Câu chuyện về những em nhỏ ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội

Thứ Hai, 19/01/2015, 20:00
Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) được thành lập vào tháng 4/1978 tại xã Viên An – huyện Ứng Hòa – TP Hà Nội, sau nhiều lần đổi tên và thay đổi địa điểm, tháng 11/1990, trung tâm được chuyển về thôn Tràng An – thị trấn Chúc Sơn – huyện Chương Mỹ - TP Hà Nội. Hiện nay, trung tâm là nhà của 125 trẻ mồ côi và khuyết tật bẩm sinh được tiếp nhận từ 19 trên 30 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngôi nhà của những tâm hồn trẻ khuyết tật Hà Nội

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội được thành lập vào tháng 4/1978, tiền thân là Trường dạy chữ cho người câm, người điếc tại xã Viên An – huyện Ứng Hòa –  Hà Nội. Sau đó trung tâm được chuyển tới huyện Phú Xuyên – Hà Nội. Tháng 11/1990, trung tâm được chuyển đến thôn Tràng An – thị trấn Chúc Sơn – huyện Chương Mỹ - Hà Nội và được gọi với cái tên là Trường 23/3. Từ năm 1995, trường được đổi lại tên như hiện nay: Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội.

Trung tâm đang là ngôi nhà chung của 125 trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật đến từ 19/30 quận, huyện trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội và chủ yếu nuôi dưỡng các em nhỏ từ 6-16 tuổi, ngoài ra còn rất nhiều em nhỏ ở từng độ tuổi khác nhau, thậm chí có những em chỉ vài tháng tuổi bị gia đình bỏ rơi hoặc không có đủ khả năng nuôi dưỡng cũng được các cán bộ, giáo viên nơi đây mở lòng đón nhận.

Trao đổi với ông Lê Văn Hoàng –  Giám đốc trung tâm, ông cho biết: “Hầu hết các cháu nhỏ được gửi đến trung tâm đều được sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và không đủ điều kiện để nuôi dưỡng các cháu”. Vốn đã sinh ra trong những gia đình đặc biệt khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi các em mắc phải những khuyết tật cả về thể chất lẫn ý thức, cho nên ông Hoàng cùng các cán bộ công nhân  viên ở trung tâm luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các em, coi các em như là con đẻ của mình.

Hiện tại trung tâm có 37 cán bộ công nhân viên phụ trách giảng dạy văn hóa cho các em theo chương trình 8 năm, 1 y sĩ và nhiều điều dưỡng viên phụ trách việc hồi phục chức năng cho các em. Bằng tấm lòng bao dung và sự nhiệt huyết, sự yêu nghề của các cán bộ, giáo viên, tại đây các em được khai thông trí tuệ, hồi phục chức năng để có thể trở về với cuộc sống bình thường như bao người khác. Trong năm 2014, trung tâm đã nuôi nhận hơn 10 trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng. Cũng trong năm nay, trung tâm đã hoàn thành quá trình học văn hóa cho 20 em ở độ tuổi 17-18, đưa các em trở về với cuộc sống bình  thường. Hơn nữa, trung tâm còn kết hợp với Trường Trung cấp kinh tế Hoa Sữa tạo điều kiện dạy các em nghề may,giúp các em sau này có thể tự lập với cuộc sống bên ngoài. Ngoài ra, có 2 em đã hoàn thành quá trình học và được học cao lên hệ trung cấp của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội… Đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của các em nhỏ mà còn là niềm tự hào của cán bộ nơi đây.

Các gia đình có con em ở trung tâm hoàn toàn không phải đóng góp bất kỳ khoản chi phí nào. “Các cháu ở đây được nuôi 3 bữa một ngày với thực đơn thay đổi liên tục nhằm mang đến cho các cháu chế độ dinh dưỡng tốt nhất, đồng thời Nhà nước cũng đã hỗ trợ cho mỗi cháu 1.400.000 đồng 1 tháng nên về khoản chi phí nuôi dưỡng, chúng tôi hầu như không gặp nhiều khó khăn” – ông Hoàng chia sẻ. Đồng thời trung tâm cũng đã kết hợp với một số bộ phận Nhà nước đi kêu gọi người dân địa phương chung tay góp sức, ủng hộ cho các em nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tại đây, các em được giảng dạy trong môi trường lành mạnh cùng đầy đủ điều kiện vật chất. Từ khu vực dạy học, thể chất đến khu nhà ăn, vui chơi,… tất cả đều được phân bố hợp lý để chuẩn bị cho các em những hành trang tốt nhất để các em có thể nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Sau mỗi giờ học căng thẳng, các em lại được thỏa sức vui chơi với những trò chơi dân gian. Nhìn các em hòa mình với những trò chơi cùng ánh mắt trong veo và nụ cười hạnh phúc, chúng tôi – những người phóng viên không khỏi xúc động, chỉ mong sao các em nhanh chóng hòa mình được với cộng đồng, với xã hội để các em có một tương lai và cuộc sống hạnh phúc như bao người khác…

Đội thanh niên tình nguyện Sông Mã chụp ảnh cùng các em nhỏ.

Trao đổi với phóng viên, chị Trương Thị Liên (xã Tân Vân – huyện Phú Xuyên), giáo viên dạy văn hóa tại trung tâm cho biết: “Mỗi lớp có khoảng 12 đến 15 em, các em rất ngoan và biết nghe lời, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn cố gắng tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ hình thể kèm theo những hình ảnh sinh động cho các em để các em có thể hiểu bài một cách nhanh nhất, tốt nhất”. Như biết được rằng mình phải chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa, các em nơi đây đều rất cố gắng trong học tập và ngoan ngoãn. Đôi khi chỉ với những hành động nhỏ như vậy thôi cũng đã phần nào làm bớt đi những mệt nhọc, lo toan trong quá trình giảng dạy của những giáo viên tại trung tâm như chị Liên. Có thể nói, giảng dạy trong môi trường trẻ khuyết tật tưởng chừng như là điều vô cùng khó khăn, nhưng khi được hỏi về điều đó, hầu như cán bộ, giáo viên nơi đây đều cười thật tươi… Có lẽ bởi từ sâu trong lòng những con người ấy, lòng yêu nghề, sự tận tâm và tấm lòng bao dung đã làm họ quên đi những khó khăn, mệt nhọc mà công việc mang lại.

Khó khăn của những con người ở trung tâm

Ông Hoàng cho biết: “Vì trung tâm không được chiêu sinh nên các cháu được đưa đến trung tâm không theo đợt với nhiều độ tuổi khác nhau nên trong quá trình giảng dạy, có những lớp các cháu 14-15 tuổi học chung với các cháu 5-6 tuổi. Vì thế giáo viên đôi khi gặp phải nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức đến các cháu”.

Đối với những em khuyết tật đặc biệt nặng, có những em 14-15 tuổi nhưng nhận thức chỉ như các em 4-5 tuổi nên việc truyền đạt kiến thức đến các em rất khó khăn, giáo viên phải sử dụng cả những thiết bị chuyên môn để giảng dạy. “Khi đã đủ tuổi để ra trường mà các em vẫn không thể cải thiện được nhận thức thì lúc đó, các em sẽ được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng mãi mãi về sau này” – ông Hoàng chia sẻ.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy cho các em nhưng dường như điều đó không làm giảm đi sự nhiệt huyết  của cán bộ, giáo viên tại trung tâm. Với tấm lòng bao dung, yêu thương các em như con đẻ của mình, cán bộ, giáo viên  nơi đây luôn cố gắng mang lại cho  các em những thứ tốt nhất, không chỉ là kiến thức phổ thông mà còn cả những kỹ năng sống để các em có được hành trang tốt nhất cho cuộc sống sau này.

Nụ cười hạnh phúc

Đến với trung tâm vào một ngày thứ Bảy, phóng viên chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi người mở cổng đưa chúng tôi vào lại là một em nhỏ chừng 15 tuổi. Em dẫn chúng tôi vào với nụ cười tươi trên môi và ánh mắt sáng ngời đầy sự thích thú. Khi được biết có phóng viên đến xin phỏng vấn và chụp ảnh mình, các em nhỏ liền chạy đến rối rít, tạo dáng và cười rất tươi. Một em nhỏ nắm tay tôi, kéo tôi ra chỗ khuôn viên chụp ảnh, em nói: “Em thích chụp ảnh lắm chị ạ, ngày trước, mỗi lần có người đến chụp ảnh bọn em là em lại ra chụp, vui lắm chị ạ”. Nhìn em nói, ánh mắt em sáng ngời đầy thích thú, tôi không khỏi chạnh lòng khi biết rằng một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên như vậy mà lại phải chịu quá nhiều thiệt thòi của cuộc sống.

Cứ ngỡ cuộc sống khó khăn như vậy sẽ khiến các em mất đi niềm vui, nụ cười, vậy mà trái ngược với điều đó, các em nơi đây đều rất yêu đời, tự tin, thân thiện và hòa đồng với mọi người xung quanh. Như biết được hoàn cảnh của mình, các em đều rất yêu thương nhau. Khi chúng tôi đến cũng là lúc các em đang chơi trò chơi dưới sân trường, nhìn thấy các em thân thiết với nhau, nắm tay nhau, trao cho nhau những cử chỉ yêu thương mà chúng tôi không khỏi xúc động và nghĩ rằng đây mới là ngôi nhà thực sự của các em.

Bên cạnh những hoạt động vui chơi giải trí, các em còn rất hăng say tham gia những hoạt động xã hội như dọn vệ sinh môi trường, viết thư gửi tặng thầy cô. Vào ngày 20/11 vừa qua, các em đã cùng nhau làm nên những tờ báo tường đẹp mắt và ý nghĩa để gửi tặng đến thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Những tờ báo tường đầy màu sắc được trưng bày ngay ngắn trong phòng Hội đồng của trung tâm. Nhìn vào những tờ báo tường với những hình vẽ và dòng chữ ngay ngắn, ít ai nhận ra rằng đây lại là những tờ báo tường của những đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh. Mỗi tờ báo không chỉ ẩn chứa tình yêu thương của các em dành cho thầy cô giáo mà sâu thẳm là khát vọng được tự do hòa mình với cộng đồng, được sống cuộc sống như bao đứa trẻ khác của các em.

Những tấm lòng vàng

Ngày phóng viên chúng tôi đến trung tâm cũng là ngày mà đội “Thanh niên tình nguyện Sông Mã” đến. Được biết, đội thành lập với mục đích giúp đỡ các em nhỏ ở những trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, thành phần của đội là những sinh viên trẻ có tấm lòng yêu thương nhân ái thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trao đổi với bạn Nguyễn Thành Phương (sinh viên năm 2 – Đại học Ngoại thương Hà Nội) về nhiệm vụ của mình, bạn chia sẻ: “Chúng mình đến đây khoảng 2-3 tuần 1 lần, nhiệm vụ chủ yếu của chúng mình là vui chõi, mang tiếng cýời ðến cho các em thôi và thỉnh thoảng cũng giúp ðỡ mọi ngýời lau dọn hay một số việc lặt vặt khác nữa”. Vừa nói, Phýõng vừa vòng tay ôm lấy 1 em nhỏ, dành cho em những cử chỉ yêu thương như của 1 người anh với người em ruột thịt của mình, tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc trong ánh mắt em và khát vọng được yêu thương trong em lớn đến nhường nào. Khi nhìn thấy đội tình nguyện từ xa, các em nhỏ liền chạy đến, ôm chầm lấy từng người một rồi trêu đùa các thành viên trong đội. Có lẽ, các em đã quá quen với hình ảnh của đội tình nguyện và coi các thành viên trong đội như những người anh, người chị của mình.

Cứ mỗi dịp lễ như Tết Trung thu, Noel,… các em nhỏ nơi đây lại được nhận những món quà từ những nhà hảo tâm, những người dân địa phương xung quanh. Những món quà đôi khi nhỏ bé nhưng đối với các em, đó lại là một điều gì đó thật lớn, để các em có thể yên tâm với cuộc sống hiện tại và từng bước cố gắng hoàn thiện mình.

Mai Phương
.
.
.