Câu chuyện đẫm nước mắt về tình mẫu tử của nữ chiến sĩ biệt động thành

Thứ Năm, 10/03/2016, 09:30
Trong phút sinh tử, bà nhìn thấy mẹ mình hai tay đang bị còng vào cột sắt trên bàn. Người con nhìn thẳng vào đôi mắt sáng của mẹ và nhận được thông điệp: "Quân ơi, mẹ thà chết và con thà hy sinh chứ nhất định không được nhận nhau, không được khai báo". Bọn giặc chỉ trông chờ phút giây bà mẹ sẽ hét lên thật to: "Không được giết con tao" để hoàn tất lời khai.


Bông hoa thép trong đạn lửa

Đào Thị Huyền Nga sinh ra và lớn lên ở Cái Răng (TP Cần Thơ) trong một gia đình có bề dày cách mạng. Tuổi học trò bị đốt cháy trong khói súng chiến tranh, Huyền Nga ý thức rất rõ vận mệnh dân tộc và trách nhiệm của một người con yêu nước. Với phẩm chất thông minh, gan dạ, Nga được các đồng chí tin tưởng giao nhiệm vụ xã đội trưởng chỉ huy lực lượng thanh niên du kích trong địa bàn. Cô trở thành quyền xã đội trưởng trẻ nhất khi mới 15 tuổi.

Cả lý thuyết lẫn thực tiễn, Huyền Nga đã huấn luyện cho thanh niên vùng sông nước Cần Thơ biết gài chông, mìn, ném lựu đạn… lập hàng rào chiến đấu để cản trở giặc. Địch đã nhận dạng được sự nguy hiểm của xã đội trưởng 15 tuổi, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt được hoặc chỉ điểm. Trong thời gian này, để củng cố tinh thần và ghi nhận công lao của người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi, Nga được xét đặc cách kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong ngày trọng đại đó, tổ chức quyết định đặt tên bà là Lê Hồng Quân, với mong muốn người nữ chiến sĩ trẻ này sẽ rèn luyện để trở thành những chiến sĩ Hồng Quân đúng như tên gọi.

Sài Gòn những năm 1966 - 1968 là vùng căn cứ chiến lược trọng yếu, là trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy. Hồng Quân được lệnh tăng cường cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định, năm ấy cô 19 tuổi.

Hai mẹ con, hai người đồng chí sống nương tựa vào nhau lúc tuổi già.

Trong đợt 1 tổng tiến công Mậu Thân (1968), Hồng Quân bị thương một chân, nhưng vẫn tiếp tục tham gia đợt tổng tiến công lần hai. Trong trận Cầu Muối, Cô Bắc, Cô Giang, đồng đội bị thương nhiều, số còn lại đang cố thủ quyết chiến với giặc. Hồng Quân tình nguyện ở lại thu hút hỏa lực cùng hai đồng chí khác là Quang và Sáu Xuân nhằm cản đường tiến công của giặc để đồng đội rút về phía sau.

Lúc này, cánh tay trái của Hồng Quân bị đạn bắn xuyên thủng gần khuỷu giập nát. Cùng lúc đó, một tiếng nổ long trời ngay phía trước mặt, Hồng Quân vẫn sống nhưng khắp người dày đặc những mảnh đạn, máu tuôn trào xối xả ở mọi nơi trên cơ thể.

Trong tình thế nguy cấp, lại phải ôm súng mà cánh tay gãy cứ lúc lắc vướng bận, Hồng Quân có ý định cắt đi cho tiện. Hồng Quân chìa cánh tay bảo Sáu Xuân chặt giùm nhưng người đồng chí của cô không đủ can đảm. Hồng Quân nhìn xuống ngón tay đeo nhẫn, chiếc nhẫn của mẹ cho đang mắc trên cánh tay bị gãy nhuộm đỏ máu. Cô nghĩ về mẹ, không biết giờ này mẹ đang ở đâu giữa tiếng súng nổ rền khắp nơi.

Giặc đến rất gần, không chần chừ, Hồng Quân rút lưỡi lê cứa đứt cánh tay bị gãy bỏ lại, giấu cánh tay bị chặt vào trong ngực, máu thấm đẫm áo, cố gắng chút sức lực còn lại, cô bắn đến những viên đạn cuối cùng.

Súng hết đạn, máu chảy đầm đìa ở vết thương, Hồng Quân ngồi lại chờ giặc tới. Hồng Quân và Quang bị thương nặng. Quang ngồi ép mình vào Quân, hai chị em ngẩng cao đầu trước họng súng đằng đằng sát khí của giặc đang tiến lại. Một tên lính nhanh như cắt, hất họng súng của một tên khác đang chĩa thẳng vào đầu Quân bóp cò khiến viên đạn định mệnh bay chệch hướng. Chúng không giết cô để tìm kiếm những thông tin từ lời khai.

"Sống là đây, chết cũng là đây"

Nguyễn Văn Quang chỉ mới 15 tuổi đời và 1 tháng tuổi Đoàn, bố mẹ và anh hai của Quang đang hoạt động tại Campuchia. Vì lòng căm thù giặc, em đã xin về Việt Nam, hành quân dọc Trường Sơn vào Nam trở thành chiến sĩ trinh sát trong Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng. Sau khi được đưa tới Bệnh viện Chợ Quán băng bó vết thương, hai chị em Quân bị chúng hỏi cung ngay trong phòng hậu phẫu.

Đối với Quân, việc giữ bí mật nội đô là điều thiêng liêng nhất. Nhìn bên kia phòng, chú bé Quang đang nằm ép thân hình tiều tụy, ốm yếu vào một góc tường cố lấy sức chịu đựng để khỏi bật ra tiếng rên. Các vết thương trên người Quang rất nặng, vết chạm phổi chỉ được băng bó sơ sài nên máu vẫn rỉ ra từng giọt thấm ướt chiếc áo rách tả tơi.

Quân nhìn Quang đau nhói, đau hơn tất cả mọi vết thương trong người cô. Bọn lính an ninh xông vào, chúng túm lấy thân người nhỏ bé của Quang xốc lên hỏi dồn dập 3 câu: "Nhà ém quân ở đâu? Cơ sở nội thành và người chỉ huy?". Quang lấy hết sức lực, giọng đanh thép trả lời: "Các ông hãy ra mặt trận, nơi nào có tiếng súng, nơi ấy có chỉ huy của tôi".

Bọn giặc trợn mắt nhìn Quang, nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của cậu bé, chúng tưởng có thể nuốt chửng Quang bằng biện pháp khảo tra. Nhưng không, mọi đòn roi quất xuống người em đều vô dụng. Một tên tâm lý chiến tiến lại, bằng giọng nhỏ nhẹ, ôn tồn, hắn khuyên Quang hãy khai ra hết để được hưởng ân huệ của chế độ và được ưu đãi nhiều thứ khác trong tương lai.

Không lấy được một chút thông tin nào từ Quang, hắn trở mặt, tên an ninh lấy hết sức nện liên tiếp mấy quả đấm vào vết thương trên vai Quang. Đôi vai nhỏ của em rúm lại, từ phía cổ Quang dội ra tiếng hự khô khan. Nhìn cảnh Quang bị tra tấn, Quân thấy tim mình đau buốt.

Lê Hồng Quân (ngoài cùng bên trái) trong lần ra Hà Nội gặp lãnh đạo Trung ương.

Chúng quay sang hỏi cung Hồng Quân 3 câu hỏi trước. Hồng Quân cũng như Quang, không hé răng nửa lời. Cay cú và điên tiết, ba tên an ninh lao tới đấm đá túi bụi vào mặt cô. Quân lịm đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy trong màn đêm tĩnh mịch, Quân đưa mắt tìm Quang đang nằm thoi thóp ở góc tường, cô lết người lại kéo Quang ôm vào lòng.

Sáng hôm sau bọn an ninh đẩy cửa xông vào, chúng hỏi cung Quang trước để uy hiếp tinh thần Hồng Quân nhưng vẫn không nhận được câu trả lời như mong đợi. Một tên dùng cây Matrắc thọc vào vết thương ở ngực Quang. Mỗi tiếng hỏi "Có, Không" là một cú thọc sâu vào trong. Cây Matrắc ngập sâu vút vào lồng ngực cậu bé. Máu tuôn trào, thấm đỏ một vùng.

Mặt Quang tái đi, đôi mày rậm của em cau lại. Quang trợn mắt lên trừng trừng nhìn chúng và bỗng dưng em hát, tiếng hát run run, đứt quãng theo từng cơn nấc nhưng cuối cùng vẫn thành lời: "Không, không thể sống chần chừ hay trông đợi/ Tương lai hồng ta phải nắm về ta/ Không, không thể nén hờn căm và uất hận/ Sống là đây, chết cũng là đây". Quang trút hơi thở cuối cùng khi tiếng hát còn dang dở. Những tên lính canh đứng như trời trồng, há hốc miệng nhìn Quang. Hồng Quân mím chặt môi để khỏi vụt ra tiếng nấc.

Nơi này không được gọi…

Ba tháng sau, mẹ Hồng Quân bị bắt do một tên chiêu hồi chỉ điểm. Cô không ngờ, sau những tháng ngày bị giam cầm trong ngục tù, ngày gặp lại mẹ lại không được khóc. Tận mắt nhìn thấy chúng tra tấn mẹ mình ngay trước mặt, Quân nuốt nước mắt vào trong.

Trên đời này, không có nỗi đau nào giống nhau. Có lẽ với Hồng Quân, những nỗi đau cô đã trải qua về thể xác không thấm vào đâu so với nỗi đau về tinh thần khi chứng kiến sự hy sinh tức tưởi của Quang rồi đến lượt mẹ ruột của mình bị hành hạ. Hết tra tấn mẹ rồi lại tra tấn con chỉ với một ý đồ duy nhất là lấy được những thông tin mật từ Hồng Quân. Chúng bắt ép tình mẫu tử phải nhận nhau.

Quân ngất rồi lại tỉnh, cô nôn ra máu liên tục, tưởng như cái chết đang đến rất gần. Quân cắn răng chịu đựng để không kêu lên thành tiếng, sợ mẹ nghe thấy sẽ không chịu nổi mà nhận. Trong phút bình sinh, chợt cô nhìn thấy mẹ mình hai tay đang bị còng vào cột sắt trên bàn. Bà vùng dậy, mắt trừng trừng nhìn con gái.

Từ ánh mắt của mẹ, Quân như được truyền thêm lửa. Nỗi lòng bị dồn nén không thể nói thành lời bỗng biến thành câu thơ khắc nhớ trong tim: "Chỉ một tiếng gọi con/ mẹ lặng im không gọi… Nhưng sâu trong đáy mắt/ mẹ nói đến vạn lời/ con yêu của mẹ ơi/ nơi này không được gọi…".

Không moi được thông tin nào từ hai "Việt Cộng", chúng đày hai mẹ con Hồng Quân ra Côn Đảo. Trải qua những trận khảo tra liên tiếp suốt 7 năm trời trong nhà tù được ví như "địa ngục trần gian", một tiếng gọi mẹ vẫn nghẹn ứ trong lòng.

Những lần bị giải qua buồng giam của mẹ, Quân không dám nhìn vào, bởi chỉ một chút sơ hở về trạng thái cũng có thể bị giặc phát hiện. Mẹ cô bị tra tấn bầm dập, áo rách tả tơi, thân bà nằm co quắp gói gọn trong một góc phòng. Quân cũng không hơn một chút nào, nhưng dù sao thì con vẫn còn trẻ, còn có sức chịu đựng. Cô chỉ thương mẹ già yếu, bị dùng nhục hình liên tiếp như vậy biết có chịu nổi không. Những đêm trong chuồng cọp, không gian lặng câm, Quân ép sát tai vào thành đá để nghe tiếng đằng hắng của mẹ. Một dấu hiệu quen thuộc nhiều năm trong nhà lao cho thấy mẹ vẫn còn sống.

Với một cánh tay, nữ biệt động này đã làm được nhiều việc cho đồng đội.

Hiệp định Paris ký kết về trao trả tù binh, Hồng Quân và mẹ được tự do cùng một ngày, mẹ con ôm nhau khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt uất nghẹn phải câm nín bao nhiêu năm, mặt đối mặt bao nhiêu lần. Hồng Quân gào lên cất tiếng gọi thật to: "Mẹ ơi!".

Hòa bình lập lại, với cánh tay cụt và những vết thương nặng nề tàn phá cơ thể, Hồng Quân đã vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ. Bà sống cô đơn một mình, chăm mẹ già nằm liệt giường nhiều năm. Những lúc khỏe mạnh, bà chống gậy đi tìm lại tung tích của đồng đội năm xưa và ôm đơn gõ cửa chính quyền "xin" cho Nguyễn Văn Quang, chiến sĩ biệt động nhí đã hy sinh anh dũng được một cái danh hiệu xứng đáng.

Ngọc Thiện
.
.
.