Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015)

Câu chuyện đặc biệt trên chuyến tàu 69

Thứ Ba, 15/12/2015, 14:00
Khi hoàng hôn buông, biển lặng sóng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành lại ra boong tàu uống trà cùng thuyền trưởng Năm Phước. Để giảm căng thẳng tâm lý, ông thường kể chuyện tiếu lâm cho anh em cười vui vẻ. Rồi ông nhắc đến Nguyễn Thiện Nhân, người con trai duy nhất của mình. Giữa biển cả mênh mông, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, giữa những bồn chồn, lo toan thì hình ảnh của con trai như tiếp thêm sức mạnh cho người cha vững tâm trước hiểm nguy.

1.Hôm ấy có lẽ là một ngày không thể quên của thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Hữu Phước (Năm Phước), vì có một vị khách đặc biệt tới thăm. Căn nhà nhỏ của ông (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã treo sẵn tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn, có đánh dấu chi tiết, tỉ mỉ những cột mốc, những vị trí trên biển mà hơn 50 năm trước, ông chỉ huy tàu không số chở vũ khí vượt biển vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Khi Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bước vào, ông Phước lao ra ôm chầm lấy, mắt rưng rưng nhòa lệ. Ký ức năm xưa ào về, cũng vào thời điểm tháng 12 của 51 năm về trước, tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng), thuyền trưởng Năm Phước đã đón 4 vị khách đặc biệt lên con tàu mang bí số 69 (thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân) để vào miền Nam. Một trong những vị khách đó là Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành, thân phụ của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch ủy ban Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với cựu thuyền trưởng Năm Phước (giữa) và cựu thủy thủ tàu không số.

Đầu năm 1964, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Quân đội Mỹ đã đưa lính viễn chinh vào miền Nam, đồng thời mở rộng đánh phá ra miền Bắc bằng không quân. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Quân y tổ chức đưa một số cán bộ quân y có kinh nghiệm chỉ đạo công tác quân y và có trình độ chuyên môn cao vào tăng cường cho quân y các chiến trường.

Do được quán triệt kỹ về tính chất, nhiệm vụ của chuyến đi vào Nam nên Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (khi đó là Phó tiến sĩ) không hề thổ lộ với ai, kể cả với vợ con. Chính vì sự tuyệt mật ấy mà mãi sau ngày hòa bình, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành mới kể lại cho vợ con nghe về chuyến vào Nam của mình.Từ câu chuyện của cha, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân ấp ủ một dự định sẽ tìm gặp vị thuyền trưởng trên chuyến tàu năm ấy.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ rằng, mỗi lần đi công tác, gặp vị thuyền trưởng tàu không số nào ông đều hỏi thăm thông tin về chuyến tàu đưa cha mình vượt biển vào Nam.Bởi, tình nghĩa bao giờ trả cho hết, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã nói như vậy.Đó như sự tri ân, lòng biết ơn đối với những người lính cảm tử quân trên biển, họ ra đi bằng một tình yêu dân tộc sâu nặng, bằng lòng quả cảm tuyệt vời.

2.Tuổi 83, sóng gió biển khơi dường như còn quyện chặt vào người, ngấm vào làn da, giọng nói của ông. Ở cái tuổi ấy, thuyền trưởng Năm Phước có thể quên đi nhiều thứ, nhưng chuyến vượt biển "kéo pháo vào, kéo pháo ra" của nửa thế kỷ trước được ông kể lại bằng trí nhớ như mới ngày hôm qua.

Vào đầu tháng 12/1964, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành cùng hai cán bộ quân y và bà Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân) - phu nhân của đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã lặng lẽ xuống con tàu không số vỏ gỗ mang bí số 69 nhằm phương Nam thẳng tiến. Thuyền trưởng Năm Phước giải thích: "Gọi là tàu không số vì đã xóa phiên hiệu trên thân tàu. Mỗi chuyến vào Nam, tàu được ký hiệu bằng những con số đặc biệt, chỉ những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, chỉ huy điều hành mới được biết. Khi đến vùng biển thuộc tỉnh nào, tàu lại mang ký hiệu của tỉnh ấy, để dễ trà trộn vào những thuyền đánh cá của ngư dân".

Thuyền trưởng Năm Phước đã có nhiều năm chiến đấu ở vùng sông nước Nam bộ. Ông là một trong số ít cán bộ miền Nam đã nhiều lần vào Nam ra Bắc trên tuyến đường tuyệt mật này, chở thành công hàng trăm tấn vũ khí chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Năm Phước thông thạo các luồng lạch, các cửa sông như hiểu lòng bàn tay mình, là thuyền trưởng có bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, mưu trí mỗi khi gặp sự cố nguy hiểm trên biển.

Tàu 69 anh hùng.

Đêm tối như mực, ngồi trong sàn tàu nhìn ra xung quanh, mọi người chỉ thấy mặt biển đen ngòm, thấp thoáng vài vì sao và những con sóng nhấp nhô vỗ vào mạn tàu. Với Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, ông không lạ gì biển cả, vì 10 năm trước (1954), ông đã cùng gia đình và đồng đội ra Bắc tập kết cũng bằng đường thủy.

Thử thách đầu tiên là những cơn say sóng thừa sống thiếu chết. Trừ những thủy thủ ra, còn lại các đồng chí đi theo chuyến tàu đó đều bị say sóng bí tỉ. Có người nôn ra cả con lải (giun). Giáo sư Nguyễn Thiện Thành mang theo một ít thuốc chống say sóng phát cho mọi người nhưng cũng không mấy tác dụng với sóng gió hung tợn ngoài trùng dương. Con tàu tròng trành giữa biển khơi, chẳng khác nào quả trứng luộc trong nồi. Từng đợt sóng như cái cột nhà chồm lên, đẩy con tàu nghiêng ngả. Cứ ăn xong lại ói, người nào người nấy xanh như tàu lá. Đường vào Nam chông chênh, hiểm nguy không chỉ có sóng, gió và hiểm họa biển khơi, mà sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào.Thuyền trưởng Năm Phước cho biết, ngoài hơn một trăm tấn vũ khí, hai bên mũi tàu còn chứa một nghìn kg thuốc nổ, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất phải phá hủy tàu.

3.Trên đất liền, tàu ngụy giăng như mắc võng. Dưới biển, tàu hải quân Mỹ gầm rú, trên trời là máy bay quần thảo như chuồn chuồn, rada quét sáng chưng toàn bộ thân tàu, tưởng như con kiến cũng khó lòng lọt qua. Hễ thấy bóng dáng con tàu nào là chúng lập tức bắc loa kêu gọi, điều tra ngay xem tàu đó thuộc nước nào? Đi đâu?Thấy tàu không số khả nghi, chúng gọi và yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Bên này, thuyền trưởng Năm Phước lệnh thủy thủ sẵn sàng chiến đấu, những khẩu pháo và súng đều đã lên nòng.

Đối với mỗi thủy thủ khi nhận nhiệm vụ lên tàu không số luôn phải tâm niệm "sống để bụng, chết mang theo", không được tiết lộ với bất kỳ ai về lịch trình của mình. Trước mỗi chuyến tàu không số khởi hành chở vũ khí vào Nam, toàn bộ thủy thủ đoàn đều đã được tuyên thệ và truy điệu sống. Khi xuống tàu rời bến phải gửi lại tất cả quần áo, giấy tờ tùy thân, tư trang… Tuyệt đối không cho tàu và vũ khí rơi vào tay giặc. Phương án một: Kiên quyết, khôn khéo đấu tranh. Phương án hai: Chiến đấu tới cùng. Phương án ba: Cho nổ bộc phá, phá hủy tàu. Như vậy, dù là phương án nào thì trên hết vẫn là sự tự tin và lòng can đảm của mỗi thủy thủ mới chiến thắng được sự hung tợn của biển cả và vượt qua được sự nham hiểm, rình rập của kẻ thù.

Sau khi máy bay và tàu Mỹ quần thảo, đeo bám, yêu cầu kiểm tra, thuyền trưởng Năm Phước ra hiệu kéo cờ, trả lời là tàu đi đánh cá. Tuy nhiên, tàu và máy bay của hạm đội 7 Mỹ - ngụy vẫn chưa chịu buông tha, chúng bám theo từng centimet nước. Bên dưới là tiếng quẫy nước hung tợn của loài cá đại dương, phía trên là tiếng máy bay điên cuồng gào thét, con tàu bé nhỏ vẫn gồng mình đánh vật với sóng. Không gian mênh mông bỗng im bặt bởi tiếng thở rất khẽ của thủy thủ đoàn.Trung ương chỉ thị cho tàu quay trở lại bến xuất phát ém binh chờ lệnh. Sau khi thực sự thoát khỏi sự truy đuổi của tàu địch, thuyền trưởng Năm Phước lệnh cho tàu quay mũi chạy ngược ra Bắc. Mỗi lần tàu trở ra phải vượt sóng ngang, tức là húc sóng để đi.

Thuyền trưởng Năm Phước kể lại chuyến vượt biển vào Nam trên bản đồ.

Mỗi khi hoàng hôn lặng sóng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành lại ra boong tàu uống trà cùng thuyền trưởng Năm Phước. Để giảm căng thẳng tâm lý, ông thường kể chuyện tiếu lâm cho anh em cười vui vẻ. Rồi ông nhắc đến Nguyễn Thiện Nhân, người con trai duy nhất của mình. Giữa biển khơi, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, giữa những bồn chồn, lo toan thì hình ảnh của con trai như tiếp thêm sức mạnh cho người cha vững tâm trước hiểm nguy. Hôm nay, thuyền trưởng Năm Phước đã nhắc lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy với Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân.

Tàu 69 chạy 4 ngày 4 đêm thì nhận lệnh cập vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) để đồn trú.Bà Bảy Vân nói được tiếng Trung Quốc đi xin thức ăn nấu những món nhiều dinh dưỡng cho đoàn lấy lại sức. Sau hai lần nhận lệnh quay lại bến cũ, rồi lại xuất phát, chặng hải trình theo dự kiến chỉ 5 ngày là tới miền Nam đã phải mất 16 ngày, tàu không số mới đưa được các cán bộ quân y và hơn 100 tấn vũ khí cập vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến vượt biển lần này, thuyền trưởng Năm Phước gọi là "kéo pháo vào, kéo pháo ra", vì đã đến đất miền Nam rồi lại phải quay ra, ngỡ như hạnh phúc trong tầm tay mà không được nắm lấy. Nhưng rồi tất cả đã thành công mỹ mãn, vũ khí vào được chiến trường, tàu 69 sau này được tuyên dương Anh hùng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành cùng các cán bộ chi viện đặt chân lên đất miền Nam, nơi ông còn một luận án lớn của cuộc đời, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. 

Hơn hai tiếng đồng hồ nghe người lính cảm tử quân kể những câu chuyện của ngày hôm qua, về một thời tuổi trẻ xông pha, về những hy sinh mất mát của thủy thủ tàu không số, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân vô cùng xúc động. Giáo sư bày tỏ sự cảm phục, lòng biết ơn đến những thế hệ cha chú đã không tiếc máu xương cho nền độc lập nước nhà.

Ngọc Hoa
.
.
.