Cần xử lý nghiêm bọn côn đồ lộng hành

Thứ Năm, 07/06/2018, 11:50
Thời gian gần đây, tại nhiều địa bàn đã xuất hiện vấn nạn "bảo kê" máy gặt, một số đối tượng tự đứng ra sắp xếp các chủ máy gặt, thu tiền hoa hồng khiến tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp..


Máy gặt ra đời đã giải phóng sức lao động của người nông dân, dịch vụ này ngày càng phổ biến ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại nhiều địa bàn đã xuất hiện vấn nạn "bảo kê" máy gặt, một số đối tượng tự đứng ra sắp xếp các chủ máy gặt, thu tiền hoa hồng khiến tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp..

Lộng hành nạn "bảo kê" máy gặt

Xác nhận với phóng viên, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết: Công an huyện Quảng Xương đã tiếp nhận phương tiện và hung khí liên quan đến một số đối tượng có hành vi bảo kê máy gặt lúa, bị người dân vây bắt và giao nộp cho công an xảy ra tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương vào chiều ngày 28-5-2018. 

Theo đó, sự việc xảy ra vào  khoảng 16 giờ 28-5, khi ông Vũ Ngọc Tấn (49 tuổi), người thôn Đông Tiến, xã Quảng Trường đưa máy gặt xuống cánh đồng lúa thôn Trung Đồng để gặt lúa cho bà con thì bất ngờ có 4 đối tượng xăm trổ đầy mình, mang theo hung khí đi trên 2 chiếc xe máy BKS 36B4-969.54 và 36B6-249.11 lao đến ngăn cấm, không cho ông này mang máy xuống đồng gặt lúa cho người dân nếu không đóng 5 triệu đồng tiền "bảo kê".

Một đối tượng bảo kê máy gặt bị người dân bao vây, bắt giữ giao cơ quan công an.

Khi ông Tấn cự cãi thì nhóm đối tượng này đã hành hung ông Tấn khiến hai bên xảy ra xô xát. Một số người dân địa phương đang gặt lúa gần đấy thấy sự việc bất bình nên đã hô hào cùng nhau bao vây nhóm người này. 

Thấy sự việc phức tạp, các đối tượng đã vứt lại phương tiện và hung khí để bỏ chạy, tuy nhiên người dân đã vây bắt được một đối tượng giao nộp cho lực lượng công an. 

Danh tính đối tượng này được xác định là Bùi Sỹ Lương (29 tuổi), trú tại thôn Văn Khê, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết thêm, trước đó, vào ngày 25-5, nhóm đối tượng này đã tìm đến trụ sở UBND xã  gây áp lực, yêu cầu các chủ máy gặt "chung chi" tiền bảo kê cho chúng, nếu không sẽ không cho đưa máy xuống đồng. 

Ngay sau đó, ông Cường đã điện báo cho công an huyện Quảng Xương nên nhóm này đã bỏ đi.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ở Thanh Hóa xảy ra hiện tượng "bảo kê" máy gặt. Trước đó, vào tháng 10-2016, Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án đối với 4 đối tượng có hành vi "cưỡng đoạt tài sản" do đối tượng Đặng Ngọc Hiếu (28 tuổi), trú xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương cầm đầu. 

Từ tháng 8 đến tháng 10-2016, dưới sự chỉ đạo của Hiếu, nhóm này đã thực hiện 5 vụ việc chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng. Thủ đoạn của chúng là dùng dao kiếm chặn xe đe dọa, yêu cầu người dân đưa máy gặt ra đồng gặt lúa theo sự điều hành của mình. 

Hằng ngày, chúng sẽ thống kê lại diện tích lúa đã gặt, cuối ngày yêu cầu các chủ máy gặt trả tiền theo từng sào Bắc bộ, bình quân 60.000 đồng/sào. Ngoài ra, tất cả các chủ máy gặt phải đưa máy về nhà Hiếu, phải ăn ở tại chỗ và mỗi người phải nộp 100.000/ngày, trả cho người nấu 50.000 đồng.

Tình trạng "bảo kê" máy gặt ở các vùng nông thôn xảy ra tại rất nhiều địa phương. Để sắm được một chiếc máy gặt lúa, người nông dân đã phải bán đi cả đầu cơ nghiệp, thậm chí vay lãi ngân hàng. 

Với mỗi sào lúa gặt được, chủ máy gặt được chủ ruộng trả công khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chẳng may gặp phải vùng bị bảo kê, các chủ máy gặt phả trích ra số tiền không dưới 50.000 đồng để nộp cho các đối tượng này, trong khi chúng không hề mất một tý công sức nào. 

Thống kê cho thấy, tình trạng này không chỉ xảy ra Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác, từ Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Đắk Nông, Bình Thuận…

Vấn nạn bảo kê máy gặt đang khiến tình hình ANTT tại các vùng nông thôn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Tội phạm mới ở nông thôn

Trong vụ thu hoạch Xuân hè 2018 này, anh Trần Cao Cường (44 tuổi), trú tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa vì mới vét sạch gia sản mua được chiếc máy gặt lúa liên hoàn trị giá nửa tỉ đồng. 

Mùa gặt vừa đến, anh hí hửng mang máy ra đồng gặt giúp bà con với hi vọng gỡ gạc lại được ít vốn liếng thì bị hai người ở thôn khác dùng sào ngăn cản, không cho đưa máy xuống đồng nếu anh Cường không chịu nộp tiền bảo kê. 

Trước đó, Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đã khởi tố vụ án liên quan đến 4 đối tượng trên địa bàn, mang súng ra đồng uy hiếp, yêu cầu các chủ máy gặt phải "chung chi" tiền bảo kê. Khi người dân phản ứng, nhóm này đã đánh trọng thương một người dân. 

Thiếu tá Võ Châu Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Anh cho biết thêm, từ nhiều năm nay cứ vào mùa thu hoạch lúa, khi các chủ máy gặt đưa máy về giúp dân thì nhiều đối tượng đã tự đứng ra nhận "bảo kê" để thu tiền. 

Tình trạng này đã  gây bức xúc trong nhân dân, tuy nhiên quá trình điều tra cũng gặp không ít khó khăn vì các bị hại sợ bị trả thù, không dám trình báo với cơ quan chức năng.

Nhóm đối tượng có hành vi bảo kê máy gặt bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ.

Trong khi đó, ở địa phương được ví như vựa lúa của miền Trung là tỉnh Nghệ An, tình trạng này diễn ra rất nhiều, dù cơ quan công an đã quyết liệt vào cuộc, điều tra và khởi tố nhiều nhóm đối tượng nhưng vẫn tái diễn. 

Cuối tháng 10-2017, Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng cùng trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành về hành vi hủy hoại tài sản. 

Dưới sự chỉ đạo và cầm đầu của Đào Quang Trí (36 tuổi), nhóm đối tượng này đã "dàn xếp" để đưa máy gặt lúa về Yên Thành hoạt động, hưởng "hoa hồng". 

Những chủ máy gặt nào không nghe theo sự sắp xếp này và không nộp tiền sẽ bị chúng đe dọa, thậm chí đánh đập. Trong số này có ông Phan Bá Thận (61 tuổi), trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. 

Cho rằng hành vi bảo kê này là vô lý, ông Thận kiên quyết không nộp tiền hoa hồng nên vào đêm 2-9-2017, khi đang gửi nhờ máy gặt tại nhà người quen, Trí đã chỉ đạo đàn em đốt, phá chiếc máy này của ông Thận để ông này hết đường mưu sinh.

Trong tháng 9-2017, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng đã bắt giữ 3 đối tượng, trong đó cầm đầu là Trần Đình Hùng (26 tuổi), trú tại xã Thanh Nho để điều tra về hành vi bảo kê máy gặt. 

Theo đó, 3 đối tượng đã gặp các chủ máy gặt thuê trong và ngoài địa bàn và yêu cầu nộp tiền nếu muốn hoạt động. Mỗi sào lúa, chủ máy gặt phải nộp cho bọn chúng 30.000 đồng tiền chênh lệch. Thậm chí, nếu các chủ máy không nạp tiền theo yêu cầu thì các đối tượng dùng hung khí dọa đánh nhằm đạt được mục đích của mình. 

Cũng thời gian này, Công an huyện Đô Lương đã bắt giữ, khởi tố 2 đối tượng là Lê Văn Lý (33 tuổi) và Nguyễn Quang Cảnh (25 tuổi), trú tại xã Hiến Sơn về hành vi cưỡng đoạt tài sản. 

Với quá khứ ra tù vào tội bất hảo, Lý và Cảnh đã đứng ra thầu gặt toàn bộ cánh đồng xã Hiến Sơn. Những chủ máy gặt từ vùng khác đến nếu muốn gặt trên địa bàn phải ký vào bản hợp đồng do chúng soạn sẵn, chủ máy phải nộp 30.000 đồng/sào, bằng không chúng sẽ đe dọa, đập phá, không cho làm ăn. 

Tháng 9-2017, anh Hoàng Văn Thứ và anh Hoàng Văn Minh, cùng trú xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh (Nam Định) đưa hai máy gặt về gặt cho bà con với giá thấp hơn liền bị Lý và Cảnh tìm đến dọa nạt, đánh đập và phạt "cảnh cáo" số tiền 500.000 đồng.

Hai đối tượng đang có hành vi bảo kê, ngăn không cho máy gặt xuống đồng tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Thống kê cho thấy, từ mùa thu hoạch hè thu 2017 đến nay, Công an các huyện, thành thị trên địa bàn của tỉnh Nghệ An đã làm rõ 5 vụ bảo kê máy gặt, bắt giữ 10 đối tượng. 

Thiếu tá Bùi Văn Ngọc, Phó Trưởng Công an huyện Yên Thành, cho biết: Phần lớn các nhóm đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này đều có tính chất băng nhóm, bọn chúng rất táo tợn khiến người dân và chủ máy gặt hết sức bức xúc. 

Để đảm bảo ANTT trên các địa bàn và ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Nghệ An đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thường xuyên bám địa bàn cơ sở, phối hợp cùng công an xã, chủ động nắm tình hình, tiếp tục xác minh, khẩn trương làm rõ các ổ nhóm, đối tượng đã hoạt động bảo kê để đấu tranh bắt giữ, kiên quyết không để loại tội phạm này lộng hành. 

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đang tiến hành rà soát, lên danh sách những ổ nhóm, đối tượng có khả năng, biểu hiện nghi vấn hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản để đưa vào diện quản lý, đồng thời có biện pháp răn đe để các đối tượng không có ý định phạm tội.

Thiên Thảo
.
.
.