Chân tướng kẻ làm giàu bằng nghề "thoát xác"

Thứ Ba, 10/11/2020, 09:48
Họ "hóa thân" và diễn xuất chuyên nghiệp chẳng khác nào diễn viên. Bằng các thủ đoạn tinh vi, ma mãnh, đánh trực diện vào tình thương của con người để kiếm tiền. Khi bị phát hiện, họ lui về ở ẩn một thời gian rồi chuyển sang địa bàn mới để hoạt động...


Muôn kiểu "hóa thân"

Mỗi ngày, bà Lan hành nghề trên tuyến đường Xa Lộ Hà Nội đoạn gần cầu Đồng Nai (Dĩ An - Bình Dương). Làm cái nghề này, đồ nghề quan trọng nhất là trang phục. Áo quần phải vừa luộm thuộm, vừa bẩn thỉu và phải rách te tua xơ mướp thì mới đúng chuẩn. Chiếc quần bà Lan mặc có phần ống dài phủ lấp hai bàn chân, để tăng thêm độ thê lương, bà lấy dao rạch nát từ bắp đùi xuống tận chân quần. Trong quá trình bò lết, những chỗ rách chà xát vào mặt đường sẽ tạo ra độ te tua, bẩn thỉu, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Trên đầu gối, bà quấn chặt vải để không bị đau hoặc xây xước khi lăn lóc. 

Thanh niên bò lê lết trên đường bán vé số khi bị phát hiện bỗng dưng đi lại được.

Không kể trời nắng hay mưa, bà Lan miệt mài, bền bỉ, nhẫn nại lê lết tấm thân tàn tật trên con đường nhộn nhịp xe cộ. Rất nhiều người đã dừng xe móc hầu bao cho bà tiền hoặc mua cả xấp vé số ủng hộ bà. Bà Lan không nói về thu nhập bình quân mỗi ngày là bao nhiêu, nhưng theo người dân chứng kiến thì mỗi tháng bà thu về… ngót trăm triệu đồng. Cá biệt, có đận bà hốt trọn một lúc 30 triệu của vợ chồng Việt kiều Mỹ. Hôm ấy đã nhập nhoạng tối, trời đổ cơn mưa rất to nhưng bà Lan vẫn trườn dưới lề đường, nặng nhọc lê tấm thân tàn tật từng tí một.

Vợ chồng người Việt kiều chạy xe hơi phía sau, thấy cảnh tượng ấy đã không thể kìm lòng. Người vợ xuống xe, dùng ô chạy đến bên bà, đưa bà vào một quán nước dưới gầm cầu vượt trú tránh. Sẵn bắt được "con mồi sộp", bà Lan lấy hết khả năng diễn xuất cho đáng hoàn cảnh. Bà Việt kiều động lòng trắc ẩn, cảm xúc dâng trào, bà đã khóc. Bà liền rút trong ví ra tặng cho người bán vé số đáng thương 30 triệu đồng để lo cho đứa con gái bị bệnh động kinh. Sau cùng, họ muốn đưa bà Lan về nhà. Bà Lan xua tay, cảm ơn và hứa sẽ  bắt xe ôm về ngay. 

Câu chuyện cảm động này được bà bán nước bên chân cầu Đồng Nai tận mắt chứng kiến và kể lại. Bà Lan kiếm được "mẻ cá" lớn, gọi ngay cho thằng con trai tới rước về nhà. Con trai bà Lan tên Tuấn (26 tuổi) cũng là một "diễn viên" tàn tật cừ khôi hoạt động ở khu vực TP. Biên Hòa (Đồng Nai). 

Tuấn hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng giả què chân và méo mồm đi bán vé số. Hễ ai hỏi thăm thì Tuấn nghếu ngáo nói ngọng, câu tròn câu méo, mục đích là không cho ai nghe được anh ta nói gì để đỡ làm phiền. Người dân chỉ biết Tuấn tàn tật, sống một mình, đi bán vé số nuôi thân và khâm phục trước nghị lực sống của anh ta. Tuấn đã đánh trúng vào lòng từ bi độ lượng của thiên hạ, người nghèo cũng có thể mua cho anh một tờ vé số, công nhân ít tiền thì cho dăm bảy ngàn, kẻ giàu thì cả triệu... Thu nhập của Tuấn mỗi ngày thường là từ 1 đến 2 triệu đồng. 

Ra đường bò trườn ngấp ngoải là thế, nhưng hễ về nhà, Tuấn "thoát xác" thành gã thanh niên khỏe mạnh, chân đi thoăn thoắt, mồm phì phèo thuốc lá, rượu uống cả lít, văng tục chửi thề choe chóe. Để tránh bị lộ, nơi ở của gia đình Tuấn tận quận 12 (TP Hồ Chí Minh), vị trí cách xa nơi "làm việc" trên 30 cây số. Người dân trong khu trọ chỉ biết mẹ con Tuấn đi buôn bán ở Đồng Nai, tối khuya mới trở về nhà. 

Một lần, chị Hứa Thị Ngọc Bích là hàng xóm của gia đình bà Lan có việc đi Đồng Nai đã vô tình bắt gặp Tuấn đang bò lê bò càng ở khu công nghiệp Biên Hòa. Chị Bích quá ngạc nhiên dừng xe lại hỏi thăm thì Tuấn lảng đi. Chị Bích chưa hiểu sự tình, cứ chạy theo hỏi: "Em sao vậy, chân bị tai nạn khi nào"? Vì có rất đông người qua lại nên Tuấn đã vẫy chị Ngọc Bích ngồi xuống ghé sát tai mà năn nỉ: "Chị làm ơn đừng hỏi gì hết, đi chỗ khác cho em làm ăn được không". Ngớ người một lúc, chị Bích mới vỡ lẽ mọi chuyện. 

Đối tượng giả tật nguyền bò lê ngoài đường bán vé số, khi bị đưa về Công an phường đã thừa nhận mình hoàn toàn khỏe mạnh và cam kết bỏ nghề.

Tối hôm ấy, dù rất khuya nhưng mẹ con bà Lan vẫn sang nhà chị Bích nói chuyện. Bà Lan kể sơ qua về hoàn cảnh, phương thức làm ăn của gia đình là như thế và mong chị Bích "sống để bụng", cũng xem như là cứu vớt cuộc đời của mẹ con bà. Lời bà Lan vừa cầu khẩn năn nỉ, nhưng cũng vừa có hơi hướng dọa nạt. 

Mãi sau này, khi sự việc vỡ lở, mặt mũi mẹ con bà Lan bị phanh phui lên tivi thì chị Bích mới dám đi kể cho mọi người biết.  

"Hiện nguyên hình"

Bà Lan quê ở Bình Định, có chồng và 3 người con (2 gái, 1 trai). Năm 2015, gia đình bà dắt díu nhau vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn. Ban đầu, vợ chồng bà đi buôn nhôm nhựa, hai đứa con gái làm công nhân, cậu con trai phụ cha mẹ. Cuộc sống nơi đô thành ngày càng khó khăn, công việc buôn bán cũng nhiều cạnh tranh. Hai cô con gái lần lượt xuất giá tòng phu. Chồng bà Lan về quê làm ruộng, chăn nuôi, trông nom nhà cửa.

Hai mẹ con bà Lan ở lại thành phố, tìm cách kiếm tiền. Không biết bà học được ở đâu nghề "lột xác" bán vé số này. Nhưng từ đầu năm 2018, người ta thấy mẹ con bà Lan vắng nhà thường xuyên, tối khuya mới trở về. Hàng xóm hỏi thăm thì bà Lan nói đi Biên Hòa làm ăn. Nhiều người hỏi tại sao không xuống đó thuê nhà cho tiện, thì bà Lan bảo rằng chỉ làm một thời gian ngắn, lúc chỗ này lúc chỗ kia nên không muốn chuyển. 

Chỉ trong một thời gian ngắn đi "làm ăn", mẹ con bà Lan gửi tiền về quê cho chồng cất hẳn một căn nhà khang trang bề thế. Tuấn thì tậu xe máy SH gần trăm triệu, xài hàng hiệu, ăn uống phủ phê. Hàng xóm không hiểu mẹ con bà Lan buôn bán thứ gì mà khá khẩm thế. Cho đến một ngày cuối tháng 7-2020, bà Lan bị một nhóm "hiệp sĩ" theo dõi, quay clip tung lên mạng phơi bày sự thật trần trụi.

Lúc đầu bà Lan khóc lóc thảm thiết, bà cho rằng mình bị hãm hại, bị lừa gạt. Bà tàn tật mới phải đi bán vé số kiếm sống, kiếm tiền chân chính chứ có đi ăn xin ai đâu. Nhóm "hiệp sĩ" kéo ống quần của bà Lan lên, lộ rõ đôi chân trắng ngần, khỏe khoắn. Họ yêu cầu bà Lan đứng lên đi lại. Bà Lan mếu máo van xin, hứa từ nay về sau sẽ bỏ nghề. 

Cậu con trai Trần Mạnh Tuấn bị hiện nguyên hình sau đó 3 tháng. Sự việc bại lộ do Tuấn sơ ý đứng dậy đi tìm chỗ vệ sinh. Một tiểu thương từng giúp Tuấn tiền nhìn thấy đã tóm gọn cậu ta. Cả khu chợ nhào ra xỉa xói Tuấn khiến cậu xấu hổ ê chề. Họ còn quay clip tung lên mạng để mọi người cảnh giác những loại người kiếm ăn bằng việc đội lốt người tàn tật. Tuấn không còn đất sống, đành quay về nhà ở ẩn một thời gian, tìm vùng đất mới để tiếp tục hành nghề. 

Chỉ chưa đầy 2 năm hành nghề "lột xác", mẹ con bà Lan kiếm được bội tiền. Ở quê, gia đình bà thuộc hàng "triệu phú" có nhà lầu, xe sang. 

Thực tế hiện nay, có rất nhiều đối tượng giả dạng tàn tật để đi bán vé số và xin tiền. Kiểu cách kiếm sống đánh vào tình thương của con người không phải mới, mà đã hình thành từ nhiều năm trước. Khi bị phát hiện, họ lui về ở ẩn một thời gian rồi chuyển sang địa bàn mới để hoạt động. 

Khó xử lý

Mới đây, trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) xuất hiện một thanh niên què quặt lê lết bán vé số. Thấy có dấu hiệu khả nghi, anh Hoàng Văn Thanh (30 tuổi, tình nguyện viên của đội cứu nạn đường phố TP Hồ Chí Minh) lên kế hoạch theo dõi. Ngày đầu tiên, anh Thanh tiếp cận gã thanh niên, hỏi thăm hoàn cảnh, công việc. Thanh niên này giới thiệu tên Tân (25 tuổi, quê Phú Yên, bị khuyết tật liệt hai chân). Anh Thanh ngỏ ý tặng xe lăn để Tân không phải bò lê ngoài đường trông quá tội nghiệp và cám cảnh. Tuy nhiên, Tân đã từ chối. Anh Thanh tiếp tục ngỏ ý đưa Tân về trung tâm bảo trợ xã hội, nơi này sẽ giúp Tân học nghề và có việc làm. Gã thanh niên khước từ mọi lời giúp đỡ của anh Thanh. 

Người đi đường dừng lại cho tiền gã đàn ông què quặt đáng thương nhưng thực tế anh ta hoàn toàn khỏe mạnh.

"Không có ai tàn tật mà lại từ chối sự giúp đỡ cả, chứng tỏ có uẩn khúc gì", anh Thanh hoài nghi. 

Ngày hôm sau, anh Thanh bí mật theo dõi Tân từ rất sớm. Mọi hoạt động, cử chỉ, thao tác của Tân đều lọt vào ống kính máy quay của anh Thanh. Tuy nhiên, khi anh Thanh đang định "cất lưới" thì từ phía sau có hai gã đàn ông chạy xe máy lao tới đạp anh Thanh ngã lăn ra đường. Tân đang bò lết bỗng chồm dậy sải những bước thật dài rồi nhảy tót lên xe của đồng bọn phóng bạt mạng tẩu thoát. 

Anh Thanh bị thương phần mềm, may mắn vẫn giữ được những đoạn phim quý giá mang nộp cho cơ quan chức năng. Biết bị bại lộ, những ngày sau Tân không còn xuất hiện ở khu vực đường Nguyễn Văn Linh nữa. 

Những người bán nước bên đường cho biết, Tân đã hành nghề ở đây được khoảng 6 tháng, rất nhiều người đi xe ô tô sang trọng dừng lại cho tiền. Mỗi ngày, anh ta thu về không dưới 50 triệu đồng. Ai cũng nghĩ Tân bị bại liệt, được mọi người ủng hộ như thế phần nào bù đắp cho cuộc sống nghèo khó, bất hạnh của anh ta. 

Để giải quyết tình trạng giả tàn tật bán vé số, ăn xin, TP Hồ Chí Minh vận động người dân không cho tiền người ăn xin đồng thời cung cấp thông tin về những đối tượng này cho lực lượng chuyên trách để tập trung đưa họ về các trung tâm hỗ trợ xã hội. 

Tuy nhiên, chính quyền rất khó xử lý bởi trên danh nghĩa họ là người đi bán vé số. Nhưng tiền kiếm được từ việc bán vé số ít hơn nhiều so với tiền được tặng cho, ủng hộ. Thu nhập hàng trăm triệu/tháng là chuyện bình thường với nghề "thoát xác" này.

Ngọc Thiện
.
.
.