Cây ATM gạo kiểu Việt Nam xuất hiện ở Indonesia và Philippines

Thứ Hai, 18/05/2020, 06:45
Đại dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn cầu đã khiến hàng triệu người Indonesia và Philippines phải vật lộn để kiếm sống. Học hỏi theo cách của Việt Nam, các nhà chức trách hai quốc gia Đông Nam Á này cũng đang khẩn trương triển khai các cây AMT gạo để giúp đỡ những người khốn khó.


Tháng này, Linda Syafri, một phụ nữ mang thai 28 tuổi, nằm trong số nhiều người xếp hàng tại một căn cứ quân sự ở Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta (Indonesia) để nhận khẩu phần gạo là 1,5kg. Trong khi đó, bà Sy Syri, người đứng ngay sau Linda Syafri thì cho biết, bà mới bị công ty sa thải hồi đầu tháng và chồng cũng bị nghỉ việc không lương. “Mặc dù số gạo trợ cấp không nhiều nhưng nó rất hữu ích đối với gia đình chúng tôi”, bà Sy Syri nói.

Theo tờ Jakartapost, đây là một trong 10 điểm phân phối gạo ở thủ đô Jakarta và là một phần trong sáng kiến của Chính phủ Indonesia nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến hàng triệu người mất việc làm trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Mỗi người dân xếp hàng tại cây ATM gạo ở Indonesia sẽ được nhận 1,5kg gạo. ảnh: Reuters

Ghi nhận của phóng viên tờ Jakartapost cho hay, cây ATM gạo của Indonesia được vận hàng bằng thẻ từ, hoạt động tự động giống một cây ATM thông thường. Loại gạo trong cây ATM đặc biệt này cũng được lựa chọn là gạo chất lượng tốt. Ibrahim - một nhà phân phối, giám sát cây AMT gạo cho biết, hoạt động của ATM gạo được nghiên cứu và tiến hành ở Indonesia sau khi mô hình này được báo chí phương Tây ca ngợi là hoạt động hiệu quả ở Việt Nam.

“Quốc gia láng giềng Việt Nam đã tung ra máy ATM gạo ở thủ đô Hà Nội, phân phát tới 3kg gạo cho những người đang vật lộn với tác động của COVID-19. Thành công của Việt Nam đã khuyến khích chính quyền của chúng tôi. Làm sao Indonesia, sau 20 năm dân chủ hóa lại không thể có được cây ATM như vậy. Thế là, mỗi ngày, chúng tôi chuẩn bị 1,5 tấn gạo cho khoảng 1.000 người. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó mỗi ngày, không nghỉ ngơi, thậm chí vào cuối tuần”, Ibrahim nhấn mạnh.

Được biết, Indonesia từng vận hành một chương trình trợ cấp gạo quy mô lớn được gọi là Raskin, hay “Gạo cho người nghèo”, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990. Tuần này, Quốc hội Indonesia cũng đã ủng hộ gói kích thích khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD (38,6 tỷ USD) của Tổng thống Joko Widodo, theo đó mở rộng phúc lợi xã hội cho thêm 10 triệu hộ gia đình và hỗ trợ lương thực.

Hàng người ngồi xếp hàng chờ đến lượt tại các cây ATM gạo ở Philippines. ảnh: AP

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tàu chính Sri Mulyani Indrawati cho hay, đối với một quốc gia đang phát triển, nơi hàng triệu người làm việc trong khu vực phi chính thức, thì đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong một thập kỷ. Những người dân đủ điều kiện được nhận khẩu phần gạo từ các cây ATM gạo gồm người làm công ăn lương hàng ngày, người thất nghiệp, những người không sở hữu nhà và những người sống dưới mức nghèo khổ.

Ước tính có tới 70% lực lượng lao động của Indonesia làm việc không chính thức, có nghĩa là tác động của việc đóng cửa doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong mùa COVID-19 là đặc biệt nghiêm trọng. Số người thất nghiệp chính thức của Indonesia đã tăng lên 7 triệu theo số liệu công bố đầu tháng 5.

Trong khi đó, Indonesia có khoảng 15.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và chỉ hơn 1.000 trường hợp tử vong. Nhưng đáng lo nhất là “mọi người cũng đang chết dần vì nền kinh tế chảy máu", Zulfan Tadjoeddin, giảng viên nghiên cứu phát triển tại Đại học Western Sydney nhận định. "Nguy cơ của một nền kinh tế chảy máu ở Indonesia có lẽ nghiêm trọng hơn COVID”.

Còn ở Philippines, các cây ATM gạo cũng đã xuất hiện nhiều hơn từ đầu tháng 5. Người dân đều hồ hởi trước những trợ giúp kiểu này từ chính phủ. Báo chí phương Tây đã có nhiều bài viết và phóng sự ảnh về những cây ATM gạo ở Philippines và cho rằng, mô hình AMT gạo của Việt Nam đang ngày càng được nhân rộng trong khu vực Đông Nam Á và là cách thiết thực nhất để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Chi Anh
.
.
.