Chi gần 26.000 tỷ đồng có hết cảnh cứ mưa là ngập?

Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:12
Đường phố ngập sâu, xe chết máy bì bõm trong dòng nước, ngập nặng kẹt xe kéo dài… là cảnh tượng dễ thấy trên nhiều cung đường tại TP HCM những ngày qua sau vài trận mưa lớn đầu mùa. Điển hình như cơn mưa mới nhất kéo dài khoảng 40 phút xảy ra vào tối 9-6 đã khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM ngập như sông, người dân bì bõm lội bộ vì xe hư hỏng, chết máy.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (QLHTKT) - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, lý giải tình trạng ngập như vậy, ngoài chuyện do mưa lớn thì còn rất nhiều nguyên nhân khác gây nên. Cụ thể như việc nạo vét kênh, mương chưa thực hiện tốt.

Quá trình đô thị hóa, bê tông hóa thiếu kiểm soát cùng với hệ thống cống thoát nước hiện hữu được xây dựng từ lâu với năng lực thiết kế không thể đáp ứng năng lực thoát nước tại thời điểm hiện nay nên gặp thời tiết cực đoan không tránh khỏi tình trạng ngập trên một số tuyến đường, một số điểm trong khu vực đô thị. Đặc biệt là trong những trận mưa lớn, vũ lượng cao một số tuyến đường xảy ra ngập.

Khó khăn nhất trong công tác chống ngập hiện nay của TP Hồ Chí Minh là nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác chống ngậpcủa thành phố. Người dân vứt rác bừa bãi, trôi xuống gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch. Nhiều hộ kinh doanhbịt chắn toàn bộ hố ga thoát nước khiến hệ thống thoát nước không thu được nước mưa, gây ngập. Đặc biệt, hệ thống kênh rạch có vị trí xung yếu thoát nước nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy bị thu hẹp nghiêm trọng.

Theo thống kê của Trung tâm QLHTKT, thành phố có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch, vừa qua đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Văn Điệp, nếu so với thời điểm trước đây, công tác chống ngập, giảm ngập của thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; số lượng điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập giảm. Từ đầu năm đến nay, thành phố có mưa trên diện rộng, trong đó có 3 trận mưa lớn, với vũ lượng từ 70mm đến 112,3mm đã gây ngập 22 tuyến đường.

“Trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã giải quyết 25/36 tuyến đường trục chính bị ngập, đạt 69% chỉ tiêu. Số kinh phí ngân sách thành phố đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỷ đồng năm 2016, cao nhất là năm nay khoảng 2.222 tỷ đồng và tổng cho 5 năm là 7.047 tỷ đồng. Tổng cộng toàn bộ kinh phí thành phố đã đầu tư cho công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 25.998 tỷ đồng”, ông Vũ Văn Điệp cho hay.

Như vậy, có thể thấy trong 5 năm qua, số tiền thành phố chi ra cho công tác chống ngập nói chung là rất “khủng”. Nhưng thực tế có vẻ cứ mưa là ngập vẫn diễn ra như một chuyện đương nhiên. Đơn cử như con đường Nguyễn Hữu Cảnh 18 năm qua chưa bao giờ hết ngập, cứ mưa xuống là ngập.

Để xử lý dứt điểm tình trạng ngập, năm 2019 TP Hồ Chí Minh đã chi 472,9 tỷ đồng tiền ngân sách để nâng cấp tuyến đường này. Dự ánđược triển khai từ tháng 10-2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, nhưng lại bị chậm tiến độ nên chủ đầu tư lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4-2021.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án), khẳng định khi cải tạo, nâng cấp xong thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập. Bởi với hai cửa xả ra kênh Văn Thánh (không bị tác động bởi triều cường) sẽ thoát nước tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế, hệ quả khi cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ làm nhà dân thấp hơn mặt đường. Bởi theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, sau khi dự án hoàn thành sẽ có 63 hộ dân có nhà thấp hơn đường 15cm, 68 hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường từ 30-50cm. Chính vì thế, người dân sống hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh lo lắng, khi dự án hoàn thành, con đường này có thể hết ngập, nhưng nhà của họ sẽ có nguy cơ biến thành… hầm chứa nước.

Riêng việc giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vũ Văn Điệp cho biết sân bay này có hai hướng thoát nước chính là kênh A41 (hướng thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua đường Út Tịch) và kênh Hy Vọng (hướng thoát ra kênh Tham Lương).

Nhưng thực tế hiện nay kênh A41 do bị người dân lấn chiếm nên khả năng thoát nước của kênh này bị giảm rất nhiều. Hiện nay, công ty quản lý sân bay Tân Sơn Nhất đã có báo cáo gửi UBND quận Tân Bình để tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm, khôi phục trả lại hiện trạng kênh A41…

Theo ông Vũ Văn Điệp, khó khăn nhất trong công tác chống ngập hiện nay của TP Hồ Chí Minh chính là nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thoát nước, chống ngập chỉ đạt 25-26% so với yêu cầu. Cho nên việc huy động các nguồn lực để đầu tư vào hệ thống này là việc hết sức quan trọng, quyết định vào thành công của công tác chống ngập. Tất nhiên, thành phố sẽ huy động các nguồn lực của ngân sách, của xã hội như qua hình thức đầu tư đối tác công - tư để đầu tư vào các dự án chống ngập lớn của thành phố.

Phú Lữ
.
.
.