Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư bãi bỏ sách truyện, thơ ca cho trẻ mầm non: 

Chỉ làm tâm hồn trẻ nghèo đi

Thứ Tư, 09/10/2013, 14:36

Trong thông tư Bộ GD&ĐT vừa ban hành sửa đổi, bổ sung một số thiết bị quy định tại Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non có một hạng mục bị bãi bỏ khiến nhiều người sửng sốt, đó là Tuyển tập thơ ca, truyện kể, trò chơi câu đố cho tất cả các nhóm trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Có một thực tế, cuộc sống càng giàu có thì tâm hồn con người, đặc biệt là những đứa trẻ càng nghèo đi. Thế giới của chúng là những game, iphone, ipad, ti vi. Tôi nhớ, có một bức ảnh rất ấn tượng nói về hệ lụy của thời đại công nghệ. Đó là hình ảnh một gia đình bốn người và cả một chú chó, chăm chăm nhìn vào ipad, mặc dù ngồi cạnh nhau, nhưng họ vẫn trò chuyện với nhau qua ipad...

Hỏi vì sao cuộc sống tâm hồn của những đứa trẻ càng ngày càng nghèo đi. Tội phạm trẻ vị thành niên ngày càng nhiều. Một lý do quan trọng được các nhà nghiên cứu đưa ra, vì những đứa trẻ không đọc sách. Làm sao cho chúng có thể yêu sách và có thói quen đọc sách trong cuộc sống quá nhiễu thông tin như bây giờ.

Tiến sĩ Thụy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con nói: "Thói quen đọc sách phải được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ, từ nhà trường, gia đình, chứ không phải chỉ khi trẻ biết đọc”.

Ai đó thật may mắn, nếu được lớn lên từ những câu chuyện cổ tích của bà, những câu ca dao, tục ngữ của mẹ. Tâm hồn chúng ta được nuôi dưỡng và hình thành từ chính trong thế giới trong trẻo đó. Sao lại gọi là áp lực khi truyện, thơ ca dành cho lứa tuổi mẫu giáo đơn giản là những câu chuyện loài vật, cỏ cây, mang ý nghĩa về lòng nhân hậu, sự sẻ chia.

Và tâm hồn chúng lớn lên từ những câu chuyện đó chứ đâu phải bằng những bài lý thuyết suông. Nó không hề làm quá tải, mà ngược lại, nó góp phần làm giàu có tâm hồn của những đứa trẻ đang ngày càng cô đơn trong thế giới bận rộn của bố mẹ. Tôi thực sự thấy lo ngại, khi thông tư này được áp dụng, thì cái thói quen vốn dĩ đã rất thiếu thốn trong cuộc sống hiện đại, đang được một số người nỗ lực kêu gọi mọi người, hãy quan tâm, thì lại bị chặn đường. Tại sao phải bãi bỏ một việc, mà bản thân người soạn ra Thông tư này, tối thiểu cũng hiểu, chỉ tốt cho những đứa trẻ, dù đó chỉ là trẻ mầm non.

Thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo ghi rõ: Bãi bỏ các thiết bị được quy định tại Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non, lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi sau: Truyện tranh các loại; Vở tập tạo hình; Vở làm quen với toán; Tập tô chữ cái; Chương trình giáo dục mầm non; Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo lớn); Đồ chơi và trò chơi cho trẻ dưới 6 tuổi; Tuyển tập thơ ca, truyện kể, trò chơi, câu đố; Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong trường mầm non; Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Giáo sư Văn Như Cương:
Họ nhằm mục đích gì?

Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mà Bộ Giáo dục và đào tạo lại đưa ra Thông tư buồn cười như vậy. Họ nhằm mục đích gì. Nếu để giảm tải cho trẻ em mầm non, tôi đồng ý là không học trước chữ viết, học toán.

Nhưng bãi bỏ luôn cả thơ ca, truyện kể, trò chơi, câu đố thì họ nhầm rồi. Đó là một phần quan trọng đời sống tinh thần của các em. Những đứa trẻ lớn lên trong lời ru, tiếng ca của bà của mẹ.

Giờ cuộc sống hiện đại, các bà mẹ bận rộn, không có thời gian đọc sách cho con, hy vọng ở nhà trường, mà đến trường cũng cấm nốt thì thật buồn cười. Những đứa trẻ lớn lên mà không biết một câu ca dao, một truyện cổ tích nào đó, thì tâm hồn chúng nghèo nàn lắm.

Tôi chưa hình dung ra, một thế hệ những đứa trẻ lớn lên, chịu ảnh hưởng bởi những Thông tư như thế này sẽ ra sao đây. Thật đáng lo ngại.

Cô Nguyễn Thanh Vân - trường Mẫu giáo Bách Khoa, Hà Nội:

Những đứa trẻ rất thích nghe cô giáo kể chuyện, đọc thơ, hay chơi trò câu đố. Đừng hiểu và dùng từ học đối với trẻ. Mà đó là những trò chơi, kịch thích sự hiểu biết, trí tưởng tượng của trẻ.

Tôi nhiều năm làm nghề dạy trẻ, tôi thấy, truyện, thơ ca, câu đố đặc biệt có ý nghĩa đối với sự hình thành nhân cách của bọn trẻ sau này. Đó cũng là một cách giáo dục lòng nhận hậu, yêu thương con người, biết sẻ chia. Đơn giản, chỉ là những câu thơ về động vật, những truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa... Nhưng bọn trẻ rất thích. Nếu thiếu nó, sẽ thiếu một phần rất quan trọng trong những giờ bọn trẻ đến trường. Tôi thấy sẽ rất khuyết thiếu nếu bãi bỏ sách truyện, thơ cho trẻ mầm non.

V.H.
.
.
.