Giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, hù dọa để chiếm đoạt tài sản:

"Cây ngay" không sợ... mất tiền tỷ

Thứ Ba, 16/09/2014, 07:00

Theo điều tra ban đầu của Công an quận Hải Châu, đơn vị thụ lý điều tra hai vụ "Điện thoại mạo danh, hù dọa lừa đảo" này thì: Đây là hình thức lừa đảo được các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện trong thời gian gần đây, thủ đoạn này đã xuất hiện  tại một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM... các đối tượng  thường xưng danh là Công an đang công tác tại các đơn vị nghiệp vụ như: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cảnh sát hình sự... đang xác minh, điều tra sự việc gì đó có liên quan đến người được thông báo (nạn nhân) sau đó yêu cầu chuyển tiền để "kiểm tra". ..

Đang yên đang lành, vị doanh nhân  H. bỗng nhận được cú điện thoại từ số lạ, tự xưng "người của Cục điều tra hình sự". Tiếp đó, kẻ điện thoại tuyên bố ông H. có liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia và đang "trong tầm ngắm" của lực lượng Công an. Đồng thời đe dọa nếu ông H. không chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản x... y...z thì sẽ gặp rắc rối to. Quá bất ngờ, vừa lo sợ lại muốn được "yên thân" để làm ăn, nạn nhân H. và nhiều nạn nhân khác đã bị sập bẫy, mất hàng trăm triệu đồng cho kẻ hù dọa giấu mặt này... Chiêu mạo danh cũ - thủ đoạn lừa đảo mới trên đã và đang xuất hiện tại TP Đà Nẵng cùng một số địa phương khiến dư luận không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.

Mất hàng trăm triệu vì bỗng nhiên bị hù dọa

Theo hồ sơ vụ việc của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì: Vào ngày 22/8, ông Huỳnh Đắc H. (SN 1964, trú P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã đến Công an P. Hải Châu 2 tố giác việc bị một đối tượng giấu mặt, hù dọa và lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng. Theo trình báo của ông H., lúc 12h trưa 22/8 ông H. bất ngờ nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số lạ 091323......, đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông tự xưng danh là cán bộ điều tra của Công an TP HCM. "Vị cán bộ điều tra" này cũng gằn giọng và "cung cấp thông tin mật" rằng: Ông H. đang bị Cơ quan điều tra theo dõi và điều tra về việc ông có liên quan đến một đường dây buôn bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia.

Sau nhiều lời hù dọa, vị cán bộ điều tra này đã yêu cầu ông H. phải lập tức chuyển 500 triệu đồng vào số tài khoản tại ngân hàng Z... do một người tên là N.V.K đứng tên để "phục vụ công tác điều tra". Nếu ông H. không thực hiện thì toàn bộ số tiền của ông H. có trong tài khoản cá nhân tại ngân hàng Z sẽ bị phong tỏa....

Quá sợ hãi vì bị rơi vào tầm ngắm của "lực lượng Công an", lại bỗng dưng trở thành tội phạm ma túy xuyên quốc gia mà không rõ lý do. Đặc biệt, lo lắng nếu toàn bộ số tài sản, tiền dành dụm gửi tại ngân hàng bị phong tỏa thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc, làm ăn nên không kịp nghĩ suy, ông H. vội vã chạy đến ngân hàng Z trên đường Hùng Vương (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) để chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản mà kẻ mạo danh cung cấp... Sau khi chuyển xong số tiền như bị yêu cầu, 16h cùng ngày ông H. đã nhiều lần gọi vào số điện thoại gọi cho mình lúc trưa thì số điện thoại lạ kia không liên lạc được... Đến lúc này, sau một hồi choáng váng, tiền mất lại hoang mang vì bị vu vướng "tội trước pháp luật", ông H. đã vội vã đến trình báo sự việc với Công an phường Hải Châu 2 và nhờ lực lượng Công an làm rõ.

Ngày 25/8 bà Nguyễn Thị Nh. (chủ một cửa hàng kinh doanh tại quận Hải Châu) một nạn nhân cùng chung cảnh bị hù dọa với ông H. bị lừa chiếm đoạt 150 triệu đồng đã đến trình báo với Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu. Lần này, khoảng 10h15' sáng 25/8, bà Nh. đã nhận được cuộc điện thoại xưng là người của "Cục điều tra tội phạm về ma túy", thông báo cho bà Nh. biết việc bà Nh. đang nợ 8.930.000 đồng tiền cước điện thoại quốc tế. Quá bất ngờ, bà Nh. đã thắc mắc vì sao lại nợ số tiền cước điện thoại vô lý như vậy, thì được người này cho biết: "Hiện bà đang đứng tên trong hợp đồng thuê bao di động tại TP HCM. Số thuê bao này do Nguyễn Văn Hùng, một đối tượng trong đường dây mua bán hàng trăm bánh heroin xuyên quốc gia vừa bị bắt. Do vậy bà Nh. cũng nằm trong diện tình nghi, là đối tượng điều tra của cơ quan Công an". Tuy nhiên, lạ một điều là khi "thẩm tra bằng điện thoại", đối tượng lại dò hỏi: "Hiện chị có bao nhiêu tiền trong tài khoản?" . Do thật thà, nên bà Nh. khai thật, hiện mình có khoảng 250 triệu đồng, tuy nhiên còn phải thanh toán tiền hàng khoảng 100 triệu đồng nên hiện còn khoảng 150 triệu đồng...

Bà Nh. cũng giải thích đây là số tiền lương tích góp lâu nay của chồng, muốn gửi thì phải hỏi ý kiến chồng trước... Khi nghe bà Nh. trả lời, ngay lập tức đối tượng  đã liên tục dùng lời lẽ đe dọa bà Nh, đồng thời cung cấp cho tên, số tài khoản ngân hàng X và yêu cầu bà Nh. phải chuyển ngay số tiền có trong tài khoản để "kiểm tra" nếu không sẽ bị bắt. Quá sợ hãi về sự việc nên đến 11h cùng ngày, bà Nh. đã  ra ngân hàng X và chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng, rồi trở về nhà lo lắng chờ đợi... Cho đến khi phát hiện bị lừa vì liên lạc lại số điện thoại của “cán bộ điều tra” nhưng tò tí te...

Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ loại tội phạm mới

Theo điều tra ban đầu của Công an quận Hải Châu, đơn vị thụ lý điều tra hai vụ "Điện thoại mạo danh, hù dọa lừa đảo" này thì: Đây là hình thức lừa đảo được các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện trong thời gian gần đây, thủ đoạn này đã xuất hiện  tại một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM... các đối tượng  thường xưng danh là Công an đang công tác tại các đơn vị nghiệp vụ như: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cảnh sát hình sự... đang xác minh, điều tra sự việc gì đó có liên quan đến người được thông báo (nạn nhân) sau đó yêu cầu chuyển tiền để "kiểm tra".

Ban đầu, hầu hết các nạn nhân được gọi đều tỏ ra nghi ngờ, nhưng sau đó bọn tội phạm đã dùng hình thức đe dọa, đánh trúng tâm lý hoang mang, ngại ảnh hưởng đến uy tín và công việc làm ăn của các bị hại để lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nạn nhân cũng rất cả tin, thậm chí lo sợ "Cơ quan chức năng" nên tin rằng mình hoặc người thân của mình vô tình hoặc hữu ý mà có liên quan đến các đường dây ma túy. Họ cũng muốn nhanh chóng "thoát khỏi rắc rối" nên vội chuyển tiền vào tài khoản như yêu cầu của các đối tượng mà không kịp suy xét thấu đáo. Đến khi bình tĩnh, liên lạc trở lại với kẻ lừa đảo thì đã tiền mất tật mang.

Cụ thể như việc cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng Hồ Vũ Linh (24 tuổi, trú 84 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột) và Nguyễn Hữu Anh Sang (23 tuổi, trú thôn Tân Đông, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, vào ngày 30/5, cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột nhận được trình báo của nạn nhân Nguyễn Minh Lành (23 tuổi, trú tại thôn 1, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, Giám đốc Công ty TNHH Gia sư Minh Lành đóng tại 124 đường Hoàng Hoa Thám, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) về việc có một đối tượng lạ mặt, thường xuyên điện thoại, nhắn tin vào điện thoại của anh tự xưng là cán bộ điều tra của Công an TP Buôn Ma Thuột. Người này nói rằng đang thụ lý hồ sơ vụ án anh Lành nhận tiền hối lộ chạy việc làm cho nhiều người, đồng thời gây áp lực buộc anh Lành phải giao nộp số tiền 15 triệu đồng thì mới bỏ qua và hẹn gặp anh Lành vào chiều 31/5 tại quán cà phê Bapolas (số 240 đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) để giao nhận tiền... Tại cơ quan điều tra, cả hai  đối tượng bị bắt khai nhận: Do Sang biết anh Lành có nhiều mối quan hệ, thường xuyên xin việc làm cho người khác nên Sang đã câu kết, bàn bạc với Linh, để Linh đóng giả là cán bộ điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột gây áp lực với anh Lành lừa lấy tiền tiêu xài...

Nạn nhân Nguyễn Thị Nh. hoang mang, lo sợ vì bị một số điện thoại lạ vu liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố lớn ở nước ta liên tiếp xảy ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng này thường sử dụng công nghệ cao gọi điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại và cho bị hại nghe tiếng kêu cứu giả giọng của người thân gia đình bị hại (vợ, con, chồng...). Sau đó chúng thông báo là đã bắt giữ người thân của bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền ngay vào các tài khoản ngân hàng mà chúng đang sử dụng thì người thân được thả và không bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.

Tin là người thân bị bắt giữ thật, nhiều nạn nhân đã không kiểm tra mà chuyển ngay tiền cho bọn chúng. Khi nhận được tiền, chúng rút hết tiền trong tài khoản để chiếm đoạt. Một thủ đoạn khác nữa là chúng đóng giả là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, An ninh ngân hàng... điện thoại cho bị hại thông báo tài khoản của họ bị tội phạm xâm nhập, yêu cầu cung cấp số tài khoản và mật mã tài khoản để bảo vệ. Trong lúc gọi điện thoại, bọn chúng cố tình tạo ra âm thanh như tiếng còi xe hú của xe cảnh sát, tiếng cấp dưới báo cáo về việc tài khoản của nạn nhân bị hacker tấn công... để nạn nhân nghe thấy vì vậy nhiều người tưởng thật nên cung cấp thông tin theo yêu cầu của đối tượng. Ngay lập tức, chúng chuyển hết tiền trong tài khoản của bị hại sang tài khoản của chúng để chiếm đoạt...

Hiện cả hai vụ "Điện thoại nặc danh, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" trên đang được Công an quận Hải Châu và Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng điều tra, làm rõ. Công an quận Hải Châu cũng cảnh báo người dân: Cảnh giác trước những cuộc gọi lạ. Những ai từng là nạn nhân của loại tội phạm mới này, hoặc khi nhận được các cuộc gọi hoặc thông tin tương tự như đã nêu trên thì sớm liên hệ với lực lượng Công an gần nhất để trình báo sự việc. Cung cấp thông tin cho Cơ quan chức năng để điều tra làm rõ và ngăn chặn kịp thời những thủ đoạn, trường hợp bị lừa đảo mới xảy ra. Chuyên đề CSTC sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những đối tượng mạo danh Công an, lừa đảo bằng công nghệ cao mới xuất hiện này trong số báo gần nhất...

Thời gian gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh việc một số đối tượng sử dụng công nghệ cao, gọi điện thoại và giả danh lực lượng Công an hoặc các lực lượng thực thi pháp luật khác vào các số điện thoại cá nhân, điện thoại bàn để đe dọa người dân, doanh nghiệp có liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy xuyên quốc gia... Đồng thời yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Ngày 20/5/2014, Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã có Thông báo số 611/C45-P5 về thủ đoạn lừa đảo mới này để quần chúng cảnh giác, đề phòng. Riêng tại TP Đà Nẵng, từ giữa tháng 8/2014 đến nay đã có 2 trường hợp bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt tài sản... Hiện Công an TP Đà Nẵng đã có các văn bản thông báo đến Công an các quận, huyện và phường, xã để tuyên truyền đến người dân cảnh giác tránh rơi vào bẫy của các đối tượng.

Hoài Thu
.
.
.