Chàng mù lấy hai vợ

Thứ Bảy, 29/09/2012, 15:25
Mù bẩm sinh nhưng ông Ngô Văn Thành, 56 tuổi, ở thôn Định Tường, xã Thạch Định (Thạch Thành, Thanh Hóa) vẫn chinh phục được trái tim của hai người phụ nữ.

Từ nỗi sợ lấy vợ

Là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh em, ông Thành gánh hết những thiệt thòi về mình. Sinh ra đôi mắt đã không nhìn thấy mọi vật, không được đi học, không nghề nghiệp, ông sống trong vòng luẩn quẩn bên gia đình.

Các anh chị em trong nhà lần lượt dựng vợ gả chồng và đã yên bề gia thất, nhưng riêng ông vẫn thui thủi một mình. Trong làng nhiều người thương hoàn cảnh của ông mà có ý định mai mối giúp một bà vợ để cho cuộc sống bớt phần kham khổ, đơn chiếc. Nhưng ông đều khăng khăng từ chối và giận dỗi bỏ về vì cám cảnh cho số phận hẩm hiu của mình.

"Hạnh phúc nhất của đời người đàn ông là có một mái ấm gia đình, sinh con cái để nối dõi tông đường. Còn với tôi lấy vợ là một nỗi sợ lớn trong đời, bản thân mình đã không làm được gì, lấy vợ con về ai nuôi", ông Thành tâm sự về mình.

Cái ý nghĩ sợ lấy vợ tưởng chừng sẽ đeo đẳng ông trong suốt những năm tháng cuộc đời nhưng mọi thứ đã đổi thay khi ông tìm được người phụ nữ đồng cảm với bản thân.

Ông bảo, một lần nhà chị dâu thuê người gặt, tôi được mời sang trông nhà giúp. Trong số nhóm thợ gặt có bà Bùi Thị Đồng ở xã kế bên có ở lại chung cơm cùng gia đình. Bữa cơm đạm bạc nhưng ăm ắp tiếng cười. Mọi người trong nhà trêu đùa, tếu táo nhau và có ý gán ghép bà Đồng với ông.

Cứ tưởng mọi người chỉ nói đùa cợt vu vơ với nhau là thôi. Nhưng kết thúc bữa cơm, ông trở nên quên bẵng bản thân, hoàn cảnh hiện tại của mình mà chủ động đến bên bà Đồng trò chuyện.

"Bà ấy là người con gái đảm đang chịu khó, bố mẹ mất sớm, học hành cũng chẳng được là bao, lớn lên đi làm thuê làm mướn hết nhà này đến nhà khác để kiếm cái ăn. Lúc đó, tôi tự dưng cảm thấy lòng lâng lâng chộn rộn và cứ thấy thương thương người con gái", ông Thành nhớ lại.

Mù nhưng tâm sáng.

Hai trái tim như bắt được nhịp của nhau, họ tâm sự, chuyện trò như đôi bạn thân thiết lâu ngày không gặp. Khi câu chuyện đã vơi dần, ông cầm tay bà Đồng và nói: "Nếu em mà thương anh, xác định lấy anh là khổ, vì anh ốm em có thể chăm anh nhưng em ốm anh không thể chăm". Bà Đồng im lặng rồi nói lại với ông: "Lấy nhau sướng khổ, thì phải chịu".

Chỉ sau một bữa cơm đạm bạc, cục diện đã đổi khác, những lời tâm sự thẳng thắn, chân thật đã đưa đẩy hai người nên duyên vợ chồng. Lúc này ông tròn 32 tuổi.

 "Mỗi người mỗi số phận, số phận của tôi không được như những người khác. Sống cuộc sống ngày cũng như đêm, cô đơn gần nửa kiếp người, cũng may có người đồng cảm với mình. Từ ngày có bà ấy bên cạnh, tôi càng trận trọng tình thương yêu", ông Thành chia sẻ.

Đến lấy hai vợ

Ông Thành cùng người vợ cả.

Năm 1988, đám giữa chàng mù và cô gái được tổ chức. Không tiếng nhạc, không cỗ bàn, chỉ có bánh kẹo, trầu nước. Bà con chòm xóm ai nấy đều phấn khởi vì ông Thành sau bao lần mai mối thất bại thì nay đã chịu lấy vợ.

Sau đám cưới, hai người về ở với nhau bên căn nhà nhỏ nằm sát sườn đồi. Thời gian đầu, cuộc sống của hai vợ chồng đều lao đao do không có việc làm. Toàn bộ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cùng mảnh vườn nhỏ sau nhà bố mẹ để lại. Những năm được mùa có gạo ăn, năm mất mùa phải chi ly từng bát gạo, chủ yếu nhặt nhạnh rau cỏ trong vườn. Cái đói cái nghèo cứ bám riết từng ngày.

"Khi về ở với nhau, cuộc sống nghèo đói lắm, vợ tôi quen làm đồi núi, chưa quen làm lúa nước, phải mất một thời gian dài mới bà ấy mới thành thạo", ông Thành cho hay.

Để có tiền trang trải cuộc sống, ông Thành bắt tay vào bện chổi, mỗi ngày ông cũng mân mê được dăm ba chiếc cho vợ đi bán.

Sống với nhau 5 năm, rồi 10 năm, rồi 15 năm nhưng hai người vẫn chưa có nổi một mụn con. Cả hai vợ chồng đều sốt sắng, lo lắng nhưng đành chịu vì trong nhà cũng chẳng có gì bán được để có tiền đi khám bệnh.

Trong làng mỗi khi đi ra đường, hay đi ăn uống ở đâu đó, ông Thành đều bị anh em chế giễu, mỉa mai: "Mày chưa có con mày là con nít, mày là con nít ngồi xuống dưới". Những lúc này ông thấy trong lòng bực bội lắm nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi im lặng.

Năm 2004, Hội Người mù của huyện được thành lập. Ông Thành đăng ký học lớp chữ nổi Brai và xoa bóp bấm huyệt. Với sự tâm huyết, tận tình với công việc, sau một thời gian ông được bầu làm làm trưởng nhóm  tẩm quất. Cùng năm đó, Hội Người mù tổ chức cuộc thi tiếng hát từ trái tim.

Trong số những người tham gia, có bà Bùi Thị Nguyệt, 34 tuổi, là thành viên của hội. Hai người chọn làm cặp đôi song ca. Ông Thành chơi đàn bầu, bà Nguyệt hát đã đem lại cho mọi người trong Hội một bầu không khí trẻ trung, cảm động, tiếp thêm nghị lực, yêu cuộc sống hơn.

Cũng từ sau cuộc thi ấy, giữa ông và bà Nguyệt nảy sinh tình cảm thắm thiết. Những câu chuyện đời tư, những lời nói thẳng thắn đã xích hai người lại gần nhau hơn.

Cháu Ý (bên phải) cùng người anh họ.

Bà Nguyệt có hoàn cảnh giống ông, cũng mù bẩm sinh, cái tuổi xuân héo hon trôi theo thời gian. Rồi không biết trời xui đất khiến thế nào, ông Thành đến bên bà Nguyệt và nói: "Anh đã có gia đình được hơn 15 năm rồi, tương lai chưa có gì cả, giấc mơ của anh muốn đi đến với em, muốn đem tình cảm chân thành gửi gắm vào em".

"Tình cảm của tôi ngày càng lấn sâu, tôi yêu vợ mình nhưng lại thương bà ấy thật lòng, muốn có một đứa con để đỡ đần lúc tuổi già. Nỗi khao khát có một đứa con cứ thúc dục tôi trong suy nghĩ.  Dù biết rằng làm như vậy là có lỗi với người vợ ở nhà", ông Thành không giấu giếm.

Sự cô đơn trống trải của hai con người khiếm khuyết đã vượt qua tất cả, họ đã ôm chầm lấy nhau, nước mắt chan chứa.

Một năm sau, bà Nguyệt sinh được một bé gái kháu khỉnh đặt tên là Ngô Thị Ưng.

Hạnh phúc trong bóng tối

Khi bà Nguyệt sinh cháu gái thứ hai là Ngô Thị Ý, ông Thành mới dám thông báo cho anh em nội ngoại, bà con biết. Một đám cưới nhỏ thứ hai được tổ chức cũng chỉ bánh kẹo, trầu nước.

Sau ngày ấy, ông đưa bà hai và con về ở ngôi nhà đại đoàn kết mà ông được Hội xây tặng. Ông về sống với bà vợ cả. Trong thâm tâm ông, chưa một lần nào có ý nghĩ sẽ bỏ bà cả, ông muốn chung sống với bà đến trọn đời như chuộc một phần lỗi lầm với người vợ giàu đức hy sinh ấy.Biết mình đã làm việc có lỗi với vợ, ông Thành cũng không nói dối và thú nhận toàn bộ với vợ. Bởi ông biết rằng, một người đàn ông phải biết chấp nhận hoàn cảnh thực tại, phải đối mặt với sự thật.

Cuộc sống nghèo nhưng ấm êm.

Ông tâm sự thật với vợ: "Anh đã có con với người khác, anh đã không bảo em. Anh và em gắn bó với nhau lâu rồi. Con của anh cũng là con của em. Nếu em thương anh bao nhiêu thì hãy thương lấy giọt máu của anh bấy nhiêu. Em thương anh thì nên thương con anh. Chúng ta cùng vun đắp, chăm sóc con, đợi con sau này con khôn lớn thì con sẽ thương lại mình".

“Khi tôi nói ra những lời này, tôi biết bà nhà tôi chịu đau đớn lắm. Nhưng vì thương tôi, thương những đứa con tội nghiệp không có lỗi, bà ấy đã tha thứ tất cả.  Bà vừa khóc vừa nói: Sao giờ anh mới nói? Tôi bảo anh sợ em sốc, rồi bà ấy chủ động bảo với tôi đưa bà ấy lên thăm các con”.

Khi tôi hỏi có khi nào ông có ý định đoàn tụ, sum họp cả hai bà về sống chung một nhà, ông nhoẻn miệng cười. "Tôi cũng muốn mọi người xích lại gần nhau hơn, nhưng vì dư luận xã hội còn nhiều điều phức tạp nên trước mắt mình cứ để như vậy sẽ tốt đẹp cho cả hai bên".

Đôi mắt không nhìn thấy gì nhưng trách nhiệm của một người đàn ông, một người mù khiến trái tim hai người phụ nữ cảm động. Họ dành tình thương cho một người mù, vun đắp cho những đứa trẻ khôn lớn. 3 ngày một lần ông Thành lại về thăm bà hai và các con, rồi lại về với người vợ cả. Cuộc  sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ở đó có sự hạnh phúc vẹn toàn của hai bà vợ.

Hiện cháu Ưng đang học lớp 1, cháu Ý học lớp mẫu giáo. Điều mà ba con người mong mỏi nhất là cố gắng làm sao lo cho các cháu ăn học, sớm trưởng thành.

"Việc người đàn ông lấy hai vợ về mặt pháp lý là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng với trường hợp của ông Thành, dù chúng ta có cái nhìn cảm thông, thì ông Thành vẫn là người có cuộc hôn nhân trái luật. Tuy nhiên dư luận cho rằng ông Thành là một người đàn ông tốt, sống rất tình cảm. Việc ông lấy vợ hai được sự đồng thuận của bà cả, họ đều mong muốn có một mụn con để giúp nhau lúc tuổi già", bác Quách Văn Long, người hàng xóm chia sẻ.

Đỗ Việt
.
.
.