Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP HCM:

Cần thực hiện quyết liệt trên toàn thành phố

Thứ Sáu, 10/03/2017, 15:13
Quyết tâm lập lại trật tự đô thị, trả lại sự thông thoáng trên đường phố, nhất là vỉa hè cho người đi bộ của UBND TP HCM và việc ông Phó Chủ tịch quận 1, Đoàn Ngọc Hải ngày đêm trực tiếp xuống đường chỉ đạo các lực lượng chức năng lập lại trật tự đô thị, xử lý những trường hợp lấn chiếm vỉa hè đã tạo luồng sinh khí mới về những cán bộ vì dân, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân...

1. Gần 5 ngày đêm ra quân lập lại trật tự vỉa hè, UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trên 1.100 trường hợp. Lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý những người buôn bán hàng rong không tuân thủ quy định, giải tỏa những bãi giữ xe trên vỉa hè, những chiếc xe ô tô của cá nhân, thậm chí của các cơ quan Nhà nước đậu sai quy định cũng bị lập biên bản rồi cẩu về trụ sở Công an để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Những bậc tam cấp của một số căn nhà mặt tiền, những công trình (trong đó có cả công trình của cơ quan, doanh nghiệp...) lấn chiếm vỉa hè cũng được lực lượng chức năng yêu cầu tháo dỡ đã tạo sự thông thoáng ở khu vực trung tâm.

Ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 chỉ đạo lực lượng CSGT xử lí nghiêm những xe vi phạm.

Việc kiên quyết xử lý những vi phạm đã không tránh khỏi những đụng chạm, gặp không ít sự phản đối gay gắt của một bộ phận người dân có nhà mặt tiền, người buôn bán và những đơn vị, cá nhân khác liên quan, nhưng nhìn chung việc làm này được đa số người dân thành phố đồng tình, ủng hộ.

Bởi theo họ, vỉa hè là phần dành cho người đi bộ, là vẻ đẹp của thành phố chứ không phải của riêng ai nên không thể bị tận dụng, lấn chiếm để sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc làm này đã tạo ảnh hưởng mạnh trong xã hội, nó không còn gói gọn trong khu vực quận 1, TP Hồ Chí Minh nữa mà đã trở thành “việc cần làm ngay” được thực thi ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Trước những nghi ngờ về việc liệu có thể duy trì lâu dài trật tự vỉa hè hay chỉ như đánh trống bỏ dùi, ông Đoàn Ngọc Hải đã có buổi trả lời với phóng viên các báo đài: Ông xuất thân trong một gia đình thuộc dạng nghèo khó, có cha mẹ buôn bán hàng rong trên 20 năm ở vỉa hè góc đường Lê Duẩn – Mạc Đĩnh Chi nên trước đây từng rất nhiều lần chứng kiến cảnh bị cơ quan chức năng xử phạt.

Chính vì vậy nên ông Hải rất hiểu và thông cảm với bà con buôn bán hàng rong, song vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh nói chung và quận 1 nói riêng nên ông rất mong bà con thông cảm, ủng hộ việc làm này.

“ Tôi nghĩ việc lập lại trật tự đô thị trả lại không gian cho thành phố và cho người đi bộ là không hề dễ dàng. Có nhiều quán hàng lấn chiếm vỉa hè được “bảo kê” nên không làm quyết liệt thì sẽ không xong. Cách làm của quận 1 là đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở của Luật Giao thông đường bộ nên những công trình trái phép, những vật dụng gây cản trở hoặc nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì sẽ cho tiến hành tháo dỡ ngay. Không ai được phép đứng trên pháp luật nên dù có phản đối thì vẫn phải thực hiện. Việc làm này cũng không thể đánh trống bỏ dùi mà phải làm thật mạnh và duy trì liên tục để cảnh quan thành phố ngày càng đẹp, thông thoáng”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài việc kiên quyết xử lý vi phạm, ông Hải còn cho biết đã trình thành phố về đề án dành một khu vực cho khoảng 500 người buôn bán hàng rong và nếu lãnh đạo thành phố đồng ý thì sẽ cho triển khai ngay, nhưng người buôn bán hàng rong sẽ phải chịu sự quản lý, kiểm tra rất chặt chẽ của các đơn vị chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát toàn diện trên diện rộng và nhận thấy không chỉ vỉa hè ở quận 1 bị lấn chiếm mà nó xảy ra trên toàn TP Hồ Chí Minh. Từ những con phố lớn cho đến tận hang cùng ngõ hẻm đều bị người ta chiếm dụng làm những quán hàng tạp hóa, quán nhậu, bãi giữ xe, tập kết vật liệu xây dựng… đẩy người đi bộ xuống lòng đường.  

Hàng trăm xe của người bán hàng rong vô tư chiếm lòng đường đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quận 5, đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ kéo dài đến tận đoạn giao cắt với đường Lê Hồng Phong, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra như cơm bữa.

Đặc biệt cứ vào khoảng thời gian từ 16 giờ chiều đến tận đêm khuya, hàng trăm chiếc xe đẩy chở đầy các món đồ thời trang như quần áo, giày dép, dây nịt, túi xách, mũ bảo hiểm được người dân kéo ra bày ken đặc vỉa hè, có đoạn còn tràn xuống tận lòng đường làm cho giao thông liên tục bị ùn ứ và người đi bộ thì không còn chỗ chen chân.

Mặc dù chính quyền địa phương đã giao cho Đội Quản lý trật tự đô thị kiểm tra, xử lý, nhưng khu vực này lại nằm trên địa bàn phường 2 và 3 mà hai phường này không có sự phối hợp đồng bộ nên khi cơ quan chức năng của phường này đi tuần tra, xử lý thì người ta lại bê hàng hóa sang phía đối diện thuộc sự quản lý của phường khác và ngược lại.

Tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ ngã tư giao lộ Lý Thường Kiệt đến đường Thuận Kiều) lúc nào cũng túc trực hàng trăm xe đẩy bán từ các loại trái cây, hủ tiếu, bánh mì cho đến các loại hàng tạp hóa đứng gần hết một làn đường, làm cho các phương tiện rất khó lưu thông, thậm chí cả xe cứu thương cũng bị kẹt.

Trước tình trạng này, hàng ngày UBND phường 12, quận 5 phải điều động một tổ công tác cùng một xe chuyên dụng để lập lại trật tự, nhưng khu vực này lại tiếp giáp với các phường 4 và 7, quận 11 nên cứ dẹp bên này, những người buôn bán lại đẩy sang phía bên đối diện và những lúc như vậy thì tình trạng giao thông ở đây gần như tê liệt.

Cùng chung cảnh ngộ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều khu vực khác như cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thuộc địa bàn quận 5, bệnh viện ung bướu ở quận Bình Thạnh, cổng khu công nghiệp Pouchen, quận Bình Tân và tất cả các cổng trường học trên toàn thành phố, cứ vào giờ tan trường thì có hàng trăm xe đẩy chở đầy hoa quả và các loại đồ ăn thức uống được những người bán hàng rong đẩy tận giữa đường để bán.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy lực lượng trật tự đô thị đến dẹp, tuy nhiên với lực lượng quá mỏng, chỉ năm bảy cán bộ nên cứ dẹp đầu này thì đầu kia lại đẩy xe hàng ra bán.

Ngoài những điểm trên, còn có nhiều tuyến đường khác như Bà Hom kéo dài từ quận 6 đến quận Bình Tân; Đường Âu Cơ từ quận Tân Bình kéo dài đến quận Tân Phú; tuyến đường Tân Kỳ, Tân Quý, quận Tân Phú; Đường Hà Huy Giáp, quận 12, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh (đoạn chợ cây thị); đường Hoàng Sa – Trường Sa ở quận 3 và Phú Nhuận; đường Nguyễn Tri Phương, quận 10… có rất nhiều hàng quán, nhất là các quán bia, quán cà phê, quán chè Thái mọc lên như nấm chiếm hết không gian vỉa hè khiến người đi bộ phải xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông.

Bức xúc với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, ông Nguyễn Đức Nam, một người sinh sống trên đoạn đường Nguyễn Trãi, phường 1, quận 5 chia sẻ: Ông sinh sống ở đây đã trên 40 năm, trước đây vỉa hè tuy chưa được lát gạch đẹp đẽ như bây giờ nhưng lúc nào cũng thông thoáng, sạch sẽ và người dân có thể thoải mái đi bộ ngắm đường phố vào bất kỳ giờ nào trong ngày.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, khu vực này chuyển thành khu phố thời trang, xe cộ cũng bắt đầu đông đúc. Người buôn bán bắt đầu lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe gắn máy, nơi tập kết hàng hóa.

Thời gian gần đây cứ vào buổi chiều, người người không biết từ đâu cứ lũ lượt mang vác những bao hàng hóa, đẩy những chiếc xe tự chế chất đầy hàng hóa mang đến bầy kín vỉa hè, tràn vào đến tận cửa nhà dân khiến cho người dân muốn bước ra khỏi nhà đi tập thể dục phải “xin phép” những người buôn bán để bước qua gian hàng ra ngoài.

Cũng có những người do quá bức xúc đã lên tiếng phản đối và đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc; nhưng ngay trong đêm hoặc qua ngày hôm sau là bị ngay những người bán hàng hoặc những đối tượng bảo kê đến dằn mặt, thậm chí có người còn bị chúng “thưởng” cho vài cái bạt tai.

Hàng rào ngăn cản người bán hàng rong để có không gian cho người đi bộ được dựng xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Nghe ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 dẫn quân đi dẹp lòng lề đường, bà con chúng tôi mừng lắm bởi khi ông Hải quyết tâm làm mạnh tay thì chắc chắn một ngày nào đó, chính quyền nơi chúng tôi cư ngụ cũng sẽ phải làm và khi ấy chúng tôi mới có thể được hít thở không khí trong lành, được tự do ra vào nhà mình mà không cần phải “xin phép” những người buôn bán hàng rong nữa”, ông Nam chia sẻ.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ không chỉ riêng quận 1 mà đã đến lúc tất cả các cơ quan ban, ngành chức năng, các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải xắn tay vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng để đồng loạt ra quân xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, trả lại không gian cho người đi bộ và nhất là sự thông thoáng tạo vẻ đẹp cho thành phố.

Đức Cương
.
.
.