Chênh vênh… cõi Lý!

Thứ Ba, 18/06/2013, 11:09

Cõi Lý là một cõi rất riêng, không lẫn với ai. Cũng giống như con người Lý là một con người rất riêng - riêng tới mức cái tên "Lê Cát Trọng Lý" mà người bố đặt cho cô con gái bé nhỏ nhưng đầy nội lực có lẽ là sự áp đặt duy nhất mà cuộc đời có thể áp đặt cho cô.

Tôi đóng chặt tâm hồn với âm nhạc đương đại cho đến trước khi xem bộ phim "Scandal" của đạo diễn Victor Vũ cuối năm ngoái, và đã thảng thốt với những câu hát vang lên trong phần cuối bộ phim: "Trên cao đám sao sao xà/Bao giấc mơ hoang đường/ Bao trái tim mơ mộng, ngủ say…". Một giai âm mỏng nhẹ, một giọng ca mỏng nhẹ, một thứ triết lý như có mà như không - tất cả đã xâm chiếm hồn tôi, dịu dàng, nhoi nhói, bâng khuâng, run rẩy...

Hỏi người xem phim cùng mình tôi mới biết đấy là bài hát và tiếng hát của một cô ca - nhạc sĩ có tên Lê Cát Trọng Lý, và đấy là thời khắc đầu tiên tôi biết ở đời có một người mang tên như thế. Để rồi bây giờ thì cõi Lý (vâng, tôi muốn gọi thế giới âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý là "cõi Lý") đã gần gũi lắm mà xa lạ lắm, cụ thể lắm mà mơ màng lắm trong thế giới tinh thần của tôi…

1. Cõi Lý là một cõi rất riêng, không lẫn với ai. Cũng giống như con người Lý là một con người rất riêng - riêng tới mức cái tên "Lê Cát Trọng Lý" mà người bố đặt cho cô con gái bé nhỏ nhưng đầy nội lực có lẽ là sự áp đặt duy nhất mà cuộc đời có thể áp đặt cho cô.

Bố muốn Lý học hành một cách lớp lang, tử tế thì Lý đã hai lần bỏ đại học, trong đó lần bỏ đại học sau đã khiến bố già đi vì mất ngủ. Người yêu muốn Lý phải thực hiện những yêu cầu này nọ thì Lý chứng minh điều ngược lại: em vẫn chỉ là em. Các fan hâm mộ muốn Lý nuôi mái tóc xoăn bồng bềnh vốn đã gắn chặt với thương hiệu của Lý trong giai đoạn trình làng thì trong một ngày đẹp trời Lý bỗng nhiên… cắt đầu trọc lốc.

Hỏi Lý khi không làm theo mong muốn, ước ao của bố chẳng nhẽ không sợ bố buồn thì Lý trả lời tỉnh queo: "Sợ bố buồn nên em mới không ngoan ngoãn nghe lời bố. Vì như thế, đến một ngày nào đó, rất có thể em sẽ bùng nổ tất cả, khiến bố phải đối diện với một cú sốc quá lớn thì sao?".

Tiếp tục hỏi Lý xem khi không thực hiện những yêu cầu của người yêu chẳng nhẽ không sợ mất người yêu thì Lý giải thích: "Thật ra hồi mới yêu, em cũng chiều chuộng người yêu lắm. Nhưng sau này em nhận ra, nếu cứ làm như thế, mình sẽ tạo cho người yêu một ảo tưởng lớn về việc họ có thể kiểm soát được mình. Và đến một ngày nào đó, bi kịch rồi sẽ xảy ra với cả hai".

Còn riêng về chuyện tóc tai, trước đây Lý trung thành với một tiệm cắt tóc nổi tiếng ở Đà Nẵng, nên luôn chỉ có thể đến đó mới thực sự hài lòng. Nhưng cuộc đời du ca từ Nam ra Bắc, chẳng nhẽ cứ để cái tiệm cắt tóc ấy "cầm tù" mình mãi?

Và chẳng nhẽ cứ để cái suy nghĩ "Lê Cát Trọng Lý chỉ có thể để tóc dài tóc xoăn" cầm tù chính Lê Cát Trọng Lý hay sao? Không! Không thể như thế được! Và thế là trong một ngày Hà Nội bâng khuâng, Lý nhờ một người bạn… xuống tóc cho mình, rồi khi vào Sài Gòn thì Lý thậm chí tự mua tông - đơ để bây giờ tự "tỉa tót" đầu mình. Lý là Lý - một Lý rất ngộ, rất Lý - thế thôi! 

2. Hẳn nhiên, hình ảnh một Lê Cát Trọng Lý rất riêng trong đời thực đã phản chiếu hình ảnh một Lê Cát Trọng Lý rất riêng trong… cõi Lý. Ở cõi ấy, những ca từ của Lý chập chờn giữa hiện thực và mộng ảo, những cảm xúc của Lý chập chờn giữa chủ thể và khách thể, những bâng khuâng rên xiết của Lý chập chờn giữa những hoài vọng, yêu tin và những cô đơn, mất mát. Chính bởi sự chập chờn, mênh mang ấy mà người ta sẽ rất khó cắt nghĩa những câu hát kiểu này của Lý:

Mưa vừa ghé qua, rằng mưa vừa ôm em đấy
Gió phiêu diêu tìm tóc em, và tìm bờ môi phai
Ghen với gió, giận cơn mưa, mong cho trời đứng lại…

Lẽ thường, khi mưa đã ghé qua và gió đã tìm đến thì tại sao "em" - nhân vật trong bài hát lại phải "ghen với gió, giận cơn mưa"? Chẳng phải gió, và mưa đang sà xuống "em" và làm bờ môi, mái tóc của "em" như thêm phần bay bổng, huyền thoại đó sao?

Nhưng Lý bảo: "Vì mưa được ôm em, gió được hôn em, nhưng ta lại không được ôm hôn em như thế, nên ta mới phải  "ghen với gió, giận cơn mưa". À, thì ra "em" ở đây là khách thể, chứ không phải chủ thể như những gì người nghe lầm tưởng.

Một lần khác Lý dịu dàng phẩy bút vẽ một hiện thực: "Mưa ngớt rồi đấy em/ Nắng xanh vừa ghé thăm ta này/ Cơn mưa Sài Gòn, chiếc xích lô đong đầy/ Thương em ta thương mùa gió". Cái hiện thực rất trong, rất đẹp về một Sài Gòn sau cơn mưa không chỉ được tái hiện bằng hình ảnh, mà còn được tô đậm bằng một giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng cùng cái giọng man mác, dịu êm rất đặc trưng của Lý.

Ấy thế mà chỉ ngay một tích tắc sau thì cái giai điệu nhẹ nhàng cùng chất giọng dịu êm đột ngột phá vỡ chính nó để trào lên, nấc lên trong một tổ hợp âm thanh dồn dập, hối hả, khắc khoải, vỡ òa.

Và trong tích tắc vỡ òa đó, cái hiện thực về một Sài Gòn sau cơn mưa đã tức thì được thay thế bằng một cõi gần như là cõi mộng: "Em chết rồi trời kia vẫn trong/ Mây vẫn xanh và núi vẫn êm/ Ta khóc cơn nghìn năm, chết câm lặng lẽ".

Từ một hiện thực đến một ảo mộng, từ những điều mình đang nắm bắt, tận hưởng đến những điều khiến mình phải đau đớn trong cảm giác "chết câm lặng lẽ", xúc cảm trữ tình đang bị đẩy dần vào những  bến bờ của tuyệt vọng. Thế nhưng bài hát lại không kết ở sự tuyệt vọng, mà lại kết bằng những câu hát nhẹ bẫng, khoan thai, mang sắc màu giải thoát: "Ôi con đường lạ/ Ôi ta thật lạ/ Từ đấy hồi sinh…".

Tới đây thì người nghe sẽ hỏi: Đấy là sự hồi sinh trong hiện thực hay trong ảo mộng? Hay là thực và mộng đã đồng vọng, đã hiện hữu, đã hoà nhập làm một với nhau rồi?

Gần như bài hát nào của Lý cũng như thế, cũng khiến cho mọi logic về hiện thực, về cảm xúc, về chủ thể và khách thể bị phá tan! Và cõi Lý vì thế là cái cõi không giới hạn về không gian, thời gian; là cái cõi không có những biên giới ngăn cách giữa niềm vui với nỗi buồn, giữa hạnh phúc với sự đau khổ, giữa cái có thể nắm bắt với cái không thể nắm bắt.

Cõi Lý là cõi của những linh hồn phiêu linh!

3. Một buổi trưa Hà Nội dịu nắng, trong một biệt thự cổ vắng vẻ, giữa tiếng violon da diết, tôi hỏi Lý: "Anh cảm nhận về "cõi Lý" đúng không?". Dựa sát lưng vào ghế, Lý nhẹ nhàng: "Những người yêu nhạc của em chắc đều tìm thấy một phần nào của mình trong đó, và vì vậy mỗi người đều có những cảm nhận riêng".

Rồi tôi hỏi: "Lý thường làm nhạc như thế nào? Làm một cách cặm cụi, trau chuốt hay bâng khuâng, lãng tử?". Vẫn là cái giọng Lý nhẹ nhàng: "Cũng tuỳ từng bài anh ạ. Nhưng về cơ bản em hay viết vài bài một lúc. Và cứ viết cho đến lúc nào thấy không còn hứng thú nữa thì lại vứt đấy bỏ đi. Lúc nào lại thấy hứng thú thì lại ngồi viết".

Vẫn hôm ấy, khi tôi đề nghị Lý tự nhận xét mình thuộc tuýp người mạnh mẽ hay yếu mềm, khôn ngoan hay ngây dại, kinh nghiệm hay cả tin thì Lý cười: "Cái gì cũng có trong em hết!". Dẫn chứng ư? Thì đấy, trong công việc Lý tính toán, sắp xếp đâu ra đấy, rồi từng có lúc cương quyết sa thải một người trong ê kíp của mình, bất chấp những lời can ngăn, nhưng ở một thế giới sau công việc, Lý "sến" tới mức rất hay viết những dòng thư dịu dàng nắn nót cho những người thương yêu, rồi run rẩy hạnh phúc với cái cảm giác ra bưu điện, bỏ phong thư vào hòm sắt. Trong con người Lý, sự tồn tại cùng lúc, song song giữa những mảng màu đối lập là rất  rõ ràng. 

Nó cũng giống như khuôn mặt của Lý bây giờ vậy -  một khuôn mặt với một con mắt trong, mềm, thánh thiện, nhưng con mắt ấy lại nằm ngay dưới một cái đầu trọc lốc, gai góc, phong sương. Nếu nhìn sâu vào mắt Lý, và chỉ nhìn vào chỗ ấy thôi, người ta hẳn sẽ nhớ đến con mắt của những cô tiểu thư trong những gia đình tư sản đài các một thời.

 Nhưng  nếu nhìn vào "cái đầu không tóc" của Lý người ta lại sẽ nhớ đến một gã ngang tàng bụi bặm trong những bộ phim gangster Mỹ. Và tôi chợt hỏi: Có phải con người thật cũng như con người âm nhạc của Lý luôn chập chờn đi lại giữa cái bến bờ tiểu thư thánh thiện với cái bến bờ gangster bụi bặm  hay không?

Sự đi lại mà ở đấy, ai cũng  biết "Lý là Lý", nhưng chẳng ai (trong đó có chính Lý?) có thể trả lời chính xác xem "Lý là Lý" có nghĩa là… như thế nào!?

"Tình yêu là thứ hạnh phúc run rẩy lẩy bẩy..."

Đó là một câu nói của một nhà văn người Ả Rập mà Lê Cát Trọng Lý rất thích. Thích vì cái trạng thái "run rẩy lẩy bẩy" diễn tả rất đúng, rất trúng từng giọt hạnh phúc của một cuộc tình. Nhưng theo Lý thì "run rẩy lẩy bẩy" cũng có nghĩa là nó - thứ tình yêu ấy là thứ tình yêu không cầm nắm được, càng không giữ chặt được, và dĩ nhiên, càng không vĩnh cửu được.

Không biết có bị ảnh hưởng bởi nhân sinh quan đó hay không mà tình yêu trong các ca khúc của Lý luôn là một thứ tình mong manh dễ vỡ. Thứ tình mà ở đó chủ thể luôn da diết, luôn khao khát, nhưng luôn không chạm tới.

Nắng, gió, mây, mưa - những thứ dễ đến dễ đi, dễ trôi dễ mất luôn xuất hiện tràn ngập trong các ca khúc của Lý vừa như một đối tượng để sẻ chia, đối thoại, vừa như một đối tượng để giận hờn, ghen tuông, nhưng trên tất cả, có lẽ nó là những biểu tượng cho một mĩ cảm yêu đương mỏng manh rất… Lý!

Phan Đăng
.
.
.