Cây cầu "tử thần"

Thứ Sáu, 30/08/2013, 11:37

Mặt cầu chỉ rộng chừng hơn mét, được ghép lại bằng những tấm ván mỏng thò thụt, chỗ kín chỗ hở. Bước chân qua cầu lúc nước sông đang dâng cao cứ cảm giác chòng chành như sắp lao đầu xuống dưới. Mỗi lần xe máy đi qua chiếc cầu khỉ lại rung lên bần bật. Ấy vậy mà cây cầu "Chết" ấy, cách gọi vui của người dân thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, vẫn là con đường giao thông huyết mạch của người dân sống quanh vùng, dù nơi đây đã có biết bao nhiêu tai nạn thương tâm xảy ra.

Hà bá luôn rình rập

Cây cầu độc mộc bắc ngang qua một nhánh sông Nhuệ nối liền thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai và xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu vẫn là con đường ngắn nhất để người dân hai xã qua lại buôn bán làm ăn, và cũng là đường gần nhất để người dân thôn Chỉ Viên, xã Phú Túc có thể lên khu trung tâm huyện cũng như vào nội thành Hà Nội để làm việc. Vì thế mà hằng ngày, người dân hai bên sông vẫn qua lại tấp nập và cũng không ít những tai nạn thương tâm xảy ra từ chính cây cầu tử thần này.

Bác Khiêm, người sống ở làng Phương Nhị và cũng chính là một trong hai người đã thầu làm cây cầu độc mộc này cho biết: Cây cầu khỉ này đã có từ thời Pháp thuộc. Khoảng năm 2000, sau một trận lũ to, cây cầu bị cuốn trôi tất cả. Dân hai bên sông đi lại rất khó khăn bởi muốn sang được bờ bên kia thì phải đi vòng một đoạn đường dài hơn hai cây mới có cầu nhỏ để sang sông và phải đi dọc bờ đê dài gần hai cây số với toàn đường đất và gạch nát.

Được sự đồng ý của UBND xã, bác Khiêm và một người dân trong làng đã nhận thầu làm cây cầu độc mộc này. Thời ấy, vì thiếu kinh phí nên người làng chỉ có thể làm được cây cầu nhỏ hẹp từ những tấm gỗ mỏng xếp xô lệch mà không hề có tay vịn, tay níu nhưng chi phí cũng hết gần chục triệu đồng.

Bác Khiêm giúp đỡ một người dân qua cây cầu tử thần.

Vì thế mà hằng ngày, bác Khiêm vẫn phải ra chiếc chòi nhỏ đầu cầu để vừa thu phí đi lại của người dân vùng khác đến, vừa trông nom tu sửa cây cầu và giúp đỡ những người chở hàng nặng hay người già yếu mỗi lần muốn sang bên kia sông. Bác bảo, người làng thì không bao giờ lấy tiền nhưng người từ nơi khác đến hay người bên xã Phú Túc sang thì vẫn phải trả 2.000 đến 3.000 đồng một lượt để các bác có tiền tu sửa cầu và cũng để hoàn lại số vốn đã bỏ ra để nhận làm cây cầu này.

Trong gần 13 năm nhận trông nom cây cầu, bác Khiêm cũng đã chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra tại đây. Thường thì ban ngày, bác Khiêm sẽ là người ra trực cầu và thu phí đi lại đến khoảng 6-7h tối, nên ai bị ngã xuống cầu đều được bác ứng cứu kịp thời. Chỉ có buổi tối không có người nên nhiều vụ chết đuối xảy ra hơn.

Từ Tết năm 2013 trở ra, trong thôn đã có ba người chết khi đi qua cầu. Còn trường hợp người ngã, rơi xe, rơi đồ đạc xuống sông thì nhiều không kể hết bởi mặt cầu gập ghềnh, khấp khểnh, chỉ cần bước hẫng, đi hụt là cả người cả của lao hết xuống sông. Những người được bác cứu vớt nhiều không đếm xuể.

Bác chia sẻ: "Có lần một ông cụ gần 80 tuổi dò dẫm bước qua cầu thế nào lao người xuống nước, may mà tôi lao xuống kịp thời đưa cụ lên rồi nhờ người gọi con cháu ra đưa cụ về, nếu không nhanh thì hôm ấy ông cụ cũng đi rồi".

Bác Hương người trong thôn cho biết: "Hôm mùng 1 Tết 2013, có hai vợ chồng trẻ và đứa con đi chúc tết qua cầu thế nào rơi xuống sông. May mà anh chồng biết bơi, lại có người đi ôtô dừng lại nên kịp thời cứu được cả mẹ cả con chứ không thì không biết thế nào.

Có người rơi xuống sông chắc vì sợ hoặc vì chấn động mạnh mà nhiều lúc ngơ ngơ, cũng không còn nhanh nhẹn như trước. Gần đây nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1983) người trong thôn, có đi qua cầu sang xã bên mua thuốc được cho là rơi xuống nước và bị lũ cuốn trôi đến nay chưa tìm thấy xác".

Khi chúng tôi tìm đến nhà anh Trưởng, chồng chị Hiếu để tìm hiểu sự việc thì được anh kể lại đầy đủ, chi tiết sự việc: Tối 10/8, chị Hiếu nằng nặc đòi qua cầu đi lấy thuốc chỗ người quen và bảo anh ở nhà cho các con ăn cơm, chị đi một lúc rồi sẽ về. Nhưng vì trời tối, nước sông lại đang dâng cao sau một đợt mưa lớn kéo dài, anh đã ngăn không để chị đi. Khi anh vừa từ dưới nhà tắm đi lên thì chị đã đi mất từ lúc nào và chỉ ít phút sau, anh thấy người em từ ngoài đầu thôn chạy vào hốt hoảng cho hay, chị Hiếu đã rơi xuống sông mất tích.

Anh Trưởng vội vàng cùng anh em họ hàng nội ngoại lao ra ngoài bờ sông thì chỉ thấy chiếc xe nằm vắt vẻo trên cầu, còn người thì không biết đã rơi đâu. Một mình anh lặn xuống độ sâu hơn 10m để tìm kiếm vợ nhưng bất thành. Cả đêm ấy và mấy ngày đêm hôm sau, gần 60 người đi tìm kiếm dọc bờ sông, phát từng bụi cây, vạch từng bè muống, xuống tận Vân Đình mà vẫn chưa thấy xác chị Hiếu đâu.

Mong lắm một cây cầu nhỏ

Trước những tai nạn thương tâm xảy ra và những nguy hiểm đang ngày ngày rình rập người dân hai bên bờ sông mỗi khi qua cầu, Hội đồng nhân dân thôn Phương Nhị đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền xã và UBND xã cũng đã nhiều lần đề xuất lên UBND huyện để được cấp kinh phí xây dựng cầu mới nhưng vẫn chưa có một sự phản hồi tích cực nào.

Cũng đã nhiều nhà báo về tìm hiểu đưa tin hỗ trợ người dân xin cấp kinh phí để xây cầu nhưng cho đến nay, mong ước về một cây cầu nhỏ, dù chỉ một chiều xe đi qua của  người dân Phương Nhị dường như vẫn còn xa vời lắm.

Bác Toán, thôn Phương Nhị cho biết, từ năm 2010 đến nay, đã có hai đoàn cán bộ về khảo sát, đo đạc, đặt cột mốc cách cầu khỉ khoảng 20m. Họ còn xin trọ ở nhà dân trong làng để được cơm nước phục vụ công nhân xây dựng cầu. Cả thôn ai cũng mừng vui khấp khởi chào đón đoàn cán bộ nhưng rồi họ lại một đi không trở lại, còn người dân vẫn ngày ngày ngóng đợi một cây cầu nhỏ sẽ xuất hiện nay mai.

Cũng theo bác Toán, nếu có cây cầu, người dân hai bên bờ sông sẽ đi lại rất dễ dàng, thuận tiện. Bởi nếu không đi qua làng Phương Nhị thì người dân xã Phú Túc phải đi một quãng đường xa gấp 3 lần so với đường qua cầu để đến chợ. Còn người dân Phương Nhị muốn sang xã Phú Túc phải đi hơn hai cây số đường đất lồi lõm ổ gà ổ chuột. Ngày nắng thì còn đỡ, nhưng ngày mưa đường lầy lội, trơn trượt có thể đâm xuống sông bất cứ lúc nào.

Bản thân tác giả bài viết đã đi đường vòng hơn hai cây số dọc ven đê để tìm vào làng Phương Nhị cũng nhiều lần suýt rơi xuống sông vì đường đất quá lồi lõm, chật hẹp. Nếu không muốn đi đường đê, thì người Phương Nhị phải đi đường quốc lộ vòng vèo hơn chục cây số mới sang được xã bên dù chỉ cách... một con sông.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương, anh Nguyễn Duy Hùng cũng đã xác nhận, dự án xây dựng cầu Hồng Phú thay thế cầu ván thôn Phương Nhị đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định phê duyệt và giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2011. Đến nay đã qua 2 lần khảo sát thực địa, dự án cầu Hồng Phú vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Bố chồng chị Hiếu đang làm dụng cụ phát cây dại để đi tìm con dâu được cho là rơi xuống cầu khỉ mất tích.

Mặc dù biết qua cầu là nguy hiểm, nhưng vì công việc, vì nhu cầu đi lại, thông thương, buôn bán, ngày ngày người dân hai bên cầu vẫn phải qua sông dù trong lòng không khỏi lo lắng, thấp thỏm có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Hi vọng rằng một cây cầu mới dù là nhỏ thôi sẽ sớm được hình thành để không còn tai nạn thương tâm nào xảy ra.

Thiết nghĩ, nếu không phải người dân Phương Nhị vốn quen với sông nước, hầu hết người dân trong làng đều biết bơi thì có lẽ con số người chết ở cây cầu này chắc không dừng lại ở con số ba.

Ngọc Trâm
.
.
.