Chiêu trò ép mua xe “kèm lạc” của các đại lý ôtô cuối năm

Thứ Sáu, 18/01/2019, 13:04
Nắm bắt nhu cầu muốn mua xe mới trước Tết của khách hàng, nhiều đại lý ôtô tung ra chiêu trò mua xe kèm “lạc”, tức là kèm phụ kiện với giá vài chục đến cả trăm triệu đồng để ép khách hàng nhận xe sớm, dù khách hàng đã đặt cọc trước đó nhiều tháng.


Với chiêu bán hàng này, dù khách hàng không muốn mua phụ kiện thì cũng phải gật đầu đồng ý nếu muốn được giao xe sớm, phục vụ nhu cầu đi lại trước và trong Tết.

Tình trạng ép khách hàng mua xe, nhận xe sớm kèm theo gói phụ kiện có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng của các đại lý xe ôtô xuất hiện trong mấy năm gần đây, đặc biệt là vào dịp cuối năm khi nhu cầu mua bán, đi lại của người dân tăng cao. Từ đầu 2018, thị trường ôtô Việt Nam có nhiều thay đổi do Nghị Định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. 

Theo đó, số lượng xe nhập khẩu được về rất ít. Đây chính là cơ hội để các đại lý tận dụng để ép những khách hàng đã đặt cọc xe phải mua kèm theo các phụ kiện để nhận xe sớm hơn. Dân chơi xe vẫn gọi chiêu này là mua "bia kèm lạc".

Chiêu trò ép khách hàng mua xe kèm phụ kiện đang diễn ra phổ biến.

Dạo qua một vòng những diễn đàn ôtô lớn dịp cuối năm, chúng tôi đều thấy những phản ánh khá bức xúc của khách hàng trước thực trạng nhức nhối này.

Bức xúc bày tỏ trên một diễn đàn ôtô, chủ nhân facebook N.S cho biết, anh chấp nhận bỏ ra gần 2,7 tỷ đồng, mua xe Ford của một đại lý ở TP  Hồ Chí Minh kèm phụ kiện, nhưng kết quả nhận được hoàn toàn trái ngược với những gì anh chờ đợi. Theo giá đại lý mời chào thì ban đầu giá của chiếc xe anh thích là 2,193 tỷ đồng. Để mua được xe, anh phải mua kèm gói phụ kiện từ 250-300 triệu đồng. Nếu không đồng ý mua phụ kiện thì anh cũng không thể lấy xe. May mắn anh có người quen giới thiệu nên được ưu đãi gói phụ kiện là 250 triệu. Vì cần xe nên anh đồng ý chuyển tiền mua xe, làm giấy tờ với số tiền gần 2,7 tỷ đồng và hẹn ngày nhận xe theo giấy hẹn của đại lý.

Thế nhưng, ngày nhận xe, anh mới biết gói phụ kiện 250 triệu mà anh đồng ý chi trả thêm chỉ bao gồm gói bảo hiểm vật chất 1 năm, bệ bước, phim cách nhiệt và gói phủ Ceramic. Xong đến ngày nhận xe, anh N.S lại thấy bụi bặm, xe bị xây xước như chưa phủ Ceramic. Phản ánh đến đại lý và chưa đồng ý lấy xe luôn, hôm sau anh quay lại với lời hứa hẹn của đại lý sẽ giao xe mới đầy đủ gói phụ kiện.

Nhưng một lần nữa anh N.S thất vọng và bức xúc buộc phải đưa lên diễn đàn phản ánh khi chiếc xe tiền tỉ của anh vẫn gần như nguyên dạng, chỉ khác ở chỗ là được rửa sạch hơn, còn những vết ố, vết dơ trong quá trình vận chuyển vẫn còn nguyên trên thân vỏ xe, kính cửa, kính hông. Anh N.S chia sẻ, anh vẫn sẽ chấp nhận bỏ 250 triệu mua thêm phụ kiện nếu như chiếc xe được bàn giao đúng như cam kết. Thế nhưng đại lý Ford làm anh vô cùng thất vọng và anh buộc phải kiện đến cùng để nhận lại đúng những gì mình đáng phải được nhận.

Chủ facebook N.N.N cũng bức xúc không kém khi mua xe Toyota của một đại lý ở TP Hồ Chí Minh. Theo đó, chị đã đặt cọc mua xe Toyota bán tải trước đó cả hai tháng trời, thế nhưng đến ngày nhận xe, nhân viên đại lý thông báo xe để trưng bày mẫu, không bán. Nếu muốn lấy xe, chị phải bỏ thêm 70 triệu đồng mua gói phụ kiện của hãng.

Thực tế, chiêu trò “bia kèm lạc” của các đại lý bán ôtô không còn xa lạ với người tiêu dùng, tuy nhiên, càng về thời điểm cuối năm, vấn nạn này lại càng rộ lên. Cụ thể, sau khi nhận nhiều phàn nàn vì trễ hẹn với khách hàng đã đặt cọc trước, Hyundai Santa Fe 2019 lại đang là chủ đề nóng với người tiêu dùng khi xe bắt đầu được đại lý bán theo kiểu "bia kèm lạc". Một số nhân viên bán hàng của đại lý đã đưa ra điều kiện "giá xe + 100 triệu đồng" nếu người mua muốn nhận xe trước Tết Nguyên đán.

Gói phụ kiện của xe Fortuner lên tới hơn 100 triệu đồng.

Trước đây, những đại lý của Hyundai không có hiện tượng bán "bia kèm lạc" tại Việt Nam, nhưng gần đây, lượng xe được đưa về Việt Nam khá hạn chế, và chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Tết Nguyên đán khiến cầu vượt cung. Mức giá của Santa Fe 2019 dao động từ 995 triệu – 1,195 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số mẫu xe “hot” của Ford Việt Nam cũng đang trong tình trạng này. Trong đó, Ford Everest giá niêm yết dao động từ 1,112 tỷ đồng đến 1,399 tỷ đồng. Tuy nhiên, khách hàng phải chi trả thêm số tiền 100 triệu đồng, 120 triệu đồng và 150 triệu đồng, tương ứng với 3 phiên bản Trend, Titanium 4x2 và Titanium 4WD để nhận xe sớm, hoặc phải chờ đến… sang năm.

Theo khảo sát của chúng tôi, cũng là chiêu “bán bia kèm lạc” nhưng một số đại lý lại không ghi trong hợp đồng đặt cọc mà chờ tới thời điểm giao xe mới thông báo mức giá gói phụ kiện. Mặt khác, đến thời điểm giao xe, khách hàng cũng chưa chắc có xe. Có nghĩa là đến thời điểm giao xe, nếu đại lý áp dụng gói phụ kiện 40-50 triệu đồng thì đại lý ra thông báo, khách hàng đồng ý thì ký hợp đồng chính thức (chấp nhận mua gói phụ kiện). Còn không chấp nhận thì trả lại tiền cọc.

Dù các hãng xe không khuyến khích thậm chí đã có những cảnh cáo với đại lý ủy quyền của mình về việc bán hàng kênh giá, đội giá đối với những mẫu xe đắt khách thế nhưng các showroom, các đại lý lại lách luật rất khéo léo với việc chào khách các gói đồ chơi, phụ kiện thêm trên xe. Việc này xảy ra không chỉ ở các dòng xe nhập khẩu mà còn xuất hiện ở những mẫu lắp ráp. 

Bức xúc của một khách hàng khi bị ép mua xe kèm “lạc”.

Cung không đủ cầu, chưa có chế tài nghiêm minh khiến chiêu trò "bia kèm lạc" vẫn diễn ra phổ biến. Người Việt vì nhu cầu, vì tâm lý đám đông và vì độ “hot” của một số dòng xe nổi bật vẫn chấp nhận bỏ tiền mua “bia kèm lạc” khiến các đại lý, showroom có cơ hội thực hiện những chiêu bài kinh doanh không lành mạnh.

Trước thực trạng bán xe kiểu “mua bia với lạc” gây ức chế cho người mua xe của các đại lý ôtô hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra mức phạt với các đại lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quy định khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Khoản đặt cọc, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng.

Do đó, để tránh tranh chấp xảy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua xe cần đọc kỹ biên bản thỏa thuận cọc giữa hai bên. Trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà bên mua đã đặt cọc. Đơn cử, nếu người mua xe đặt cọc 100 triệu đồng mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả khách hàng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.

Mặt khác, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người mua có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.

Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn phải là từ khách hàng, đừng vì mục đích, nhu cầu cá nhân, tạo điều kiện cho các đại lý, showroom thực hiện những chiêu trò kinh doanh không lành mạnh. Khách hàng có thể mua xe mình thích, có thể mua gói phụ kiện cần thiết cho mình nhưng cần phải cân nhắc trước khi xuống tiền lấy xe theo yêu cầu của đại lý, showroom chỉ vì muốn có xe đi ngay. Mọi hoạt động kinh doanh không lành mạnh, chụp giật phải bị tẩy chay.

Hiền Trâm
.
.
.