Cảnh sát công nghệ cao xứ Thanh

Thứ Sáu, 24/05/2019, 11:16
Thành lập năm 2011, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá hàng chục vụ án, trong đó có nhiều chuyên án lớn về cờ bạc, cá độ trên mạng, tống tiền qua mạng, góp phần giữ bình yên cho xứ Thanh.


Tôi hơi bất ngờ khi đến trụ sở Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vì… đơn giản hơn hình dung trước đó, bởi ngoài bàn làm việc, tủ hồ sơ như tất cả các đơn vị Công an ở cơ sở, cũng chỉ có 2 chiếc máy vi tính để bàn. Hôm chúng tôi đến, anh em trong đội đều đi công tác ở cơ sở nên có mỗi Trung tá Vũ Đình Thành, Đội trưởng ở “nhà”.

Trung tá Thành là người cởi mở và vui chuyện, nhắc lại những ngày đầu cách đây 8 năm, anh bảo rằng không nghĩ mình lại có "duyên" gắn bó với việc này. Năm 2011, đang công tác ở Đội Công nghiệp, Trung tá Thành nhận lệnh chuyển sang làm Đội trưởng một đội “mới tinh”, đó là Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Gọi là Đội cho… oách chứ ngày ấy chỉ có vẻn vẹn… 5 người, gồm 2 cán bộ từ Đội Công nghiệp chuyển sang, 2 cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và 1 cán bộ tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ của Học viện An ninh nhân dân.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã biết tận dụng tối đa những ưu điểm của công nghệ để làm phương tiện thực hiện các hoạt động phạm tội. Không những thế, các chứng cứ phản ánh hoạt động phạm tội về mạng máy tính thường tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử, ẩn trong các thiết bị lưu trữ và rất dễ bị xóa bỏ, thay đổi, làm ẩn, mã hóa. 

Dương Bá Liệu bị bắt khi đang tổ chức đánh bạc qua mạng tại nhà.

Đặc thù tội phạm như vậy đòi hỏi những người làm nhiệm vụ chuyên trách phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngoài giỏi về nghiệp vụ Công an thì còn phải giỏi về công nghệ. Vì thế, sau khi nhận nhiệm vụ, anh em trong đội đều xác định phải lao vào học để nâng cao trình độ, từ cách sử dụng phần mềm chuyên dụng, kỹ thuật khôi phục dữ liệu, phương pháp chuyển hóa dữ liệu điện tử…

Trong những vụ án mà Đội đã làm, đáng nhớ là vụ “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” ở Công ty CP  Đào tạo mua bán trực tuyến MB24 Chi nhánh Thanh Hóa.

Cuối năm 2011, qua công tác nghiệp vụ, trinh sát phát hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Công ty MB 24 Chi nhánh Thanh Hóa có dấu hiệu gian dối bằng hình thức bán các gian hàng ảo trên mạng tại website MB24.vn. 

Từ thông tin thu thập được, lãnh đạo Đội đã báo cáo chỉ huy Phòng CSKT đề nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh cho lập chuyên án đấu tranh. Ngay sau chuyên án được xác lập, suốt nhiều tháng, các trinh sát phải “lê la” tại nhiều quán cà phê ở TP Thanh Hóa, nơi các nhân viên MB24 thường xuyên lui tới  để lôi kéo người dân tham gia. Chỉ sau một thời gian điều tra, hồ sơ về quá trình hoạt động của Chi nhánh MB24 Thanh Hóa đã dầy lên.

Chi nhánh MB24 Thanh Hóa được điều hành bởi Nguyễn Văn Huy (Giám đốc) và Lê Ngọc Chung (Phó giám đốc). Dù được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép kinh doanh với 22 ngành nghề, nhưng từ tháng 7-2011 đến 7-2012, Huy và Chung không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào như giấy phép. Công việc chính của cả hai là tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động, lôi kéo người dân tham gia mua bán gian hàng ảo trên mạng tại website MB24.vn. 

Với thủ đoạn lôi kéo người tham gia bằng bán 1 gian hàng ảo với giá 5,2 triệu đồng, nếu giới thiệu bán được 1 gian hàng ảo lập tức được thưởng 1,5 triệu đồng, ngoài ra còn có những cách thưởng khác khi giới thiệu được nhiều người tham gia mua, chỉ trong thời gian ngắn, Chi nhánh MB24 Thanh Hóa của Huy - Chung đã phát triển hệ thống hội viên ở tất cả các  huyện, thị xã ở Thanh Hóa và 38 tỉnh, thành trên toàn quốc với số lượng tới 2.803 người, mua 8.219 gian hàng ảo với số tiền lên tới 43 tỉ đồng.

Lập tức, Ban chuyên án quyết định phá án, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam, khám xét trụ sở và nhà riêng của Nguyễn Văn Huy và Lê Ngọc Chung khiến các đối tượng cầm đầu không kịp tiêu hủy tài liệu. Khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án có tới 2.000 bút lục. Mặc dù các bị can thay rất nhiều luật sư, thậm chí ra tòa thay đổi lời khai nhưng với chứng cứ của cơ quan điều tra, qua hai phiên tòa, Huy bị giữ nguyên mức án 13 năm tù, Chung 12 năm tù.

Trung tá Thành kể rằng khi phá vụ án này, anh có một kỷ niệm “nhớ đời”. Đầu giờ chiều ngày 20-8, trước khi phá án, theo yêu cầu của Ban chuyên án xác định lần cuối cùng các đối tượng cầm đầu có ở trụ sở hay không, cán bộ nữ duy nhất của đội, nhận nhiệm vụ đến trụ sở của Chi nhánh MB24 Thanh Hóa để xác minh có đối tượng ở trụ sở thì báo về, sau đó rút ngay. Thời điểm ấy chị đang mang bầu tháng thứ 8 và theo chẩn đoán của bác sĩ thì khoảng 10 ngày nữa sẽ sinh. 

Chiều hôm đó, anh em đồng loạt khám xét tại 3 địa điểm nên công việc rất bận rộn. Sáng hôm sau, khi vừa đến đơn vị, Đội trưởng Thành nhận điện thoại của người nhà cán bộ xin phép nghỉ vì tối hôm trước chị đã… sinh con. Hóa ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, nữ cán bộ này về nhà rồi sau đó chuyển dạ nên vào bệnh viện luôn. Sau này, anh em trong đội vẫn nói đùa may mà đến tối cô ấy mới sinh, chứ lại chuyển dạ đúng lúc đang đi xác minh thì không biết phải xử lý kiểu gì.

Nhưng vụ MB24 chỉ là một trong nhiều chuyên án lớn mà Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệt phá trong những năm qua. Từ khi Internet trở nên phổ cập, thì tình trạng đánh bạc trực tuyến và cá độ bóng đá qua mạng Internet đang trở nên phổ biến, lan rộng trên cả nước với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Một trong những vụ đánh bạc khủng bị triệt phá thời gian qua ở phía Bắc là vụ bắt đường dây cờ bạc do Dương Bá Liệu cầm đầu với số tiền đánh bạc lên đến 5.000 tỷ đồng.

Tháng 4-2014, Đội phát hiện đường dây đánh bạc qua mạng với quy mô lớn nên đề xuất lập chuyên án đấu tranh với lực lượng phối hợp gồm: CSKT, CSHS, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Sau thời gian trinh sát, chân dung “ông trùm” Dương Bá Liệu được làm rõ. 

Liệu SN 1966 ở Nam Định, là đối tượng cộm cán, đã có tiền án. Sau khi vào Thanh Hóa, Liệu hình thành đường dây cờ bạc, cá độ. Sau đó, Liệu liên hệ với Trần Thị An (ở Vụ Bản, Nam Định) để mua tài khoản đánh bạc trên 2 trang mạng là www.Bos168.us sau đó đổi thành www.Bos88.us và www.Bra.lvs1168.com. 

Từ các tài khoản tổng mua của An, Liệu chia thành các tài khoản để bán cho các con bạc hoặc trực tiếp bán tài khoản tổng của mình cho con bạc. Liệu bán các tài khoản cho con bạc có số điểm ảo để đánh bạc, mỗi điểm trị giá 50.000 đồng và thanh toán trực tiếp bằng tiền; mỗi lần đánh bạc các con bạc thường mua số tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng. 

Khi con bạc đánh thua hết tiền thì chỉ cần gọi điện, Liệu sẽ nạp thêm điểm vào tài khoản; nếu thắng muốn lấy tiền mặt thì cũng chỉ cần gọi điện Liệu sẽ rút điểm và trả tiền mặt tương ứng với số điểm thắng. Để lôi kéo con bạc, Liệu sẵn sàng cho con bạc ứng trước điểm. Nhưng khi thua bạc, những con bạc không có tiền thanh toán sẽ bị Liệu cho các đối tượng xã hội đen đòi nợ…

Sau khi lập chuyên án, suốt 3 tháng trời, các trinh sát đã đi nhiều địa phương thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc tổ chức đánh bạc, đánh bạc của đường dây tội phạm này và phát hiện Dương Bá Liệu tổ chức cho hàng nghìn con bạc ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đánh bạc trực tuyến.

Cùng với thu thập chứng cứ, một việc quan trọng được các thành viên Ban chuyên án quan tâm là tìm phương án thâm nhập vào nhà Dương Bá Liệu. Ngôi nhà tại số 93, đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, được Liệu xây năm 2012. Tại ban công tất cả các tầng nhà Liệu đều hàn lồng sắt kiểu chuồng cọp phía trước. Quanh nhà Liệu cho lắp hệ thống camera theo dõi, thiết kế nhiều lớp cửa. Khi có ai đến gọi cửa, qua camera xác định đúng người quen hoặc con bạc đến đánh bạc Liệu mới mở cửa.

Để có thể thâm nhập nhà Liệu, phương án dùng máy cắt để cắt hàng rào sắt được các anh lựa chọn. Nghĩa là trước khi phá án, anh em đã phải thực nghiệm để chậm nhất sau 1 phút phải cắt xong hàng rào để vào.

18h ngày 6-7-2014, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công  nghệ cao, lực lượng phá án đã thâm nhập vào nhà đối tượng Dương Bá Liệu, bắt quả tang 3 đối tượng đang đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa qua mạng Internet, thu nhiều tài liệu liên quan đến việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc. 

Sau đó, Ban chuyên án tiếp tục tổ chức bắt, khám xét tại các điểm ở thị xã Bỉm Sơn, huyện Hậu Lộc, huyện Hà Trung và huyện Vụ Bản (Nam Định), đánh sập toàn bộ đường dây này. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến khi bị bắt đã có khoảng 40 đầu mối ở 7 huyện, thị xã của các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình mua trang mạng của Liệu để đánh bạc với số tiền lên đến gần 5.000 tỉ đồng…

Còn nhiều lắm những câu chuyện về những người làm nhiệm vụ chống tội phạm công nghệ cao ở đây, bởi 8 năm qua Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phá hàng chục vụ án, góp phần giữ bình yên cho xứ Thanh.

Nguyễn Thiêm
.
.
.