Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Từ thuế sang tiền tệ

Thứ Bảy, 10/08/2019, 11:12
Từ 5-8, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn, khi Bắc Kinh cho phép đồng tiền của mình suy yếu và các doanh nghiệp Trung Quốc ngừng mua hàng nông sản mới của Mỹ. Ngược lại, Washington lại cáo buộc Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ".

Lao đao thị trường chứng khoán

Sự leo thang này đã làm rung chuyển thị trường thế giới khi các nhà đầu tư lo lắng tìm kiếm những nơi an toàn để gửi tiền. Phố Wall phải chịu ngày tồi tệ nhất trong năm vào hôm 5-8 với chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm gần 3%. Các chỉ số điểm chuẩn ở châu Á và châu Âu cũng giảm. 

Khép phiên giao dịch ngày 5-8, cả 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều mất điểm mạnh và lui về ngưỡng của một năm trước. Còn bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 2,5% xuống 7.223,85 điểm; chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 1,8% xuống 11.658,51 điểm; còn chỉ số CAC 40 tại Paris để mất 2,2% xuống 5.241,55 điểm...

Vào ngày 6-8 thị trường toàn cầu phục hồi một chút, chứng khoán châu Á mở cửa giảm mạnh nhưng tăng trở lại trong ngày và chỉ số vốn chủ sở hữu châu Âu chủ yếu cao hơn. Tương lai Phố Wall dự đoán một sự mở cửa tích cực nhưng nỗi lo vẫn còn đó. 

Tờ Bloomberg đưa tin: "Chứng khoán tiếp tục sụt giảm trên khắp thế giới sau khi Trung Quốc cho phép tiền tệ trượt giá - một dấu hiệu căng thẳng kinh tế mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington. Các cổ phiếu công nghệ như Apple và IBM đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu cũng giảm ở châu Âu và châu Á. Đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm xuống tỷ giá thấp nhất trong 11 năm qua. 

Trung Quốc cũng cho biết họ yêu cầu các công ty nhà nước ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đây là cú đánh mới nhất nhằm vào nông dân Mỹ, những người đã chứng kiến giá giảm mạnh do đụng độ giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, quyết định để đồng NDT giảm giá được coi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn tác động quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước là áp thuế mạnh hơn đối với hàng nhập khẩu từ nước này. Sự suy giảm đồng NDT cũng làm cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ ít tốn kém hơn, do đó làm cho các công ty Mỹ ít cạnh tranh hơ và làm giảm lợi nhuận cho các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết, Trung Quốc sẽ không để đồng NDT "bị thương" trong cuộc chiến thương mại. "Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đồng NDT sẽ vẫn là một loại tiền tệ mạnh bất chấp những biến động gần đây trong bối cảnh bất ổn bên ngoài", ông Yi Gang nói. 

Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố, việc Mỹ liệt nước này vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là hành vi vi phạm luật lệ quốc tế và sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường toàn cầu. 

Tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nêu rõ: "Trung Quốc thực thi chính sách tỷ giá dao động có quản lý, với nền tảng dựa vào cung cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, tỷ giá đồng NDT được định giá do các lực lượng cung cầu thị trường ngoại hối quyết định, không tồn tại vấn đề "thao túng tiền tệ". 

Từ đầu tháng 8 trở lại đây, đồng NDT mất giá ở một mức độ nhất định là phản ánh cụ thể của thị trường trong bối cảnh cọ xát thương mại gia tăng cũng như kinh tế thế giới có nhiều biến động. 

Trung Quốc vẫn khẳng định luôn cố gắng duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức ổn định và nước này sẽ không lấy tỷ giá làm công cụ để đối phó với chiến tranh thương mại. Trong phiên giao dịch ngày 6-8, đồng NDT đã phục hồi phần nào từ mức thấp kỷ lục sau khi Bắc Kinh hành động để ngăn đồng tiền này giảm sâu hơn nữa.

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chuyển từ thuế quan sang tiền tệ.

Bất ổn-nỗi lo của các nhà đầu tư

Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ, cùng với sự mất giá của đồng NDT đã khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Đồng NDT yếu hơn có thể làm cho hàng hóa rẻ hơn để bán ra nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng giúp bù đắp thuế quan bổ sung mà ông Donald Trump dự định áp dụng vào ngày 1 - 9 . Nó cũng gây hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ đang cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc. 

Giới chức Trung Quốc cho biết động thái này nhằm đáp trả các lực lượng thị trường, vốn đã phản ứng với các mối đe dọa thuế quan của ông Trump, bằng cách đẩy giá trị của đồng tiền xuống. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tạm dừng mua hàng mới của nông sản Mỹ để đáp lại quyết định từ Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế lên toàn bộ 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh xuất sang Mỹ. 

Hãng CNN bình luận: "Thương chiến Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn mới với mức độ nghiêm trọng khó có thể đảo ngược. Tình hình thương chiến hiện nay đã nghiêm trọng tới mức khiến nền kinh tế phát triển chậm lại, hoặc thậm chí gây ra suy thoái. Cả Mỹ và Trung Quốc đang khiến cho nền kinh tế thế giới đổ vỡ, mỗi biện pháp gia tăng căng thẳng đang dần khiến 2 nước này tiến đến sự suy thoái tới mức khó có thể quay lại như ban đầu". 

Đồng quan điểm này, ông David Kotok, người sáng lập kiêm Giám đốc của Công ty Đầu tư Tư vấn Cumberland cảnh báo: "Mọi thứ đang leo thang và sự leo thang sẽ không dừng lại. Điều này đang khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Trong lịch sử, những cuộc suy thoái xảy ra là kết quả của những chính sách tiền tệ sai lầm. Đây là lần đầu tiên chúng ta phải đối phó với tính toán sai lầm trong chính sách thương mại".

Trong khi đó, Peter Boockvar, chuyên gia đầu tư tại công ty tư vấn tài chính Bleakley Advisory Group, trụ sở ở New Jersey, Mỹ thì nhận định: "Mỹ và Trung Quốc đang có một cuộc xung đột thương mại đi trật đường ray. Chính sách sử dụng thuế quan như một công cụ để đối phó với Trung Quốc đã thất bại thảm hại". 

Cũng theo chuyên gia này, hành động liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Thương Mại Mỹ chính là tác nhân khiến Bắc Kinh thực hiện những bước đi mạnh mẽ hơn nữa nhằm phá giá đồng NDT. 

"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang chắc chắn là điều tồi tệ với kinh tế Mỹ. Tồi tệ đến mức nào thì không thể tính toán được", Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại Công ty đầu tư National Securities Corporation nói. 

Đồng thời, ông Art Hogan còn phân tích rằng, nhiều nhà đầu tư và giám đốc doanh nghiệp đồng tình với chính quyền Tổng thống Donald Trump khi yêu cầu Trung Quốc tham gia cuộc chơi công bằng về thương mại. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại trước việc Mỹ dùng đòn thuế như một cách để buộc Bắc Kinh nhượng bộ.

Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc vì chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.

Và chiêu bài "thao túng tiền tệ'

Trên thực tế, Trung Quốc luôn luôn sử dụng biện pháp thao túng tiền tệ để đánh cắp các doanh nghiệp và nhà máy của Mỹ, làm tổn thương công việc và làm giảm lương của công nhân trong doanh nghiệp Mỹ. 

Và nếu Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình giảm hơn nữa, các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á cạnh tranh trong các ngành tương tự có thể phải đối mặt với áp lực thị trường để phá giá đồng tiền của chính họ. Những vòng xoắn mất giá như vậy có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, chi tiêu gia đình bị chèn ép và sự thay đổi đột ngột của tiền xuyên biên giới. 

Chúng cũng có thể dẫn đến nhiều mức thuế hoặc các biện pháp thương mại hạn chế khác. Michael Every, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính ở châu Á của Rabobank cùng C. Fred Bergsten, Giám đốc danh dự tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thì cho rằng, đồng NDT cũng sẽ làm tổn thương chính Trung Quốc. 

Nhiều công ty lớn nhất và mắc nợ nhất trong các lĩnh vực như tài sản và công nghiệp nặng đã vay số tiền rất lớn ở nước ngoài bằng đồng USD. Đồng NDT yếu hơn khiến việc trả khoản nợ đó trở nên đắt đỏ hơn. Nó cũng có thể làm tổn thương các công ty phụ thuộc vào hàng hóa, chẳng hạn như dầu mỏ, được định giá bằng USD và có thể thúc đẩy người Trung Quốc giàu có rút tiền ra khỏi đất nước...

Nền kinh tế Mỹ hiện vẫn có vẻ tương đối mạnh, nhưng tăng trưởng trong các ngành dịch vụ và sản xuất đang chậm lại. Nền kinh tế châu Âu đang rất yếu, vì cuộc chiến thương mại đè nặng lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức và Ý. Các quốc gia khác phụ thuộc vào bộ máy kinh tế "phàm ăn" của Trung Quốc, như Nhật Bản, cũng bị tổn hại. 

Ông Neil Dutta, người đứng đầu ngành kinh tế Mỹ tại Renaissance Macro Research dự đoán: "Đồng USD có tác động rất cơ học trong cách Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) nghĩ về đòn bẩy chính sách. Sau khi không làm gì, FED thực tế đang xử phạt chính sách thắt chặt. Sự suy yếu của đồng NDT và sự leo thang của cuộc chiến thương mại làm tăng khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất một nửa điểm trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 tới". 

Nhưng tất nhiên, trước khi có những hành động này, Mỹ có thể sẽ phải tham vấn các chuyên gia và lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh được tạo ra bởi các hành động mới nhất của Trung Quốc. Hành động này chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng Trung Quốc có khả năng xem động thái  này là một lời quở trách và có thể áp lực leo thang hơn nữa với các nước.

 Trong báo cáo tiền tệ gần đây nhất vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ từng chỉ trích các hoạt động thương mại và tiền tệ của Trung Quốc nhưng vẫn không kết luận rằng Bắc Kinh đang phá giá tiền tệ một cách không chính đáng. 

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Thượng Hải hồi tuần trước và có các các cuộc thảo luận trực diện đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ vào tháng 5, nhưng lại đạt được ít tiến bộ trong việc giải quyết sự khác biệt. 

Câu hỏi bây giờ là liệu Bắc Kinh có cho phép đồng tiền của mình suy yếu hơn nữa hay không và ông Donald Trump có thể làm gì để đáp lại? Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang bị nhốt trong một cuộc chiến kinh tế khó khăn.

Huyền Chi
.
.
.