Tiến sĩ Giáp Văn Dương:

Chỉ cần hiểu trẻ, yêu trẻ và làm gương cho trẻ

Thứ Hai, 06/03/2017, 07:53
Việc điều chuyển 26.000 giáo viên dư dôi xuống dạy mầm non được coi là tâm điểm của giáo dục năm 2017. Tuy nhiên, việc điều chuyển đó thực hiện như thế nào để tránh những hệ lụy không đáng có đến một đối tượng nhạy cảm và dễ tổn thương nhất trong xã hội, các em mầm non.


Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến Giapschool về vấn đề này.

- Tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một vấn đề được quan tâm và được coi là tâm điểm của giáo dục năm 2017 là việc dư dôi 26.000 giáo viên sư phạm. Bộ đã đưa ra giải pháp điều chuyển các giáo viên này xuống dạy mầm non thông qua việc học văn bằng 2 - chương trình do ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế. Theo ông, đây có phải là giải pháp hiệu quả và thiết thực?

+ Ái chà! Chị cho tôi thở sâu một cái rồi hãy nói. Vì tôi biết, với sự việc như thế này, nói thế nào cũng gặp phải ý kiến trái chiều. Vì thế, tôi muốn trao đổi thật thong thả, từng bước một thì may ra mới tìm được điều gì có ý nghĩa.

Thứ nhất, việc 26.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp là có thật. Giải quyết công ăn việc làm cho các cử nhân này có một phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và các trường đại học sư phạm. Vì thế, Bộ tìm giải pháp để giải quyết bài toán này là phù hợp. Thứ hai, việc thiếu giáo viên mầm non cũng là có thật.

Theo báo cáo cũng trong hội nghị này, hiện cả nước thiếu khoảng 32.000 giáo viên mầm non. Vì thế, mới có cái giải pháp đào tạo lại và điều chuyển các giáo viên thừa này xuống bậc mầm non để giảng dạy, thông qua việc học văn bằng hai, do ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế.

Vấn đề đặt ra: Liệu có thể cắt chỗ thừa đập vào chỗ thiếu theo cách cơ học như vậy được không? Liệu việc này có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo viên mầm non, nơi đón nhận những giáo viên thừa này?

Rõ ràng đây là bài toán của thị trường lao động. Một cách lý tưởng, thị trường sẽ tự điều chỉnh theo luật cung-cầu. Nhưng do lao động giáo dục quá đặc thù, chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nên mới phát sinh chuyện thảo luận này, chứ nếu không thì chúng ta chỉ cần nói ngắn gọn: Hãy để thị trường tự điều chỉnh.

Giờ chúng ta nhìn một góc khác: Giả sử không có chuyện điều chỉnh này thì sao? Rõ ràng, thiếu giáo viên bậc mầm non là không tốt, cần phải bù đắp. Nhưng bù đắp bằng cách nào?

Chỉ có hai cách cơ bản: hoặc là đào tạo mới, tuyển các em học sinh mới tốt nghiệp THPT, đào tạo qua bậc trung cấp 2 năm và trở thành giáo viên mầm non, hoặc là đào tạo lại số giáo viên thừa ở bậc trên, theo chuẩn mực của chương trình giáo dục mầm non, rồi điều chuyển để bù đắp.

Ta thử hình dung: nếu theo cách thứ nhất, một học sinh tốt nghiệp THPT 18-19 tuổi, học 2 năm trung cấp để trở thành giáo viên mầm non khi 20-21 tuổi, thường chưa có gia đình; còn theo cách thứ hai, một giáo viên dôi dư, giả sử là 30-40 tuổi, cũng đào tạo lại 2 năm để trở thành giáo viên mầm non thì chất lượng của hai giáo viên này như thế nào? Bên nào tốt, bên nào dở?

Nếu tôi là hiệu trưởng trường mầm non, tôi sẽ không kết luận ngay là một giáo viên trẻ măng, 20-21 tuổi sẽ tốt hơn một giáo viên được đào tạo lại. Giáo viên trẻ thì được chuẩn hóa từ sớm, dễ uốn nắn vào quy trình, nhưng thiếu kinh nghiệm sống, nhiều khi dạy mình còn chưa xong. Giáo viên có tuổi có trải nghiệm sống, thường đã có gia đình và có con nên có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, nhưng thường bảo thủ, ngại học cái mới. Vậy tôi sẽ chọn ai?

Dân gian đúc kết: "Thầy già, con hát trẻ". Nhưng không vì thế mà tôi chọn giáo viên có tuổi. Tôi sẽ phỏng vấn trực tiếp để lựa chọn. Với tôi, phẩm chất quan trọng nhất của giáo viên mầm non là thấu hiểu và yêu thương trẻ nhỏ. Mà điều này phụ thuộc nhiều hơn vào tính cách cá nhân chứ không phải do đào tạo mới hay đào tạo lại.

Như vậy lại xuất hiện trở lại bài toán thị trường lao động. Nếu khối trường tư thục, hãy để thị trường quyết định. Còn với trường công, vì chưa có nghiên cứu nào chỉ ra sự khác biệt nên theo tôi cứ cho thử nghiệm đào tạo lại và điều chuyển. Bộ có trách nhiệm kiểm tra chất lượng, thấy tốt thì triển khai rộng, thấy không tốt thì dừng lại. Tất nhiên tiến hành trên cơ sở tự nguyện của giáo viên.

- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - bà Nguyễn Thị Nghĩa - khẳng định việc điều chuyển giáo viên thừa căn cứ trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương. Liệu điều đó có tạo ra tiêu cực trong ngành Giáo dục?

+ Phân bổ lao động bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của quy luật thị trường lao động. Mà đã như vậy thì tất nhiên phải trên tinh thần tự nguyện, vì không ai có quyền ép anh phải làm việc anh không muốn.

Nếu anh muốn thì hãy tham gia chương trình thí điểm, không thì thôi, tìm việc khác để làm. Điều này rất bình thường. Còn liệu nó có tạo ra tiêu cực trong giáo dục hay không thì tôi không biết, không đoán mò được.

Nhưng tôi có thể hỏi ngược lại: Giả sử không làm gì khác, cứ để số giáo viên thừa ngồi đó vất vưởng, còn số giáo viên thiếu không tìm cách bù đắp thì có phải cũng là một thứ tiêu cực trong giáo dục hay không? Vậy theo tôi là cứ cho thí điểm. Nhưng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có nghiên cứu tổng kết đàng hoàng, minh bạch, trước khi nhân rộng.

- Đây được coi là một cuộc điều chuyển lớn nhất từ trước đến nay. Hệ lụy của nó sẽ là gì thưa ông, vì đặc thù của giáo viên mầm non sẽ rất khác và những sai lệch sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng nhạy cảm và dễ tổn thương nhất là các em?

+ Tôi chỉ sợ điều chuyển cơ học để lấy thành tích. Còn điều chuyển sau khi thí điểm, có đào tạo lại bài bản, kiểm soát tốt chất lượng, thì không đáng ngại. Không có lý do gì để cho rằng học một chuyên ngành khác rồi chuyển qua học làm giáo viên mầm non thì sẽ kém đi.

Giả sử nếu có một bác sĩ chuyển qua học giáo dục mầm non rồi dạy con tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ. Một kỹ sư xây dựng học giáo dục mầm non rồi dạy con tôi, tôi hoan nghênh. Một luật sư chuyển qua học giáo dục mầm non rồi dạy con tôi, tôi chào đón.

Miễn là những người này đáp ứng được những tiêu chí rất đơn giản: hiểu con tôi, yêu thương con tôi và có thể làm gương cho con tôi trong lối sống. Chính những giáo viên như vậy sẽ làm phong phú hơn cho môi trường giáo dục mầm non.

Theo quan sát của tôi, sư phạm mầm non đang bị biến dạng và bất bình đẳng kinh khủng, khi toàn bộ giáo viên là nữ, lại tròn trịa na ná như nhau. Cái đó không giống như cuộc đời thực, có nam có nữ, có nhiều ngành nghề, có nhiều lĩnh vực, phong phú đa dạng hơn rất nhiều.

Với tôi, giáo viên mầm non tốt nhất là người đáp ứng được mấy tiêu chí cơ bản: hiểu trẻ, yêu trẻ và làm gương cho trẻ trong sinh hoạt. Hiểu trẻ thì có thể đào tạo qua trường lớp và kinh nghiệm cá nhân. Yêu trẻ thì phần nhiều do cá tính. Còn làm gương được cho trẻ hay không là do lối sống của người đó có lành mạnh hay không. 

- Thực tế cho thấy, hầu hết giáo viên mầm non có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng làm việc khá tốt. Với bản chất việc làm chỉ cần trình độ như thế thì không nhất thiết đào tạo đại học, vừa lãng phí, vừa phi logic. Theo ông, có giải pháp nào khả quan nhất cho vấn đề thừa giáo viên không?

+ Hầu hết các nước đòi hỏi giáo viên mầm non phải có bằng cử nhân giáo dục học. Nhiều nơi đòi hỏi bằng thạc sĩ. Vậy không có lý do gì để đóng khung giáo viên mầm non vào trình độ trung cấp hai năm. Tôi không nghĩ học nhiều, có nhiều kiến thức thì sẽ kém đi trong việc hiểu trẻ, yêu thương trẻ hoặc làm gương cho trẻ.

Tôi thậm chí còn cho rằng, giáo viên mầm non nên được đa dạng hóa tối đa, có nền tảng từ nhiều ngành nghề khác nhau, tuổi tác khác nhau, phông nền văn hóa khác nhau, vì như thế mới là cuộc sống. Như thế mới giúp các con chạm được đến cuộc sống thực sự từ khi còn rất nhỏ.

Ngay việc tất cả giáo viên mầm non đều là nữ, tôi đã thấy là vấn đề. Thực tế, tôi muốn có giáo viên nam trong trường mầm non, để con tôi có được cân bằng về giới tính trong việc học và sống ở trường mầm non.

- Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giáo viên thừa vẫn thừa, nhưng thiếu vẫn thiếu, thiếu những giáo viên giỏi và tâm huyết. Điều đó, lỗi một phần có phải từ công tác đào tạo?

+ Đây là vấn đề của bản thân người học, khi chọn ngành chọn nghề mà không quan tâm đến thị trường. Đây cũng là vấn đề của cơ sở đào tạo, khi chỉ đào tạo ra những giáo viên không đạt chất lượng, cũng không biết làm gì khác ngoài nghề dạy học. Nhưng rộng hơn, đó là vấn đề của thị trường lao động.

- Ông nói đúng, từ câu chuyện thừa nhân lực cử nhân sư phạm và cách giải quyết vấn đề của Bộ Giáo dục và đào tạo, theo ông, đã đến lúc Bộ cần có những giải pháp thế nào về vấn đề tuyển sinh ngành sư phạm? Liệu có nên dừng tuyển sinh hay không?

+ Tôi cho rằng đây là vấn đề của thị trường lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần minh bạch thông tin về thị trường lao động giáo dục, tình trạng thừa thiếu lao động ra sao, đưa ra các dự báo và các chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá nhiều so với nhu cầu để thí sinh tham khảo. Phần còn lại sẽ do thí sinh lựa chọn.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng cần đào tạo sao cho khi thất nghiệp thì các thầy cô phải có đủ kiến thức và kỹ năng làm việc gì đó để sống. Bản thân tôi cũng không muốn con mình học những thầy cô như vậy. Nếu thầy cô không có khả năng thu xếp cuộc sống cho mình, tự tìm ra việc gì đó để làm khi thất nghiệp thì con tôi sẽ học được gì từ những người như vậy?

Trẻ mầm non cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc điều chuyển giáo viên này.

- Với cách tuyển sinh năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong thời gian tới, tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân thạc sĩ còn tăng cao hơn vì vào đại học không quá khó. Chúng ta cần có định hướng như thế nào từ gốc khi cả nước thừa cử nhân thạc sĩ mà vẫn thiếu thợ giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao?

+ Như tôi đã nói, đây trước hết là vấn đề của thị trường lao động và rộng hơn là vấn đề của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý chỉ cần minh bạch thông tin về nhu cầu ngành nghề, nói thẳng nói thật cho thí sinh biết mọi thông tin liên quan để quyết định. Sau đó là chất lượng đào tạo.

Các trường phải đào tạo sao cho người học có kỹ năng lãnh đạo bản thân, tự tổ chức cuộc sống của mình, tự tìm việc khi thất nghiệp hoặc khởi nghiệp để tạo ra thêm công ăn việc làm mới, chứ không phải thầy thì dạy cho xong, trò thì học cho qua rồi ra trường thất nghiệp nằm đó kêu trời.

- Với chính sách hiện nay, chúng ta gần như đang đi đến phổ cập đại học, rõ ràng điều này sẽ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực và vật chất của toàn xã hội. Nhưng dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo đang "mắt nhắm mắt mở" trong câu chuyện này. Cá nhân ông có giải pháp gì cho vấn đề này không?

+ Phổ cập đại học đang là một xu thế. Trong nền kinh tế tri thức thì đây là điều dễ hiểu và cũng chẳng có gì xấu nếu chất lượng giáo dục đại học được đảm bảo. Tỷ lệ người học đại học ở Việt Nam vẫn còn kém xa các nước phát triển, đặc biệt các nước ở khu vực châu Á.

Chẳng hạn, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THPT của Hàn Quốc sẽ vào đại học. Vì thế, thời gian tới, phổ cập đại học sẽ là xu hướng tất yếu ở Việt Nam và theo đó, số người tốt nghiệp đại học thất nghiệp sẽ tăng lên. Thất nghiệp là vấn đề của nền kinh tế, cụ thể là nền kinh tế có đủ tạo ra số công ăn việc làm tương ứng hay không, chứ không chỉ đơn thuần của đại học.

Giải pháp cho thất nghiệp thì đòi hỏi những chính sách vĩ mô. Nhưng trong lúc chờ đợi thì người trẻ phải tự cứu mình trước, bằng cách học hỏi không ngừng kiến thức và kỹ năng làm việc, chinh phục thị trường lao động trong và ngoài nước và tốt hơn là có thể khởi nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Đó cũng là lý do mà tuần trước chúng tôi cho ra đời Học viện Khởi nghiệp để đào tạo những người có khả năng làm chủ, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.