Cát tặc đang làm “rỗng ruột” sông Lô

Thứ Hai, 19/06/2017, 16:20
Nơi nào có cát là nơi ấy trở thành đại công trường khai thác. Có những con sông cùng lúc oằn mình gánh cả nghìn cỗ máy đêm ngày cuốc, vét rầm rập. Gần khu vực dự án, các cỗ máy cũng ngoạm vào sát chân đê và ruộng nương khiến người dân lo lắng. Bao dòng sông suốt chục năm chưa một ngày yên ả, phải chịu những vết thương chưa biết bao giờ được "vá lành".


Phía sau những cỗ máy

Chưa bao giờ tôi thấy người dân hai bên bờ sông Lô chảy qua địa phận Phú Thọ và Vĩnh Phúc lại lo lắng trước tiếng ồn và mùi ngột ngạt từ các cỗ máy khai thác cát đến thế. Cả các đơn vị được cấp phép lẫn không được cấp - được chỉ thẳng là "cát tặc" cùng lúc thi nhau moi cát từ đáy sông và hai bên bờ.

Dẫu thế, người dân vẫn phải làm lụng và chỉ cầu mong những ruộng hoa màu đừng sụp xuống sông. Nhiều người dân thốt lên: "Họ không chỉ khai thác ngoài ranh giới, chỉ giới mà còn khai thác quá độ sâu cho phép, không dừng lại ở đó đội tàu "ăn cát" còn tiến sát vào bãi ngô của người dân để hút cát, gây nên cảnh tượng ngô khoai trôi sụt xuống dòng sông Lô".

Đại công trường trên sông.

Quá trưa, cày xong ô ruộng, ông Hoàng Văn Hải (xã Đức Bác, Sông Lô, Vĩnh Phúc) vẫn chưa chịu về. Ngồi bên đoạn sụt lở, chỉ tay ra phía các con tàu cuốc đang rầm rầm múc cát và nhả khói, ông Hải bùi ngùi: "Nếu chỉ nhả khói và tiếng ồn thì dân chúng tôi đã chẳng hoang mang nhiều. Quan trọng là người ta hút cát, vạc cả vào bãi bồi, hoa màu. Mà máy nó tham lam lắm, vục sâu xuống bao nhiêu chẳng ai biết. Tàu thuyền hút cát đông như trảy hội thế này, chẳng mấy chốc các bãi ngô hai bên bờ sẽ bị "nuốt" chửng!".

Chỉ một khúc sông ngắn trên địa bàn xã Đức Bác, chúng tôi đếm bằng mắt thường, nhận thấy có tới vài chục tàu hút cát. Cứ thế nhân lên cả "công trường" từ Tuyên Quang xuống, có tới hàng nghìn tàu khai thác.

Một người dân dẫn tôi men theo con đê, qua các xã Cao Phong, Tứ Yên, Phương Khoan, Bạch Lưu, Đôn Nhân… với tổng chiều dài sông Lô chảy qua huyện Sông Lô là 28km, chỗ nào cũng thấy tàu cuốc hoạt động.

Anh này nói: "Đấy, rất nhiều đoạn kè đã sụt, có bãi ngô rộng mấy trăm mét giờ chỉ còn vài chục mét. Anh đừng nhắc đến em trong bài, nếu không "cát tặc" móc mắt em đấy!".

Vì sao người dân bị làm sụt lở đất mà không dám lộ mặt? Trả lời câu hỏi này, ông Dương Tiến Liên, Phó chủ tịch UBND xã Tứ Yên cho hay: "Từ năm 2012 đến nay đã ba lần xảy ra xô xát. Các tàu không được phép cũng nhảy bổ vào dày đặc, dân kiến nghị còn đánh dân và người dân sợ bị trả thù. Đầu năm 2017 còn xảy ra một trận hỗn chiến. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên, từ đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấm các doanh nghiệp khai thác đêm, chỉ cho hoạt động từ 6 đến 18 giờ!".

Xuống một địa bàn khác là xã Phương Khoan, ông Nguyễn Tiến Phú - Chủ tịch UBND xã thốt lên: "Các cơ quan chức năng cũng phải tính toán thế nào chứ, nên cho đoạn nào khai thác, đoạn nào phải giữ. Không thì lòng sông sớm rỗng ruột mất!".

Mang những nỗi bức xúc của các cơ sở lên gặp lãnh đạo huyện Sông Lô, ông Hoàng Đức Dũng- Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết: Việc cấp phép là do UBND tỉnh. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên tỉnh.

Theo ông Dũng, hiện nay trên địa bàn có tám doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Dù quá quy định về diện tích của mỗi đơn vị được cấp phép, trữ lượng cát cũng được đánh giá, song các đơn vị không đăng ký phương tiện khai thác, không có mốc giới các điểm được cấp phép nên khó khăn xử lý vi phạm.

Nhức nhối những câu hỏi

Tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi đã bị lên án và đến nay tình hình trên các tuyến sông Hồng đi qua tỉnh Vĩnh Phúc, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (TP Hà Nội); huyện Tam Nông, TP Việt Trì (Phú Thọ) hay sông Đuống qua địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh… vẫn "nóng".

Chiếc tàu khai thác bị người dân giữ chờ giải quyết.

Người dân và cán bộ địa phương đều tỏ ra lo ngại về chuyện sạt lở đất, bãi từ hoạt động khai thác cát. Có những hộ dân bốn năm trời vác đơn đi kêu gọi bảo vệ sông, bãi bồi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu: "Đây là vấn đề không đơn giản". Ngay như người dân xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô) chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm 2017 đã bị "nuốt" hơn 6.000 m2 đất "bờ xôi ruộng mật", được xác định do nạn khai thác cát bừa bãi, liên tục nhiều năm.

Nhưng khi đánh giá nguyên nhân, Sở TN-MT Vĩnh Phúc lại đổ lỗi do thủy điện ở thượng nguồn và nền đất yếu gây ra. Điều đó cho thấy cách giải thích của cơ quan chức năng chưa thỏa đáng.

Để rộng nguồn thông tin, chúng tôi lần tìm về các khu dân cư bên bờ sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cảm giác rờn rợn cũng ập đến khi thấy dưới lòng sông tàu múc cát, trên các bờ bãi người dân vẫn gắng gỏi sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sơn, người dân Long Châu (xã Vĩnh Phú, Phù Ninh) thở dài: "Tàu bên Phú Thọ đã tạm dừng khai thác, nhưng tàu do bên Vĩnh Phúc cấp phép vẫn sang bên này hút trộm cát. Chúng tôi phải cắt cử người canh giữ. Trên xã Bình Bộ, Tử Đà tình hình cũng chẳng khá hơn. Mấy năm qua chúng tôi đã qua nhiều cơ quan chức năng, trách nhiệm ở đâu mà để xảy ra tình trạng ấy?".

Tàu cát bên Vĩnh Phúc liên tục làm phiền, hút cát trộm, làm sụt lở đất. Các bô lão kể lại, người dân thôn Long Châu có diện tích đất ở bãi soi từng tổ chức 4 cuộc họp khẩn rồi kiến nghị lên cấp trên từ năm 2015, 2016, thế nhưng kết quả chỉ nhận được duy nhất một công văn của tỉnh Phú Thọ về việc chuyển đơn cho huyện Phù Ninh giải quyết.

Không cam tâm, người dân phải tự sắm phương tiện truy đuổi, vây bắt cát tặc. Đỉnh điểm vào ngày 21-11-2016, dân làng tổ chức bắt giữ một chiếc tàu cẩu và một chiếc tàu vận chuyển đang đánh cát ở bãi soi. Nay chiếc tàu vẫn nằm bên bờ sông mà chưa thấy cơ quan chức năng xử lý.

Tình trạng này gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng môi trường, mất an toàn đê điều, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ra hiện trường thì các phương tiện lại nhổ neo cho tàu di chuyển về phía tỉnh Vĩnh Phúc và không khai thác nên không đủ cơ sở và thẩm quyền để xử lý.

Là cán bộ cơ sở, ông Hoàng Công Đạo, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh) chia sẻ: "Thôn Long Châu nằm sát sông với hơn 200 hộ. Hoạt động khai thác cát đã diễn ra tám năm qua rồi. Phải hãm việc khai thác lại. Nếu cứ để tiếp tục như vậy thì không ổn. Trong làng đã có những vết nứt to rồi. Năm ngoái người dân đã vây và tóm gọn một tàu khai thác trộm. Nay tàu vẫn còn đó, chưa thấy các cơ quan chức năng giải quyết!".

Một đoạn sông bị lở đất.

Cấp xã kêu khó, liên hệ, cấp huyện "chỉ" lên tỉnh, bởi UBND tỉnh là đơn vị cấp phép. Nhìn vào bản đồ khoanh vùng khai thác cát do Sở Công thương Phú Thọ đưa ra mà thêm rợn người.

Bởi mặc dù việc khai thác cát sỏi trên các sông đang diễn biến phức tạp, ngày 8-11-2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND về việc bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn, trong đó nhiều xã lọt vào danh sách, kể cả các xã đã xảy ra sụt lở.

Tuy thế, nhận thấy những diễn biến mới của hoạt động khai thác cát, ngày 18-5-2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng xốc lại công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn. Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị, xã chú trọng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác để bảo vệ môi trường, đất đai, xử lý vi phạm…

Lẽ ra, với diễn biến phức tạp của tình hình khai thác, các cơ quan chức năng phải có sự chỉ đạo rõ ràng và những phương án tối ưu hơn để khắc phục tình trạng "cát tặc", thậm chí điều chỉnh quy hoạch tại những nơi đang sụt lún.

Có điều chỉnh quy hoạch khai thác hay không, tiếc thay, câu hỏi trực diện này vẫn bị né tránh. Rõ ràng các cơ quan chức năng còn lúng túng chưa tìm ra phương án hữu hiệu. Kết quả là, người dân kêu khản cổ, quay ra nhận tiền đền bù rồi để cho doanh nghiệp thoải mái múc cát.

Vậy là các dòng sông Lô tiếp tục bị xâm hại. Sông không biết "chạy", chẳng biết nói, chơ vơ hứng chịu mọi sự phũ phàng. Ai sẽ là người cứu giúp các đồng bãi và con sông nếu không phải là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng?

Hải Miên
.
.
.