Cáo buộc mới đối với Tập đoàn Johnson & Johnson

Thứ Bảy, 22/12/2018, 20:43
Ngay sau khi hãng Reuters đăng tải phát hiện mới, giá cổ phiếu của Tập đoàn Johnson & Johnson đã sụt giảm hơn 10% hôm 14-12. Đây là mức sụt giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2002, khiến giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn Johnson & Johnson giảm tới 40 tỉ USD.


Để đưa ra thông tin gây chấn động, hãng Reuters đã tiến hành cuộc điều tra kéo dài, trong đó phân tích hàng ngàn tài liệu của chính Tập đoàn Johnson & Johnson.

Theo kết quả điều tra, từ năm 1971 đến những năm 2000, Tập đoàn Johnson & Johnson đã tiếp thị các sản phẩm phấn rôm có thành phần chính là bột talc thỉnh thoảng chứa một lượng nhỏ amiăng (asbestos). Những lãnh đạo và các bộ phận liên quan của Tập đoàn Johnson & Johnson biết điều này từ lâu, nhưng họ quyết định không tiết lộ, cũng như không báo cho nhà chức trách.

Không những không thông báo, Tập đoàn Johnson & Johnson còn chi hoa hồng và trả tiền cho những nghiên cứu được thực hiện đối với dòng sản phẩm phấn rôm trẻ em, rồi thuê người viết bài đăng trên tạp chí nghiên cứu.

"Hàng ngàn cuộc xét nghiệm độc lập đã chứng minh phấn rôm trẻ em của chúng tôi không hề chứa chất amiăng hoặc gây ung thư", đại diện của Tập đoàn Johnson & Johnson phản ứng trước thông tin của hãng Reuters. Các luật sư của Tập đoàn Johnson & Johnson thậm chí còn tuyên bố, điều tra của hãng Reuters chỉ mang tính một chiều, sai sự thật và khiêu khích - đây là một thuyết âm mưu phi lý.

Thông tin của hãng Reuters được đưa ra đúng thời điểm Tập đoàn Johnson & Johnson đang phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện xung quanh cáo buộc - các sản phẩm có chứa amiăng gây ung thư cho người sử dụng trong hàng thập kỷ. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế cho biết, amiăng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng.

5 tháng trước, một bồi thẩm đoàn ở bang Missouri, Mỹ đã buộc Tập đoàn Johnson & Johnson phải bồi thường gần 4,7 tỉ USD (bồi thường 550 triệu USD và 4,1 tỉ USD, tiền khắc phục thiệt hại hậu quả) cho 22 phụ nữ - những người bị ung thư buồng trứng sau khi dùng phấn rôm của hãng này.

Trong số 22 phụ nữ kể trên, có 6 người đã tử vong do ung thư buồng trứng. Bà Krystal Kim, 53 tuổi, 1 trong những người đệ đơn kiện tuyên bố, sản phẩm Baby Powder phải bị rút khỏi kệ hoặc phải được dán nhãn cảnh báo.

Vẫn theo điều tra kể trên của hãng Reuters, những phát hiện về bột talc nhiễm amiăng của Tập đoàn Johnson & Johnson có từ năm 1957. Và từ khi đó đến đầu những năm 2000, hàng loạt báo cáo vào các thời điểm khác nhau của các nhà khoa học tại Tập đoàn Johnson & Johnson, phòng thí nghiệm bên ngoài và nhà cung cấp của hãng này cũng cho kết quả tương tự.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Johnson & Johnson đã và đang đối mặt với hơn 10.000 vụ kiện, xung quanh cáo buộc sản phẩm phấn rôm trẻ em (Baby Powder) và sữa tắm (Shower to Shower) chứa chất gây ung thư buồng trứng. Có tới 70% khách hàng sử dụng phấn rôm Baby Powder của Johnson & Johnson tại thị trường Mỹ là phụ nữ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thay cho mọi phụ nữ bị ảnh hưởng bởi sản phẩm nguy hiểm này", ông Mark Robinson, luật sư của bà Eva Echeverria tuyên bố hơn 1 năm trước (tháng 8-2017). Đồng thời khẳng định, sẽ kháng án cho dù thân chủ qua đời.

Khi phát biểu tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 8-2017, luật sư Mark Robinson tuyên bố, Johnson & Johnson đã khuyến khích phụ nữ dùng các sản phẩm của hãng này mặc dù biết rõ về các kết quả nghiên cứu có liên quan tới ung thư buồng trứng. Và theo phán quyết hôm 21-8-2017 của bồi thẩm đoàn Los Angeles, Tập đoàn Johnson & Johnson phải chi 70 triệu USD để bồi thường thiệt hại và 347 triệu USD là số tiền phạt.

Nhưng hôm 20-10-2017, Thẩm phán Maren Nelson đã đảo ngược bản án kể trên. Khi đó hãng Reuters dẫn tuyên bố của Thẩm phán Maren Nelson, khi đưa ra phán quyết có lợi cho Tập đoàn Johnson & Johnson - bản án sơ thẩm yêu cầu bồi thường 417 triệu USD cho bà Eva Echeverria, 63 tuổi có nhiều bất hợp lý.

Hơn 1,5 năm trước (4-5-2017), tòa án Saint Louis ở bang Missouri (Mỹ) từng ra phán quyết, theo đó Johnson & Johnson phải bồi thường hơn 110 triệu USD cho bà Lois Slemp, người được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng từ năm 2012.

Theo cáo buộc của bà Lois Slemp (sống ở bang Virginia, Mỹ), nguyên nhân của căn bệnh ung thư buồng trứng là do sử dụng sản phẩm có chứa phấn rôm Johnson's Baby Powder và Shower to Shower trong gần 40 năm.

Ngoài những bê bối về sản phẩm có chứa phấn rôm, Johnson & Johnson còn phải giải quyết các vụ kiện có liên quan tới Risperdal bởi cho đến nay có khoảng 13.000 đàn ông Mỹ đã và đang kiện Tập đoàn này về loại thuốc gây tác dụng phụ khiến ngực họ phát triển giống như phụ nữ.

Trọng Hậu
.
.
.