Cảnh báo tai nạn tại các nhà cao tầng

Thứ Năm, 04/08/2016, 16:08
Cùng với sự gia tăng của các tòa nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội là nỗi lo về tai nạn liên quan đến trẻ nhỏ. Tai nạn thương tâm xảy ra, nỗi đau để lại. Vậy làm gì để phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu nỗi đau cho các gia đình? PV Chuyên đề CSTC đã tìm hiểu về vấn đề này.


Ghi từ điểm "nóng" về tai nạn

Những ngày này, khi trở lại khu vực có tòa nhà Rainbow tọa lạc, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai - Hà Nội), chúng tôi vẫn thấy nhiều người dân bàng hoàng, nói về vụ tai nạn thương tâm khiến cháu N.T.N, 6 tuổi tử vong. Chị L.T.T, bán hàng nước gần tòa nhà kể lại sự việc trong sự thương cảm với gia đình: "Hôm ấy, khoảng gần 11h, khi tôi đang bán hàng, bỗng thấy phía tòa nhà (tòa Rainbow-PV) phát ra tiếng rầm. Nhiều người xuất hiện, kèm với đó là tiếng la hét thất thanh. Tôi chạy lại thì thấy cảnh tượng hãi hùng, một bé trai đã bị tử vong khi rơi từ tầng trên cao xuống".

Để biết thêm thông tin, chúng tôi đã tới UBND phường Hoàng Liệt. Ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, khoảng 11h ngày 15-7, cháu N.T.N ở nhà cùng bà ngoại tại tầng 11 - tòa nhà Rainbow. Trong lúc bà đi đón chị gái, N ở nhà một mình và có dùng ghế kê, trèo lên ban công.

Hậu quả, cháu bị tử vong ngay sau đó do ngã từ lan can xuống mái hiên tầng một. Sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, cán bộ Công an, UBND phường Hoàng Liệt đã có mặt tại hiện trường, xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình.

Hiện trường nơi cháu N.T.N, ở phường Hoàng Liệt gặp nạn (Ảnh: T.N).

Cũng theo đại diện UBND phường Hoàng Liệt, trong 7 năm trở lại đây, trên địa bàn đã xảy ra 5 vụ trẻ em ngã từ các tòa nhà cao tầng xuống đất, khiến 4 trẻ tử vong và 1 trẻ bị thương tích nặng. Độ tuổi của trẻ bị tai nạn dao động từ 3-6 tuổi. Như vụ bé gái 4 tuổi sinh sống ở tòa nhà Nơ.9B - Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm bị tử vong do ngã từ tầng 11 xuống vào năm 2013 là một điển hình. Chiều 14-6-2013, trong lúc bà nội của cháu bé xuống dưới nhà mua sắm đồ đạc, tỉnh dậy không thấy ai, cháu bé đã ra khu vực lan can chơi và ngã xuống dưới tầng 1.

Tiếp nhận những thông tin trên, chúng tôi không khỏi xót xa, bởi chỉ một chút bất cẩn, nhiều gia đình đã mất đi người con, người cháu của mình. Nỗi lo về tai nạn trẻ ngã từ nhà cao tầng xuống vẫn còn đó.

Một chút lơi là, đau cả đời

Khảo sát trên nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu ở của một bộ phận không nhỏ người dân, nhiều công trình chung cư, tòa nhà cao tầng (có chiều cao trên 10 tầng) đã được thi công và đi vào sử dụng. Một số khu vực tập trung đông nhà cao tầng phải kể đến như: Dịch Vọng - Cầu Giấy, Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển,…

Mật độ dân số cư trú tại những khu vực này tăng lên chóng mặt. Nỗi lo về tai nạn trẻ ngã nhà cao tầng luôn tiềm ẩn, khi một số tòa nhà chưa thực sự chú trọng công tác đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn cho trẻ.

Theo tiêu chuẩn xây dựng VN 323:2004/BXD do Bộ Xây dựng ban hành năm 2004 đã quy định khá rõ. Đối với công trình nhà ở cao tầng, từ tầng 6 trở lên, không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kê lô gia (không thiết kế chồm ra bên ngoài như ban công).

Đáng chú ý, theo quy định này, lan can lô gia không được xây hở chân, và chiều cao tối thiểu là 1,2m. Chưa hết, đối với công tác đảm bảo an toàn cho các tòa nhà cao tầng, năm 2008, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam: "Nhà ở và công trình công cộng an toàn sinh mạng và sức khỏe" kèm theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008/BXD.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định này, đối với các công trình cao tầng có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cầu thang cần đảm bảo: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm, không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua…

Quy định là thế, song một số công trình khi tiến hành thi công xây dựng chưa thực sự chú trọng đến các quy định ngặt nghèo về thi công, thiết kế nhằm… đạt mục tiêu "đảm bảo mỹ quan cho công trình". Bên cạnh đó, tại một số tòa nhà, việc thiết kế cửa sổ bằng kính cường lực không có hệ thống rào chắn đảm bảo an toàn đi kèm cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ trong lúc chơi đùa, bắc ghế trèo lên xảy ra tai nạn v.v...

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân hàng đầu của các vụ trẻ em (thậm chí có cả người lớn) bị ngã từ tầng trên cao xuống đất là do một số tòa nhà thiết kế chưa thực sự hợp lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn, như: Chiều cao của lan can còn thấp, chiều cao các khung cửa sổ không phù hợp, đạt tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối v.v...

Các bậc phụ huynh không nên để trẻ nhỏ ở nhà cao tầng một mình.

Ông Tạ Văn Hải cũng cho biết thêm, chiếm đa phần trong số các vụ việc đau lòng xảy ra trên địa bàn là do trẻ nhỏ khi không thấy người thân nên đã ra khu vực lô gia, ban công (không có rào chắn), sử dụng ghế để trèo lên… rồi không may rơi xuống đất dẫn dến tử vong.

Theo đại diện UBND phường Hoàng Liệt, trong tổng số hơn 50 tòa nhà cao tầng hiện nay trên địa bàn thì có khoảng 18 tòa nhà có độ cao trên 20 tầng. Trong số này, có nhiều tòa nhà thi công về sau đã được chủ đầu tư công trình thiết kế hệ thống lan can sắt - thép theo chiều dọc thay vì chiều ngang như trước đây. Tuy nhiên, một số hộ gia đình chưa thực sự chú tâm trong việc phòng, ngừa tai nạn cho trẻ như: Căng thêm lưới thép an toàn (có thể cắt khi có hỏa hoạn xảy ra), vẫn cho trẻ ra khu vực ban công, lô gia chơi đùa, đặt chậu cảnh gần khu vực ban công v.v...

Chủ động phòng ngừa

Có nhiều cách để bảo vệ tính mạng của con em mình khi sinh sống tại các tòa nhà, chung cư cao tầng. Anh Nguyễn Minh, 36 tuổi, hiện đang công tác một cơ quan hành chính ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ, tháng 1-2016 vừa qua, sau khi nhận căn hộ ở tầng 11 thuộc khu đô thị EcoHome 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), việc đầu tiên mà gia đình anh làm đó là thêm chấn song - gia cố thêm hệ thống dây hợp kim ở 2 ô cửa sổ và 1 lô gia của căn hộ.

Theo anh Minh, tuy có chút tốn kém về chi phí, song việc làm nằm nhằm ngăn ngừa tai nạn xảy đến với các con của anh. "Cửa sổ được chủ đầu tư thiết kế bằng lớp kính mở ra, đóng vào được. Không lắp thêm hệ thống dây hợp kim này, trẻ nhà mình trong lúc chơi đùa, nếu trèo và thò đầu ra thì… nguy hiểm lắm. Không có gì quý bằng tính mạng và sức khỏe con em mình cả, bạn ạ!", anh Minh tiếp lời.

Thực tế cho thấy, đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai thường hay hiếu động, thích khám phá, tìm tòi những vật dụng, nơi vui chơi mới, nên việc sử dụng các vật dụng để leo trèo lên lan can, lô gia, cửa sổ. Lúc đó, nếu không có người lớn trông coi, tai nạn thương tâm xảy ra là khó tránh khỏi.

Còn nhớ trưa 14-11-2015, tại tòa nhà CT2 khu chung cư Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ tai nạn đau lòng có nguyên nhân tương tự. Trước đó, mẹ cháu Đ, 6 tuổi có khóa cửa nhà đi chợ. Trong nhà lúc này, chỉ có cháu Đ và em gái (3 tuổi). Phòng ngủ của cháu Đ nằm sát cửa sổ ban công, hành lang chưa được gia cố thêm thiết bị bảo vệ an toàn. Do hiếu động, trong lúc chơi đùa, cháu Đ đã trèo qua ban công… Hậu quả, cháu đã bị ngã từ tầng 22 xuống đất và tử vong ngay sau đó.

Để hạn chế số vụ tai nạn thương tâm trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc chủ đầu tư các công trình nhà cao tầng cần tuân thủ nghiêm quy định, tiêu chuẩn an toàn xây dựng hơn nữa; các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý một số vấn đề sau: Không nên để bàn, ghế hoặc chậu cảnh gần rìa ban công; sử dụng các bề mặt không trơn trượt trên ban công; đảm bảo lan can (thanh chắn), ban công đảm bảo đủ các tiêu chuẩn hiện hành, tốt nhất là cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5m, không có phần nào để trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo lên hoặc trèo qua ban công; khi không sử dụng ban công hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ nơi ban công; cần có lưới thép an toàn tại các ban công… Đặc biệt, tốt nhất không nên để trẻ một mình ở nhà.
Diễm Lệ
.
.
.