Cầu Treo trên đỉnh Trường Sơn

Thứ Tư, 20/05/2015, 10:00
Con đường đèo Kẹo Nưa của dải Trường Sơn, len lỏi giữa núi rừng thâm u đưa chúng tôi lên cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong màn mưa bay xối xả và sương mù tràn khắp lối.

Đến đoạn vòng cua “Eo con gái”, chúng tôi mới hay tại đây vừa xảy ra vụ sạt lở khá nghiêm trọng. Cung đường vừa sửa lại và chúng tôi đi qua không được chứng kiến những cây đổ, đất sạt lở lấp cả một vạt đường dài. Tuy nhiên, nhiều đoạn đường còn lầy bùn và trơn trượt. Xe chúng tôi lần mò đi trong mù sương với ánh sáng mơ màng của “Eo con gái” lên cửa khẩu Cầu Treo...

Hát khúc ca “Trên đỉnh Trường Sơn”

Lên tới cửa khẩu, trời vẫn âm u và sương phủ khó nhìn thấy mặt người dù chỉ ở khoảng cách chừng 3m. Nghe nói trên này đang thực hiện nốt một số hạng mục trong dự án xây dựng vóc dáng mới cho cửa khẩu Cầu Treo để xứng tầm một cửa khẩu quốc tế.

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Anh, chỉ huy công trường xây dựng mô tả hình tượng một cửa khẩu Cầu Treo mới được thiết kế tựa như những cánh chim Việt, hình thành hai khối đối xứng nhau rất đẹp và tạo ấn tượng vững vàng, bay bổng. Với chức năng xuất và nhập cảnh, “những đôi cánh” được dựng bằng những nan bê tông, chất liệu bền vững với thời gian trong một khu vực thời tiết khắc nghiệt. Đây là nhịp cầu nối hai ngọn núi như muốn biểu đạt tình bằng hữu “núi liền núi, sông liền sông” của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai nước Việt-Lào.

Cho dù giờ đây, công trường vẫn còn ngổn ngang, nhưng con đường đã mở rộng, những ngôi nhà mới đã mọc lên, và “những đôi cánh” đang hình thành trong tâm trí mơ mộng của chúng tôi. Cửa khẩu Cầu Treo nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn, có ngọn núi cao 1.357m so với mặt nước biển. Ở phía bên kia cửa khẩu của nước bạn mang tên cửa khẩu Nậm Pao, thuộc xã Kham Kheuth, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, Lào. Nơi đây là một trong những tuyến đường quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Tuy không còn những dấu vết của chiến tranh, nhưng trong ký ức của mỗi người, khi qua đây không thể quên được những bước chân hành quân và những chuyến xe của quân đội ta rầm rập đi qua, hướng về mặt trận phía Nam ngày ấy.

Trong đoàn chúng tôi, bác Cường cũng là một chiến binh có những ký ức không phai mờ trong cuộc chiến, khi đã từng hành quân qua đỉnh núi này. Vết đạn ngày nào vẫn còn găm trên vai, bác Cường bỗng sôi nổi như thời trai trẻ cách đây hơn 40 năm, cất giọng hát bài ca “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” làm chúng tôi lây cái rạo rực của khí thế vượt đèo và băng qua núi ra sao. Giọng hát người chiến binh già ấm áp bay bổng trong sương mù: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca, gửi tới quê nhà bao la biển xanh sóng vỗ hiền hòa. Đường Trường Sơn bát ngát có bao ghềnh thác. Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tới cho cuộc đời. Này Trường Sơn ơi! Ta đi trong gió. Ta đi trong mưa...”.

Có lẽ âm nhạc đã vẽ một viễn cảnh về đôi cánh trong tương lai. Đúng như một sự sẻ chia trong hình tượng, khi chúng tôi xem mô hình của cửa khẩu Cầu Treo tựa như cánh chim đang được sải rộng về hai phía đồng thời đó cũng là hình ảnh người mẹ nặng trĩu quang gánh với tình yêu quê hương làng xóm thân thương.

Nhạc sĩ Huy Du có lẽ đã theo đoàn quân lên đây với cảm xúc tha thiết về một tương lai sau cuộc chiến và không thể quên được một quá khứ gian nan nhưng vẫn hy vọng đất nước đang mở ra những trang sử mới hào hùng và thân ái tựa như hình tượng cửa khẩu đang bay bổng trong sương mù nơi đây. Với khí hậu một thời mang tiếng là rừng thiêng, nước độc, sương giăng quanh năm, các chiến sĩ Biên phòng tại cửa khẩu này đã lập bao chiến công thầm lặng để mở ra một trang sử mới cho đất nước và tình hữu nghị bao la và hiền hòa bao đời qua giữa hai dân tộc Việt-Lào.

Cùng với nước ta đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo mới, bên nước bạn cũng đồng hành triển khai dự án xây mới cửa khẩu ở Nậm Pao, giáp với cửa khẩu Cầu Treo. Đó là một sự chuyển đổi và phát triển cả hai khu vực kinh tế quan trọng. Chính quyền tỉnh Bô-ly-khăm-xay đã cấp hơn 100ha đất cho dự án lớn này. Họ hy vọng đây là con đường ngắn nhất mà giao thông Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông đi tới biển đông và đặc biệt là cảng Vũng Áng của Hà Tĩnh. Cửa ngõ này gắn liền với sự phát triển quan hệ với các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc về đường biển.

Hình ảnh này đúng với nghĩa của câu hát mà nhạc sĩ Huy Du đã hình dung khi lên đây, trên đỉnh núi ông viết: “Này Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi! Khúc hát từ trái tim xôn xao đồi núi cao. Chắp cánh cùng ánh sao đem theo lòng khát khao nhìn về tương lai đang bừng sáng”. Một tương lai bừng sáng! Đúng thế, khi chúng tôi nhìn hàng xe đang nườm nượp đi lên cửa khẩu.

Lạc Xao miền nhớ “...Trường Sơn Tây”

Ấy là khi chúng tôi hướng về đất Lào với những hình ảnh của một phía Tây Trường Sơn ngập tràn nắng. Khác hẳn với phía bên cửa khẩu Cầu Treo, đầy ắp sương mù và mưa rơi, thì khi vừa đi qua cửa khẩu phía nước bạn khoảng vài cây số, mưa đã tạnh và nắng chiếu sáng vào thời điểm giữa trưa. Lúc này tôi chợt nhớ đến bài thơ của thi sĩ Phạm Tiến Duật về Trường Sơn. Sau này bài thơ được phổ nhạc thành bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Đó chính là thời điểm khi chuyến xe của chúng tôi vừa chớm tới triền núi Trường Sơn Tây, và tắm trong ánh nắng đất Lào. Chính người lái xe vừa nhìn chúng tôi vừa đọc mấy câu thơ để nhắc nhớ rằng nơi đây: “Một dãy núi mà hai màu mây. Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác. Như anh với em, như Nam với Bắc. Như Đông với Tây một dải liền rừng”.  

Tôi cũng không thể ngờ anh Hải, người lái xe ấy lại thuộc lòng bài thơ của người chiến sĩ, thi sĩ Phạm Tiến Duật viết ra những câu thơ dưới làn mưa bom đạn như thế. Có nhiều câu thơ không được phổ nhạc anh cũng thuộc. Anh còn nói phải đọc cả những khổ thơ khuất lấp ấy, mới thấu hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Nói rồi anh lại đưa chúng tôi trở về một thuở ở tiểu đội xe không kính ngày ấy ra sao, anh đọc tiếp: “Đông sang Tây không phải đường như đường chuyển đạn và đường chuyển gạo. Đông Trường Sơn, cô gái ba sẵn sàng xanh áo. Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh...”.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã có mặt ở chợ Lạc Xao. Người và xe tấp nập vào ra. Nhìn vào sân chợ mới hay khá nhiều xe ôtô sang trọng đỗ trong bãi. Nhiều bà chị đi chợ bằng ôtô chứ không đi xe máy. Trước mỗi dãy hàng, chúng tôi thấy người ta để một quả lô khá to, chúng tôi hỏi mới hay đó là những thùng đựng rác bằng lốp ôtô được xẻ ra. Anh lái xe mở chiếc nắp lên cho chúng tôi xem quả là điều thú vị và điều đó nói lên vì sao ở chợ Lạc Xao rác đã được gom khá gọn gàng.

Trên đường vào chợ nhiều bảng hiệu được trình bầy bằng hai thứ tiếng Lào và Việt đi kèm, bởi lượng khách người Việt sang đây mua hàng là chủ yếu. Khách tây hiếm lắm. Vì thế mua hàng ở đây không cần phải đổi tiền chi cho mệt. Tiền Kip cũng được. Tiền Việt cũng xong cứ một đồng Kip bằng hai đồng rưỡi tiền Việt. Tự tính rồi trả tiền hàng. Nhanh là vậy.

Và, đặc biệt những người đi xe máy ở bên này không quan tâm lắm đến luật an toàn giao thông nên chẳng mấy ai đội mũ đi trên đường. Tuy mỗi ngách chợ đi vào các gian hàng đều là đường đất, nhưng khá rộng và không có ai đi xe vào chợ như ở bên nước ta. Từ xe đạp đến xe máy hay ôtô đều phải gửi vào bến bãi. Ngay ở đầu chợ có một quán bánh rán rất đông người mua và một cửa hàng bán đĩa hát mở loa suốt ngày. Bản nhạc đồng quê Lào du dương và yên bình như kéo lòng người trở về với sự thanh thản, nhẹ nhàng. Chính vì lẽ đó chăng mà không khí trong chợ không ồn ào, xô bồ. Ai nấy mời chào khách hàng đều bằng nụ cười và người mua cũng đáp lại bằng nụ cười thân thiện.

Anh Hải còn kể chợ Lạc Xao bên Lào chỉ cách biên giới chừng 30 cây số nhưng đã sầm uất lắm. Dường như đó là một chợ đầu mối của mấy vùng miền đến lấy hàng. Đặc biệt có khá nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên nước mình thường sang sinh sống và làm ăn. Khi đến chợ dễ gặp người Việt nên không gặp khó khăn trong giao tiếp. Nhưng anh nói cũng nên đề phòng vì không ít người mình cùng tiếp tay với bọn xấu đi buôn ma túy.

Đúng như tổng kết mới đây, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh phụ trách một đoạn biên giới giáp nước  bạn  Lào dài 41km, địa  hình gồm  toàn đồi  núi khúc khuỷu. Nhiều năm qua, quốc lộ 8A và cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã trở thành "điểm nóng", luôn phải đối mặt với các loại hoạt động tội phạm phức tạp và nguy hiểm, nhất là tội phạm về ma tuý và buôn bán phụ nữ qua  biên giới. Chỉ tính trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, BĐBP Hà Tĩnh đã đấu tranh thắng lợi 69 chuyên án, vụ án, bắt 188 đối tượng phạm tội buôn bán ma túy...

Trở về với dãy núi Giăng Màn

Mỗi người chúng tôi nếm những chiếc bánh gạo Lào đậm đà hương thơm trước khi chia tay. Giai điệu âm nhạc của đất nước hoa Chăm Pa như muốn níu bàn chân chúng tôi trở lại. Khi đoàn xe quay đầu về hướng cửa khẩu Cầu Treo, trong lòng chúng tôi ai nấy như muốn lưu dấu hình ảnh một chùa tháp nghiêng nghiêng trên sườn núi phía mờ xa. Có tiếng chuông thỉnh lên như lời tạm biệt cho một buổi chiều sương bắt đầu trôi từ trên đỉnh Trường Sơn trở về.

Trước mắt là dãy núi Giăng Màn hiện lên từ dãy Trường Sơn điệp trùng hiểm trở. Và xa kia con sông Ngàn Phố long lanh chảy dưới chân núi. Đó là dòng nước chảy từ đỉnh núi Bà Mụ, cao nhất của đỉnh Trường Sơn. Vậy là chúng tôi đã về tới Cầu Treo. Tất cả đều ngoái lại tạm biệt Lạc Xao, một thị trấn yên bình đang ngân nga trong giai điệu  dân ca hoa Chăm Pa dịu dàng.

Vương Tâm
.
.
.