Cây mật gấu - dùng theo hội chứng đám đông?

Chủ Nhật, 05/02/2017, 14:39
Gần đây, nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, nhiều người xem cây lá đắng (quen gọi là cây mật gấu) như một loại dược thảo trị bách bệnh, nên đâu đâu cũng thấy nhà nhà trồng và sử dụng loại cây này.


Xung quanh công dụng của cây lá đắng hiện có khá nhiều ý kiến, tuy nhiên, có một điều cốt yếu mà nhiều người dân vẫn mắc phải đó là chỉ cần nghe ai nói cây lá gì tốt là lập tức cứ theo phong trào, đổ xô trồng, mua bán và nhất là sử dụng một cách thoải mái mà không cân nhắc hay chú ý đến những phản ứng phụ và nó có phù hợp với bệnh tình và cơ địa của mỗi người hay không.

Nhà nhà sử dụng cây thảo dược "nghe nhiều người nói vậy"!

Theo DS Lê Kim Phụng, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, từng trả lời trên báo chí thì cây lá đắng mà nhiều người quen gọi là cây mật gấu, có tên khoa học là Vernonia amygdalina, thuộc họ cúc (Asteraceae). Nó là một loại cây bụi nhỏ mọc nhiều ở châu Phi nhiệt đới và được gọi tên là “bitter leaves” do vị đắng của nó. Hiện nay, loài cây này được trồng nhiều nơi và rao bán nhiều trên mạng.

Y sinh Tuệ Lâm.

Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi thì gần đây nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, nhiều người xem cây lá đắng như một loại dược thảo “trị bá bệnh”, nên đâu đâu cũng thấy nhà nhà trồng loại cây này và hơn hết là nhiều người đã sử dụng loại cây này hàng ngày.

Điều đáng nói khi được hỏi thì hầu như ai cũng cho rằng loại cây này “rất tốt cho sức khỏe”, có thể trị được “bá bệnh” như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, xương khớp, thậm chí chống được cả bệnh ung thư…

Hàng ngày cứ bứt lá nấu với nước để uống thay nước, chưa kể nhiều người còn nhai lá cây, thậm chí có người còn giã hay xay lá lấy nước hòa với bia để uống…

Tuy nhiên, hỏi bác sĩ nào chỉ dẫn hay có bằng chứng gì nói cây lá đắng hay cây mật gấu có những công dụng kể trên thì gần như chẳng ai trả lời được, hầu hết chỉ bảo rằng “nghe nhiều người nói vậy”!

Chị Nguyễn Thị Tuyết (nhà ở đường Trần Thị Hè, phường Hiệp Thành, quận 12) vui vẻ cho biết: “Nhà tôi có trồng mấy gốc cây mật gấu này, tôi nghe nhiều người bảo rằng uống nước nấu với lá của nó rất tốt, có thể phòng được nhiều bệnh, người sẽ khỏe ra nếu uống thường xuyên”.

Bà Hoàng Thu Nga ở gần nhà chị Tuyết cũng đồng quan điểm với người hàng xóm, và bản thân bà cũng dùng lá cây mật gấu nấu với nước để uống hàng ngày. “Lúc đầu có người bảo nước lá cây này uống sẽ đắng nhưng tôi thấy uống cũng bình thường, và xung quanh tôi cũng có nhiều người sử dụng nên tôi yên tâm”…

Trong khi đó, theo chia sẻ của y sinh Tuệ Lâm, một người có chuyên môn khá sâu về thảo dược thì đã có nhiều người phản hồi với anh về tác dụng phụ của loại cây này. Cạnh nhà y sinh Tuệ Lâm có cụ Hồ Thị Lý, ngoài 70 tuổi, cán bộ hưu trí, bị nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh lý cao huyết áp.

Khi nghe người ta tung hô cây mật gấu như thần dược, có lần cụ đã bứt mấy lá nhai và nuốt vào miệng nhưng ngay sau đó thì cụ bị xây xẩm, muốn ngã quỵ, nhưng may nhờ có cô giúp việc kịp đỡ lấy nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Cũng theo y sinh Tuệ Lâm thì cách đây gần 2 tháng, theo chân các thành viên Đoàn y bác sĩ Niềm Tin đến thăm khám và tặng quà cho bà con vùng lũ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, lúc ghé thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2), trong lúc bác sĩ Thế Dũng khám bệnh cho bà con, vị y sinh này đã tiếp xúc với nhiều người mắc cùng lúc nhiều bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đau nhức xương khớp, thiếu máu não…

Nhiều cơ sở cũng gây giống để bán qua mạng hoặc bán trực tiếp loại cây này.

Điều đáng nói là sau khi tìm hiểu, y sinh Tuệ Lâm mới phát hiện ra phần đông họ có dùng lá cây mật gấu. Khi được hỏi thăm ai chỉ dùng, nhiều người vô tư trả lời: “Có đứa cháu đọc trên mạng thấy kêu dùng!”.

Tìm hiểu thêm trên mạng Internet mới biết cứ như một phong trào rầm rộ, chúng ta sẽ thấy vô số các bài viết, hình ảnh về công dụng, cách sử dụng loại thảo dược này. Trong đó, hầu hết đều đánh giá rất cao về công dụng chữa bệnh của cây lá đắng hay cây mật gấu. Đặc biệt, có nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã có nhiều sản phẩm liên quan đến cây lá đắng bán ra thị trường như trà hay bán trực tiếp lá đắng tươi - khô…

Lời khuyên của y, bác sĩ với người sử dụng

Thực tế thì xung quanh công dụng của loại cây này, cũng đã có nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao về nó. Có thể kể như dược sĩ Lê Kim Phụng cho rằng, lá của loại cây này có thể ăn được và được dùng trong món xúp và các món ăn ngon khi được chế biến đúng cách. Hoạt chất đắng trong cây rất tốt vì là hỗn hợp của các hoạt chất sinh học gồm vitamin (A, C, E, B1, B2), glycoside, Saponin, alkaloid và tannin.

Cũng theo dược sĩ Lê Kim Phụng thì theo một số công trình nghiên cứu trên thế giới và các kết quả đã được ghi nhận, cây mật gấu hay cây lá đắng có các công dụng như: Kiểm soát đường huyết nhờ các hợp chất đắng trong lá nên tốt cho người đái tháo đường; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tả lỵ; hạ sốt và điều trị cảm lạnh tích cực nhờ các hợp chất xanthones, acid phenolic trong lá; điều trị các bệnh qua đường tình dục như bệnh lậu nhờ tác dụng của các chất chống oxy hóa trong lá. chống giun sán; chống ung thư; duy trì sức sống tình dục.

Giúp nhuận trường và chữa táo bón; chống sốt rét vì chất đắng trong lá có thể thay thế cho quinine; chữa đau họng, ho, trừ đờm, chỉ cần nhai một lá trước khi đi ngủ vào ban đêm và sáng sớm sẽ thấy giảm các triệu chứng ho; tăng cường khả năng sinh sản, uống nước lá đắng giúp kích thích khả năng sinh sản ở phụ nữ khó sinh.

Các lá có chứa nhiều carotene, giúp cân bằng quá trình tổng hợp các hormon sinh dục nữ và duy trì nồng độ estrogen do đó giúp phụ nữ khỏe mạnh và kéo dài tuổi xuân; chống buồn nôn và tăng cường cảm giác ngon miệng; hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi B và C; tăng tiết sữa cho con bú. Hạ cholesterol xấu; tẩy độc cho cơ thể, bảo vệ gan thận; giảm đau và làm êm dịu thần kinh dễ ngủ; chống mẩn ngứa ngoài da.

Trong khi đó, theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh, ở Việt Nam cây đã được trồng nhiều, chủ yếu bằng cách giâm cành. Cây này vốn có nguồn gốc từ châu Phi, di thực đến nước ta qua các nước châu Á, có lẽ vì thế mà nó còn có tên là Nam Phi diệp. Theo các tài liệu thì lá và thân của cây này đều dùng được, nhưng trên thực tế người dân dùng lá là chủ yếu.

Về thành phần các chất có trong cây lá đắng, lương y Nguyễn Đức Nghĩa theo nhiều tài liệu, được biết trong lá của loài cây này có chứa các chất như sesquiterpene lactones, vernolide, vernodalol, Vernolide A, trong đó hàm lượng chất chống oxy hóa (Antioxidant) rất cao.

Tài liệu của người Trung Quốc thì cho rằng, lá cây này có vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống, trừ phong làm cho hết ngứa.

Thường được dùng hỗ trợ điều trị một số bệnh như: viêm phổi, cổ họng sưng đau, cổ họng khô ngứa, viêm gan, viêm dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, bệnh trĩ sưng đau, đau thần kinh do phong thấp, đau sưng do trật đả, lưng xương đau buốt, đau mắt đỏ, cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao…

Tìm hiểu công phu hơn, trong một bài viết của mình về loài cây này, BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, cho rằng, những hợp chất trong cây lá đắng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh do quá trình viêm mạn tính, lão hóa, bệnh nhiễm giun sán, động vật nguyên sinh (protozoan) và vi khuẩn.

Theo công bố trên Quyển Y - Sinh học thực nghiệm tháng 2-2004 (Experimental Biology and Medicine of February 2004 Edition) cho thấy, lá đắng có tác dụng hạ thấp tỷ lệ nguy cơ bị ung thư vú.

Lá đắng dùng nấu dạng canh rau hay xay nhuyễn lấy nước uống như dạng nước bổ dưỡng trong nhiều dạng bệnh lý khác nhau. Nhiều thầy thuốc ở châu Phi khuyên người dân dùng trị bệnh đường tiêu hóa, đái tháo đường, chán ăn, kiết lỵ và các chứng rối loạn tiêu hóa.Các Polyphenol có tính kháng viêm và anti - oxidant, thải độc, bảo vệ thận, gan, hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da. Giảm đường huyết, bảo vệ tim mạch do giúp ổn định lipid máu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, y học dân gian ở nhiều quốc gia đã dùng cây lá đắng chữa bệnh, như Ấn Độ dùng lá chữa tiểu đường, dùng cành, rễ hỗ trợ điều trị HIV, hạ sốt, giảm ho, phát ban, cảm cúm, viêm vú; Nam Phi: dùng rễ chữa sán máng (huyết hấp trùng), hiếm muộn, rối loạn kinh nguyệt…

Như vậy, qua các ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, có thể thấy cây lá đắng hay mật gấu có nhiều công dụng khá tốt với sức khỏe con người. Tuy nhiên, đã là cây thuốc hay thảo dược trị bệnh thì một điều cơ bản mọi người phải nhớ đó là dù là phòng hay trị bệnh cũng đều phải có ý kiến của các y bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt, hầu hết trong các bài viết hay phần trả lời về công dụng của bất cứ loại cây thuốc nào thì các y bác sĩ luôn có phần lưu ý hay lời khuyên với người sử dụng.

Nhưng đáng tiếc là đa số người đọc lại thường bỏ quên phần quan trọng này, bởi một điều đơn giản đã là thuốc thì không phải ai cũng có thể sử dụng một cách bừa bãi được. Hơn nữa, với thuốc hay thảo dược, người sử dụng cũng cần nhớ rằng nó có thể hợp với người này nhưng chưa chắc đã hợp với người khác và ngược lại.

Cây lá đắng mà nhiều người quen gọi là cây mật gấu.

Điển hình như với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ông cho rằng “lá cây này được dùng theo con đường truyền miệng, vậy nên vẫn cần thận trọng khi dùng”; hay “những thông tin về người dân nhiều nước ở Đông Nam Á còn sử dụng thường xuyên lá cây này để trị liệu nhiều loại ung thư như: ung thư vú, ung thư hầu họng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư kết tràng. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ có giá trị tham khảo, vì chưa có bằng chứng khoa học xác thực”.

Hay BS Trần Văn Năm cũng nhấn mạnh, dù chưa ghi nhận những phản ứng ngoại đáng kể, nhưng khi sử dụng liều cao (trên 15g) vài người bị táo bón, huyết áp giảm, cảm giác ngọt ở miệng kéo dài.Và mặc dù theo các tài liệu nước ngoài cho thấy lá đắng an toàn khi uống.

Tuy nhiên, hiện trong nước chưa có công trình nghiên cứu thực nghiệm cũng như lâm sàng được công bố. Nên rất cần được theo dõi và đánh giá thêm. Nhất là trong quá trình sử dụng cần tuân thủ sự kiểm tra của thầy thuốc cũng như nên định kỳ thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng bệnh cũng như chức năng gan, thận…

Ngoài ra, một bác sĩ đông y cũng có lưu ý thêm với người sử dụng lá đắng là do có tác dụng hạ huyết áp nên những người huyết áp thấp không nên dùng loại lá này. Đặc biệt, cũng không nên dùng lá mật gấu trong khi mang thai hoặc đang muốn có thai, vì dùng nhiều có thể gây ra sẩy thai.

Phú Lữ
.
.
.