Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán đất ở các dự án ma

Thứ Tư, 06/11/2019, 19:16
Ngày 1-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và tiến hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981, quận 4), Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Angel Lina để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Nhung lập dự án “ma” lừa bán cho hàng trăm khách hàng. Trước đó không lâu, Công ty Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh điều hành cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tương tự; riêng người em út Nguyễn Thái Lực bị khởi tố về tội rửa tiền. Đây chỉ là hai trường hợp trong hoạt động lừa đảo bán dự án “ma”. 

Trên thực tế tại TP HCM và các tỉnh lân cận vẫn còn nhiều đối tượng đang hằng ngày, hằng giờ tìm cách lừa đảo người dân để thu lợi bất chính. Trong khi các quận, huyện đã dựng bảng và đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo những dự án nằm trong quy hoạch công viên, trường học… nhưng vẫn có nhiều người dân bị dính bẫy lừa…

Người dân căng băng rôn trước cửa Công ty Angel Lina đòi hoàn trả lại tiền.

Bán đất “ma” thu hàng trăm tỷ đồng

Trong khi dư âm vụ Công ty Địa ốc Alibaba sử dụng chiêu vẽ ra dự án “ma” trên đất nông nghiệp để lừa đảo nhà đầu tư theo kiểu đa cấp vẫn còn nóng từng ngày thì lại nổi lên tình trạng nhiều người dân mang băng rôn căng trước cửa trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư Angel Lina (thuê tòa nhà 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1) yêu cầu nữ Giám đốc Phạm Thị Tuyết Nhung trả lại tiền. 

Nội dung những tấm băng rôn đều rất khẩn thiết với những nội dung như: “Công ty cổ phần Đầu tư Angel lina lừa đảo bán dự án ảo đất nền Tây Lân chiếm đoại tiền của nhân dân… Yêu cầu bà Phạm Thị Tuyết Nhung trả lại tiền lừa đảo, xin cầu cứu cơ quan thông tấn báo chí vào cuộc, xin cầu cứu lãnh đạo TP HCM giúp chúng tôi…”.

Trước đó cũng đã có nhiều người gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty cổ phần Angel Lina đến các cơ quan chức năng và sau khi thu thập chứng cứ liên quan, nhận thấy dấu hiệu tội phạm nên ngày 1-11-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với giám đốc Phạm Thị Tuyết Nhung để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phạm Thị Tuyết Nhung.

Theo thông tin ban đầu năm 2018, Phạm Thị Tuyết Nhung đã nảy sinh ý đồ vẽ ra dự án “ma” để lừa đảo. Để thực hiện hành vi của mình, Nhung xua quân đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố tìm những khu đất trống nằm trong diện quy hoạch. 

Sau khi tìm được đất, Nhung tiếp tục tìm hiểu về mức giá đền bù giải tỏa rồi liên hệ với chủ đất mua lại bằng giấy viết tay, mời thừa phát lại đến lập vi bằng rồi tự vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 mang cắm giữa khu đất và tiếp tục tung quân đi mồi chài người dân tham gia dự án theo kiểu góp vốn đầu tư hoặc mua bán đất nền giá dao động từ 660 triệu đồng - 2,4 tỷ/nền tùy theo dự án… 

Khi mồi chài được khách hàng, Nhung tự tay hoặc cho nhân viên lập hợp đồng đầu tư, mua bán đất nền với giao kèo: Tùy theo tiến độ góp vốn, nhưng công ty cam kết từ 1-3 tháng sẽ thi công hạ tầng, đến tháng thứ 6 thì giao đất và trong vòng 12 tháng khách hành phải đóng hết tiền để phía Công ty Angel Lina tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu phía công ty vi phạm hợp đồng, sẽ hoàn trả lại đủ số tiền đã nhận của khách hàng và bồi thường 50% số tiền đã nhận.

Với chiêu trò này, Nhung đã vẽ ra hàng chục dự án “ma” tại các quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân và đến thời điểm bị bắt đã có hàng trăm người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Nhung đã tự nhận là chủ đầu tư khu dân cư Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, tự vẽ ra dự án đem đi dụ dỗ người dân góp vốn đầu tư.

Tương tự là dự án Tây Lân nằm ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, ban đầu Nhung cũng mời gọi nhà đầu tư góp vốn theo dạng đầu tư để vừa đối phó với cơ quan chức năng, vừa dễ bề đánh vào lòng tham của người dân với chiêu “cam kết mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hạn…”. 

Tuy nhiên, sau thời gian dài mồi chài mà không có khách hàng nào bỏ tiền vào, Nhung đã tự vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 rồi chuyển sang phân lô bán nền với giá rẻ, với chiêu này đã có hàng chục người dân mắc lưới lừa. 

Sau thời gian 12 tháng theo như cam kết, người dân tìm đến đòi đất, đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhân viên Công ty Angel Lina tìm cách trì hoãn, khất lần còn Nhung thì cố tình né tránh và đến khi bị đòi gắt quá thì bỏ trốn.

Một dự án ma khác mà Công ty Angel Lina “vẽ” trên đất quy hoạch công viên cây xanh tại phường An Lạc, quận Bình Tân là khu dân cư Triều An. Vụ việc này đã từng được đại biểu Nguyễn Thị Tố Tâm nêu vấn đề và chỉ đích danh Công ty Angel Lina có dấu hiệu lừa đảo tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX diễn ra từ ngày 11đến 13-7-2019 vừa qua. 

Cũng tại phiên họp này, bà Tâm đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xem xét, nếu có dấu hiệu lừa đảo thì xem xét khởi tố hình sự đối với Công ty Angel Lina và những người có liên quan.

Các đối tượng: Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực.

Mất tiền tỷ vì “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”

 Cùng lừa đảo như bà Nhung nhưng Alibaba của anh em nhà Nguyễn Thái Luyện lại dùng phương thức, thủ đoạn khác. Khi mới thành lập công ty, Luyện cũng sử dụng chiêu giả bộ nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi rồi vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 mang lừa bán cho khách hàng. 

Tuy nhiên cuối năm 2017, khi cơ quan chức năng TP HCM phanh phui vụ việc thì Luyện đã chuyển đổi thủ đoạn bằng cách cho người em út Nguyễn Thái Lực tìm mua những khu đất nông nghiệp không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rồi cho quây tôn kín mít, làm đường, vẽ quy hoạch chi tiết 1/500 và mang lên sàn cho nhân viên dụ nhà đầu tư.

Chỉ trong thời gian từ cuối năm 2017 đến lúc bị bắt vào tháng 9-2019, Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực đã lập ra hơn 40 Công ty Địa ốc Alibaba ở TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, mỗi công ty này đều gắn với một dự án “lừa đảo” và đã lừa được 6.700 người với số tiền lên đến trên 2.500 tỷ đồng.

Mặc dù một số công ty địa ốc lừa đảo bị khởi tố với hàng chục ngàn nạn nhân có nguy cơ không đòi lại được tiền nhưng tại sao vẫn có nhiều người bị dính bẫy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng hơn chục năm trở lại đây có rất đông người dân tham gia đầu tư. 

Thậm chí ở một số khu vực thuộc quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân thì nhà nhà đầu tư địa ốc, nhưng hầu hết những người này đều không hiểu gì nhiều về thế nào là căn nhà hợp pháp và thế nào là dự án sạch (dự án được cấp phép đầu tư) mà chỉ đầu tư theo kiểu chạy theo đám đông. Có nhiều trường hợp đánh liều mang thế chấp nhà lấy tiền đi mua đất, đặc biệt là khi một cán bộ ngân hàng nào đó bị xử lý, niềm tin của họ bị dao động và lập tức rút tiền gửi tiết kiệm để mang đi mua đất. 

Khi mua, họ chỉ nghe CEO thuyết trình về dự án là có thể chuyển tiền đặt cọc mà không hề quan tâm đến việc tìm hiểu thông tin dự án như quy hoạch, giấy phép chấp thuận đầu tư của cơ quan chức năng cấp cho đơn vị đầu tư và một số loại thủ tục pháp lý khác trong khi việc tìm hiểu thông tin dự án cũng rất đơn giản là chỉ cần đến hoặc lên mạng - vào cổng thông tin của các sở ngành liên quan là tìm hiểu được ngay nhưng cũng không có nhiều người thực hiện.

Một dự án “ma” của công ty Alibaba.

Một trường hợp khác là lòng tham khiến họ mù quáng và mê muội vào việc đầu tư đất và mong muốn làm giàu thật nhanh nên cứ nghe quảng cáo có dự án ở khu vực nóng nào đó là lập tức đến tìm hiểu, thấy giá rẻ là xuống tiền mua đất mà không quan tâm đến bất cứ thông tin nào. 

Đến khi biết mình bị lừa thì họ tự nguyện trở thành một CEO trong các công ty có dự án “ma” với hy vọng sẽ vớt vát được chút nào hay chút nấy mà không biết, hoặc có thể biết nhưng vẫn dấn thân để trở thành những người tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

Trường hợp của Alibaba là một điển hình.  Cuối năm 2017, khi cơ quan chức năng TP HCM phanh phui vụ Công ty Địa ốc Alibaba sử dụng chiêu giả bộ nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án Tây Bắc Củ Chi rồi tự ý vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 và phân lô quảng cáo bán nền đất đã nhận trên 16 tỷ đồng tiền đặt chỗ của hàng trăm người dân, nhưng hình như rất nhiều người không tin vào hành vi lừa đảo này mà cho rằng Alibaba chỉ thu tiền đặt chỗ trước khi dự án được phê duyệt và vẫn lao theo đầu tư vào các dự án ma của Alibaba ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Chỉ đến khi anh em nhà Luyện bị bắt, họ mới cuống cuồng tìm đến cơ quan Công an cung cấp thông tin.n

Đức Cương
.
.
.