Cánh diều và bài ca của gió

Thứ Tư, 29/01/2014, 08:00

Hàng ngàn năm nay, thú chơi diều đã trở thành phổ biến ở mọi làng quê nước ta, tuy mỗi nơi một khác. Riêng chơi diều gắn sáo (sáo diều) thì không phải nơi nào cũng có. Làm diều đẹp đã khó, còn chế tác sáo diều lại càng khó hơn. Vậy mà, cả làng chơi sáo diều hàng trăm năm qua như thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, thì chỉ có một. Thành Hoàng làng Đại Trà, cụ Trần Quốc Thi chính là ông tổ khai sinh ra nghề làm sáo diều cho làng Đại Trà, từ thế kỷ thứ XIII.

Diều kỳ, sáo lạ

Vừa mới bước chân đến đây, tôi đã nghe bọn trẻ hát vang câu đồng dao về thú chơi sáo diều ở làng Đại Trà. Tiếng trẻ ríu ran ngay ở đình làng rằng, “Cầm dây cho chắc / Nhắc dây cho đều / Bố đi đâm diều / Lấy gạo con ăn”. Có lẽ chuyện chơi diều có một tinh thần riêng và đời sống của nó. Khi gặp anh Lộc hỏi chuyện tôi mới hay, từ lâu những người chơi sáo diều giỏi, diều bay cao và tiếng sáo hay, được coi là nhưng nghệ sĩ chơi khí nhạc. Họ biết cách chế tác những ống vầu, ống nứa thu được những giai điệu của gió. Đó là âm thanh của bầu trời đem lại niềm vui và sự lãng mạn bay bổng cho cuộc sống thôn dã. Đó là món quà, mà thiên nhiên ban tặng cho người lao động chân lấm tay bùn từ xưa đến nay.

Nhưng rồi anh kể cái diều của làng này độc đáo lắm. Diều làng Đại Trà không giống bất kể diều làng nào ở cái hình dáng và sự giản dị của nó. Anh nói vui, dân quanh vùng còn gọi là “Diều…dái”, bởi diều ở làng này không những đều lớn để gánh được những bộ sáo nặng hàng cân, mà còn kỳ quái ở cái đuôi diều. Nói lạ, bởi lẽ đuôi diều được các nghệ nhân xưa làm, mô phỏng bộ phận sinh dục nam. Đuôi diều kết thành hình cong khép kín hình E-lip gọi là “Dái diều”, còn phần nối đuôi với cánh diều được mô tả đó là “Bẹn diều”. Đó là ý tưởng thể hiện sức mạnh của người đàn ông, theo sắc thái văn hóa “phồn thực” cổ phong. Chính vì thế anh nói, diều ở đây lấy hình làm nét vẽ trên trời cao, chỉ giấy ni lông mầu trắng và trong để tạo nên thân cánh diều, chứ không bôi màu, phủ sắc rực rỡ như nhiều địa phương. Hơn thế, điều quan trọng hơn là các nghệ nhân ở đây chơi sáo diều là chính chứ họ không quan tâm hình thức của cánh diều.

Tôi nhìn những chiếc sáo treo trên tường càng thấy lạ, vì chúng to và nặng thế sao con diều có thể nâng bay vi vút trên cao được. Lại nghe nói, cách đây mấy năm các nghệ nhân đã làm một dàn sáo 13 chiếc nặng tới 7kg, vậy thì cánh diều ắt phải khủng lắm. Anh Lộc khoe, cánh diều dài những 7,2m, và nó đã được xác lập kỷ lục diều sáo lớn nhất, năm 2011. Sau đó, anh say sưa kể về tiếng sáo diều hay ở các âm vực như thế nào. Chúng ứng với các thang âm ngũ cung cổ truyền dân tộc, với các thanh điệu Bô-Rô-Ro-Re-Rí riêng với các kích cỡ ống sáo ra sao. Nói rồi anh thể hiện cho tôi hiểu cái biểu cảm rõ rệt trên miệng sáo vang lên những âm thanh như tiếng tơ tiếng trúc vậy. Ngọt làm sao. Tiếng mịn như nhung lụa vậy. Thảo nào anh được tôn vinh là phù thủy âm thanh gió trời, và là người chế tác, cũng như chỉnh tiếng sáo hay nhất làng này.

Tôi được dẫn ra sân đình Đại Trà ở gần nhà anh Lộc, nơi mà tôi được nghe tiếng trẻ hát đồng dao về con diều. Tôi lại hình dung thêm bọn trẻ đang nô đùa và chơi trò “Nhong nhong ngựa ông đã về”. Chúng đuổi nhau quanh chiếc diều và hát bài ca đón năm mới. Một cô bé dẫn tôi vào thăm ông Nguyễn Văn Thênh, một nghệ nhân già nhất trong Hội, còn chơi sáo diều cho đến nay và cũng là người đóng góp công sức với bà con làm chiếc diều kỷ lục với dàn sáo 13 chiếc.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Vừa gặp, ông Thênh đã lôi tôi vào làm một chén rượu, vì đúng bữa cơm trưa. Tôi kiếm cớ thoái thác nhưng không được. Ông nói mừng vì có khách xa đến và lại còn thích diều làng Đại Trà nữa, nên phải nhâm nhi một chén, với đĩa lạc thơm ròn. Vừa kéo tay tôi, ông vừa kể chuyện sáo diều. Tôi ngước lên trần nhà ông, những sáo là sáo, đủ kích cỡ. Mặt ông ửng đỏ. Nói về sáo diều ông càng say. Thế là ông và tôi bỏ cả mâm cơm ra xem bộ sáo mà ông vừa mới chế tác. Ông kể, cách đây ít năm ông có tới 40 bộ sáo diều. Nhiều nhất làng, nhưng nay chỉ còn 17 bộ, trong đó có bộ sáo do ông cha để lại cách đây 60 năm. Ông coi đó như của gia bảo, phải giữ truyền lại cho con cháu sau này.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thênh càng nói càng như say đắm trong cái mê cung của âm thanh sáo diều. Ông kể mình đã từng theo bạn bè và bà con trong làng chơi đủ thứ, nào cây cảnh, nào gà chọi, nào chim quý, nhưng cuối cùng vẫn là sáo diều. Cái nghề của làng không ai có thể xa nó được. Ông cũng giống như bọn trẻ bây giờ chơi diều từ bé. Có lần thả con diều cả ngày lẫn đêm không chán, vì tiếng sáo hay quá, ấm và ngọt như tiếng ru của mẹ vậy. Nỗi nhớ của tuổi thơ và những ngày ăn khoai ăn sắn nhưng sống và lớn lên được là nhờ dòng sữa trên bầu vú mẹ và luôn cười trong mơ vì tiếng ru của mẹ. Đó là tiếng sáo diều của làng của cái trang ấp nghèo khó năm nào luôn ngân nga trong tâm hồn già cỗi của ông.

Ông mang bộ sáo ra chỉnh âm và giảng giải cho tôi cách khoét miệng sáo và chỉnh tiếng ra sao. Ông kể cái sáo nhất ra sao. Nó thỉnh tiếng trong không trung thế nào. Nó gọi tiếng sáo nhì sau đó, rồi lại lần lượt tiếng sáo ba, sáo bốn…Tôi ngạc nhiên vì sự rắc rối, khi ông nói “Sáo mẹ gọi, sáo con thưa, hay sáo cháu cùng reo…”. Tất nhiên tôi lại càng không thể nhớ hết được những điều ông nói về những thanh, những âm khác nhau của 13 tiếng sáo. Tôi nói, thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu. Ông khẳng định, rồi đọc ngay cho tôi nghe mấy câu thơ ứng tác: “Nghề chơi cũng lắm công phu / Làng chơi thì phải biết cho đủ điều / Chim lồng, cá chậu, sáo diều / Gà chọi, cây cảnh cũng nhiều thú vui / Nhưng không bằng nhạc gió trời / Ngân nga tiếng sáo chơi vơi đồng làng…”. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì sự lóe sáng và tinh thông của một nghệ nhân đã hơn 70 tuổi này và bỗng ngẩn ngơ vì tiếng vọng của sáo, bản nhạc gió trời với các âm rô, ro, re, ri reo lên từ miệng ông thổi vào từng chiếc sáo.

Ông Thênh buộc sáo diều.

Tôi ngỡ sẽ chia tay lão nghệ nhân Nguyễn Văn Thênh sau cuộc chuyện, nhưng rồi không biết vì chén rượu suông hay vì tiếng sáo diều nữa, tôi như say như mê đi trước dàn sáo lớn trong nhà ông. Thế rồi ông lại kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Đó là câu chuyện chỉ vì mải nghe tiếng sáo diều của người trần, mà con quỷ gieo bệnh cho trẻ con đã mê muội quên mất công việc của mình, vội vã về trời không kịp làm hại ai. Sáo diều có thần là vậy và chính tiếng sáo diều đem lại niềm vui cả ngàn đời nay cho người nghèo là thế. Ông Thênh hẹn tôi ngày trở lại và nhớ là vào mùa hè hay ngày gió mát, để nghe tiếng sáo diều của ông. Hay lắm! Thanh âm cứ mênh mang trôi trên bầu trời và mây trắng. Ông nói cả đời mình mới có được một bộ sáo hay, nên chẳng bao giờ để mất đi, nhớ quay về làng mà nghe. Nhé! Ông hẹn vậy. Tôi khó nhích nổi bước chân.

Tiếng tơ, tiếng trúc và khát vọng bay cao

Hình như gió từ biển thổi vào. Tiếng sáo đâu chợt ngân lên. Một cô bé từ trong xóm chạy ra đường. Trên tay cô là chiếc diều nhỏ. Một cánh diều tuổi thơ. Rồi thêm một cậu bé nữa, với cánh diều và chiếc sáo bé xíu. Cậu vừa chạy vừa bắt chước tiếng sáo, rô…rô…rô…. Ánh mắt hai đứa bé ngước lên bầu trời, rồi vươn người, như muốn bay theo cánh diều giơ lên cao. Chúng chạy dọc đường làng, rồi túa ra cánh đồng. Mấy đứa trẻ khác cũng chạy theo cùng reo lên những tiếng ro…ro…ro… Như có cả cánh đồng diều bay trước mắt tôi và những chiếc dây neo diều cắm trên bờ ruộng cũng bật lên những âm thanh như sợi dây đàn.

Nhìn đám trẻ tôi sực nhớ lại nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc kể phải 20 người mới thả nổi chiếc diều với dàn sáo 13 chiếc của làng. Đó là chiếc sáo “Ầm” lớn nhất nước. Vì sao gọi đó là sáo “Ầm” tôi không biết nữa. Hẳn đó là một cái tên. Nhưng âm thanh của nó thì lạ lắm. Sáo cái kêu trầm ấm như âm thanh của trống rền. Nó gọi những tiếng sáo nhỏ với những lời tha thiết rằng, “Làng Đại ơi! Trăm năm bay bổng cánh diều- Khát khao âm sắc tình yêu đất trời”. Tôi nhìn đám trẻ chơi diều mà trong lòng vương vấn. Ngọn gió biển thật mát lành. Những cánh diều bay và tiếng sáo ru tâm hồn tôi trong cõi mơ âm thanh làng Đại. Tôi dừng chân trên cánh đồng rạ, nhưng hương lúa vẫn còn ngát. Một mùi cốm thơm

Cảnh Linh
.
.
.