Châu Âu trước nỗi lo cực hữu

Thứ Năm, 21/12/2017, 16:21
Ngày 15-12 vừa qua, Áo trở thành quốc gia Tây Âu duy nhất có một đảng cực hữu tham gia chính phủ khi đảng Nhân dân (OVP) của nước này đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Tự do (FPO - theo đường lối chống người nhập cư). Như vậy, FPO đã trở lại cầm quyền sau gần 2 thập kỷ.


Nước Áo cc hu

Ngày 16-12, chi tiết của thỏa thuận liên minh này được công bố sau cuộc gặp với Tổng thống Alexander Van der Bellen. Thỏa thuận hợp tác trong 5 năm tới giữa 2 đảng là nền tảng cho sự thay đổi trong chính sách của Áo, đó là tiết kiệm chi tiêu trong hệ thống công.

Mục tiêu của chính phủ mới là rõ ràng, theo đó sẽ giảm thuế, cải thiện đời sống và nâng cấp hệ thống phúc lợi xã hội tại Áo. Tuy nhiên, thủ lĩnh OVP Sebastian Kurz cũng khẳng định mục tiêu lớn nhất của chính phủ liên minh sẽ là tăng cường an ninh cũng như chống nạn nhập cư bất hợp pháp tại quốc gia này.

Người đứng đầu Ðảng Tự do Heinz-Christian Strache (trái) và Thủ lĩnh Ðảng Nhân dân Sebastian Kurz.

Sự liên minh này dường như đã được dự đoán ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội tại Áo (15-10). Bởi lẽ, OVP và FPO đều có những tương đồng về quan điểm trên các lĩnh vực, nhất là về nhập cư, an ninh và Hồi giáo. Ông Kurz nhấn mạnh, đây là một liên minh mạnh mẽ đối với nước Áo.Với sự liên minh này, nước Áo sẽ có một chính phủ mới trẻ trung và cứng rắn hơn. Việc kiểm soát người nhập cư và người Hồi giáo tị nạn sẽ ngày càng được siết chặt.

Trong chính phủ liên minh sắp tới, lãnh đạo đảng OVP Sebastian Kurz, 31 tuổi, sẽ giữ chức Thủ tướng. Lãnh đạo đảng FPO Heinz-Christian Strache giữ chức Phó Thủ tướng. Các thành viên khác của FPO sẽ đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ An ninh xã hội...

Như vậy, sau việc tham gia chính phủ liên minh tại Áo năm 2000, đảng FPO cực hữu nay trở lại chính phủ, đánh dấu sự phát triển đi lên của phong trào cực hữu tại quốc gia thành viên EU này. Đây cũng là xu hướng cho thấy sự đổi khác trong suy nghĩ của nhiều cử tri cũng như sự xoay chuyển trên chính trường nước Áo trước những diễn biến tại Liên hiệp châu Âu thời gian qua.

Liên minh cực hữu

Không chỉ có nước áo cực hữu, mà mới đây những lãnh đạo cực hữu các nước Pháp, Hà Lan, Ý, Áo, Anh… đã tập hợp ở Prague (CH Czech) trong nỗ lực tìm cách thay thế Liên minh châu Âu. Trong tuyên bố ngày 16-12, các lãnh đạo này kêu gọi đoàn kết thành lập một mô hình hợp tác liên châu lục, tách biệt khỏi EU.

Tại Prague, nhóm lãnh đạo này bàn luận xung quanh các ý kiến về tương lai của châu Âu dưới tinh thần "Vì một châu Âu của những quốc gia có chủ quyền", theo Hãng tin AP. Họ chỉ trích các chính sách nhập cư mà EU đang áp dụng, cáo buộc lãnh đạo EU về việc cố gắng tạo ra một "siêu nhà nước" do Brussels (Bỉ, nơi đặt trụ sở EU) vận hành. Đồng thời các lãnh đạo này ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách tiếp cận với vấn đề nhập cư.

Phát biểu tại cuộc họp ở Prague, cựu ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen - lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc, khẳng định EU đã "làm sai mọi thứ". Bà Le Pen nói với các phóng viên: "Vì chúng tôi yêu châu Âu, chúng tôi cáo buộc EU về việc giết chết châu Âu. Chúng tôi không bài ngoại, chúng tôi chỉ là đối thủ của EU thôi. Tôi cho là có những điểm chung mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau, vì EU là một tổ chức thảm họa, đã dẫn dắt châu lục này vào chốn suy sụp thông qua việc pha loãng nó bằng những người nhập cư, bằng việc phủ định sự tôn trọng đối với các nước, và bằng việc hút cạn sự đa dạng của chúng tôi".

Ông Geert Wilders, nhà sáng lập đảng Vì tự do ở Hà Lan - một đảng theo trường phái chống người đạo Hồi, cũng tung hứng: "Đảng của tôi tin chắc rằng Hà Lan sẽ trở nên tốt hơn khi không ở lại EU, và cả kinh tế lẫn an ninh cũng sẽ cải thiện".

Như vậy, hiện nay xu hướng chống nhập cư ngày càng gia tăng ở cả châu Âu và Mỹ.

Anh Kiệt
.
.
.