Cảnh giác với thủ đoạn vay tín dụng lãi suất cao

Thứ Hai, 07/10/2019, 11:13
Cần tiền làm ăn, cần tiền cho việc gấp, không vay mượn được ở đâu, không có gì để thế chấp, nhiều người nhắm mắt làm liều vay tiền của các ổ nhóm tín dụng đen với lãi suất cao. Đến kì trả nợ, lãi mẹ chồng lãi con, chưa kịp trả sẽ bị các đối tượng dằn mặt, đe dọa, hành hung…


Thời gian vừa qua, tình trạng cho vay lãi nặng (“tín dụng đen”) diễn ra khá nhức nhối từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa… qua đó gây mất trật tự an ninh xã hội, thậm chí xảy ra một số vụ án mạng đã gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, Công an huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đã triệt xóa ổ nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen do Trịnh Anh Vân (tức Vân Đa), SN 1980 và vợ là Lê Thị Hương, SN 1987 ở xã Thành Thọ cầm đầu…

Trước đó, ngày 12-9, Công an huyện Thạch Thành nhận được thông tin vào lúc 16h cùng ngày, Trịnh Anh Vân cùng một số đàn em vừa đến nhà anh P.V.T ở thị trấn Kim Tân để đòi nợ. Do anh T không có tiền trả nợ nên bọn chúng đã đánh và gây thương tích 12% cho anh T.

Đối tượng Lê Thị Hương tại cơ quan điều tra.

Ngay trong đêm, Công an huyện Thạch Thành cùng VKSND huyện đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Trịnh Anh Vân ở thôn Cầu Rồng, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành.

Qua khám xét, Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng của vợ chồng Trịnh Anh Vân và Lê Thị Hương. Ngoài ra, Công an huyện Thạch Thành còn thu giữ 0,273g ma túy tổng hợp, 24 xe môtô, 12 điện thoại di động, 52 viên đạn các loại (gồm đạn thể thao, đạn tự chế, đạn súng quân dụng) và nhiều dao, kiếm, công cụ hỗ trợ khác.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Thạch Thành phát hiện ổ nhóm đối tượng do vợ chồng Trịnh Anh Vân và Lê Thị Hương cầm đầu cùng với 7 đối tượng đàn em hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Thạch Thành và các huyện lân cận. Cá biệt, ổ nhóm này còn có hành vi câu kết với một số đối tượng côn đồ cộm cán ở thành phố Thanh Hóa và thị xã Bỉm Sơn để hoạt động cho vay nặng lãi, gây thương tích, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản…

Các đối tượng này thường xuyên tổ chức cho vay nợ với lãi suất cao (từ 3.000 - 6.000đ/triệu/ngày), trong đó Hương là người trực tiếp đứng ra giao dịch, điều hành việc cho vay và thu hồi nợ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Khi cho các con nợ vay, Vân và Hương yêu cầu các con nợ viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận bằng miệng, giấy vay con nợ đã viết thì do Vân, Hương cất giữ.

Việc thu lãi cũng không thể hiện bằng giấy tờ. Nếu đến kỳ thu lãi mà chưa trả lãi thì số tiền lãi trên được cộng vào tiền gốc và viết giấy vay nợ mới. Đối với các con nợ không trả, Vân và Hương cho đàn em đến nhà uy hiếp, đe dọa và ném chất bẩn vào nhà buộc con nợ phải trả tiền.

Đối tượng bị truy nã Trịnh Anh Vân.

Công an huyện Thạch Thành đã xác định: Từ năm 2016 đến khi bị bắt, vợ chồng Trịnh Anh Vân và Lê Thị Hương đã cho 195 người vay nợ với lãi suất cắt cổ. Tổng số tiền mà Vân và Hương đã cho các con nợ vay là khoảng hơn 3,2 tỷ đồng.

Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 26-9, cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Thị Hương về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tàng trữ trái phép chất ma túy. Đồng thời, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Quyết định truy nã đối với Trịnh Anh Vân về hành vi cố ý gây thương tích. Ai biết Trịnh Anh Vân ở đâu báo về cho cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch thành hoặc Công an nơi gần nhất.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội cũng vừa phá thành công ổ nhóm “tín dụng đen” cho vay với lãi suất “cắt cổ” do Lê Xuân Minh (trú tại Thường Tín) cầm đầu.

Theo tài liệu điều tra, đầu tháng 5, Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của một số nạn nhân về việc Lê Xuân Minh và đồng bọn cho vay 100 triệu đồng với lãi suất 10.000đ/triệu/ngày.

Ngay khi trao tiền, nhóm của Minh đã “cắt lãi” của khách 10 triệu cho 10 ngày đầu. Tiếp đó, khách trả được thêm 40 triệu tiền lãi thì không còn khả năng trả. Nhóm của Minh thường xuyên gọi điện uy hiếp, đe dọa “giết cả nhà” nếu khách không chịu trả. Minh, Dũng và Tưởng đã tìm đến tận nhà đòi tiền, khách hứa trả dần nhưng nhóm này không đồng ý, tiếp tục hành hung và đe dọa gia đình họ.

Qua khám xét khẩn cấp tại cửa hàng cầm đồ của Nguyễn Trọng Tưởng ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, cơ quan Công an phát hiện 2 bao tải vũ khí thô sơ và hung khí nguy hiểm, trong đó có 4 khẩu súng dạng súng thể thao, súng săn các loại và một số viên đạn...

Cơ quan điều tra cũng thu giữ 110 tờ giấy vay tiền và 5 quyển sổ ghi nợ với danh sách hơn 200 người đã vay của nhóm Minh tổng số tiền là gần 16 tỷ đồng.

Cũng đầu tháng 9/2019, Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen” do Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cầm đầu, cùng 16 đối tượng khác, thu giữ hơn 1 tỷ đồng, 16 điện thoại di động, 12 xe ôtô, 9 xe máy và nhiều tài liệu liên quan đến việc vay nợ, đánh bạc và cầm cố tài sản.

Vỏ bọc bên ngoài của Tiến là cán bộ thủy nông nhưng thực chất Tiến là “ông trùm” chỉ đạo đàn em với hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi “số đề” qua việc nhắn tin bằng điện thoại di động, với giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỷ đồng.

Vũ khí thu được tại nhà Trịnh Anh Vân.

Hàng ngày, từ 17h đến 18h30, một đối tượng sẽ đóng kín cổng, khóa chặt cửa, ở trong nhà dùng điện thoại để liên lạc với các đối tượng đánh bạc. Hết giờ nhận “lô, đề”, đối tượng này lại tắt máy điện thoại để cộng sổ tính toán.

Để bảo mật, chỉ “khách quen” hoặc được giới thiệu bởi người thân tín mới được tham gia đánh bạc. Đối tượng lạ muốn tham gia phải được các đối tượng xác minh về nhân thân, quan hệ, gia đình, tài chính và phải chấp nhận “chơi” lâu dài mới được vào sới.

Con bạc chủ yếu là người có tài sản hoặc có công việc ổn định trong các cơ quan, đơn vị. Số tiền mỗi đối tượng chơi đánh bạc trong ổ nhóm này thường dao động từ 20-100 triệu đồng.

Ngoài việc tổ chức đánh bạc, bằng các mánh khóe tinh vi, ổ nhóm này còn hoạt động cho vay lãi nặng và cầm cố tài sản để “trói chân con bạc”. Khi người đánh bạc hết tiền, các đối tượng sẽ dụ dỗ, thúc ép mang giấy tờ nhà hoặc tài sản đến cầm cố để được chơi tiếp. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc “bát họ” với lãi suất từ 50-180%/năm.

Các đối tượng cảnh giác không để tài liệu sổ sách, tang vật ở nhà mà cất giữ ở nơi bí mật hoặc gửi nhà người quen; không dùng vũ lực hay các “chiêu trò” xấu như ném chất bẩn, chất thải hoặc đe dọa người thân thích của “người vay nợ” mà chúng đi sâu tìm hiểu, nắm điểm yếu của các đối tượng đánh bạc để đe dọa, ép trả tiền.

Nhận diện loại tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi này không khó. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là: Lợi dụng nhu cầu vay tiền của người dân, các đối tượng tổ chức tuyên truyền, quảng cáo trên mạng xã hội, dán tờ rơi, quảng cáo trên các tuyến đường đi, các khu công nghiệp, khu vực trường học có đông học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động…

Khi vay tiền, các cơ sở cho vay không làm hợp đồng vay mà chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản, sau đó, cho chủ nhân thuê lại tài sản với giá cao. Dù đã được báo đài, mạng xã hội cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sa chân vào bẫy tín dụng đen chỉ vì cần tiền làm ăn, cần tiền cho việc gấp. Trong khi thủ tục vay tiền ngân hàng khá rườm rà, cần nhiều giấy tờ ràng buộc cũng như phải có thế chấp thì với vay “tín dụng đen”, người vay chỉ cần CMND, hộ khẩu là muốn vay bao nhiêu cũng được.

Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, thì chính những người dân cũng cần nâng cao bài học cảnh giác cao độ như không nên vay tiền tại các cửa hiệu cầm đồ, hỗ trợ tài chính, bởi lãi suất rất cao. Khi có đối tượng vào nhà đe doạ, ném chất bẩn để đòi nợ cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiền Trâm
.
.
.