Chiến tranh nước (Kỳ 2)

Thứ Ba, 17/01/2017, 13:49
Vì là thứ giá trị nhất hành tinh, nước là đối tượng tranh giành của nhiều nước, nhiều nhóm người và nhiều cá nhân, tạo ra những xung đột cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Từ “cạnh tranh” (rivalry) trong tiếng Anh bắt nguồn từ từ “rivalis” của tiếng Latinh, nghĩa là “người dùng chung một dòng sông với người khác”.


Cách nay 10 năm, tạp chí Fortune đã có một bài viết nổi tiếng thế giới khi cho biết những công ty như Suez của Pháp (1 trong 3 đại gia nước toàn cầu) đang chạy đua để giành quyền tư hữu hóa các nguồn nước ngọt lớn trên thế giới, vì những công ty này tin rằng nước đối với thế kỷ 21 thực sự là một loại “vàng xanh”.

OPEC nước

Tờ Christian Science Monitor cho rằng đã đến lúc không cần nhắc đến OPEC dầu mỏ, vì sắp tới sẽ là sự ra đời của tổ chức các nước xuất khẩu nước. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động mua bán nước đang nở rộ, và chính Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cổ súy cho việc tư nhân hóa việc cung cấp nước, dù nhiều người chỉ trích nước là tài sản công và không nên tư nhân hóa.

Cuối những năm 1990, Aquarius Water Transportation là công ty đầu tiên đem nước sạch từ nước này sang bán ở nước khác khi chở 2.273m3 nước ngọt sang các đảo của Hy Lạp. Năm 2000, Công ty Nordic Water Supply còn chơi trội hơn khi chở tới 22.730m3 nước ngọt từ Thổ Nhĩ Kỳ sang bán cho Cyprus. Năm 2004, Scotland và England ký thỏa thuận xây dựng hệ thống dẫn nước từ Scotland sang.

Những dự án tương tự cũng được triển khai để dẫn nước từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Âu và các thị trường ở Cyprus, Hy Lạp, Ai Cập và Malta. Các công ty ở California (Hoa Kỳ) được cho đã tạo sức ép để Nhà Trắng thêm vào điều khoản sẽ để các công ty của Hoa Kỳ cung cấp nước sạch cho người Palestine và Israel một khi đạt được thỏa thuận hòa bình.

Những công ty như Global H2O Resources ở Vancouver, British Columbia (Canada) đã đầu tư rất lớn để sở hữu những nguồn nước công cộng trên thế giới. Mới đây nhất, công ty này đạt được giấy phép khai thác 21.821.232m3 nước sạch mỗi năm trong vòng 30 năm trên hồ Sitka ở Alaska (Hoa Kỳ), một trong những hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. 

A. Fred Paley, Chủ tịch Global H2O Resources, không che giấu tham vọng liên kết và mua lại những công ty nước toàn cầu khác để kiểm soát nguồn tài nguyên nước nhiều hơn, và đó là điều nhiều nhà quan sát lo ngại.

Nguồn gốc xung đột

Phàm những gì quý đều bị tranh giành. Trong thực tế, nước của nhiều con sông lớn trên thế giới như sông Mê Kông, sông Indus, sông Nile, sông Amazon... được chia sẻ giữa 2 hoặc nhiều quốc gia. Lưu vực những con “sông chung” (sông chảy qua từ 2 nước trở lên) chiếm tới 45% bề mặt đất liền của trái đất, và cung cấp nước cho 40% dân số toàn cầu; đồng thời chiếm 60% lượng nước sông toàn cầu.

Chính những con “sông chung” như vậy có thể tạo ra mâu thuẫn giữa các nước cùng chia sẻ chúng. Chẳng hạn, trước đây Iraq thường phàn nàn lên Liên Hiệp Quốc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã xây đập chặn mất nguồn nước của những con sông chảy vào Iraq như sông Tigris và Euphrates. 

Hay ở lưu vực sông Mê Kông - con “sông chung” của các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc - các nước này vẫn chưa đạt được một giải pháp ổn thỏa về sử dụng dòng sông chung. Nhiều nước lên án Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện trên thượng lưu con sông làm mực nước sông ngày càng cạn kiệt.

Khi những bất đồng về chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia không thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, rất có thể sẽ xảy ra chiến tranh. Trong lịch sử, cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và người Palestine được cho là một phần do tranh giành nguồn nước. Bờ Tây nằm trên một khu vực ngậm nước lớn. Thêm vào đó, Cao nguyên Golan mà Israel lấy đi từ Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 là nơi bắt nguồn của sông Jordan và các nguồn nước đổ vào Biển Galilee.

Ở một khu vực khô hạn như Trung Đông, kiểm soát nguồn nước mang tính sống còn đối với cả một dân tộc. Trận đánh Beersheba nổi tiếng trong Thế chiến I giữa liên quân Anh – Australia -New Zealand với liên minh giữa 2 đế chế Ottoman và Đức là trận đánh tranh giành quyền kiểm soát các nguồn nước ở Thổ Nhĩ Kỳ và Birussebi.

Trong tranh chấp các dòng sông chung, nếu các nước ở thượng lưu mạnh hơn, họ sẽ gia tăng việc kiểm soát nguồn nước bằng cách xây đập thủy điện hoặc thủy lợi, và các nước ở dưới hạ lưu chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng nếu các nước ở hạ lưu mạnh hơn, các nước trên thượng lưu có thể bị chiến tranh nếu quản lý nguồn nước không tốt.

Ai Cập, một nước vùng hạ lưu hùng mạnh đã nhiều lần dọa sẽ tiến hành chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn xung quanh dòng sông Nile. Chỉ nhờ cả 2 nước vùng thượng lưu là Sudan và Ethiopia đều bị nhấn chìm trong nội chiến và quá nghèo để có thể xây đập tích trữ nguồn nước nên chiến tranh mới chưa xảy ra. Ở lưu vực sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội hùng mạnh hơn Syria, nhưng điều đó cũng không ngăn được người Syria nhiều lần đe dọa bạo lực.

Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh rằng tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia hiếm khi dẫn đến chiến tranh. “Nước suy cho cùng là một nguyên nhân của hợp tác hơn là chiến tranh. Vì nó quá thiết yếu đến nổi bạn không thể chiếm đoạt nó bằng chiến tranh”, Daniel Zimmer, Giám đốc của Hội đồng Nước thế giới (WWC), nói. 

Ông Zimmer đơn cử thỏa thuận ký kết hồi tháng 3-2008 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria về việc cùng thiết lập một Viện Nước để nghiên cứu và theo dõi các nguồn nước chung. Hay như các nước dọc theo sông Mê Kông đã thành lập Ủy ban sông Mê Kông (MRC) với mục đích tương tự.

Xung đột công tư

Sự quý giá của nước còn khiến nảy sinh xung đột giữa công và tư, giữa sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều định chế quốc tế khác từng cổ súy việc tư hữu hóa hệ thống nước ở các nước nghèo, bằng việc thúc ép hoặc trợ giá cho các công ty nước toàn cầu, với hy vọng sẽ làm tăng tính hiệu quả của các dịch vụ nước.

Tuy nhiên, việc tư hữu hóa hệ thống nước đã vấp phải nhiều chỉ trích và cũng nhận được nhiều bài học cay đắng. Nổi bật trong số đó là trường hợp tư nhân hóa hệ thống nước ở Bolivia. Năm 1999, một consortium dẫn đầu bởi công ty Hoa Kỳ Bechtel ký một hợp đồng 40 năm để tăng nguồn cung và dịch vụ nước cho Cochabamba, Bolivia. Nhưng 6 tháng sau, những người biểu tình đã đánh đuổi công ty ra khỏi đất nước vì liên minh trên đã liên tục tăng giá nước khiến người dân không thể chịu nổi.

Sau vụ việc này, giới chuyên môn cho rằng không nên để tài nguyên nước lọt vào tay các công ty tư nhân, vì suy cho cùng nước là một tài sản công cộng. Việc sản xuất nước uống đóng chai cũng bị phê phán mạnh mẽ. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở Atlanta, Georgia (Hoa Kỳ). Năm 1999, thành phố này quyết định tư nhân hóa dịch vụ nước vì thấy hệ thống nước do nhà nước quản lý xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến năm 2003, chính quyền thành phố buộc phải phá vỡ hợp đồng 500 triệu USD với đại gia Suez của Pháp vì gặp tình trạng tương tự người Bolivia.

Trong thực tế, xung đột về nước trong phạm vi một nước dễ biến thành bạo lực hơn ở tầm xuyên quốc gia. Tại Dafur, quyền tiếp cận nước sạch và đất trồng là một nhân tố chính trong xung đột giữa những người nông dân da đen và dân di cư Arab. Hạn hán và hoang mạc hóa ở Bắc Darfur đã khiến những người Arab chuyển đến Nam Darfur, nơi họ xung đột với nông dân da đen. Tháng 12-2009, hàng trăm người dân ở Mumbai đã nổi dậy để phản đối việc cúp nước. Những cuộc đụng độ nảy lửa giữa họ và cảnh sát đã làm ít nhất 1 người bị giết và hàng chục người bị thương.

Hòn Rồng
.
.
.