Câu chuyện đoàn tụ sau hơn nửa thế kỷ xa cách

Thứ Tư, 17/12/2014, 09:00
Trong chuyến công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi được nghe cán bộ quản giáo truyền tai nhau về câu chuyện tìm lại người thân bị thất lạc sau hơn nửa thế kỷ xa cách. Câu chuyện mang đậm tính nhân văn đó bắt nguồn từ việc Ban Giám thị Trại tạm giam chủ trương viết lại kỷ yếu của đơn vị nhằm hướng tới 65 năm Ngày truyền thống lực lượng quản lý trại tạm giam. Trung úy Nguyễn Việt Thắng – cán bộ Đội tổng hợp được giao tìm gặp các thế hệ Ban Giám thị qua các thời kỳ để thu thập tư liệu, hình ảnh. Trong một lần tình cờ, anh phát hiện một chi tiết khá ly kỳ và đã chắp nối để gia đình nọ tìm gặp người thân bị thất lạc.

Theo chân Trung úy Thắng chúng tôi có mặt tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình để tìm gặp gia đình ông Phạm Văn Năm, sinh năm 1916, là Giám thị Trại tạm giam Ty Công an Hòa Bình, giai đoạn 1955 – 1958. Ông Năm đã mất cách đây khá lâu, hiện căn nhà do người con gái là chị Phạm Thị Chinh sinh sống. Chị Chinh hiện là cán bộ  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong căn nhà nhỏ, rót chén trà nóng mời chúng tôi, chị Chinh say sưa kể về người cha quá cố, người mà cả gia đình hết mực kính trọng, là tấm gương để con cháu noi theo. Lúc sinh thời, ông Năm là người sống kỷ luật, có trách nhiệm với công việc, với cộng đồng. Ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Ty Công an Hòa Bình và là người đứng đầu hệ hống quản lý trại tạm giam khi đó. Trong cuộc sống gia đình, ông Năm hết mực thương yêu, chăm sóc con cái với mong muốn những người con sẽ khôn lớn, trưởng thành. Kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về người cha quá cố, chị Chinh xúc động, nước mắt lăn dài. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới chi tiết khi chị nhắc tới người chị song sinh đã được cho làm con nuôi. Theo lời kể của cha, thời điểm đó, trong đơn vị có một người tên Thập hiếm muộn, mặc dù đã cưới nhau nhiều năm vẫn không có con. Đầu năm 1960, sau khi vừa lọt lòng, vợ chồng ông Năm đã để người con cho gia đình ông Thập nuôi dưỡng. Sau thời điểm đó, đơn vị liên tục thay đổi, những người mới dần thay thế người cũ, dẫn đến những thông tin dần mai một. Từ đó đến nay, gia đình không có bất kỳ thông tin về ông Thập. Chị Chinh và gia đình đã nhiều lần dò hỏi tin tức, tìm gặp những người gần gũi với cha để nắm thông tin về người chị song sinh. Theo một số người bạn, gia đình có thông tin ông Thập quê gốc Phú Thọ. Lần theo các mối quan hệ, gia đình nhiều lần lên tỉnh Phú Thọ để dò tìm song không có kết quả. Thời gian thấm thoát thoi đưa, ấy vậy đã hơn nửa thế kỷ qua, tung tích về người chị song sinh vẫn bặt vô âm tín. Những hy vọng nhỏ nhỏi lụi dần. Cảm động trước hoàn cảnh của gia đình chị Chinh, chúng tôi hứa sẽ giúp chị tìm lại người em song sinh mặc dù biết rằng, việc tìm kiếm chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Song chúng tôi có linh cảm sẽ thành công.

Di ảnh ông Nguyễn Văn Thập.

Rời căn nhà nhỏ của chị Chinh, chúng tôi ra về trong tâm trạng lâng lâng, khó tả. Trung úy Thắng tiết lộ rằng có thông tin quan trọng, có thể tìm ra manh mối người em song sinh bị thất lạc của chị Chinh. Đó chính là lịch sử trại tạm giam. Mặc dù tìm gặp lại những nhân chứng sống cùng thời ông Thập, ông Năm là rất khó khăn song anh tin rằng, nếu kiên nhẫn vẫn có thể gặp được. Thế rồi, anh tìm gặp ông Nguyễn Văn Cừ, là Giám thị Trại tạm giam giai đoạn 1962 – 1970. Thật may mắn, ông Cừ còn khá minh mẫn. Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, song ông Cừ vẫn nhớ tới ông Thập, người thủ trưởng đáng kính của ông. Thế rồi, từ lời kể của ông Cừ, chúng tôi lập tức có mặt tại xóm Bún, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình).

Yên Mông là xã ngoại thành, mang hơi hướng vùng quê miền sơn cước với cánh đồng ruộng trải dài, những quả đồi xanh ngút ngàn, được tô điểm bởi những cánh cò dập dìu, uốn lượn. Cùng với tốc độ đô thị hóa, Yên Mông đã có nhiều khởi sắc về kinh tế, xã hội, đời sống của người dân được cải thiện. Yên Mông cũng là  quê hương của nhiều thương binh, anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Con đường nối dài từ thành phố Hòa Bình dẫn chúng tôi tới căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Len, 55 tuổi, ở xóm Bún, xã Yên Mông. Bà Len là con gái cả của ông Nguyễn Văn Thập – Giám thị  Trại trạm giam Công an Hòa Bình những năm 60 thế kỷ trước. Bà Len có dáng người mảnh dẻ, làm ruộng tại nhà. Cuộc sống khó khăn, vất vả hiển hiện trên khuôn mặt có phần khắc khổ của bà. Vốn là nông dân hiền lành, chất phát, bà say sưa kể về người cha quá cố của mình.

Ông Nguyễn Văn Thập, sinh năm 1913 ở xã Yên Mông, thị xã Hòa Bình. Ngay từ nhỏ, ông Thập sớm bộc lộ tư cách của người trí thức. Ông thoát ly gia đình, được tuyển dụng vào Ty Công an Hòa Bình và làm công tác quản giáo cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1958, ông được bổ nhiệm làm Giám thị Trại tạm giam Ty Công an Hòa Bình và giữ chức vụ này cho đến năm 1962. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm việc tại địa phương và có nhiều đóng góp củng cố hệ thống chính quyền xã, được nhân dân trong vùng quý trọng. Năm 1972, ông mắc căn bệnh hiểm nghèo và đột ngột qua đời trong sự tiếc thương của gia đình và bà con phố xóm.

Trong quãng đời của mình, bà Len nhiều lần được cha kể về một cô bé mà ông được người đồng đội tên là Năm cho làm con nuôi. Thời điểm đó, vợ chồng ông Thập hiếm muộn nên lấy nhau đã nhiều năm mà không có con. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến năm ông Thập 47 tuổi mà vẫn chưa có con để trông cậy tuổi già. Cảm thông với hoàn cảnh của ông Thập, sau khi sinh đôi được 2 người con gái, ông Năm đã cho ông Thập làm bố nuôi con gái mình. Kể từ đó đến nay, giữa ông Thập và ông Năm mất liên lạc, không còn bất cứ thông tin về nhau. Đến khi 2 ông qua đời, các con của ông Phạm Văn Năm đã nhiều lần tìm cách liên lạc để tìm lại người chị, người em của mình song không có kết quả.

Trung úy Nguyễn Việt Thắng (ngồi ngoài bên trái) nói chuyện với bà Nguyễn Thị Dỉu.

Ngay sau khi ông nhận con nuôi thì vợ ông lại mang bầu, rồi sinh hạ một bé gái bằng đúng tuổi con nuôi. Cô gái đó chính là bà Len (Nguyễn Thị Len). Sau đó, người con nuôi được đem cho chị Nguyễn Thị Dỉu, cháu gọi ông Thập là chú ruột. Chị Dỉu là giáo viên tại Trường THCS xã Yên Mông, huyện Kỳ Sơn, mặc dù lấy chồng đã nhiều năm mà không có con. Mặc dù không phải con chị đứt ruột đẻ ra, song chị Dỉu vô cùng hạnh phúc, chị dành tất cả tình thương yêu để nuôi nấng, chăm sóc. Thế nhưng, đến khi bé gái được 7 tháng tuổi thì bị mắc bệnh viêm phế quản. Vào thời điểm đó, đó thực sự là căn bệnh nan y, gia đình lại khó khăn nên không được chữa trị kịp thời và qua đời. Bà Nguyễn Thị Dỉu hiện đã bước sang tuổi 83. Mặc dù tuổi cao, song bà khá minh mẫn khi nhắc về người con nuôi xấu số đã bỏ bà đi cách đây 55 năm. Trong thâm tâm, bà luôn mong muốn người con nuôi sẽ đoàn tụ gia đình cho dù cô bé đã không còn nữa.

Đón nhận thông tin đó, chúng tôi không biết nên buồn hay nên vui, có nên báo tin cho gia đình chị Chinh biết chuyện hay không. Sau khi đắn đo, cân nhắc, chúng tôi quyết định thông báo cho chị Chinh.

Mặc dù chuẩn bị trước tâm lý, song khi biết tin, chị Chinh và gia đình không khỏi xúc động, nước mắt trào dâng. Chị không ngờ rằng, cái ngày cả gia đình đoàn tụ sau hơn nửa thế kỷ cũng là ngày chị biết tin, người chị song sinh đã mất cách đây 55 năm. Những cái nắm tay thật chặt không nói nên lời, chị Chinh thay mặt gia đình cảm ơn Trung úy Thắng và Ban Giám thị Trại tạm giam Công an Hòa Bình đã giúp gia đình chị được đoàn tụ. Chị cho biết, thời gian tới sẽ đến thắp nén nhang đón người chị, người em ruột thịt trở về gia đình. Trung úy Thắng ra về trong tâm trạng bâng khuâng, khó tả. Anh tự hào vì làm một việc có ý nghĩa góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 2005, Nguyễn Việt Thắng được tuyển dụng phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND. Anh được phân công về Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Mặc dù công tác trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, song anh Thắng lần lượt vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sau 3 năm học tập, rèn luyện, anh chính thức biên chế trong lực lượng CAND. Ngày 3/2/2008, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư chi đoàn của Trại tạm giam Công an tỉnh. Trải qua gần 10 năm công tác tại Trại tạm giam Công an Hòa Bình, Trung úy Nguyễn Việt Thắng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, từ cán bộ quản giáo, đến cán bộ tham mưu, tổng hợp. Ở lĩnh vực nào, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo tin tưởng, anh em quý mến và được cấp trên tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Anh chia sẻ rằng, làm cán bộ Công an việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì không có lợi thì tuyệt đối tránh. Phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phải biết dựa vào nhân dân. Những chân lý tưởng rằng giản đơn đó thực sự có ý nghĩa sâu sắc để tạo nên Nguyễn Việt Thắng luôn vì nhân dân phục vụ.

Lan Hương
.
.
.