Châu Âu cứu được khủng hoảng nợ nhưng đánh mất cả một thế hệ trẻ

Thứ Hai, 06/05/2013, 15:41

Trong vòng ba năm vừa qua thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ công với quy mô lớn và tốc độ lây lan nhanh chưa từng có ở cộng đồng châu Âu. Không chỉ đe dọa sự ổn định của khu vực đồng tiền chung euro, cuộc khủng hoảng này còn là mối nguy cơ cho nền kinh tế toàn thế giới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi châu Âu dùng trăm phương ngàn kế để cứu cuộc khủng hoảng nợ này, song sau cuộc giải cứu ấy, một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn và nghiêm trọng hơn lại xuất hiện. Đó là khi EU có khả năng đánh mất cả một thế hệ trẻ.

Khi châu Âu gắn kết lại với nhau trong khu vực đồng tiền chung euro, người ta đã tràn trề hy vọng vào một cộng đồng mạnh mẽ, một sức mạnh ngang ngửa với sức mạnh Mỹ đã thống trị thế giới bao lâu nay và đối chọi với các thế lực mới nổi tại châu Á mà đại diện là con rồng khổng lồ mang tên Trung Quốc. Với riêng người châu Âu thì ý tưởng thị trường châu Âu đã đem đến cho họ một giấc mơ tuyệt diệu, trong đó họ có thể đi lại, sống và làm việc tại bất cứ nơi nào ở châu Âu - khi ranh giới giữa các quốc gia được xóa nhòa. Cơ hội tốt đến với tất cả mọi người, miễn họ là người châu Âu. Và điều đó, trên phương diện lý thuyết, là có thật. Song thực tế có lẽ còn cách giấc mơ lý tưởng đó một khoảng cách khá dài.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ cuối năm 2009 và điểm bùng nổ đầu tiên là Hy Lạp đầu năm 2010 khi các khoản nợ của chính phủ tăng lên chóng mặt mà không hề có khả năng chi trả. Sau đó, như một trận dịch bệnh, cuộc khủng hoảng này lan đến các nước khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Cộng hòa Sip... Các ngân hàng đứng trước bờ vực thẳm, các chính phủ sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào, và người dân rơi vào tình trạng hoang mang chưa từng có.

Liên minh châu Âu đã phải vào cuộc, bắt tay vào một hành trình giải cứu kéo dài liên miên mấy năm chưa có hồi kết thúc. Tháng 5/2010, các nước thành viên khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã thông qua khoản vay 110 tỷ euro cho Hy Lạp, đổi lại nước này phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng thật khắc nghiệt. Cùng lúc đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, và lập ra cái gọi là “Ủy ban Ổn định Tài chính châu Âu”. Những động thái đó dường như đã đặt châu Âu vào một tình trạng báo động, khiến cho cả thế giới nhận thấy rõ sự bất ổn mà châu Âu đang phải đối mặt. Tiếp theo đó là gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro cho Ireland vào cuối năm 2010 và một gói nữa trị giá 78 tỷ euro cho Bồ Đào Nha vào giữa năm 2011. Tất nhiên, khủng hoảng nợ công không chỉ là chuyện của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị và xã hội. Ít nhất, nó đã khiến cho Thủ tướng Hy Lạp và Thủ tướng Italia phải từ chức, và đầu năm 2012, chính phủ Rumani trở thành chính phủ thứ 6 ở châu Âu sụp đổ do cùng một nguyên nhân - khủng hoảng nợ công.

Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu, như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi khẳng định, chắc chắn “sẽ làm bất cứ điều gì để cứu đồng euro”, và những biện pháp khẩn cấp họ thực thi đã thu lại được những kết quả lạc quan ban đầu. Với tuyên bố mua lại trái phiếu chính phủ của các nước đang gặp khó khăn tài chính từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã tăng 10 cent, chứng khoán châu Âu cũng tăng 10%, chi phí vay mượn của nhiều nước giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, cuối năm 2012, bộ mặt của lục địa già vẫn bị bao phủ bởi một màu xám xịt. Tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 với hầu hết trong số 17 nước khu vực này xuống mức 0,1% so với mức 0,5% trước đó. Còn theo đánh giá của nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng và các nhà nghiên cứu tài chính khắp thế giới, có vẻ như giai đoạn kinh khủng nhất của nền kinh tế châu Âu chưa thể qua đi trong êm ả.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu bùng nổ vào cuối năm 2009, Liên minh châu Âu đã cùng nhau xây dựng nên một cơ chế giải cứu phức tạp gồm nhiều giai đoạn để giúp nhiều nước thoát ra khỏi cảnh nợ nần, giúp nhiều nền kinh tế khỏi tan vỡ và dành ra tới 700 tỷ euro để bình ổn hệ thống ngân hàng đang rối loạn. Song những tác động của cuộc khủng hoảng nói trên về mặt xã hội thì không dễ dàng giải quyết chút nào.

Hiện tại, người thất nghiệp, nhất là người trẻ tuổi, đang tràn ngập châu Âu - 26 triệu người. Con số tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và một số vùng ở Italia và Bồ Đào Nha còn đáng quan ngại hơn gấp nhiều lần: Cứ hai thanh niên thì một người không có việc làm. Không cần phải nói dài dòng, ai cũng hiểu tình trạng thất nghiệp của giới trẻ chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn về chính trị, sự hỗn loạn của xã hội và là mối đe dọa lâu dài với tương lai của lục địa già này. Ngay trước mắt, thì chính thất nghiệp đã gây ra hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động ở miền Nam châu Âu, chưa kể đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội và sự tấn công nhằm vào người nhập cư. Và một núi tiền khổng lồ lại được đổ vào để tháo gỡ tình trạng này.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, việc Liên minh châu Âu đưa ra ý kiến dành 6 tỷ euro nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và ngăn chặn nguy cơ không có việc làm suốt đời vẫn bị coi là "quá ít” và “quá muộn". Và ngay cả khi tình trạng thất nghiệp có thể được giải quyết, thì châu Âu vẫn còn phải đối mặt với một thế hệ trẻ những người lao động mang vết thương về tâm lý không thể được chữa khỏi trong một sớm một chiều.

Ảnh minh họa.

Người trẻ ở châu Âu, những người không còn hy vọng tìm được việc làm trong châu Âu nữa, đang phải tính toán đến chuyện rời châu Âu để tìm kiếm việc làm và tương lai ở những châu lục khác như Mỹ hay các quốc gia châu Á. Đây cũng là điều tất yếu của cuộc sống. Có lẽ chỉ trong vòng vài chục năm nữa, châu Âu sẽ thấm thía những hậu quả của sự ra đi này. Song làn sóng ra khỏi châu Âu của thế hệ trẻ (tạm gọi như vậy) chưa phải là bi kịch sau rốt của lục địa này. Điều đáng sợ hơn cả không phải là sự ra đi của thế hệ trẻ mà là sự mất lòng tin của họ. Như nhiều người châu Âu lớn tuổi nhận xét, khi họ còn trẻ, họ có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, vào bản thân, và tất nhiên - vào châu Âu. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, thế hệ trẻ ở châu Âu ngày nay không còn niềm tin vào tương lai nữa.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nói rằng EU đã "cứu được các ngân hàng nhưng đang có nguy cơ để mất cả một thế hệ". Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với EU không hẳn là chuyện ngân hàng vỡ nợ hay các chính phủ sụp đổ, mà là người dân hoàn toàn mất lòng tin vào khả năng tính toán và giải quyết vấn đề của EU. Ông cho rằng, nếu thế hệ trẻ đang mất lòng tin, thì EU thực sự đang "lâm nguy".

Trải qua năm 2012, người ta đã nhận ra càng ngày càng rõ rằng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt hay các gói cứu trợ khổng lồ không phải là liều thuốc kháng sinh vạn năng đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng và lấy lại sức khỏe như xưa. Tương lai của Liên minh châu Âu, cũng như bất cứ một khu vực hay quốc gia nào, nằm trong tay thế hệ trẻ. Nếu thế hệ trẻ ra đi, hay thậm chí tệ hơn, mất niềm tin, thì điều đó đồng nghĩa với việc tương lai không còn nữa. Tất nhiên, đây cũng phải là lời tiên đoán chắc chắn gì, bởi cả cuộc khủng hoảng và cuộc đấu tranh chống lại khủng hoảng của EU mới chỉ bắt đầu, và mọi diễn biến không ngờ tới còn nằm ở phía trước. Và chúng ta vẫn có thể nói rằng, quả thật châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm, nhưng rồi người châu Âu sẽ tìm cách vượt qua, bằng cách này hay cách khác, như họ đã từng làm trong lịch sử. “Lục địa già” như người ta vẫn thường gọi vẫn chứa đựng trong nó những sức mạnh tiềm ẩn không ngờ chờ ngày phục sinh

Tiên Giang
.
.
.