Mẫn Xá, làng nấu nhôm lớn nhất miền Bắc:

Cheo neo những phận người

Thứ Sáu, 21/03/2014, 16:30

Hàng tấn bột nhôm, xỉ nhôm thải được chuyển ra khu vực rìa làng Mẫn Xá mỗi ngày, lấp đầy các ao tù đất trũng và cả con đường dẫn ra cánh đồng, xóa dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Dường như, ở xứ này, người ta chỉ biết thải ra rồi chôn, chôn và chôn, đến nỗi không còn chỗ chôn nữa thì đổ lấp thành nền, cứ thế cao lên, cao lên. Và khi lớp nền mới được tạo dựng bằng thứ bột nhôm sau buổi tái chế quần quật ấy, cũng đồng nghĩa với việc thế hệ đi trước đang vô tình tạo ra lớp "đất" chết người mới  mang tên SOS cho thế hệ kế tiếp của mình. Trong lúc đó, từ phía những người cầm trịch, "bánh vẽ" quy hoạch làng nghề, tập trung các cơ sở nấu nhôm tự phát vào cụm công nghiệp tập trung từ vài năm trước thì đến nay, vẫn chỉ là những văn bản nguội lạnh.

Tái chế nhôm, bức tử môi trường

Làng Mẫn Xá (thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được xem là làng tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc. Hằng ngày, hàng trăm xe tải lớn nhỏ đi đi lại lại trong làng như đi hội. Ở những thời điểm nóng, đặc biệt là dịp trước Tết, số lượng các xe tải đổ về đây lên tới hàng nghìn chiếc. Từng đụn khói trắng liên tục bay ra từ những cơ sở nấu nhôm tự phát bất kể trời mưa hay nắng, ám thị, trắng đặc, bủa vây khắp các hang cùng ngõ hẻm cũng đủ cho ta nhận ra ở đây, nhôm là một loại đặc sản.

Được biết, trong tổng số 600 hộ của cả làng thì có tới 400 hộ gia đình làm nghề tái chế nhôm. Những hộ còn lại không có vốn để mở xưởng thì cũng đi làm thuê cho người khác hoặc làm nghề thu mua nhôm đồng sắt vụn. Nói như một người dân ở đây: "Dân làng Mẫn Xá có đi đâu, làm gì cũng chẳng thoát khỏi nhôm đâu". Đó là chưa kể tới sự tồn tại của 30 doanh nghiệp với quy mô lớn cũng làm nghề này.

Điều đáng nói ở đây, hầu hết những cơ sở tái chế nhôm này đều được mở tự phát tại nhà và hoạt động đúng kiểu mạnh ai người nấy làm. Các lò tái chế nhôm làm việc với cường độ liên tục. Nhà nhà nấu nhôm. Người người quần quật trong nhôm… Ngoài doanh nghiệp và một số ít hộ trang bị ống khói dẫn chất thải khi đốt tạo khoảng cách với khu dân cư thì đa phần các hộ còn lại vẫn để lượng khói thải, khói độc bay tràn tự do quanh làng.

Và khi từng đụn khói tỏa ra liên tục rồi bay đi các hướng ở khu vực trong làng thì xỉ than, bột nhôm thải cứ thế được đổ xuống các ao tù đất trũng ở phía rìa làng, lấp cả con đường dẫn ra cánh đồng, thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp. Người ta chỉ biết thải ra rồi chôn, đến nỗi không còn chỗ chôn nữa thì đổ lấp thành nền, cứ thế cao lên. Và chắc là cũng không ai "rỗi hơi" để nghĩ xem mai này khi những chỗ trống kia bị lấp hết thì thứ chất thải chết người kia sẽ đổ ra đâu, không lẽ chất lên tận trời (?!).

Bột nhôm được đổ đầy ra cả đường đi, xâm lấn diện tích đất nông nghiệp.

Nhiều chỗ, đồng ruộng gần như bị bỏ hoang. Cả cánh đồng khói phủ thành một màn trời dày đặc, khét lẹt. Mùi hóa chất, mùi khai khúm như các loại phân hóa học trùm kín khắp làng, gây cảm giác ngột ngạt, gai người và khó thở. Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, nhiều hộ vẫn ngang nhiên đưa đồng ra đốt tại ruộng. Lúc PV chuyên đề CSTC xuống tận nơi "mục sở thị" thì đám cháy vẫn đang cháy dở, lửa bay lả tả. 

Bà Thanh, 53 tuổi, dân làng Đông Tiến, lên đây làm nghề vận chuyển bột nhôm cho biết, 1 tháng chủ cơ sở tái chế trả cho bà mức lương 5 - 6 triệu đồng với 15 - 20 ngày công.  "Một ngày bất kể trời mưa hay nắng cũng đều kéo 5 - 6 chuyến đổ tất ra ngoài cánh đồng này. Mỗi chuyến tương ứng 5 - 6 tạ bột. Mặc dù đeo khẩu trang rồi nhưng vẫn còn sợ lắm.

Thế nhưng, sợ cũng phải làm. Làm thì mới có tiền mà ăn. Tôi làm cái nghề này mấy năm nay rồi. Xưởng nơi tôi đang làm có nhiều người dân làng khác đến đây làm thuê như tôi lắm". Một ngày 5 - 6 chuyến, mỗi chuyến 5 - 6 tạ bột không được xử lý, đổ trực tiếp ra ngoài môi trường trên một nhân công. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu nhân con số trên với 400 hộ gia đình thì sẽ ra một con số cực đại và cũng đủ cho chúng ta thấy số bột nhôm được thải ra ngoài môi trường khủng khiếp đến mức nào.

Những hiểm họa được báo trước

Khủng khiếp đến mức nào thì khủng khiếp, dân làng Mẫn Xá vẫn "bình chân như vại", vẫn ăn và vẫn ngủ trên lớp nền nhôm do mình xây đắp đó, thậm chí ăn và ngủ một cách ngon lành suốt nửa thế kỷ qua. Lấy cớ mua một mặt hàng tại một cơ sở sản xuất, khi hỏi rằng, trong tình trạng ô nhiễm như thế thì họ có sợ không thì người này cười phớ lớ: "Ối giời, giày dép còn có số, nói gì con người. Nghề này có từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Nếu chết thì chúng tôi đã chết lâu rồi. Với lại, không làm nghề này thì chúng tôi cũng chẳng biết làm gì". Nói chưa dứt đôi ba câu ngắn ngủn, ông này giơ tay ra hiệu một nhân công đến để xúc bột nhôm mang đi…

Theo tìm hiểu, ước tính mỗi ngày tại đây cho ra lò hàng trăm tấn nhôm thành phẩm, trị giá hàng tỷ đồng, cung ứng sản phẩm nhôm các loại cho toàn bộ thị trường miền Bắc và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Thay da đổi thịt từ nghề, hầu hết các hộ trong thôn đều có kinh tế ổn định, nhiều hộ xây được nhà cao cửa rộng, con cái học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, chắc là những người dân này quên mất câu thành ngữ của ông cha ta là "sinh nghề tử nghiệp".

Khi lớp nền mới được tạo dựng bằng thứ bột nhôm sau buổi tái chế quần quật ấy, họ không ý thức được rằng mình đang vô tình tạo ra lớp "đất" chết người mới mang tên SOS cho thế hệ kế tiếp của mình. Và ai dám chắc rằng trong cơ thể của chính họ, chính những người đang gieo rắc thứ bột nhôm chết người ấy, họ không có bệnh tật gì?

Thông tin từ Trạm y tế xã Văn Môn cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi, trong đó tỷ lệ ung thư phổi, ung thư gan là chủ yếu, ở Mẫn Xá cao hơn các làng nghề khác trong xã. Mỗi năm bình quân số người tử vong ở đây khoảng 30 người, trong đó 20 người chết vì ung thư. Đó là chưa nói đến các tai nạn lao động mà cái nghề này mang lại.

Bà Tám, 60 tuổi, làm nghề thu mua sắt vụn, sống tại khu vực ngoài làng, gần nơi "hậu môn" của quy trình tái chế nhôm là những cánh đồng bột nhôm chất đống chất cồn bức xúc: "Họ toàn là những người buôn bán nhưng không tính toán gì cả đâu. Hằng ngày bột nhôm đổ tràn ra cả đường đi lối lại, có khi tắc cả đường, bức tử cả đồng ruộng. Nhiều người chán, bỏ hết đồng ruộng, không canh tác gì nữa. Thôn này ô nhiễm nhất xã. Trời mưa phùn, lạnh giá như đợt này còn đỡ, chứ nắng lên thì mùi kinh lắm. Cửa đóng mấy lớp mà trong nhà vẫn mùi. Đã có những đoàn kiểm định y tế về, các bác sỹ bảo, sau mấy năm nữa, con cháu các ông các bà gánh chịu hậu quả hết. Nói thế nhưng chẳng ai nghe cả. Khổ. Nhà mình không làm cũng bị ảnh hưởng. Làng mình thế, không lẽ mình bỏ làng mà đi".

Những người làm thuê tiếp xúc với hàng tấn bột nhôm thải ra mỗi ngày.

Được biết, cách đây vài năm, tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề 25ha theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2015 của xã. UBND huyện cũng đã giao cho Phòng Công thương giúp xã Văn Môn lập hồ sơ dự án xây dựng theo quy định pháp luật. Việc chọn nhà đầu tư và nhà tư vấn khảo sát thiết kế, giới thiệu địa điểm lập dự án cũng đã tiến hành bước đầu.

Thế nhưng, đến nay, chẳng hiểu kế hoạch này đi đâu về đâu, hay là nằm dưới lớp nền SOS kia rồi - ai mà biết được?! Khi liên lạc qua điện thoại với ông Trịnh Hữu Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh thì ông Hùng trả lời cụt lủn: "Kế hoạch mà em nói mấy năm nay rồi, ai mà nhớ được. Phải tìm hiểu lại xem nó như thế nào. Thậm chí, có khi tài liệu để ở kho lưu trữ, phải cho anh em lục lại mới biết được mà trả lời em…".

Ơ, thế hóa ra, có khi bản kế hoạch quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tập trung của dân làng Mẫn Xá trình lên vài ba năm trước hiện nay đang ở kho lưu trữ, bụi thời gian phủ đầy cũng nên - ai mà biết được? Câu trả lời của vị phó chánh văn phòng UBND tỉnh đối với một vấn đề đang nhức nhối, bức thiết của địa phương mình dường như chưa thỏa đáng và xét về khía cạnh nào đó, có phần thiếu trách nhiệm.

Qua Chuyên đề CSTC, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền và các đơn vị chức năng liên quan lưu tâm đến những tồn tại và chưa được tháo gỡ suốt những năm qua của làng nghề Mẫn Xá, từ đó đưa ra những biện pháp giải quyết. Và trong khi chờ câu trả lời và những hành động thiết thực của cơ quan chức năng, hơn ai hết, người dân làng Mẫn Xá phải biết tự bảo vệ mình. Bảo vệ mình cũng là duy trì một mầm xanh cho thế hệ sau!  

Ông Nguyễn Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Văn Môn:

Về kế hoạch quy hoạch làng nghề, UBND xã vừa trình gửi lên tỉnh để xem xét. Việc này diễn ra đúng vào lúc Chính phủ đang có quyết định giãn hạ tầng một số công trình xây dựng mới hoặc những điểm công nghiệp tập trung.

Thế nhưng, ở Bắc Ninh, vấn đề sản xuất, hậu sản xuất của làng nghề Mẫn Xá là một trong những vấn đề bức thiết. Vậy nên, đang xem xét các hệ thống, văn bản đảm bảo về mặt pháp luật. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì trong năm nay, quy hoạch kia sẽ được tiến hành. Đó là biện pháp mang tính lâu dài, giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm tồn đọng kia.

Còn về những biện pháp trước mắt, chúng tôi đã vận động các hộ dân lắp đặt ống khói cao hơn, giảm thiểu độc hại do khói bụi gây nên. Đồng thời, đưa các cơ sở ra bên ngoài làng sản xuất nhiều hơn và làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phân loại chất thải, giảm thiểu tối đa những tác hại gây ra cho môi trường".

Đậu Dung
.
.
.