Xung quanh việc đập bỏ trụ sở Đài Phát thanh Bạch Mai để mở đường:

Cần tính kỹ điều hơn, lẽ thiệt

Chủ Nhật, 15/12/2019, 17:36
“Lấy xuống cho chú xin mấy viên ngói làm kỷ niệm”, ông Nguyễn Việt Trung – một người dân sinh sống tại ngôi biệt thự cổ, nơi từng là Đài Phát thanh Bạch Mai đề nghị khi thấy có người muốn trèo lên trên gác mái để chụp lại những hình ảnh cuối cùng của khu nhà này trước khi bị phá để mở đường.


Đi cùng lịch sử

Đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai là một tòa biệt thự cổ kiểu Pháp nằm trong quần thể nhà cổ thuộc Trạm Vô tuyến - Điện báo (Station Radio - Telegraphique), được xây dựng vào năm 1912. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mưa bom bão đạn của những năm tháng chiến tranh, khu nhà này vẫn đứng vững và tồn tại nguyên vẹn cho tới nay

Nói về lịch sử của Đài Bạch Mai, phải quay trở lại thời điểm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trên đường từ Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền gấp rút thành lập một Đài Phát thanh Quốc gia. Đồng chí Xuân Thủy khi đó là Ủy viên Ủy ban Cách mạng lâm thời Bắc Bộ được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

Tòa biệt thự cổ - nơi từng là Đài phát thanh Bạch Mai.

Sáng 22-8-1945, đồng chí Xuân Thủy tổ chức cuộc họp tại số 4, phố Đinh Lễ, Hà Nội (bên cạnh Bắc Bộ phủ) để truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đài Phát thanh Quốc gia. Tại cuộc họp này, ông Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy Sở Tuyên truyền Bắc Bộ, ông Trần Lâm lo thành lập Đài Phát thanh Quốc gia, trực thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Tuy nhiên, lúc này ở Hà Nội chưa có đài hoặc trạm phát sóng phát thanh ngoài đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai ở số 128C Đại La. Đây là trung tâm phát sóng, liên lạc bằng tín hiệu moocxo với Sài Gòn, Pari và điện thoại đường dài Hà Nội – Sài Gòn. Sau khi giành chính quyền, Bộ Quốc phòng đã quản lý Sở Vô tuyến điện – viễn thông, bao gồm cả Đài Bạch Mai và Trung tâm thụ tín ở số 4 Phạm Ngũ Lão.

Từ Trung tâm thụ tín đến Bạch Mai có đường dây cáp ngầm để truyền dẫn tín hiệu. Trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật này, ông Trần Kim Xuyến cùng kỹ sư Nguyễn Văn Tình, lãnh đạo Sở Vô tuyến điện cũ và ông Nguyễn Cung, một kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm, trực tiếp phụ trách Đài Bạch Mai đã cải tiến máy phát tín hiệu moocxo thành máy phát tín hiệu âm thanh. Đến ngày 31-8-1945, hai máy phát thanh được cải tiến phát thử trên các sóng ngắn: 31m và 41m.

Và cũng tại nơi đây, vào 11h30 phút ngày 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức “cất tiếng chào đời” với buổi phát thanh đầu tiên, đọc lại lời Tuyên ngôn Độc lập của Bác, do hai phát thanh viên là ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Kim Ngân thực hiện. Nội dung buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt bắt đầu bằng câu: “Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Đừng đập bỏ quá khứ

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, những chứng nhân lịch sử như Đài Bạch Mai có thể tồn tại qua mưa bom bão đạn nhưng lại không đứng vững trước sự phát triển. Người dân nơi đây cho biết, 2 trong số 5 tòa biệt thự cổ của quần thể này đã bị san phẳng từ nhiều năm trước đó để lấy đất xây dựng chung cư. 

Một tòa khác đang bị biến dạng, xuống cấp bởi mật độ xây dựng dày đặc xung quanh nó và một toà biệt thự chính, đài phát thanh đầu tiên của Việt Nam sắp sửa bị san phẳng vì vướng vào hành lang cần giải tỏa cho dự án đường trên cao vành đai 2.

Sống tại tầng 1 của ngôi biệt thự cổ, bà Nguyễn Khánh An, con gái của nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Bá Đàn (còn được biết đến với tên gọi Lý Văn Sáu), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương (tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam) cũng tỏ ra vô cùng nuối tiếc khi biết nơi đây sắp bị đập bỏ.

 “Từ khi có thông tin ngôi biệt thự sắp bị đập bỏ, nhiều kiến trúc sư người Pháp, Canada đã tìm đến đây để xin chụp ảnh, quay phim từng chi tiết để ghi nhớ lại những hình ảnh cuối cùng của ngôi nhà. Họ nói rằng, họ vô cùng luyến tiếc vì ngoài giá trị lịch sử, ngôi nhà còn có giá trị về văn hóa. Đây là một trong những kiến trúc của Pháp cần được bảo tồn, giữ gìn”, bà Khánh An chia sẻ.

Nhưng giữ thế nào, bảo tồn ra sao cho đến nay vẫn là một câu hỏi ngỏ của người phụ nữ đã gắn bó gần như cả cuộc đời với ngôi nhà cổ. Trong cuộc trò chuyện với PV, cũng với sự nuối tiếc ấy, bà Khánh An đã đưa ra một đề nghị mà có lẽ chính bà cũng biết nó khó có thể thành sự thật: “Nếu có đất để giữ ngôi nhà này lại phục vụ cho việc bảo tồn, tôi nghĩ nên di dời theo kiểu thành lũy. Như ở Việt Nam có ông “thần đèn” đã làm, di dời rất nhiều công trình như vậy. Nhưng chắc chẳng ai quan tâm, tôi cảm thấy tiếc lắm vì nó quá đẹp”.

Ông Trung tiếc nuối lau những viên ngói.

Ngồi lau chùi từng viên ngói vừa được lấy xuống từ trên gác mái, ông Nguyễn Việt Trung – con trai ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ nhiệm của Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, người đang sinh sống ở tầng 2 của ngôi nhà cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi sắp phải chuyển đi khỏi nơi đây.

Ông Trung nói: “Việc di dời người dân ra khỏi đây là chủ trương của thành phố có từ rất lâu nên gia đình cũng tán thành. Nhưng ở đây đã gần một đời nên phải ra đi tôi cũng tiếc lắm, ngôi nhà này không chỉ có kỷ niệm mà nó còn lưu giữ lịch sử của đất nước, của cha ông”.

Bảo tồn hay phát triển?

Nguy cơ Đài Bạch Mai đang đối mặt là hình mẫu của sự đối kháng giữa quan điểm bảo tồn và phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, sự phát triển hiện đại, đổi mới một cách nhanh chóng để phục vụ cho nhu cầu của đại chúng không thể tránh việc phải đập bỏ những cái cũ. Tuy nhiên, hành động đó đôi khi sẽ đập bỏ luôn cả những di sản, thứ tạo nên giá trị cốt lõi của đô thị và nhu cầu văn hóa của người dân.

Chúng ta là người đi sau trên con đường phát triển nên có lợi thế - đó là có thể đúc kết, thừa hưởng kinh nghiệm từ những đô thị đã phát triển khác. Nhưng nhìn vào những gì chúng ta đang làm, chắc chắn trong một tương lai không xa, những đô thị lớn của Việt Nam lại phải tốn gấp nhiều lần số tiền cần bỏ ra vào thời điểm hiện tại để tìm về những giá trị cốt lõi, nguyên gốc.

Từng trả lời về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, trong mối quan hệ đối kháng giữa phát triển và bảo tồn thì cần phải có sự cân nhắc. Bởi lẽ, thứ có thể làm mới thì rất nhiều và dễ, nhưng những gì thuộc về quá khứ thì lại không dễ gì làm lại được. 

Đã có không ít người mong có một con đường to hơn, một tòa nhà lớn hơn, nhưng nếu vì thế mà xóa bỏ ký ức, nhất là ký ức gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng thì phải xem lại. Ở đây, cần tới vai trò quản lý nhà nước, sức mạnh quản lý nhà nước, để giải bài toán đó như thế nào cho hợp lý, bền vững.

“Trạm phát thanh đã trải qua rất nhiều thử thách của lịch sử, từ thời chúng ta dựng nước, đến thời kỳ chúng ta đứng lên bảo vệ nền độc lập ấy, phải nói đó là vô giá. Khi nói điều này, cá nhân tôi không hướng đến một sự tuyệt đối nào cả, vấn đề còn lại là sự cân nhắc, thật sự cân nhắc và thận trọng của những người có trách nhiệm”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Nội thất của ngôi biệt thự Pháp vẫn còn được giữ lại.

Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội thì kiến trúc Pháp là một trong những yếu tố góp phần tạo nên quỹ di sản phong phú của Hà Nội. 

Điều này đã được thể chế hóa bằng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ, khu phố Pháp ban hành vào năm 2016. Nó cũng được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô 2013 và TP Hà Nội đã có phê duyệt danh sách hơn 1.300 biệt thự có giá trị cần phải xem xét, có ứng xử thích hợp.

Trong đó có chia ra là loại 1 với hơn 220 cái cần phải bảo tồn nguyên trạng, 300 cái loại 2 thì có thể được cải tạo, loại 3 là loại được phá dỡ để xây mới nhưng phải giữ phong cách kiến trúc của nó.

“Việc phá bỏ Đài Bạch Mai thì phải xem nó thuộc danh mục nào. Nhưng rõ ràng Hà Nội đã công nhận đấy là một yếu tố tạo nên quỹ di sản và có thái độ ứng xử thích hợp với từng loại, đã phân loại ra. Bởi vậy muốn xem xét xử lý thế nào thì phải xem trong bảng phân loại ấy. Vấn đề đặt ra ở đây là đã có quy chế bảo tồn nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, đây cũng là vấn đề chúng ta công nhận nó nhưng thiếu sự hỗ trợ”, ông Nghiêm nhận định.

Về vấn đề này, ông Nghiêm thông tin thêm: Ở châu Âu, việc bảo tồn có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước cho kinh phí hàng năm để duy tu bảo dưỡng, để cho giữ nguyên được hiện trạng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang thiếu nguồn lực ngân sách nên chưa làm được việc này, chúng ta chủ yếu vẫn đang huy động sức dân. Nhưng có một việc quan trọng hơn cả chúng ta vẫn còn kém, đó là nâng cao tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị kiến trúc, biệt thự cổ. Đó là vấn đề cốt lõi để giữ gìn, bảo tồn được những di sản trước sự phát triển như vũ bão hiện nay.

Phong Lê
.
.
.