Chiếc mảng và ký ức vượt Thái Bình Dương

Thứ Sáu, 26/08/2016, 16:07
Trên chiếc mảng bằng luồng xuất phát từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) vượt Thái Bình Dương 23 năm về trước có một người Việt Nam duy Nhất. Ðó là ông Lương Viết Lợi, hiện sống ở phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn.

Để tìm hiểu hành trình vượt qua Thái Bình Dương, chúng tôi xuôi về Sầm Sơn – cách TP Thanh Hoá 20 km về phía đông. Tại vùng biển này tôi đã gặp ông Lương Viết Lợi (56 tuổi). 

Trước lúc gặp ông, chúng tôi luôn hình dung ông Lợi phải là một người đàn ông vạm vỡ, dạn dày sương gió. Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ ban đầu, khi gặp ông Lợi, chúng tôi ngỡ ngàng trước một người đàn ông vượt qua bão táp với dáng người hao gầy.

Chiếc mảng độc đáo

Trong căn nhà gia đình ông Lợi đang sinh sống, dù không gian không chật hẹp nhưng ông Lợi vẫn dành vị trí trang trọng của phòng khách để trưng bày những tấm ảnh kỷ niệm về quá trình làm mảng và vượt Thái Bình Dương đầy tự hào. 

Thấy chúng tôi đến, ông Lợi rất vui vẻ mời vào nhà. Vừa pha ấm trà, ông Lợi vừa nói chuyện về cuộc sống vất vả của gia đình ông hiện nay. Khi cả gia đình không tìm được việc làm giữa khu du lịch sầm uất, gánh nặng kinh tế vẫn đang đè nặng lên đôi vai ông, nhiều lúc ông thấy mệt mỏi khi nhìn lại thời trai trẻ hùng dũng bao nhiêu thì giờ lại bị gánh nặng mưu sinh đè nén xuống bấy nhiêu. 

Rót chén nước mời khách, bỏ qua mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống thực tại, ông Lợi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khó phai trong chuyến vượt biển sang châu Mỹ.

Ông Lương Viết Lợi tự hào về cuốn truyện.

Ngần ấy năm đã trôi qua, song, trong ký ức ông Lợi, những ngày cùng đoàn thám hiểm người nước ngoài lênh đênh trên biển vẫn còn vẹn nguyên. Ngồi bên cuốn nhật ký đã được xuất bản của ông Tim Severin, nhà bác học người Ireland, ông Lợi vẫn rất đỗi tự hào và khẳng định mình là người có vinh dự đặc biệt, dù lúc đó ông chỉ là một người dân chài hết sức bình thường.

“Chắp nối những thông tin từ nhóm thám hiểm và tìm hiểu thông tin từ trong nước, tôi được biết từ năm 1991, Bộ Văn hóa khi đó đã giúp đỡ nhiều tài liệu cho ông Tim Severin. Và bằng nhiều căn cứ, Tim đã chứng minh được từ cả nghìn năm trước đã có sự giao thoa văn hóa từ vùng Đông Nam Á tới Nam Trung Mỹ, và cụ thể hơn là người xưa đã dùng bè mảng, trong đó có người Việt Nam. Để chứng minh, Tim đã tìm hiểu và đến Việt Nam để chứng minh điều đó. Thanh Hóa là xứ sở của cây luồng, phù hợp với việc làm bè mảng”, ông Lợi kể lại.

Cuối năm 1991, ông Tim đã tiếp xúc với những người dân chài ở thị xã Sầm Sơn. Tại đây, Tim đã được tạo điều kiện nghiên cứu, chế tạo chiếc mảng nhỏ làm thí nghiệm. Sau thành công của thí nghiệm và đúc rút kinh nghiệm, năm 1992 đoàn tiến hành đóng chiếc mảng (thực chất là chiếc bè luồng khổng lồ). Hàng chục người thợ đã được mời tham gia, cùng với việc ghép nối gần 600 cây luồng bằng sợi dây mây. 

Qua tìm hiểu, luồng được lấy từ huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), mang về bào nhẵn, ngâm nước vôi cho khỏi mục, rồi dùng sơn phết lên một lớp để rêu khỏi bám.

Ðóng mảng, chuẩn bị vượt đại dương.

Tháng 3- 1993 hoàn thành, mảng dài 20m, rộng 6m, gồm 4 lớp luồng. Vào ngày 16-3-1993, chiếc mảng xuất phát đi Quảng Ninh để gắn buồm. Hoàn thành gắn buồm, mảng lại được đưa đến Hồng Kông để gắn các trang thiết bị và lấy nhu yếu phẩm cho sinh hoạt của đoàn. Giữa tháng 5-1993, đoàn khởi hành, vươn khơi trong khí thế hân hoan của cả đoàn. 

Ông Lợi cho biết: “Trong đời, những người dân chúng tôi đã làm cả trăm chiếc bè cho người dân đi biển.

Niềm vui vô bờ bến

Ông Lợi kể lại rằng, khi đó, ông là người đàn ông 33 tuổi, gia đình chuyên đóng bè đi biển đánh cá và bản thân ông có kinh nghiệm đi biển. Song ông chưa bao giờ đi xa khỏi quê hương, lại không biết ngoại ngữ nên phải học ngày học đêm để có thể “hòa nhập” cùng đoàn. 

Bảy thành viên đoàn thám hiểm.

Ông cho biết: “Các thành viên còn lại là bác sĩ Joe, anh Max và Trondur là hai vận động viên du thuyền rất giỏi. Sống lênh đênh trên biển cả, sóng to, gió lớn, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Thú thực trong tôi cũng có lo lắng, nhưng chợt nghĩ, mình chỉ là người bình thường, những người đi cùng mình đã dám đi, tại sao mình lại sợ. Nghĩ thế nên tôi vững tâm hơn”.

Có lẽ cũng vì thế, trên suốt hành trình, ông Lợi được coi như người bảo đảm an toàn cho chiếc mảng. Ngày nào ông cũng lặn xuống nước hai lần kiểm tra kết cấu của mảng. Thấy không hề hấn gì mới an tâm tiếp tục vượt biển. Tổng kết lại, đoàn đã vượt qua 4 cơn bão, hai lần chạm mặt cướp biển, nhiều lần suýt bị thuyền lớn tông phải. 

Sau 6 tháng chiếc mảng đi tới tọa độ cách bờ bang California (Mỹ) khoảng 1000 hải lý thì gặp sự cố, đoàn quyết định rời mảng để lên chiếc tàu Nhật đi ngang qua, về Tokyo. 

“Theo tính toán, chúng tôi mới vượt được 85% khoảng cách từ châu Á tới châu Mỹ, khoảng 5.500 hải lý, nhưng như thế với chúng tôi là một kỳ tích. Chúng tôi đã trở về an toàn. Riêng tôi, có một niềm tự hào, niềm vui vô bờ bến về sự liều và đóng góp của mình cho đoàn thám hiểm”, ông Lợi tâm sự.

Từ những cây luồng và những sợi dây mây, qua bàn tay của những người thợ thủ công mà chiếc bè mảng đã chịu đựng với sóng gió, giông bão suốt 6 tháng. Có thể nói đó là minh chứng cho sức mạnh của con người có thể chinh phục Thái Bình Dương dù chỉ bằng phương tiện thô sơ.

Diên Khánh
.
.
.