Cảnh giác với đạo chích mùa lễ hội

Thứ Hai, 29/02/2016, 12:00
Ra Tết, "đạo chích" cũng "khai xuân". Đất diễn đầu năm của chúng chính là các lễ hội. Với những ổ nhóm trộm cắp thì còn gì thuận lợi để "tác nghiệp" hơn là trong một đám đông đang chen vai thích cánh, cố đến với đấng linh thiêng để tấu trình xin xỏ. Bị "nẫng" mất ví, túi xách, điện thoại… đã thành "chuyện thường ngày ở hội".


Lễ Khai ấn đền Trần năm nay, mặc cho ngành chức năng đã huy động tối đa lực lượng để giữ gìn trật tự trị an, khi cả nghìn người vẫn xô đẩy nhau tràn vào chính điện để giật lễ, cướp lộc. Chính thời điểm hỗn loạn này, đã có tài sản mang theo trên người của du khách bị "bốc hơi".

"Sợ hội đến già"

Gặp tôi sau đêm "xin ấn" đền Trần với bộ dạng phờ phạc, anh bạn ngao ngán kể: "Thấy mọi người kháo nhau đầu năm xin được ấn Thánh, cả năm làm ăn xuôi chèo mát mái, lại còn thăng tiến công danh, nên vợ chồng tôi xuống Nam Định từ sáng hôm trước, cả ngày ăn đồ khô để túc trực trước sân đền. Chưa đến giờ hành lễ mà dễ có đến hàng vạn người đã tập trung ở đấy.

Cảnh tượng bát nháo, xô đẩy tại lễ hội là cơ hội cho bọn đạo chích.

Đến giờ khai ấn, vì trong chính điện quá đông nên chúng tôi đứng ngoài sân bái vọng vào trong. Sau lúc phát ấn, bỗng xung quanh rùng rùng chuyển động. Như là lên đồng tập thể, đám đông chợt xô đẩy nhau ào vào trong điện để giật lễ, cướp lộc. Không thể thoát ra, chúng tôi bị xô dần vào trong. Trước đó, dù đã cảnh giác cầm điện thoại trên tay, còn ví tiền đút trong túi hông quần rất sâu.

Vậy mà tan cái cơn ấy, chiếc ví đã biến mất với toàn bộ tiền cùng giấy tờ quan trọng. Tức hết chịu nổi. Không ấn, không lộc, không cả tiền để mua vé xe trở về Hà Nội. Nghe nói mấy người cùng cơ quan đi lễ cũng bị "đá" mất điện thoại. Túi xách ôm khư khư trước ngực mà còn bị rạch lấy mất hết tiền và giấy tờ. Nghĩ có báo nhà chức trách cũng chỉ mất thời gian, vì chẳng thể tìm ra tên trộm trong hàng vạn người ở đó, nên đành ngậm ngùi chấp nhận. Tự nhủ từ giờ về sau tránh xa những chỗ ấy. Sợ đến già rồi!".

Cùng hoàn cảnh ấy, chị Thúy - một tiểu thương ở chợ Việt Hưng kể vụ bọn "đạo chích" xoáy của chị sợi dây chuyền vàng tinh vi đến khó tin: "Chiều mùng 1 Tết, tôi đi chùa Trấn Quốc dâng hương đầu năm. Hôm đấy người đi lễ tắc cả đường, chen chúc mãi cũng vào đến nơi. Mải cúi xuống bái lạy trước điện thờ, lúc xong ra đến cửa sờ lên cổ mới thấy cái dây chuyền mấy chỉ mặt ngọc đã không còn.

Quay lại tìm thì có người kể, lúc nãy khi tôi đang khấn vái rạp người, có một bà to béo đứng ngay đằng sau cầm cái kìm nhỏ cắt đứt sợi dây chuyền rơi xuống đất, để người đang quỳ bên cạnh nhặt cho vào túi".

Kể câu chuyện này với các trinh sát Đội 5 - Phòng PC45 Công an TP Hà Nội, họ cho biết "trò" này không có gì mới và còn có thể tiếp tục xảy ra, nếu người dân vẫn đi lễ hội mà không có những kỹ năng bảo vệ tài sản của mình.

Mùa "kiếm ăn"

Sau Tết là mùa lễ hội. Đây là thời điểm người dân hành hương đến các địa điểm di tích, tôn giáo, danh lam thắng cảnh để cầu lộc, cầu an hay du xuân vãn cảnh. Địa điểm càng nổi tiếng, lượng du khách càng đông. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các băng ổ nhóm tội phạm từ thập phương kéo về "khai xuân".

Đối tượng Nguyễn Thị Hằng bị bắt quả tang móc túi tại phủ Tây Hồ.

Những hành vi phạm pháp hình sự và tệ nạn "nóng" nhất tại các đền, chùa, lễ, hội, đó là nạn trộm cắp (móc túi), lừa đảo, cờ bạc, cướp giật, cò mồi, cưỡng đoạt tài sản… Thiệt hại vật chất do tội phạm gây ra tại đây có thể không lớn, nhưng lại khiến dư luận bức xúc, tạo ra ác cảm…

Vì sự việc diễn ra tại nơi tập trung đông người, nên khả năng lan truyền thông tin rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của các địa phương. 

Ước tính vào dịp này có tới hàng chục lễ hội được tổ chức trong cả nước, tại các danh thắng và địa điểm tín ngưỡng tâm linh như đền, chùa, miếu, phủ. Đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra các vụ án chiếm đoạt tài sản tăng cao. Đảm bảo ANTT trong mùa lễ hội, luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị Công an đóng quân trên địa bàn.

 Được biết, vừa qua Công an TP Hà Nội đã "tung" hơn 200 trinh sát hình sự phối hợp với các đơn vị cơ sở để giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm tại các đền chùa, lễ hội. Các địa điểm tâm linh nổi tiếng Thủ đô như phủ Tây Hồ, chùa Hương, đền Ngọc Sơn, chùa Phúc Khánh... đều được "rải" lực lượng hóa trang làm nhiệm vụ bí mật. Hay như tại Nam Định, trong lễ khai ấn đền Trần vừa qua, Công an tỉnh đã huy động hơn 2 nghìn CBCS cho công tác bảo vệ.

Tuy nhiên, với việc hàng vạn du khách thập phương cùng đổ dồn về di tích, chẳng hạn như có tới 6 vạn du khách trẩy hội chùa Hương vào ngày mùng 5 Tết, thì con số CBCS được huy động chỉ như "muối bỏ biển". Sẽ rất khó khăn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các băng ổ nhóm trộm cắp trà trộn trong đám đông.

Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn - Trinh sát hình sự Công an TP Nam Định kể: "Rất khó "bắt tận tay, day tận trán" bọn móc túi, vì chúng thường đi theo nhóm có từ 2 tên trở lên. Cũng ăn mặc lịch sự, tay cầm đồ lễ như ai. Lợi dụng lúc đám đông đang chen lấn, xô đẩy hay đứng khấn vái, cả nhóm sẽ tiến lại từ phía sau hay đứng vây quanh để móc điện thoại, rạch túi, rút ví.

Có vụ chúng giả vờ bị xô đẩy, ngã vào người đứng trước rồi nhanh tay móc đồ. Với những chiếc túi sâu, một tên giả vờ chen lấn, áp sát dùng tay vuốt nhẹ để ví hoặc điện thoại trồi lên miệng túi, tạo điều kiện cho tên đứng sau "thó" đồ. Khi đó, nếu nạn nhân có vồ được tay tên trộm, thì đồ vật sẽ được chuyển tiếp sang tay những tên khác trong nhóm, nên không thể làm gì được.

Có nhóm còn cắt đặt người chuyên theo dõi lực lượng chức năng để thông báo tình hình cho đồng bọn. Khi bị phát hiện, những tên này sẵn sàng cản trở người truy đuổi, giúp đồng bọn chạy thoát thân. Hiện nay, bên cạnh việc "nhảy" đồ của khách, bọn "đạo chích" còn tập trung rình mò các hòm tiền công đức và lễ vật trên các ban thờ".

Kinh nghiệm đối phó

Sở hữu những kỹ năng phòng tránh nạn trộm cắp, móc túi, cướp giật, cờ bạc bịp… trong các lễ hội tập trung đông người là điều hết sức cần thiết, nhưng không phải ai cũng có được. Cần hiểu rằng không ai hay lực lượng nào có thể luôn túc trực bên cạnh để bảo vệ mình trước sự tấn công của bọn tội phạm. Sự an toàn của bản thân chỉ có thể là kết quả của ý thức cảnh giác, đề phòng và chuẩn bị sẵn phương án ứng xử trong những tình huống cần thiết.

Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội bảo vệ chùa Trấn Quốc trong dịp Tết Bính Thân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Lê Kim Đồng (Đội trưởng Đội 5, Phòng PC45 - Công an TP Hà Nội) tư vấn: "Đến với đền chùa hay các lễ hội mà biết rõ là tập trung đông người, người dân cần có ý thức cảnh giác, phòng gian.

Trước hết, tôi khuyên mọi người trước khi vào lễ hội, không nên mang theo quá nhiều tiền, vật dụng có giá trị (như hoa tai, dây chuyền vàng, điện thoại đắt tiền..) hay giấy tờ quan trọng. Chỉ nên cầm theo người những vật dụng thực sự cần thiết. Số còn lại nên để lại nơi nhà nghỉ, khách sạn hoặc cất trong xe ôtô gửi ở bãi xe có bảo vệ.

Hạn chế cầm theo tiền mặt, mà nên mang theo thẻ ATM, vì các cây rút tiền rất sẵn. Nếu buộc phải mang theo nhiều tiền và giấy tờ tùy thân vào lễ hội, thì nên để phân tán ra, cất giấu tại những vị trí an toàn, nằm ngoài dự đoán của tội phạm (chẳng hạn như cuốn trong tất chân, để ở lớp áo trong có khóa kéo. Với phụ nữ thì cất giấu tiền ở nịt ngực cũng rất an toàn).

Có người thường đeo sau lưng ba lô trong để máy ảnh, laptop, thậm chí ví tiền… mà không biết rằng đó là thứ dễ bị trộm rạch nhất. Khi vào trong hội buộc phải chen lấn, phải luôn nghĩ đến nơi để tiền bạc, điện thoại. Lưu ý, ví tiền là thứ đầu tiên bọn tội phạm nhắm tới, chớ nên để ví trong túi quần hậu vì rất dễ mất. Điện thoại cũng được bọn "đạo chích" ưa chuộng. Nhiều người để "dế" trong túi quần và ôm giữ khư khư, nhưng chỉ cần vài giây xao nhãng buông tay là "dế" đã có thể "bốc hơi".

Cho nên, hãy cầm điện thoại trên tay và nắm cho chắc, cũng có thể giắt nó trong tất chân, hay giữa các lớp áo trong giáp với cơ thể. Hiện nay, trào lưu chụp ảnh bằng điện thoại thông minh để đăng Facebook đang rộ. Nhiều thanh niên dùng "gậy tự sướng" cắm vào điện thoại rồi giơ ra xa để tự chụp ảnh mình. Các đối tượng có thể tạo cớ va quệt, hoặc du đẩy làm nạn nhân ngã ra hay rơi điện thoại xuống đất, chúng sẽ vồ lấy và tẩu thoát.

Vậy nên chỉ "tự sướng" ở những nơi, những lúc có ít người xung quanh. Cuối cùng, tôi khuyên mọi người khi vào lễ hội, cần lắng nghe thông tin, hướng dẫn, cảnh báo của Ban tổ chức trên hệ thống loa nội bộ, nghiêm túc thực hiện chỉ dẫn của hướng dẫn viên, không nên chen lấn xô đẩy, không tách đoàn, không nên thường xuyên rút tiền ra mua bán, vì kẻ gian sẽ theo dõi và biết chỗ giấu tiền.

Tuyệt đối không được tham gia vào các trò chơi may rủi, như đánh bài đỏ đen, xóc đĩa... kẻo bị bọn cờ bạc bịp lấy hết tiền. Nếu chẳng may xảy ra việc bị móc túi mất đồ, hay bị bọn cờ bạc bịp chăn dắt, bị cướp giật… người dân cần khẩn trương trình báo với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chỗ để kịp thời xử lý, bắt giữ tội phạm".

Đào Trung Hiếu
.
.
.