Cảnh báo mất an toàn giao thông trên các tuyến đường Tây Nguyên

Thứ Hai, 10/04/2017, 11:06
Vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng giao thông tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ nối các tỉnh từ đồng bằng lên Tây Nguyên được nâng cấp khá đồng bộ. Cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các hãng vận tải, nhất là trong vận tải hành khách.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh cũng dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xe, đặc biệt là ngày càng có nhiều xe trá hình cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến các tuyến cố định hoạt động đúng quy định và gây mất an toàn giao thông.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh của người dân và du khách.

"Xe dù", "bến cóc" bất chấp an toàn giao thông

Theo khảo sát của phóng viên, chỉ tính riêng tại Bến xe khách phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 chiếc xe khách loại 16 đến 24 chỗ chuyên chạy tuyến Đắk Lắk đi Gia Lai, Kon Tum và Nha Trang.

Tuy nhiên, trong số này có hơn một nửa là “xe dù”, không có lệnh xuất bến, bắt khách dọc đường. Điều đáng nói là số “xe dù” này thường phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách dọc tuyến dẫn đến tiềm ẩn về tai nạn giao thông rất cao.

Trước cổng Bến xe khách phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, túc trực từ 5 đến 10 xe loại 16 chỗ lượn lờ dọc đường, đậu trong cây xăng hoặc trạm sửa chữa để bắt khách mà không vào bến.

Đội ngũ “cò mồi” liên tục lôi kéo khách lên xe.

Tại mỗi xe luôn có đội ngũ “cò mồi” hết sức hùng hậu để lôi kéo, giành giật khách đi xe của mình. Nếu ai đã từng một lần ngồi trên những chiếc xe này sẽ khiếp đảm vì cảnh các lái xe đua tốc độ, tranh giành khách suốt tuyến. 

Theo chân một vị khách, chúng tôi được đội ngũ “cò mồi” liên tục níu kéo, chào mời lên xe mang BKS: 47B-008.10 chạy tuyến Đắk Lắk đi Gia Lai. Sau khi lên xe yên vị hơn 15 phút, chiếc xe bắt đầu di chuyển lượn lờ theo kiểu “rùa bò” trước cổng bến xe rồi liên tục quần thảo hàng chục vòng từ bến xe đến mọi ngõ ngách của thành phố.

Hơn 1 giờ sau khi đón thêm được vài hành khách, chiếc xe bắt đầu di chuyển cũng là lúc cuộc đua giữa các nhà xe bắt đầu. Trên quãng đường hơn 80km từ bến xe Đắk Lắk đến địa bàn huyện Ea Hleo, chúng tôi chứng kiến cảnh tài xế liên tục gọi điện hỏi thông tin về những xe khác.

Khi vừa phát hiện một xe khách khác bám đuôi, tài xế liền nhấn ga chạy bạt mạng, liên tục bấm còi inh ỏi để xin đường bất chấp sự an toàn của hành khách đang ngồi trên xe cũng như người tham gia giao thông trên đường.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Quý (32 tuổi) trú tại TP Buôn Ma Thuột cho biết, do đặc thù công việc buôn bán làm ăn nên hằng ngày anh thường xuyên phải đi lại trên những chuyến xe này từ Đắk Lắk qua Gia Lai. “Mỗi lần lên xe, tôi có cảm giác như mình đang giao mạng sống cho cánh tài xế bất chấp pháp luật.

Hầu hết các xe chạy tuyến này sau khi lòng vòng bắt khách ngoài bến, cánh tài xế lại đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để giành khách dọc đường bất chấp sự an nguy của hành khách, người dân và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường, nhiều khi nghĩ lại mà tôi không khỏi rùng mình”, anh Quý chia sẻ trong nỗi lo.

Cũng tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, một kiểu “bến cóc” khá phổ biến hiện nay là các nhà xe chạy tuyến Đắk Lắk đi TP Hồ Chí Minh và Nha Trang đã tự bán vé và xếp khách tại nhà riêng hoặc tại trụ sở công ty.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, có thể kể đến các nhà xe như Thu Đức, Năm Thùy, Anh Khoa, Kumho Samco, Dung Nghĩa… với lượng xe giường nằm, ghế nằm lên đến hàng trăm chiếc.

Không chỉ vận chuyển hành khách, các nhà xe này còn lợi dụng chở thêm hàng hóa với số lượng lớn, chạy bắt khách lòng vòng trong thành phố lấn chiếm cả lòng, lề đường, gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông.

Chia sẻ với chúng tôi, tài xế Nguyễn Văn Sơn chạy tuyến Đắk Lắk đi TP Hồ Chí Minh (hãng xe Mai Linh) bức xúc trước nạn “bến cóc”, cho rằng: “Các xe của công ty, xí nghiệp chấp hành rất tốt, có bến bãi, đúng giờ xuất bến mà không có khách.

Trong khi đó ngoài đường thì tràn lan “xe dù” “bến cóc”, đậu đỗ, bắt khách ở bất cứ đâu mà vẫn không bị xử lý. Tranh giành khách như vậy là cạnh tranh không lành mạnh”.

Ám ảnh từ nhiều vụ tai nạn kinh hoàng

Đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 20 là những cung đường thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng ở địa bàn Tây Nguyên. Đây là các tuyến đường giữ vai trò huyết mạch nối liền các tỉnh đồng bằng phía Nam với Tây Nguyên.

Hằng ngày, lượng phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ rất lớn, trong đó có hàng nghìn lượt xe khách, xe con du lịch và xe tải chở các mặt hàng nông sản từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên và ngược lại. Đó là chưa kể một lượng lớn xe gắn máy và các loại xe thô sơ khác của người dân địa phương và khách du lịch “đi phượt”.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra hơn 200 vụ tai nạn giao thông, làm 120 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Đáng chú ý, trong tổng số các vụ tai nạn trên thì tuyến quốc lộ 20 chiếm hơn 60%. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn được xác định chủ yếu vẫn do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Vụ tai nạn kinh hoàng ngày 23-3, xe khách BKS: 51B-207.48 của nhà xe Thành Bưởi, chạy tuyến Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh, khi tới địa phận xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tài xế Nguyễn Long Hưng (ngụ TP Bảo Lộc) đã để xe mất lái, lấn sang bên trái đường va quệt mạnh với xe khách Phương Trang, BKS: 51B-132.17.

Hậu quả xe khách Thành Bưởi tông sập một phần căn nhà dân bên đường, khiến chị Đặng Thị Hồng Nhung (30 tuổi), ngụ tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và em KJuoe (13 tuổi), đang trên đường đi tắm về tử vong tại chỗ.

Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng này là do tài xế Nguyễn Long Hưng điều khiển xe khách chạy với tốc độ nhanh, không đúng phần đường quy định... 

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Lâm Đồng, Phó Thường trực Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng xác nhận, trên quốc lộ 20, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng đang có nhất nhiều hãng xe khách chạy tuyến cố định Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh và chiều ngược lại, trong đó có những xe khách hoạt động trá hình.

Những năm qua, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các xe chở khách 16 chỗ ngồi. Để bắt khách dọc đường, tài xế các xe này thường chạy lòng vòng đón, trả khách, tạo nên “xe dù”, “bên cóc” dọc quốc lộ 20.

Các hãng xe lập “bến cóc” ngay tại nhà để đón trả khách.

Nhiều tài xế điều khiển xe khách khi phát hiện nhà xe “đối thủ” đang chạy cùng chiều, tài xế thường điều khiển xe khách lạng lách, chạy quá tốc độ quy định, bóp còi inh ỏi, chạy không đúng làn đường, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Vì sự cạnh tranh không lành mạnh, giành giật khách, nhiều tài xế đã bất chấp tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.

Ông Trương Hữu Hiệp thừa nhận, mặc dù nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn nhưng tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe trá hình và một số vi phạm khác trong lĩnh vực kinh doanh vận tải vẫn chưa được xử lý triệt để.

“Đáng chú ý, khi chúng tôi lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm theo quy định thì các nhà xe đều chấp hành nghiêm. Khi đoàn kiểm tra vừa rút thì mọi chuyện lại trở về như cũ!...” - ông Trương Hữu Hiệp giãi bày.

Cũng theo ông Hiệp, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông tăng mạnh trên tuyến quốc lộ 20 là do công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa tốt, một số địa phương chưa tích cực tham gia trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự vận tải hành khách.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường trang bị thiết bị kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát hành trình để làm căn cứ xử phạt vi phạm về dừng, đỗ xe, đón trả khách không đúng nơi quy định” - ông Trương Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận nạn “xe dù”, “bến cóc” đã tồn tại từ lâu nhưng lực lượng chức năng vẫn bất lực. Nạn “xe dù”, “bến cóc” tập trung nhất vẫn ở hai đầu bến xe phía Bắc và phía Nam, trên thực tế đã và đang diễn ra.

Theo quy định, việc đón và trả khách các nhà xe đều phải vào bến nhưng trên thực tế có rất nhiều nhà xe không chịu chấp hành.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông đã xử lý hàng loạt nhà xe đón trả khách không đúng quy định cũng như phạt hàng chục triệu đồng những nhà xe lập “bến cóc”. Tuy nhiên, việc xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo ông Thủ, để chấn chỉnh tình trạng trên, vừa qua Thanh tra Sở GTVT đã thanh kiểm tra tại bến xe phía Bắc và tiến hành xử phạt số tiền hơn 32 triệu đồng vì đơn vị này đã để xảy ra nhiều lỗi vi phạm: Không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về hành trình xe chạy; để cho các doanh nghiệp sử dụng vận chuyển kinh doanh vận tải nhưng thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; không thực hiện niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định về điểm đầu, điểm cuối của tuyến…

Vấn nạn xe bắt khách dọc đường, tranh giành khách vẫn còn tái diễn trên các tuyến đường Tây Nguyên và luôn rình rập tai nạn giao thông. Cùng với đó, nạn “xe dù” “bến cóc”, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải hành khách, thất thu ngân sách nhà nước và còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Thiết nghĩ các ngành chức năng cần mạnh tay vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các xe vi phạm để giải quyết dứt điểm tình trạng này nhằm lập lại trật tự và công bằng cho những lái xe, chủ xe nghiêm túc chấp hành các quy định.

Văn Thành-Kim Ngân
.
.
.