Cảnh sát đường thuỷ, cái nhìn từ đời thực

Thứ Tư, 02/08/2017, 17:00
Từng nhiều lần sát cánh với CSĐT, tôi phần nào hiểu được những gian nan, vất vả của lực lượng này. So với các lực lượng khác trong ngành Công an thì CSĐT là một trong những lực lượng vất vả nhất.


Cơn mưa rào bất ngờ ào ào trút xuống giữa đêm khiến Trung tá Vũ Văn Ngọc, nguyên cán bộ Đội Thanh tra kiểm soát (TTKS) giao thông đường thuỷ số 1, Phòng Cảnh sát đường thuỷ  Công an TP Hà Nội bật dậy, lao ra khỏi giường.

Cầm vội chiếc mũ cối vẫn để ở góc bàn, anh định mở cửa chạy ra để đi tát nước xuồng. Thấy chồng bật dậy, vợ anh Ngọc cũng giật mình dậy theo. Ra đến cửa, anh Ngọc khựng lại vì chợt nhớ ra mình đang ngủ ở nhà và đang nghỉ chờ hưu.

Suốt đêm đó và những đêm mưa, anh không tài nào ngủ được bởi nghề nghiệp đã ngấm vào máu mấy chục năm trời từ lúc bước chân vào ngành Công an đến khi nghỉ hưu đã trở thành phản xạ khiến anh không thể bỏ.     

Không chỉ anh Ngọc mà tất cả CBCS công tác ở lực lượng Cảnh sát đường thuỷ (CSĐT) đều có chung phản xạ đó. Bởi đã làm công tác này thì thuyền là nhà, xuồng là phương tiện đi lại chính. Kể cả những nơi có trụ sở ở trên bờ thì xuồng vẫn phải neo ở dưới sông.

Xuồng tuần tra của lực lượng CSGT được thiết kế hở phía sau, chỉ che ở phía trước, nếu mưa to, nước sẽ chảy vào trong gây chìm xuồng, thiệt hại tài sản cho Nhà nước và không có phương tiện để làm nhiệm vụ.

Chính vì vậy, CBCS nào trực ở đơn vị nếu gặp trời mưa thì bất kể là lính trẻ hay chỉ huy đều phải dậy để tát nước xuồng. Mưa càng to thì phải tát càng nhanh mới "cứu" được xuồng.

Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội TTKS giao thông đường thuỷ số 1 - từng xuất thân từ lính hình sự của Công an Hà Tây (cũ), mới về CSĐT ngót chục năm nhưng cũng "nằm lòng" phản xạ tát nước xuồng mỗi khi trời mưa.

Anh Chuẩn cho biết: "Khổ nhất là những hôm mưa bão hoặc mưa dầm tháng 7, tháng 8. Mưa to, áo mưa mặc cũng như không nên cứ tát nước xong là ướt như chuột từ đầu đến chân, vừa vào nhà thay xong bộ quần áo khác thì trời lại đổ mưa tiếp, lại ra tát, lại ướt... cứ thế có khi 3-4 lượt vẫn không hết mưa. Nhiều khi không còn quần áo khô để thay hoặc chả muốn thay nữa đành cứ mặc nguyên đồ ướt để chạy ra chạy vào cho tiện".

Cán bộ Cảnh sát đường thuỷ Hải Phòng vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

Từng nhiều lần sát cánh với CSĐT, tôi phần nào hiểu được những gian nan, vất vả của lực lượng này. So với các lực lượng khác trong ngành Công an thì CSĐT là một trong những lực lượng vất vả nhất. Môi trường làm việc chủ yếu là trên mặt nước - nơi mùa đông thì rét cắt da thịt, mùa hè thì trên nắng hắt xuống, dưới nóng bốc lê nhầm hập khiến không khí cực kỳ nóng bức, ngột ngạt.

Trụ sở làm việc của Phòng CSĐT hoặc Đội CSĐT tại các địa phương đa phần là ở các bờ sông, cách xa khu dân cư nên việc sinh hoạt, công tác của anh em cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài giờ làm việc, anh em chỉ biết bầu bạn với chiếc đài, ti vi, ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài.

Đối với tàu là trụ sở, lúc tàu chạy hoặc đỗ tại trụ sở thì "câu điện" từ trên bờ mới có điện dùng để nghe đài, xem ti vi, còn khi thả neo nghỉ ngơi trên đường tuần tra, anh em thường tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu, đó cũng là lúc "được nghỉ mà như không". Cũng chính vì trụ sở ở xa khu dân cư nên anh em cũng khó tranh thủ về nhà, giúp đỡ vợ con.

Nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, lãnh đạo Cục CSGT đến nhà Trung tá Đỗ Văn Chuẩn để thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Đỗ Văn Luật, hi sinh trên chiến trường miền Trung năm Mậu Thân 1968 là bố của anh, chị vợ anh có nói vui rằng: "Anh ấy về nhà nhiều đến nỗi không biết lọ dầu gội đầu để ở đâu"...

Trụ sở Đội CSĐT, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cũng là chiếc tàu trên sông, anh em phải bắc một chiếc cầu bằng mấy tấm ván ghép mới ra được. Mọi công tác, sinh hoạt của CBCS đều trên chiếc tàu khoảng vài chục mét vuông ấy. Không chỉ ở Bắc Giang mà hầu hết các đội CSĐTcũng đều làm việc trên thuyền.

Sở dĩ như vậy, vì kinh phí khó khăn, chưa có điều kiện làm trụ sở trên bờ nên anh em phải khắc phục. Có lần tôi đi công tác ở Đội CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đúng vào hôm trời nổi giông lớn. Con tàu vài chục mét vuông bít bùng trong mưa gió, chòng chành nhào lên thụp xuống khiến đầu óc tôi choáng váng.

Bám bặt vào thành chiếc giường trên tàu nhưng tôi vẫn "mật xanh mật vàng" vì bị rung lắc mạnh, xô sang bên nọ chưa kịp định thần thì sóng, gió lại đẩy sang bên kia. Anh em CBCS trong đội đều đi tát nước xuồng nên trên tàu chỉ còn mấy người trong đoàn chúng tôi. Sấm sét réo liên hồi nhưng CBCS trong Đội không ai dừng công việc của mình.

Cán bộ Cảnh sát đường thuỷ giúp cháu bé đeo công cụ nổi khi đi phà.­

Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ trong cơn giông, tôi cảm thấy mình không còn đứng vững, tưởng ngất xỉu đến nơi. Đến lúc đó, CBCS trong Đội mới lướt thướt từ dưới sông lên, tranh thủ dội nước cho hết bùn đất để thay quần áo khô.

Lúc đó, tôi mới có dịp nhìn kỹ con tàu - nơi vừa là trụ sở làm việc vừa là nơi ăn ở, sinh hoạt của 8 CBCS. Tài sản đáng giá nhất có lẽ là chiếc bàn sắt, chân hàn cố định, bên cạnh là tủ đựng hồ sơ - nơi anh em làm việc. Mọi sổ sách, giấy tờ hàng ngày được đựng trong ngăn tủ đó.

Kế đến là hệ thống liên lạc, mặc dù theo CBCS ở đơn vị thì hệ thống này không phải lúc nào cũng thông suốt, nên anh em muốn liên hệ với nhau hay với đơn vị ở trung tâm, thường phải dùng điện thoại cá nhân.

Chiếc ti vi cũ màn hình cong cũng là tài sản đặc biệt trong "căn nhà" này bởi đó là phương tiện để anh em nắm được tin tức ở bên ngoài. Ngoài những thứ quý giá trên, thì tất cả mọi thứ dành cho sinh hoạt hằng ngày đều ở dạng tối giản nhất có thể...

Không chỉ ở Hà Nam hay Bắc Giang mà ở hầu hết tất các đơn vị CSĐT đều chung tình trạng như vậy. Kể cả ở những đơn vị có Phòng CSĐT riêng, không chung với CSGT đường bộ thì cũng chỉ có trụ sở phòng ở trên bờ sông, còn các đội, trạm, điểm tuần tra đều ở trên con tàu.

Đây vừa là phương tiện tuần tra, vừa là nơi làm việc, sinh hoạt của CBCS, thậm chí vừa là tàu cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có việc đột xuất xảy ra.

Cảnh sát đường thuỷ giúp dân chằng chống tàu, thuyền trong cơn bão số 2 vừa qua.

Thượng tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS đường thuỷ nội địa, Cục CSGT cho biết, có nhiều đơn vị tàu tuần tra đã quá cũ, công suất yếu, niên hạn khoảng hơn 20 năm, không còn đảm bảo an toàn nhưng cũng chưa có điều kiện thay thế (một con tàu tuần tra mới đảm bảo tuần tra dài ngày có giá tương đương 20 xe ô-tô tuần tra trên đường bộ). Chính vì vậy, CBCS làm việc tại các điểm tuần tra chủ yếu là ăn ở tạm bợ trên tàu hoặc nhà lán ở dưới sông.

Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, mà trang thiết bị dành cho lực lượng này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là trang thiết bị kỹ thuật phát hiện xử lí vi phạm hành chính thì hầu như không có nên việc phát hiện các vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn.

Như việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng khai thác cát sai phép, quá phép, lực lượng chức năng phải mượn máy định vị của các đơn vị nghiệp vụ.

Cái khó nhất đối với CSĐT hiện nay đó là hệ thống bến bãi tạm giữ phương tiện không có nên tính cưỡng chế trong xử lí vi phạm chưa thực hiện được. Chính vì vậy, khi phát hiện các vi phạm, CSĐT chỉ còn cách phạt rồi cho tồn tại bởi không có bến để sang tải, tạm giữ phương tiện.

Nghị định 115 về Quản lý tang vật vi phạm đã quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch bến tạm giữ phương tiện, nhưng hiện nay hầu như chưa địa phương nào quan tâm nên mọi khó khăn đổ dồn lên lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là cái tình của CBCS CSĐT đối với nhau và đối với cả người dân vi phạm.

Anh em trong đội sống với nhau trên một chiếc tàu hoặc lán tạm ven bờ sông xa khu dân cư nên luôn yêu thương nhau như một gia đình, không ai nề hà, ngại ngần khi giúp đỡ nhau bất cứ việc gì.

Đặc biệt là khi ốm đau, nóng sốt ở giữa sông, mọi việc đều trông nhờ vào đồng đội, hay khi gia đình ai có việc, mọi người đều xúm tay vào giúp đỡ.

Chính vì vậy, có nhiều anh, khi được chuyển ra lực lượng khác đỡ vất vả hơn nhưng lại tình nguyện xin ở lại bởi không muốn xa rời ngôi nhà thứ 2 của mình và cũng bởi, anh em sống với nhau thân thuộc đã lâu, sợ đi đơn vị khác không quen, không hợp.

Đối tượng làm việc của CSĐT cũng đặc biệt hơn bất cứ đơn vị nào bởi những người sinh sống, làm việc trên đường thuỷ đa phần là những người dân nghèo, lao động thủ công, hiểu biết pháp luật hạn chế. Đối với họ, CSĐT gần gũi như bạn, như người thân.

Khi xử phạt vui vẻ nhận vi phạm nhưng chỉ xin được nộp phạt dần vì không có đủ tiền hay có tiền thì làm cách nào vào bờ, đi bằng gì đến kho bạc nộp phạt. Khi đau yếu, trái gió trở trời, họ ghé vào thuyền của CSĐT nhờ trợ giúp là chuyện bình thường. Kể cả khi vi phạm bị tạm giữ phương tiện, đến bữa, họ nấu cơm đều không quên hỏi anh em CSĐT có ăn không để họ nấu.

Hay như ở các làng chài, CSĐT không chỉ là người điều tra, quản lí nhân hộ khẩu mà chính những cán bộ này còn là thầy giáo, là bạn để người dân nhờ cậy, tin tưởng mỗi khi có việc cần...

Khi đó, tâm tư nhất của CSĐT là giải quyết giữa cái lý và tình người. Mong sao người dân mưu sinh trên đường thuỷ có cuộc sống tốt hơn bằng nghề của mình thì bài toán giải quyết mâu thuẫn giữa mưu sinh và chấp hành pháp luật mới có lời giải thực tiễn.

Phương Thuỷ
.
.
.