Cây cầu nối giữa các ngôn ngữ

Thứ Tư, 12/07/2017, 07:59
Không ít ý kiến cho rằng, văn học dịch là một sự sáng tạo, là một trong những chìa khóa nguyên thủy để phổ cập văn hóa.

Mauro Armiño (Cereceda, Burgos, 1944), người đoạt 3 giải thưởng quốc gia Tây Ban Nha trong lĩnh vực dịch thuật và là chuyên gia về văn học Pháp (Molière, Corneille, Marivaux, Rimbaud, Proust, Camus…), ông từng dịch nhiều tác phẩm của các tác giả Anglo-Saxon (Wilde, Hawthorne, Poe…), cho rằng “có lẽ công việc của một dịch giả là làm “trung gian hòa giải” giữa hai ngôn ngữ”, với nỗi ám ảnh không được thua. Và nỗi ám ảnh đó là nhiệm vụ của bạn, công việc của bạn".

Trên làn da của tác giả

Bà Luminița Voina-Răuţ (Brasov, Romania, 1958) đã dịch ra tiếng Romania các tác phẩm của nhiều tác giả Tây Ban Nha (Vargas Llosa, Cortázar, Bryce Echenique, Bolaño, Marsé…) và các nhà soạn kịch (Sanchis Sinisterra, Mayorga, García Lorca, Belbel, Galcerán y Rodrigo García, ...); và là cố vấn văn học của Nhà hát Lucia Sturdza Bulandra ở Bucharest. 

Bà nhận ra rằng, trong trường hợp của bà, có thể nói về sự đồng điệu và trích lời một nhà thơ Romania, Nora Luga, rằng “một dịch giả hiểu về tác giả rõ hơn cả mẹ anh ta, vợ và các con của anh ta, và kể cả người tình của anh ta, bởi vì một dịch giả là người duy nhất hiểu điều đó và làm điều đó thông qua ngôn ngữ của anh ta - điều sâu thẳm nhất trong sự sống của anh ta”. 

Dịch thuật - Cây cầu nối giữa các ngôn ngữ.

Voina-Răuţ chắc chắn rằng: “Đối với mỗi tác phẩm, tôi chỉ cần đọc qua mấy dòng đầu là biết được mình có thể dịch được tác phẩm đó hay không. Nó giống như là tôi cảm thấy quý, hay tôi rơi vào bẫy tình yêu của tác phẩm đó”. 

“Làm sao tôi có thể phản bội bản gốc?”, bà tự hỏi, “Mỗi khi bắt đầu dịch, tôi luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của tác giả. Tôi dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Romania, hai ngôn ngữ rất phong phú cho phép tôi “chơi đùa” với những con chữ theo nhiều phong cách khác nhau như nghệ thuật, biểu cảm… Bên cạnh đó, đối với tôi, sự đồng điệu cũng được phản ánh trong việc làm rõ những nghi ngờ trực tiếp với tác giả để cùng nhau lựa chọn ra phiên bản tốt nhất. Khi dịch một câu chuyện của Cortázar có đoạn kết rất tối nghĩa, tôi đã phải cố gắng tham khảo từ các bản dịch tiếng Pháp, nhưng chúng cũng chẳng giúp được gì. Tôi đã tìm đến nhà văn Antonio Pereira và ông đã nói với tôi rằng: “Bạn phải dịch được sự tối nghĩa đó. Vì nó có thể là điều mà tác giả đang tìm kiếm và mong muốn”. Đó là một gợi ý thông minh và tôi sử dụng nó kể từ đó”.

Laura Vidal (Madrid, 1971), chuyên gia về đề tài ngôn luận trong tiếng Anh, chuyện kể và các nhà bình luận (Anthony Doerr, Joyce Carol Oates, Julian Fellowes, Kristin Hannah, Elizabeth Gilbert, Hannah Kent, Joe Hill, Steven Johnson, Victor Davis Hanson, Rebecca West…) bổ sung thêm, sự đồng điệu cũng là “sự tôn trọng đối với bản gốc. 

Một dịch giả giỏi sẽ luôn biết cách làm thế nào để bản dịch của anh ta theo cách chính xác nhất, kể cả văn bản gốc có chất lượng như thế nào. Đôi khi anh ta còn phải “đi vòng”, thậm chí có thể mắc sai lầm và kết quả sẽ không bao giờ là giống nhau. Nhưng, nếu anh ta truyền đạt được cho người đọc được thông điệp của bản gốc, thì anh ta đã làm tốt công việc của mình".

“Âm hưởng” của các thể loại

Nói về các thể loại khác nhau, một câu hỏi cơ bản được đặt ra: Tất cả đều dịch theo cùng một cách? Theo Sáenz, “tất cả mọi hình thức dịch đều giống nhau nhưng cách dịch lại khác nhau. Để dịch một vở kịch, bạn cần phải cố gắng tìm cách làm cho các mẩu đối thoại được nói theo cách tự nhiên nhất có thể. Ở vị trí của tôi, sẽ rất hữu ích khi tham dự một buổi tập và trò chuyện cùng các diễn viên vì họ là những người hiểu rõ nhất về vở kịch đó. Mỗi thể loại đều có “âm hưởng” riêng của chúng, và ngôn ngữ của bản dịch phải “nghe” được âm hưởng đó. Đối với cá nhân tôi, dịch các vở kịch là một trong những hoạt động vô cùng bổ ích mà tôi biết”. 

Armiño nói thêm, khi dịch một cảnh (của vở kịch), tất cả “phụ thuộc vào “trò chơi” mà tác giả cho phép bạn tham gia: kinh nghiệm của tôi khi làm việc với Molière - nhà thơ, nhà viết kịch, nghệ sĩ người Pháp, người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển, một bậc thầy của kịch nghệ châu Âu - là bắt buộc phải thích nghi với những trò chơi chữ của tác giả, hay cảm giác ông thể hiện trong nhân vật của các tác phẩm “Tartuffe”, “Bệnh giả tưởng” hoặc “Lão hà tiện”. 

Nhưng khi tôi làm việc với Marivaux thì mọi thứ lại ngược lại: Hãy tự để bản dịch nói lên điều muốn nói. Trong trường hợp dịch thơ, sự phức tạp là vô cùng khắc nghiệt, bởi vì bạn phải đối diện với hai hệ thống thơ, hai truyền thống đặt vần khác hẳn nhau, rồi thì nhịp điệu, vần điệu...

Ảnh minh họa.

Luminița Voina-Răuţ nhấn mạnh: “Việc dịch một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết hoặc văn bản chỉ mang một ý nghĩa đơn giản duy nhất là dịch văn học”. Tuy nhiên, có những sự khác biệt trong ý nghĩa đó; ví dụ, đối với một vở kịch, bản dịch cần phải mang âm hưởng của cả văn học lẫn sân khấu. Vì vậy, có những đặc điểm rất quan trọng khi dịch thể loại này và dịch giả cần phải hiểu biết về thế giới sân khấu.

Thuật ngữ “thông dịch viên, kẻ phản bội”, ám chỉ việc dịch sai văn bản gốc, không còn là một chủ đề nhàm chán và vô dụng. 

Miguel Sáenz (Larache, Morocco, 1932), dịch giả người Tây Ban Nha đoạt rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực dịch thuật, từng dịch sang tiếng Tây Ban Nha các tác phẩm của nhiều nhà văn người Ðức (như Thomas Bernhard, Gunter Grass, W. G. Sebald và Bertolt Brecht) và một số nhà văn người Anh (như Henry Roth, Salman Rushdie và William Faulkner...), nhận định rằng: “Việc dịch sai văn bản gốc được ví như một cô gái. Tôi thực sự không thích sự đồng lõa. Nhưng, dù muốn hay không, mỗi dịch giả là một người sáng tạo”. 

Ðồng quan điểm, David Ferré (Talence, Pháp, 1971), tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Sân khấu Hoàng gia (RESAD), đã trải qua 15 năm dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Pháp các tác phẩm sân khấu đương đại cho rằng, dịch thuật không chỉ là việc làm phong phú hơn văn bản gốc mà còn là sự phản chiếu. Bởi vì, ngôn ngữ của dịch thuật đã tự nói lên điều đó. 

Trên thực tế, bất kỳ thời kỳ nào, một dịch giả cũng là một tác giả, và đôi khi họ còn có phần vượt trội hơn tác giả. Ngoài ra, dịch thuật cũng là một tín hiệu mở, cho phép chúng ta khám phá một sự vật, hiện tượng,… theo một cách khác.

Khổng Hà
.
.
.