu. Thảo Nhi viết ra những ý tưởng của em về cách phòng chống XHTD, kể lại những câu chuyện thoát hiểm thông minh mà chính Thảo Nhi đã trải qua, hay nghe được từ bạn bè, đọc qua sách báo.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Sau “Đập cánh giữa không trung”, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng có những chia sẻ về dự án phim mới mang tên “Câu chuyện buồn nhất thế gian”. Bộ phim xoay quanh những vụ án xâm hại tình dục, trong đó phụ nữ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Kịch bản được Nguyễn Hoàng Điệp lấy cảm hứng từ những vụ án xâm hại tình dục có thật và liên quan tới nữ giới. Chúng có thể là những sự vụ đình đám trên báo chí hoặc những việc xảy ra cách đây đã 10 năm mà hiện giờ ít người nhớ tới. Các nhân vật có thể là những cô gái bị lạm dụng tình dục từ khi còn bé hay người đang đi chăm bệnh lại bị kết án lạm dụng tình dục bệnh nhân.

Tác giả của bộ phim hé lộ, đây không phải là phim hình sự giật gân. Nó không phải là phim để khán giả hồi hộp theo dõi xem kết quả ra sao. Thay vào đó, phim nhấn mạnh vào bi kịch tâm lý đằng sau những vụ việc gây rúng động.

Nói về dự án này, Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn đưa lên màn ảnh những hiện thực tàn nhẫn, qua đó soi chiếu những góc nhìn khác nhau về thân phận người phụ nữ khi họ ở trong cùng một hoàn cảnh - là tội phạm hoặc nạn nhân tình dục.

“Tôi mong muốn câu chuyện mới vừa mang hơi thở đương đại vừa vượt thoát khỏi lối làm phim kiểu thời sự có ý nghĩa hoặc thời sự cảnh báo. Với ngôn ngữ điện ảnh của mình, tôi muốn kể những câu chuyện tàn nhẫn để sau đó mang lại giá trị tử tế cho người xem”, Nguyễn Hoàng Điệp nói thêm.

Người mẫu Xuân Lan và dự án “Cho con tuổi thơ”.

Cũng trong mạch đề tài này, Nguyễn Phương Phi (hay còn gọi là Pil Nguyễn), đạo diễn của phim ngắn “Con yêu mẹ” từng đoạt giải nhất trong cuộc thi làm phim chống định kiến về giới do tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp cùng VTV6 thực hiện cũng công bố dự án phim ngắn tiếp theo mang tên “Không ai biết”. Đây là một dự án xã hội phi lợi nhuận mà nhóm bạn trẻ thực hiện muốn dành tặng cho cộng đồng.

Ngoài lên án vấn nạn xâm hại trẻ em, sitcom “Không ai biết” còn gửi đến những thông điệp như: Thói uống rượu chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều mất mát, đau thương của bao số phận; Hành vi hãm hiếp là tội ác chống lại sự tiến bộ của xã hội; Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác không thể khoan dung; Vì vô tình hay cố tình mà nhiều người không hề hay biết về tội ác này vẫn đang tồn tại trong xã hội.

Có thể nói, chưa bao giờ, câu chuyện ấu dâm được đề cập, quan tâm nhiều như lúc này. Việc các dự án về văn hóa – nghệ thuật, dự án cộng đồng khai thác đề tài này dù ít dù nhiều đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đó là sự hiểu biết của xã hội về ấu dâm. Đặc biệt, với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, thông điệp mang tính cộng đồng này dễ dàng được lan tỏa theo một diện rộng.

Tuy nhiên, đây là một câu chuyện xã hội có tính nhạy cảm, đòi hỏi sự tiếp cận tinh tế của nghệ sỹ. Nếu không cẩn thận, nghệ thuật chỉ là một thứ “minh họa” cứng nhắc, không gợi được cảm xúc của công chúng và không đạt được mục đích giáo dục. 

Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy: Thêm một người lên tiếng và hành động sẽ có thêm một đứa trẻ an toàn

Mỗi người chúng ta chung tay, lên tiếng và hành động vì trẻ em thì sẽ có thêm một đứa trẻ an toàn và nhiều đứa trẻ an toàn. Hậu quả vô cùng lớn, không thể ngồi đây mà kể được. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Chúng ta phải làm gì đó cho trẻ, để trẻ nhận diện được nguy hiểm. Đôi khi người Việt có hành vi cưng nựng trẻ, không biết rằng đó là những hành vi làm cho trẻ gặp rủi ro. Trẻ thấy người thân cưng nựng thì thấy những người khác cưng nựng, các em sẽ không biết đó là nguy hiểm, mà tưởng là yêu thương. Các bé có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào. Mỗi người chúng ta chung tay, nhất là nghệ sỹ với những dự án nghệ thuật của họ sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Khoan đề cập tới chuyện họ là ca sỹ, nhạc sỹ, người mẫu hay đạo diễn, họ đã đồng cảm, lên tiếng về câu chuyện này, đáng để cộng đồng ủng hộ họ. Ví dụ như thông điệp mà dự án “Đừng để con một mình”, tôi rất thích. Trong 5 báo động hướng dẫn trẻ em đó là báo động một mình. Ở một mình là một nguy cơ rất là cao, để người khác tấn công. Những rủi ro đều có thể xảy ra khi trẻ một mình. Một mình trẻ có thể gặp tai nạn, bắt cóc, bắt nạt, đuối nước, xâm hại… 

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy: Nhiều người có hành vi xâm hại mà tưởng là thương yêu

Đây là một vấn đề quan trọng liên quan tới sự phát triển của trẻ em. Qua kinh nghiệm giảng dạy 3 năm ở khắp vùng miền về vấn đề XHTD và đang làm trị liệu cho khoảng 50 trẻ ở vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Malaysia… thì thấy rằng, khi đề cập tới câu chuyện này, có một bộ phận phụ huynh không phải là nhỏ phản ứng theo kiểu “Ơ, chuyện này không liên quan gì đến con mình”, tới khi xảy ra chuyện rồi thì mới chạy ngược chạy xuôi.

Trong tâm lí của người Á Đông mình, việc đụng chạm tới những vùng riêng tư, nhạy cảm của trẻ em diễn ra hằng ngày, hằng giờ và người ta coi đó là những chuyện dễ thương thôi, như ông bà nịnh con cháu, coi đó là một phép văn hóa. Nhưng thực ra không phải vậy, đó là xâm hại trẻ em. Cũng có nhiều người có những hành vi mà họ cũng không biết đó là xâm hại, khi tôi kể ra thì họ mới giật mình.

Nhiều phụ huynh còn chủ quan trong việc này, khi xảy ra chuyện các chuyên gia, bác sỹ tâm lý cũng chỉ giúp một phần nào thôi; còn lại, nỗi đau đó sẽ theo các em mãi. Chúng ta phải luôn nhắc con trên cơ thể có những vùng riêng tư không ai được nhìn, nói, đụng chạm vào. Khi có người như vậy thì con phải nói không, từ chối, chạy về nói với bố mẹ. Phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Không bao giờ thừa.   

Các bậc phụ huynh cần chung tay bảo vệ con trẻ của mình và lan tỏa ra cho những người xung quanh. Trong việc này, nếu có sự tham gia của nghệ sỹ thì câu chuyện về nạn ấu dâm sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Cốc Vũ
.
.
.