Nở rộ “dự án” phân lô bán nền trên đất nông nghiệp:

Chế tài chưa đủ mạnh hay buông lỏng quản lý?

Thứ Sáu, 28/06/2019, 15:51
Trong những ngày qua, việc chính quyền thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết liệt xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp và phân lô, rao bán nền trái phép tại địa phương đã trở thành vấn đề nóng của báo chí.


Nhưng cũng từ câu chuyện này, dư luận đã đặt ra vấn đề quản lý đất đai, quy hoạch của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, để cho doanh nghiệp lộng hành “hô biến” những khu đất nông nghiệp thành các khu dân cư bất hợp pháp trong một thời gian khá dài mà không cương quyết xử lý, dẫn đến việc phải cưỡng chế giải tỏa, đưa đến những hệ lụy khó lường…

Thực hiện 8 “dự án ma”, thu hàng trăm tỷ đồng

Dù chưa hề được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép đầu tư bất cứ dự án khu dân cư, khu đô thị nào, nhưng không hiểu vì sao Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (viết tắt Công ty Alibaba, có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vẫn có thể triển khai “làm hạ tầng” và rao bán nền đất tại ít nhất 8 “dự án khủng” trên địa bàn tỉnh này, thu vào hàng trăm tỷ đồng.

Nhân viên Công ty Alibaba đập phá phương tiện của đoàn cưỡng chế.

Đây là thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết qua làm việc với bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (bị can đã bị Công an TX Phú Mỹ bắt tạm giam), người được Công ty Alibaba ủy quyền và đối chiếu hồ sơ địa chính, cơ quan Công an xác định công ty này đã triển khai 7/8 “dự án” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thu về hơn 770 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những “dự án” trên đều đứng tên cá nhân là chủ đất, nhưng khi được Công ty Alibaba phân phối thì “bỗng dưng” chúng đều có tên gọi là các dự án Alibaba Tân Thành Center City từ 1 - 6 và dự án Alibaba Phú Mỹ Central City. Đơn cử, dự án Alibaba Tân Thành Center City 3 tại xã Sông Xoài mà Công ty Alibaba phân phối 161 nền và đã thu gần 40 tỷ đồng là của cá nhân ông Nguyễn Thái Lực làm chủ đất.

Theo đó, ngày 19-3-2019, ông Lực làm hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho bên nhận góp vốn là Công ty Alibaba với mục đích “để trồng cây lâu năm theo đúng mục đích sử dụng đất trong sổ đỏ, không sử dụng đất vào mục đích khác”, nhưng lại trở thành đất nền để công ty này phân phối cho khách hàng.

Hay tại dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 (xã Tóc Tiên) cũng do ông Lực đứng tên chủ sở hữu đất hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho bên nhận góp vốn là Công ty Alibaba với mục đích tương tự; nhưng sau đó công ty này cũng làm đơn vị phân phối nền. Tương tự, khu đất rộng gần 9ha do ông Trịnh Minh Pháp làm chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Alibaba để trồng cây lâu năm được gọi là dự án Alibaba Phú Mỹ Central City để công ty này phân phối 624 nền, tổng trị giá gần 256 tỷ đồng và đã thu hơn 177 tỷ đồng...

Có thể thấy rõ sự vô lý và có phần mâu thuẫn từ những thông tin này. Bởi lý do rất đơn giản rằng tại sao chính quyền địa phương khẳng định chưa hề cấp phép mà doanh nghiệp này vẫn có thể thực hiện nhiều “dự án” đến vậy?

Theo thông tin mới nhất, ngày 24-6, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang tiếp tục xác minh những thông tin liên quan đến các hoạt động của Công ty Alibaba trên địa bàn. Cơ quan điều tra cũng đã nhận được một số đơn tố cáo của người dân về các dấu hiệu sai phạm của công ty này. Tuy nhiên, cũng theo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì việc vi phạm về quản lý đất đai và xây dựng sẽ do chính quyền xử lý; khi có dấu hiệu hình sự, Công an sẽ vào cuộc.

Ngày 25-6, chúng tôi tìm hiểu về những khu đất mà Công ty Alibaba phân phối đất nền dưới các tên dự án khác nhau nằm trên địa bàn TX Phú Mỹ. Theo người dân địa phương thì những ngày này,  các hoạt động giao dịch gần như “án binh bất động”, khác hoàn toàn với cảnh tấp nập nhân viên Công ty Alibaba đưa khách vào xem đất như trước đó.

Tại khu đất thuộc “dự án Alibaba Tân Thành Center City 2” do ông Trần Huy Phúc đứng tên chủ sử dụng tại xã Sông Xoài, TX Phú Mỹ đã được ủi đường, làm bó vỉa hè chính quyền địa phương đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đất khôi phục tình trạng ban đầu.

Biển cảnh báo về các “dự án ma” tại TX Phú Mỹ.

Tuy nhiên, phía chủ đất đối phó bằng cách chỉ tháo dỡ một đoạn bó vỉa bê tông phía trước, các bó vỉa bê tông phía trong thì dùng đất lấp lại. Tương tự, “dự án Alibaba Tân Thành Center City 3” khoảng 5,8ha cũng được dùng đất lấp lại các bó vỉa bê tông như cách khôi phục lại tình trạng của đất. “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 4” thì chưa đầu tư hạ tầng…

Theo UBND thị xã Phú Mỹ, hiện trên địa bàn có 113 dự án quy mô lớn nhỏ, với hàng trăm hecta đất nông nghiệp ở các xã phường Tóc Tiên, Mỹ Xuân, Châu Pha... bị phân lô bán nền trái phép. Trong đó, nhiều nhất là xã Tóc Tiên với 29 trường hợp; phường Mỹ Xuân 13 trường hợp; phường Tân Hòa, Tân Phước đều có 11 trường hợp; xã Châu Pha 10 trường hợp… Những người mua các khu đất này rồi xây nhà tiền chế, làm đường, phân lô, trưng biển quảng cáo bán đất nền rầm rộ. Mỗi nền đất có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Để thực hiện đúng quy định về đất đai, xây dựng, thị xã Phú Mỹ đã lên kế hoạch cưỡng chế 58 trường hợp vi phạm này, trong đó có một số “dự án” của Công ty Alibaba đang rao bán thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, khẳng định sẽ cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, trước mắt sẽ xử lý các trường hợp đã có quyết định xử phạt.

Theo lãnh đạo địa phương, hầu hết các “dự án” của Công ty Alibaba đều chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa.

Còn theo Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết quả xác minh đã xác định các dự án đều thực hiện trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích, trong đó một số dự án nằm trong quy hoạch đường cao tốc hoặc một số công trình khác; việc rao bán nền đất tại các “dự án” này không có hồ sơ, không có giấy tờ, có dấu hiệu vi phạm, có đơn của một số khách hàng phản ánh…

Chính quyền ở đâu khi để Công ty Alibaba tung hoành?

Phải nói rõ là trước đó, để thực hiện việc xử lý các dự án bất động sản “ma” trên địa bàn, ngoài việc nhiều xã, phường tại thị xã Phú Mỹ đã treo các biển cảnh báo lớn, chính quyền địa phương cũng mạnh tay ra các quyết định cưỡng chế với các “dự án ma” này. Chẳng hạn như ngày 13-6, lực lượng chức năng đã cưỡng chế phá dỡ các con đường trên khu đất rộng gần 4 ha ở ấp 4, phường Hắc Dịch.

Đây là khu đất trồng cao su được mở đường, kéo cột điện và rồi phân lô đất ở. Khu đất này của ba chủ đất gộp lại thành một khu. Hay ngày 18-6, thị xã Phú Mỹ cũng ra quyết định cưỡng chế buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm là tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp (dưới tên “dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”) tại 15 thửa đất đứng tên ông Nguyễn Ngọc Sự (SN 1974, ngụ TP Hà Nội), tọa lạc tại thôn Tân Tiến, xã Châu Pha.

Các “dự án ma” rầm rộ từ lúc làm hạ tầng ban đầu cho đến việc rao bán vẫn trót lọt.

Đáng nói là sau khi UBND xã Châu Pha niêm yết công khai quyết định cưỡng chế công trình vi phạm tại khu đất và tại những điểm sinh hoạt công cộng của người dân gần khu vực, thì ngay sau đó theo phản ánh của người dân, từ chiều 21-6, nhiều xe múc được đưa đến cuốc đất hai bên đường nội bộ trong các lô đất để phủ lên mặt đường nhựa nhằm “trả lại hiện trạng” đất nông nghiệp.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ nhận định: “Việc chủ đất lấp các con đường nhựa thể hiện sự đối phó tình thế, không thực sự khôi phục hiện trạng ban đầu của khu đất. Đây là việc làm nhằm che giấu sai phạm. Vì vậy, việc cưỡng chế vẫn sẽ được tiến hành theo quyết định đã ban hành”.

Liên quan đến sự việc ngày 13-6, trong khi lực lượng chức năng xử lý sai phạm về đất đai và xây dựng tại khu đất ở ấp 3, xã Tóc Tiên, nhóm người của Công ty Alibaba đã có hành vi chống đối, cản trở, đập phá. Ngày 22-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Phú Mỹ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, chuyên viên pháp lý Công ty Alibaba và Trần Quốc Tĩnh, nhân viên Công ty Alibaba về tội danh trên.

Tuy nhiên, từ những sự việc cụ thể kể trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao hiện trạng biến tướng đất nông nghiệp thành “dự án” để phân lô, bán nền với máy móc chuyên dụng tấp nập ra vào các khu đất để san lấp, ủi, đổ đá và rải nhựa cho các con đường.... mà chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không ngăn cản hay có hành vi quyết liệt ngay từ đầu? Phải chăng cơ quan quản lý “làm ngơ” trước hàng loạt các sai phạm đang tồn tại hay “bao che”, “bảo kê” cho các “dự án” phân lô, bán nền sai phạm này?

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ bản là chính quyền phường, xã đã không quản lý được việc xây dựng trái phép, bởi nói không quá thì người dân chỉ cần đặt một viên gạch là phường, xã biết ngay, trong khi các “dự án” này vô cùng rầm rộ từ lúc làm hạ tầng ban đầu cho đến việc rao bán lại vẫn “trót lọt”.

Như vậy, có thể thấy việc buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan chức năng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phức tạp kể trên.  Vấn đề đặt ra là chế tài nào cho các sai phạm liên tiếp của các chủ đầu tư đang rất cần câu trả lời chính thức từ phía chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng.

Phú Lữ - Hồng Nhung
.
.
.