Cắt bỏ bướu "khổng lồ" trong bụng 2 bệnh nhân

Thứ Tư, 21/09/2016, 11:13
"Hơn 30 năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là lần đầu tiên tôi thấy hai khối bướu to như vậy. Hai trường hợp này là những ca bệnh chữa trị rất khó khăn, lúc đầu tưởng như không phẫu thuật được vì khối bướu quá to, xâm lấn vào các mạch máu trong ổ bụng...

Chúng tôi đã nghĩ đến trường hợp mở bụng ra nếu thấy khả năng không thể loại bỏ được khối bướu thì phải đóng lại vì nếu không thận trọng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân… Tuy nhiên, may mắn là cả hai ca đều phẫu thuật thành công", TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

2 khối bướu "khổng lồ"

Chiều 13-9, TS.BS Thái Minh Sâm cho biết: lần đầu tiên Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận và can thiệp phẫu thuật thành công cho hai bệnh nhân bị bướu sau phúc mạc "khổng lồ" có tổng trọng lượng 14kg như những phụ nữ đang mang bầu.

Theo TS.BS Thái Minh Sâm, bướu sau phúc mạc, hay còn gọi nôm na là bướu sau - dưới khoang bụng chủ yếu được hình thành từ trung mô, tế bào thần kinh, tế bào mầm. Loại bướu này 90% là u ác tính, phải điều trị chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật, còn hai phương pháp hóa trị và xạ trị ít có tác dụng. Việc mổ để lấy những bướu to sẽ mất nhiều thời gian, do các mô bướu đã ăn bám chặt vào các mạch máu, gây chảy máu nhiều khi phẫu thuật.

TS.BS Thái Minh Sâm.

Bệnh nhân thứ nhất là ông Đỗ Đức L. (60 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng, bụng chướng lớn như thai phụ mang thai 8 tháng. Khai thác bệnh sử ghi nhận, khoảng 2 năm trước, bệnh nhân này có biểu hiện khó chịu, bụng bắt đầu to dần.

Tuy nhiên, do người bệnh sống ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về kiến thức y khoa nên không đi điều trị. Dù sau đó bệnh nhân có đi khám ung bướu và được bác sĩ cho biết nghi ngờ u ác tính nhưng ông vẫn không điều trị mà về nhà uống thuốc Nam. Không những không bớt, khối bướu của ông còn càng ngày càng lớn và gây đau bụng khó thở nhiều hơn, ăn uống kém nên mới đây ông đến khám ở BV Chợ Rẫy.

Tại đây, qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện một khối bướu lớn đặc sau phúc mạc, diện tích khoảng 56x30cm. Khối bướu choáng hết ổ bụng, xâm lấn, đẩy nội tạng bệnh nhân về phía trước. Bệnh nhân được làm sinh thiết khối bướu, may mắn kết quả cho thấy đây là khối bướu lành tính. Do đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật giải phóng khối bướu. Sau 5 giờ bóc tách, khối bướu được lấy ra an toàn, nặng đúng 6,7kg. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định dần và đã được xuất viện.

Hình chụp CT cho thấy các khối bướu lớn chiếm trọn ổ bụng và chèn ép các cơ quan nội tạng khác.

Cũng mang khối bướu lớn sau phúc mạc, anh Vũ Bảo C. (30 tuổi, ngụ ở tỉnh Sóc Trăng) được đưa đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng bụng to, đau bụng, khó thở. Bệnh nhân cho biết trong 4 tháng qua, bụng anh ngày một to bất thường.

Qua phim chụp CT, các bác sĩ thấy một khối bướu chiếm trọn vùng bụng bên phải. Đặc biệt, do khối bướu quá to nên đã đẩy quả thận trái sang hẳn bên phải,  khiến cho bệnh nhân này thoạt đầu giống như có hai quả thận ở bên phải. Sau khi xem xét kỹ các yếu tố cơ bản, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 1/9 thuận lợi do các bác sĩ đã có kinh nghiệm từ ca phẫu thuật của bệnh nhân đầu tiên; khối bướu lấy ra có diện tích 53x35cm, nặng 7,3kg. Bệnh nhân ổn định và được xuất viện 4 ngày sau đó.

Theo TS.BS Thái Minh Xâm, hai ca mổ cho bệnh nhân này gặp khá nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của bác sĩ. Khối bướu đã xâm lấn vào các mạch máu tăng sinh và chèn ép ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng trong ổ bụng,vì thế trong khi phẫu thuật nếu sơ xuất sẽ có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Cũng cần lưu ý là trong khi phẫu thuật, các bác sĩ đã phải truyền nhiều đơn vị máu cho bệnh nhân bởi khi cắt bỏ khối bướu đã khiến bệnh nhân chảy nhiều máu.

Hai khối bướu có tổng trọng lượng 14kg.

"Thực tế, khi hội chẩn trước lúc mổ, chúng tôi đã nghĩ đến trường hợp mở bụng bệnh nhân ra nếu thấy khả năng không thể loại bỏ được khối bướu thì phải đóng lại vì nếu không thận trọng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân… Tuy nhiên, may mắn là cả hai ca đều phẫu thuật thành công", TS.BS Thái Minh Sâm chia sẻ.

Cũng theo TS.BS Thái Minh Sâm, bướu sau phúc mạc thường gặp ở bệnh nhân độ tuổi từ 20-50. Bướu sau phúc mạc phần lớn là tế bào trung mô có nguồn gốc từ phôi thai nên đa số là dạng bướu ác tính và dễ tái phát. Tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm, các bác sĩ phẫu thuật cho khoảng 70-80 bệnh nhân mang bướu sau phúc mạc. Tuy nhiên, đa số các ca bệnh trước, khối bướu chỉ có kích thước nhỏ như nắm tay, to hơn thì như trái bưởi, riêng hai ca bệnh trên là những người mang bướu khổng lồ sau phúc mạc lần đầu tiên được phẫu thuật cắt bỏ tại BV này.

Hiện nguyên nhân gây ra bướu chưa thể xác định và cũng chưa có giải pháp can thiệp triệt để. Giải pháp phẫu thuật sẽ hạn chế sự phát triển của bướu, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Những bệnh nhân sau mổ bị bướu tái phát sẽ phải phẫu thuật lại.

Nên khám sức khỏe định kỳ

Cũng tương tự như hai trường hợp bệnh nhân nam kể trên, cuối năm 2015 vừa qua một trường hợp bệnh nhân nữ khác cũng bị bướu sau phúc mạc nên phải mang "bụng bầu" khổng lồ nặng tới 19kg suốt hai năm trời đã được các bác sĩ của BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công. Bệnh nhân này là bà L.T.N (48 tuổi, ngụ tại phường 11, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).

Theo bà N., cách đó 2 năm, bụng bà bỗng nhiên xuất hiện một cục to bằng quả cam. Do bản thân biết đã mãn kinh mấy năm trước và đã cắt tử cung và hai phần phụ do lạc nội mạc tử cung nên bà biết chắc không thể có chuyện bà mang bầu. Nhưng nhiều người thấy bụng bà ngày càng to lại cứ nghĩ bà đang có bầu.

Bụng bệnh nhân Vũ Bảo C. trước và sau khi mổ.

Thấy bất thường bà đã đến BV Chợ Rẫy khám bệnh thì biết mình đang mang khối u bướu sau phúc mạc, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật. Tuy nhiên, bà không chữa trị ngay mà về nhà tự mua một số loại thuốc như trinh nữ hoàng cung, bồ công anh về uống vì bận rộn phải đưa đón con đi học, cơm nước, việc nhà…

Tuy nhiên, khối bướu ngày càng phát triển lớn khiến bà N. luôn bị đau hông lưng. Đến khi không thể chịu nổi các cơn đau, bà này mới đến BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh để được chữa trị.

Theo bác sĩ của BV Ung bướu, bà N. bị bướu sau phúc mạc, bướu chiếm trọn ổ bụng. Do bướu lớn nên đã đẩy thận trái lên cao và sang phải, thận trái đã bị ứ nước độ III. Kết quả CT thấy bướu cấu trúc hỗn hợp có thành phần mô không đồng nhất, bắt thuốc cản quang không đều. Cực dưới bướu xuống sát trước đáy bàng quang, kích thước 260 x 330mm…

Ca mổ cắt bướu sau phúc mạc cho bệnh nhân N. kéo dài 2 tiếng đồng hồ, lượng máu mất 500 ml. Do bướu to đẩy ngược hết các cơ quan nội tạng, trong đó thận bị mỡ bao quanh nên các bác sĩ phải vất vả lấy hết mỡ ra. Khi mổ phải đẩy ruột ra trước mới lấy khối bướu.

Do tim của bệnh nhân đã quen với áp lực khi có bướu to nên cũng phải truyền máu, truyền dịch thêm cho bệnh nhân. Sau khi lấy được khối bướu ra, các bác sĩ đo được khối bướu có đường kính lớn nhất 350mm, nặng tới 19 kg. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn. Kết quả chẩn đoán sau mổ cho thấy bà N. bị sarcôm mỡ dạng niêm sau phúc mạc.

Theo các bác sĩ BV Ung bướu, lâu nay khoa Ngoại 2 phẫu thuật cho các bệnh nhân bị u sau phúc mạc khá nhiều, nhưng chủ yếu là các khối u chỉ vài ký trở xuống. Việc phẫu thuật lấy khối u khổng lồ nặng đến 19kg như trường hợp của bệnh nhân N. là rất hiếm và nguy hiểm.

Theo TS.BS Thái Minh Sâm khuyến cáo người dân nên chú ý và tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng giải pháp khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, đồng thời can thiệp kịp thời, hạn chế đến mức tối đa những tác động xấu tới sức khỏe, tính mạng trong trường hợp mắc bướu sau phúc mạc nói riêng và các loại bướu khác cũng như bệnh tật nói chung.

Ánh Xuân - Văn Hào
.
.
.