Cần xử lý nghiêm những kẻ sản xuất, kinh doanh hàng giả

Thứ Bảy, 22/07/2017, 12:47
Việc sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sản xuất, môi trường đầu tư, quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất kinh doanh chân chính và của người tiêu dùng.


Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ sản xuất hàng giả (võng xếp nhãn hiệu Duy Lợi của Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi), đối với 2 vợ chồng một gia đình ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm.

Lãnh án vì làm giả võng xếp Duy Lợi

Ngày 13-7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Sinh (34 tuổi), quê Bắc Ninh, ngụ huyện Bình Chánh, và Nguyễn Thị Huệ (28 tuổi), vợ của Sinh, về tội: "Sản xuất, buôn bán hàng giả" được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sinh mức án 8 tháng tù giam và Nguyễn Thị Huệ, 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, do đang có con nhỏ. Hai vợ chồng bị cáo được cơ quan chức năng kết luận đã có hành vi làm giả các sản phẩm mang nhãn hiệu võng xếp Duy Lợi rồi tung ra thị trường bán thu lợi bất chính.

Hai bị cáo Huệ - Sinh tại phiên tòa.

Phiên tòa diễn ra khá nhanh do cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố cũng như các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hồ sơ vụ án.

Theo đó, tháng 10-2014, Huệ đứng tên thành lập Công ty TNHH SX TM Hoàng Minh Đức (tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) với ngành nghề kinh doanh sản xuất, buôn bán võng xếp nhãn hiệu Duy Anh. Sau khi thành lập, vợ chồng Sinh - Huệ tiến hành sản xuất loại võng xếp nhãn hiệu Duy Anh, nhưng không đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Tuy nhiên, do nhãn hiệu Duy Anh hoàn toàn mới trên thị trường nên hàng hóa tiêu thụ chậm, việc làm ăn kinh doanh rơi vào tình cảnh khó khăn. "Túng quá làm liều", đến tháng 8-2015, Huệ và Sinh bàn nhau sản xuất võng xếp giả nhãn hiệu Duy Lợi (DL) của Công ty TNHH SX Duy Lợi (Lô 2 đường Tân Tạo, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh).

Dù biết sản phẩm này đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và là sản phẩm độc quyền bảo hộ tại Việt Nam, nhưng vợ chồng Huệ - Sinh vẫn thực hiện việc làm giả để trục lợi.

Thông qua mạng internet, Huệ đã tìm kiếm và đặt mua của đối tượng tên Huỳnh Văn Nhàn các loại tem nhãn hiệu DL, phiếu bảo hành, 3 bộ khuôn dập gồm logo DL, địa chỉ www.duyloi.com và emailloi@duyloi.com.

Ngoài ra, Huệ cũng đặt mua của đối tượng này các phụ kiện giả nhãn hiệu võng DL như gối, bao gối, bao đựng võng, thanh nhựa, nút nhựa… mẫu mã, kích thước các phụ kiện và tem, khuôn dập tương tự của DL thật. Huệ khai, gặp mặt Nhàn một lần, nhưng không biết địa chỉ và không còn nhớ số điện thoại của người này.

Trong khi đó, Sinh mua sợi ở chợ Tân Bình đem đặt cho Công ty TNHH Chuan Lin, địa chỉ ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh gia công thành lưới võng thành phẩm; Sinh mua khung võng DL thật và mang cùng ba khuôn dập gồm logo, địa chỉ website và email của DL đến đặt cho người tên Nguyễn Đăng Phú (là chủ một cơ sở cơ khí tại phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú) sản xuất khung võng với mẫu mã và kích thước tương tự khung võng DL thật.

Sau khi các khung võng, lưới võng và các phụ kiện được sản xuất hoàn thiện, Huệ, Sinh mang về nhà tiến hành dán tem giả nhãn hiệu DL lên khung võng, xếp khung võng, lưới võng và các phụ kiện vào bao thành một bộ võng giả nhãn hiệu DL thành phẩm.

Với cách thức như trên, từ tháng 8 đến tháng 11-2015, Huệ và Sinh đã sản xuất được 141 bộ võng giả nhãn hiệu DL (bao gồm 111 bộ bị tạm giữ), đã bán được 30 bộ, thu được hơn 24 triệu đồng. Căn cứ bảng báo giá do Công ty TNHH SX DL cung cấp thì 111 bộ võng giả nhãn hiệu DL nêu trên có giá trị tương đương hàng nhãn hiệu DL thật là hơn 139 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Công ty TNHH SX DL đã có văn bản cho rằng ông Huỳnh Văn Nhàn ở quận Gò Vấp là người đã sản xuất bao võng giả nhãn hiệu DL cho Huệ, Sinh. Sinh cũng khai biết Nhàn có sản xuất bao đựng võng DL thật nên đã mua 40 bao đựng võng DL của Nhàn để đựng bộ võng DL giả.

Khi mua, Sinh nói để thay thế các bao đựng võng DL bị hư hỏng, do thời điểm này, Sinh có kinh doanh võng DL thật. Tuy nhiên, ông Nhàn không thừa nhận có bán bao đựng võng DL cho Sinh như bị cáo Sinh khai...

Vụ sản xuất, buôn bán hàng giả của vợ chồng Huệ - Sinh được phát hiện vào trưa ngày 12-11-2015. Thời điểm này, tại khu vực chung cư Trần Văn Kiểu, phường 14, quận 10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện Sinh đang điều khiển xe tải biển số 51C-291.23, vận chuyển 55 bộ võng xếp nhãn hiệu DL nghi là hàng giả và Nguyễn Văn Trúc (anh ruột của Sinh) điều khiển xe tải biển số 51C-497.17 vận chuyển 50 bộ võng xếp nhãn hiệu Duy Anh không hóa đơn chứng từ…

Tiến hành khám xét trụ sở Công ty Hoàng Minh Đức cũng là nhà ở của vợ chồng Sinh và Huệ tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện thêm 56 bộ võng cùng các phụ kiện giả võng xếp DL...

Ngày 19-1-2016 và ngày 22-5-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh trưng cầu giám định tem nhãn hiệu "Duy Lợi", dấu logo "Duy Lợi", dấu địa chỉ www.duyloi.com, dấu email loi@duyloi.com trên các loại khung võng thu giữ của Sinh và Huệ. Kết quả so với mẫu do Công ty TNHH SX DL cung cấp, toàn bộ các tem nhãn, dấu trên các khung võng tạm giữ không phải do cùng một chế bản in ra.

Công ty TNHH SX Duy Lợi sẽ kháng cáo

Nắm quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tòa xử phạt mức án từ 12 đến 18 tháng tù đối với mỗi bị cáo. Hội đồng xét xử nhận thấy nhân thân hai bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ nên xem xét tuyên án như trên. Về việc cho bị cáo Huệ hưởng án treo là do vợ chồng bị cáo có con nhỏ cần một người ở ngoài để chăm nuôi.

Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi cho biết, dù không tranh luận gì nhưng ông sẽ kháng cáo bản án. Bởi theo ông, giá trị hàng giả DL mà bị cáo Sinh và Huệ sản xuất không chỉ là 111 bộ võng xếp (bao gồm 59 bộ loại khung sắt sơn tĩnh điện và 52 bộ loại khung inox) có giá trị hơn 139 triệu đồng như tòa đã xác định mà theo kết luận điều tra vụ án của Công an TP. Hồ Chí Minh vào tháng 8-2015 đến thời điểm bị phát hiện bắt giữ ngày 12-11-2015, Huệ và Sinh đã sản xuất được 141 bộ võng xếp giả nhãn hiệu DL và đã tiêu thụ 30 bộ võng xếp giả nhãn hiệu này, số tiền thu lợi bất chính là hơn 24 triệu đồng, số còn lại là 111 bộ.

Ngoài ra, tang vật bắt giữ gồm 2.570 gối và vỏ gối, 30 cái túi đựng võng, 3.130 thanh nhựa, 40kg nút nhựa, 300 tem bảo hành, 400 tem tròn, vuông - tất cả đều mang nhãn hiệu DL. Chưa kể còn 70 cái bạc đạn, 424 chiếc lưới võng.

Trị giá tang vật thu được là trên 210 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị toàn bộ tang vật và hàng giả DL đã tiêu thụ là hơn 374 triệu đồng. Với giá trị số tiền như vậy, mức án dành cho hai bị cáo phải cao hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Lợi, bị cáo Sinh phải là người chủ mưu cùng với vợ mình thực hiện hành vi phạm tội chứ không phải là "công nhân" như lời khai tại tòa của bị cáo Huệ…

Ngoài ra, ông Lợi cho rằng, vụ án chưa được điều tra đến cùng để xử lý những người liên quan đã cung cấp phụ kiện, vật liệu cho vợ chồng bị cáo làm giả sản phẩm của công ty gây thiệt hại cho DL. Do đó, tòa cần triệu tập những đối tượng này đến tòa để làm rõ hành vi cung cấp, sản xuất và mua bán hàng giả cho bị cáo Sinh và Huệ sản xuất.

Gia đình ông Lâm Tuấn Lợi - chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi - bị thiệt hại nhiều từ vụ án này.

Việc sản xuất, buôn bán hàng giả gây ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa trong nước, môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng nên để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp bài trừ hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả gia tăng như do người sản xuất, buôn bán hàng giả thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, tối mắt vì lợi nhuận lớn từ sản xuất, kinh doanh hàng giả, người tiêu dùng thiếu điều kiện, phương tiện bảo vệ quyền lợi của chính mình, cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý triệt để đối với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.

Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống hàng giả để người tiêu dùng hiểu được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; đồng thời cũng cần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả của các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế...), nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Ánh Xuân
.
.
.