Cảnh báo trong mùa thi cử

Chủ Nhật, 18/06/2017, 18:48
Chỉ một tuần nữa thôi, kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng đã diễn ra khiến bao phụ huynh và học sinh phải nín thở. Trong cuộc đời cắp sách, đây được coi là 2 kỳ thi quan trọng nhất, bởi nó sẽ quyết định đến tương lai, số phận một con người.


Với các em học giỏi luôn là niềm hy vọng, tự hào của mỗi gia đình nên việc cha mẹ mong các em phải giữ vững phong độ, thậm chí luôn động viên phải giỏi hơn nữa để duy trì ở tốp cao nhất cũng là lẽ bình thường.

Còn các em học lực khá, trung bình, phải phấn đấu để cải thiện kết quả của mình. Vô hình trung, dù lực học thế nào thì các em cũng bị áp lực rất lớn, nhất là vào mùa thi cử. Có thể áp lực do chính các em tạo ra, song đa số là từ phía gia đình.

Minh họa của Lê Tâm.

Mới đây, trên mạng lan truyền một câu chuyện khiến nhiều bậc cha mẹ đọc xong phải giật mình: Em Trương Quang Đ.,16 tuổi, nhà ở thành phố Bắc Giang, được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị khi có những biểu hiện sinh hoạt bất thường.

Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán  bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc. Em Đ. nhiều năm liên tục giữ danh hiệu là học sinh giỏi và luôn dẫn đầu trong một lớp chọn tại một trường chuyên của tỉnh. Với một học sinh như thế, phụ huynh nào chẳng tự hào và hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tương lai rộng mở với em.

Thế nhưng, hai năm trở lại đây, bố mẹ Đ. thấy em không muốn giao tiếp với mọi người, ngại đến trường và thường xuyên có dấu hiệu đau đầu. Khi bố mẹ nhắc nhở thì Đ. bực tức, khóc lóc, gào thét.

Tất nhiên, với một thể trạng và tinh thần như thế, kết quả học tập của em sa sút nghiêm trọng. Cùng với nó là những biểu hiện khác rất đáng lo như không muốn ăn, cơ thể gầy rộc, đêm hay gặp ác mộng, cảm xúc thường thay đổi đột ngột, cáu giận vô cớ…

Với chuyên môn của mình, các bác sĩ của bệnh viện không khó để đưa ra kết luận về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của Đ. Như bao bạn trẻ khác, Đ. đang trong độ tuổi mà cơ thể cũng như tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ, dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi thay đổi bởi các tác nhân gây nên stress này.

Là một đứa trẻ hiếu học, có nhiều năng khiếu nên từ nhỏ em được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Thật đáng tiếc, điều đó trở nên phản tác dụng khi tạo ra áp lực quá lớn cho em. Khả năng của mỗi con người là có hạn, không phải lúc nào cũng thu nạp kiến thức một cách dễ dàng. Và khi những mong muốn đó bị thất bại đã nhanh chóng dẫn em đến những biểu hiện tiêu cực như chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, cảm thấy bị tổn thương…

Trường hợp của Đ. không phải cá biệt. Rất nhiều em học sinh vì không chịu nổi áp lực những lần thi cử đã phải vào bệnh viện điều trị. Điều đáng nói là hầu hết số học sinh này học rất giỏi. Các em như những con ong chăm chỉ, học ngày học đêm, bỏ ăn để học, hết học thêm chỗ này đến nâng cao chỗ khác chỉ vì sợ thi điểm kém.

Không ít cha mẹ cũng đồng tình với các con dẫn đến việc các em bị suy nhược cơ thể, rối loạn cảm xúc. Cá biệt có em mất kiểm soát hành vi nên bỏ nhà đi, thậm chí tự tử. Điều đáng buồn là trước mỗi mùa thi cử, số trẻ nhập viện điều trị rối loạn cảm xúc ngày càng tăng.

Tất nhiên, không học hành thì sẽ không làm được gì cả, nhưng học hành quá nhiều theo kiểu nhồi nhét, học lấy được cũng là điều không nên. Một con người khôn ngoan và tỉnh táo chính là khi họ làm chủ bản thân và biết tạo ra sự hài hòa giữa các mặt của đời sống.

Kết quả học tập, thi cử có thể không như mong muốn, thay vì đi trên con đường thẳng, người ta sẽ phải đi một quãng đường vòng và rồi cũng sẽ tới đích theo cách của họ. Song, mọi sự gắng sức nhằm đạt mục đích để rồi hậu quả xảy ra thì đó là một bi kịch. Bởi các bác sĩ ở Viện Sức khỏe Tâm thần đã cảnh báo: Khi trẻ rối loại cảm xúc hay có những biểu hiện bất thường, nếu được điều trị sớm, có hướng điều trị thích hợp thì bệnh có thể chữa được. Còn nếu không, đứa trẻ sẽ mang bệnh cả đời.

Tuấn Nguyễn
.
.
.