Cảnh giác nguy cơ sốt xuất huyết thành dịch lớn

Thứ Bảy, 12/09/2015, 22:00
Theo các nhà chuyên môn, năm nay nhiều khả năng sốt xuất huyết sẽ trở thành dịch lớn do đặc tính chu kỳ bệnh dịch sẽ xảy ra từ 3-5 năm/lần. Và thực tế so với cùng kỳ năm 2014 thì số ca bệnh hiện tại ở các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hà Nội đã tăng rất cao…

Theo ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong quá trình theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết, đơn vị này nhận thấy nhiều trường hợp đã không được điều trị đúng cách, như việc người bệnh được cho truyền dịch sớm, trong khi việc này sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe bệnh nhân…

Sốt xuất huyết gia tăng, nguy cơ thành dịch lớn

Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong năm 2015 đang có nguy cơ gia tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh phía Nam đã có hơn 25.000 ca bệnh SXH, tăng hơn 50% so với năm 2014. Đặc biệt trên cả nước đã có 16 người tử vong do căn bệnh này.

Như vậy, với số liệu thống kê trên cả nước, vào tháng 6/2015 mới có 10.000 trường hợp SXH, 10 ca tử vong thì chỉ sau 2,5 tháng, số trường hợp SXH trên cả nước đã tăng trên 250% và số ca nặng, số ca tử vong do SXH cũng gia tăng đột ngột. Trong đó, hiện nay, một số tỉnh phía Nam đã trở thành "điểm nóng" về bệnh SXH với số ca mắc tăng 50% như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân sinh sống đông đúc, nhà ở chật chội và có nhiều bình, dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 7/9 về tình hình bệnh SXH, ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, cho biết, riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, vào tháng 5-6, mỗi ngày Khoa SXH của bệnh viện chỉ có khoảng 30 bé thì nay đã tăng lên 102 bé (trong tổng số 176 bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây), trong đó có 13 bệnh nhi SXH rất nặng, phải chăm sóc đặc biệt, thậm chí thở máy trong tình trạng nguy kịch. Đặc biệt từ đầu năm tới nay, trong tổng số 16 ca tử vong do SXH trên cả nước thì Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có 6 ca (4 ca ở tỉnh chuyển về và 2 ca ở TP. Hồ Chí Minh).

ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn, 6 ca đã tử vong ở bệnh viện vừa qua là những ca bệnh rất nặng và bệnh diễn tiến quá nhanh. Hơn nữa, người nhà lại phát hiện bệnh quá trễ. Chính vì thế, đã khiến bệnh nhân bị sốt nặng và kéo dài, suy đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa.

Dù bệnh viện đã dùng tất cả những phương pháp hỗ trợ, điều trị cao nhất như truyền máu, truyền huyết tương, lọc máu để cứu chữa nhưng các ca này không còn khả năng hồi phục nên đã tử vong. Điều đáng nói, nhóm bệnh nhi bị tử vong rải đều trong nhóm tuổi từ 1-15. Mới đây nhất có ca SXH tử vong chỉ mới 1 tuổi. Những điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh, bởi nó không chỉ xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học mà có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào.

Theo dự báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp, rơi vào chu kỳ từ 3 tới 5 năm/lần thì dịch SXH sẽ tăng rất cao. Từ tháng 6 tới tháng 11 là mùa mưa, cũng là mùa dịch SXH. Hiện tại, các tỉnh phía Nam vẫn còn khoảng 3 tháng mùa mưa nữa, do đó có nhiều khả năng SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng sắp tới và không riêng gì ở trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh SXH và có thể biến chứng nặng vì ở lứa tuổi này bệnh diễn tiến rất nhanh và khi triệu chứng nặng thì có thể gây suy đa cơ quan và bệnh nhân có thể tử vong vì hai nguyên nhân chính là sốc trụy tim mạch hoặc xuất huyết nặng.

Một trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nặng.

Đặc biệt, ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trong quá trình theo dõi bệnh nhân SXH, các bác sĩ trong khoa nhận thấy nhiều trường hợp bệnh nhân đã không được điều trị đúng cách ở nhà, các cơ sở y tế trước đó. Trong đó nổi bật là việc cho truyền dịch sớm, trong khi việc này với bệnh SXH sẽ rất nguy hiểm vì lúc đầu bệnh nhân chưa phải là ở giai đoạn bị sốc huyết tương, cô đặc máu. Ngoài ra, chính việc dịch truyền được đưa vào cơ thể sớm, nếu bệnh chuyển biến sang giai đoạn nặng sẽ khiến cho cơ thể người bệnh phù nề, dễ gây suy hô hấp, khó thở.

Trong trường hợp này thì các bác sĩ phải vừa điều trị truyền dịch vừa phải hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, càng khiến cho bệnh nhân thêm nguy cơ tử vong. Do đó, với người bệnh SXH, biện pháp ban đầu theo dõi chủ yếu là hạ sốt và bù dịch bằng đường uống, trừ trường hợp bệnh nhân ói mửa nhiều, không ăn uống được và phải điều trị tại cơ sở y tế để phát hiện sớm những biến chứng chứ không nên tự ý điều trị tại nhà mà truyền dịch ngay sẽ rất nguy hiểm.

Riêng với trẻ ở lứa tuổi đang đi học, nhiều ca nhập viện cho thấy, khi trẻ bị sốt cao, nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ con mình chỉ bị cảm hoặc sốt siêu vi, viêm họng, viêm phế quản… nên cứ cho uống vài viên thuốc kháng sinh là "tự khỏi". Sự chủ quan này dễ gây hậu quả là bệnh nhi được đưa tới bệnh viện quá trễ, khiến bệnh diễn tiến nhanh khó lòng chữa trị hiệu quả được.

Cũng theo Ths-BS Nguyễn Minh Tuấn, từ ngày bệnh thứ 4 trở đi là giai đoạn sốc SXH có thể xảy ra. Lúc này những dấu hiệu SXH bắt đầu xuất hiện rõ và cứ tiến triển ngày càng nặng như có thể nôn ói, đau bụng, chảy máu răng, đi cầu phân đen, biến chứng suy đa cơ quan… Ở trẻ lớn hoặc người lớn có thể cho biết thêm các dấu hiệu khác như đau nhức mình mẩy, đau vùng hốc mắt, thái dương, đau cơ, khớp, cảm giác buồn ói.

Ngoài ra, với SXH thì da niêm thường xung huyết, ửng đỏ do tình trạng cô đặc máu. Nếu cứ chủ quan không đưa đi bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh. Do đó, khi nghi ngờ trẻ hay trong gia đình có người bị SXH, cần đưa đi bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thông thường SXH chỉ xảy ra từ 2-7 ngày đối với những ca SXH không có biến chứng, còn những ca SXH có biến chứng nặng thì lâu hơn.

Khó kiểm soát nếu dịch bệnh bùng phát

Quan sát tại Khoa SXH, có thể dễ dàng nhận thấy sự quá tải tại đây, nhiều bệnh nhi phải nằm thở oxy, truyền dịch trong khi thời tiết những ngày qua đang rất nóng nực càng khiến các bệnh nhi khó chịu, mệt mỏi.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (ngụ quận Bình Tân) đang chăm sóc con trai 6 tuổi bị SXH lo lắng cho biết: "Mấy ngày trước, khi thấy con sốt cao, chúng tôi đã đưa con đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại một bệnh viện ở thành phố và được chẩn đoán là viêm amidan. Từ đó, bác sĩ cho uống thuốc, nhưng hai ngày sau vẫn không thấy đỡ. Lo lắng cho sức khỏe của con, vợ chồng tôi đưa con tới một bệnh viện khác và lại được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, rồi cho uống thuốc và cho về. Nhưng con tôi vẫn tiếp tục sốt cao, vì thế gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, tại đây từ các kết quả xét nghiệm các bác sĩ kết luận con tôi bị SXH đã vào ngày thứ 4 và đang trong tình trạng sốt, ói, tay chân lạnh phải thở máy".

"Một trong những lý do dẫn tới SXH nặng là người dân còn lơ là, chủ quan trong vấn đề theo dõi và phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh, từ đó dẫn tới việc bệnh nhân được nhập viện trong giai đoạn trễ. Thêm nữa, người dân vẫn chủ quan trong việc phòng chống bệnh SXH, chưa quan tâm sát sao đến việc diệt muỗi vằn, lăng quăng khiến muỗi vẫn có cơ hội sinh sôi nảy nở gây ra dịch bệnh trong các khu vực đông dân cư. Đặc biệt, có trường hợp bệnh người lớn và trẻ lớn, người nhà chủ quan nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi nên không đưa đi khám bệnh, phòng ngừa phát hiện sớm những dấu hiệu nặng, nên người bệnh vẫn có nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và tử vong ở lứa tuổi này", ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Nguy cơ sốt xuất huyết thành dịch lớn có thể xảy ra.

Thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trong vòng 5 năm qua cho thấy, tại 8 quận huyện gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Tân Bình, Thủ Đức, Củ Chi, Tân Phú, quận 8, số ca bệnh SXH chiếm tới 50% tổng số ca SXH trên toàn thành phố. Mặc dù, ngành Y tế đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ việc phòng chống SXH nhưng diễn tiến bệnh tại các quận huyện thời gian qua vẫn chưa khả quan. Điều đáng nói, hiện SXH vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi dịch bệnh bùng phát việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Theo BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, thực tế kiểm tra công tác phòng chống SXH cho thấy, nhiều trung tâm y tế dự phòng tại các quận huyện thực hiện công tác xử lý ổ dịch chưa đạt yêu cầu. Cán bộ phòng chống dịch bỏ sót ca bệnh làm tăng nguy cơ lây lan SXH cho cộng đồng; chậm trễ trong việc phun thuốc diệt muỗi; khi có dịch thì tập trung xử lý nhưng khi dịch lắng xuống thì chủ quan lơ là…

Do đó, BS. Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu ngành Y tế dự phòng trong thời gian tới cần phải kiểm soát được 100% các điểm có yếu tố nguy cơ bùng phát SXH; tiếp tục tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy tại những khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao; phun hóa chất trên diện rộng tại các điểm nguy cơ bùng phát dịch; các bệnh viện sẵn sàng thuốc, trang thiết bị thực hiện điều trị cấp cứu, không để xảy ra trường hợp tử vong do SXH; đẩy mạnh truyền thông phòng chống SXH giúp người dân ý thức được sự nguy hiểm của bệnh, từ đó chủ động kết hợp phòng chống với ngành Y tế.

Phú Lữ
.
.
.