Người Thầy trong tôi

Thứ Sáu, 20/11/2015, 15:37
Trong đời một con người, không ai là không có ít nhất một người Thầy. Người đã nâng đỡ, dạy dỗ và có ảnh hưởng đến sự lớn lên, trưởng thành của mình. Thầy chính là người đã khơi ngọn lửa trong tim mình, truyền cho mình cảm hứng và tình yêu với cuộc sống. Các cụ xưa đã nói, "không thầy đố mày làm nên", cho thấy vai trò quan trọng của người Thầy trong đời người. Tri ân thầy là hành động hiếu nghĩa mà học trò nào cũng nên làm.
Tôi, một người của thế hệ 7X, thế hệ gạch nối. Không trải qua chiến tranh, nhưng tuổi thơ nghèo khó thời hậu chiến với những biến động thời cuộc đã cho tôi cảm nhận cuộc sống ở nhiều chặng khác nhau. Tôi đã đi học ở trường làng, nơi cô giáo tiểu học của tôi nghèo lắm, cô mặc áo quần vá chằng vá đụp, giống như phần lớn lũ học trò chân đất thường phải mặc thừa áo quần của các anh chị lớn hay thậm chí của bố mẹ.

Cô giáo trường làng chẳng bao giờ tô son hay đánh phấn, làn da xanh nhợt vì đói, vì thức đêm soạn giáo án. Cô giáo mà sau tiếng trống tan trường, chúng tôi ùa về thì cô tất tả ra chợ và về nhà với một buộc dây khoai lang to đùng sau xe, là thức ăn để chăn nuôi đàn lợn. Chúng tôi đến nhà thăm cô ngày 20/11 với bó hoa cúc hái trong vườn buộc bằng chiếc dây cói và không giấy bóng kính, trong lúc cô đang vội vã vớt bèo ngoài ao, tranh thủ nấu nồi cám cho bầy lợn rồi mới ra trường dự lễ mít tinh.

Cô giáo nghèo đã luôn yêu thương chúng tôi như những đứa con của mình. Lớn lên một chút, tôi học trường huyện, trường thành phố. Thầy giáo cô giáo thời kỳ đổi mới có bớt nghèo hơn. Cô giáo ở thành phố thường mặc áo dài trên bục giảng. Thầy giáo thì mặc com-lê, áo sơ mi thắt cà vạt đẹp và lịch sự. Nhưng tình yêu thương của các thầy cô dành cho học trò thì ở đâu cũng vậy, ấm áp, chân tình.

Tôi nhớ vào năm học cấp 3, cô giáo chủ nhiệm của tôi đã âm thầm đóng học phí cho một bạn nhà nghèo có nguy cơ bỏ học vì cha mẹ không có tiền đóng học phí cho bạn. Sau này, những chuyến đi làm báo ở miền núi xa xôi, đến những ngôi trường hẻo lánh nằm khuất trong sương mù, tôi gặp những thầy giáo cô giáo đã 10 năm, 20 năm, thậm chí cả đời cắm bản. Lớp học bốn phía gió lùa, học sinh không có áo ấm để mặc, không có dép để đi.

Bữa cơm của các thầy cô trong ngôi trường đơn sơ không thể đơn sơ hơn ấy là rau rừng khô, riềng chưng muối. Những người thầy đó cả đời dạy học chưa từng nhận một bó hoa hay một món quà của học trò. Niềm vui của họ là mỗi sáng đừng có thêm học trò nào bỏ học về nhà làm nương với cha mẹ để rồi không biết chữ. Chỉ có thể là tình yêu thương học trò vô bờ bến mới có thể giữ chân họ gắn bó với ngôi trường, với vùng đất ấy, chấp nhận sự lãng quên của đời sống tốc độ đang ầm ào trôi qua ở thị xã hay thành phố.

Tôi luôn nghĩ, những yêu thương trìu mến của thầy cô thời đi học cũng là một tài sản quan trọng như kiến thức mà thầy cô mang đến cho mình. Càng trưởng thành tôi càng tin rằng, hành trình làm Người của một ai đó, không phải là chuyện đọc bao nhiêu sách, giỏi giang lĩnh vực gì, mà còn là việc họ ứng xử với bản thân, với mọi người xung quanh như thế nào.

Dường như kiến thức suông chưa bao giờ là đủ để hoàn thiện nhân cách một người. Nó còn phải cộng với lòng trắc ẩn, là tình thương họ dành cho cuộc sống này, với người già và trẻ em, với người thân và người xa lạ, với thiên nhiên và động vật.

Chỉ có tình yêu thương mới là chất keo gắn kết thế giới đang ngày một trở nên lạnh lùng, tỉnh táo như hôm nay. Khoa học, công nghệ càng đi xa, những giải pháp cho đời sống tiện nghi, văn mình càng nhiều lên thì dường như tình người cũng xa xôi hơn, cái ác cũng lên tiếng nhiều hơn. Tôi đã tin, sự ấm áp của tình người mới thực sự là nền tảng của hiểu biết.
                                                 Tình thầy trò.

Ngày để tri ân thầy cô, không ai muốn nhắc về những tiêu cực trong giáo dục mà rất tiếc là không quá hiếm trong đời sống mà từng ngày mỗi chúng ta đang phải chứng kiến. Những câu chuyện buồn thật buồn về những cô giáo mầm non hành hạ trẻ nhỏ, những thầy giáo dùng ngôn ngữ xã hội đen mắng học trò hay những học trò bất chấp luân thường đạo lý đối xử thô bạo với thầy cô.

Tôi thật sự muốn tin rằng đó chỉ là những hiện tượng rất nhỏ, không phổ biến, những hiện tượng lạc loài và chúng ta sẽ không bao giờ cho nó cơ hội để trở thành phổ biến. Vì những giá trị tốt đẹp của người Thầy vẫn còn nguyên đấy, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Tôi vẫn đưa các con đến trường mỗi ngày và vẫn đặt toàn bộ niềm tin của tôi vào những người Thầy đang ngày đêm dìu dắt các con tôi cùng với lòng biết ơn sâu sắc.

Tôi thực sự không muốn đằng sau chiếc xe tôi đưa con đến trường còn chở theo cả một sự nghi ngờ hay nghi ngại về người Thầy của bọn trẻ. Dù cho tôi hiểu rất rõ rằng, ngôi trường thời hiện đại hôm nay mà các con tôi đang theo học đã khác rất xa thời của tôi. Chuyện học và dạy đã khác, chuyện ứng xử lại càng  khác. Và sự khác đi đó không phải là câu chuyện của một người Thầy nào đó, nó là của toàn xã hội, là hệ lụy một vài đường lối, chính sách mà không hẳn lúc nào cũng đúng, cũng tích cực.

Tôi nghĩ chúng ta không có quyền làm cho những đứa trẻ mất đi niềm vui, sự hào hứng mỗi ngày đến trường, cũng như lòng biết ơn với những người thầy mà mỗi ngày chúng gần gũi, gắn bó, ảnh hưởng. Và cho dù xã hội có thay đổi đến đâu, nền giáo dục có thể đang còn rất nhiều vấn đề bất cập, vai trò và vị thế của người thầy có lúc đã bị thấp xuống hay xem nhẹ, thì tôi tin, trong tim mỗi người Việt vẫn luôn nuôi hình ảnh một người Thầy đẹp nhất.

Người gieo trồng ước mơ và đưa đò cho mỗi con người đi tìm những giá trị thật, những giá trị cốt lõi và cao đẹp nhất của cuộc đời.

Bình Nguyên Trang
.
.
.