"Chim lợn" mật báo lái xe né lực lượng chức năng

Thứ Tư, 13/04/2016, 09:00
Phóng nhanh vượt ẩu, bắt khách dọc đường là chuyện chẳng còn lạ lẫm đối với một số nhà xe. Nhiều người vẫn tự hỏi, lý do gì mà các nhà xe này có thể tự tung tự tác trên những tuyến quốc lộ huyết mạch trong khi vẫn có cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều nhà xe đã móc nối với một số "cò" mật báo để né lực lượng chức năng. Chỉ với 10.000 đồng tiền "bo" các nhà xe có thể vô tư vượt ẩu, lập bến cóc, dừng đỗ không đúng quy định trên tuyến đường Hà Nội - Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh.


Cài cắm dọc tuyến

Bấy lâu nay tuyến từ bến xe Mỹ Đình, dọc theo đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt được cho là có mật độ giao thông lớn nhất. Không chỉ là tuyến trọng yếu về các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh… mà còn dẫn ra Sân bay Quốc tế Nội bài. Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến đường này, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử phạt, điều tiết, nhưng có vẻ tình trạng giao thông phức tạp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các nhà xe thường giữ mối liên hệ với nhau rất mật thiết, cảnh báo cho nhau những điểm chốt của cơ quan chức năng. Đặc biệt hơn nữa họ còn móc nối với một số "cò" - gọi là "chim lợn", canh chừng lực lượng chức năng. Để tiếp cận đội "chim lợn" này là việc chẳng có gì khó khăn với những người trong nghề.

''Anh làm ăn ở đây lâu rồi, uy tín không cần hỏi'' - ông M chia sẻ.
''Cò'' Nguyễn Tiến S.

Được anh Đinh Tiến Thắng, một phụ xe chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn giới thiệu chúng tôi tiếp cận được ông M. (một người có thâm niên làm "cò" dọc từ bến xe Mỹ Đình đến trạm thu phí Nội Bài). Gã "cò" này cho biết gần như tất cả các xe khách chạy từ bến xe Mỹ Đình qua đây đều phải nhờ tay ông hết.

Những lực lượng mà nhà xe được ông M. cảnh báo gồm: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông. Khi phát hiện Cảnh sát giao thông hay Thanh tra giao thông ông M. sẽ điện thoại mật báo cho các nhà xe tìm nơi ẩn náu, giảm tốc độ hoặc tìm cách né tránh.

Ông M. tự hào: "Các chú không phải lo, mỗi ngày tôi nhận cả trăm cuộc điện thoại của các nhà xe. Làm ăn ở đây lâu rồi, uy tín không cần hỏi". Cứ như thế mỗi lần "check" qua ông M. các nhà xe lại vô tư bắt khách, đánh đu giữa đường, tập kết tại ngã ba quốc lộ 18 đón khách bất chấp mọi lệnh cấm, dừng, đỗ, và cả sự nguy hiểm của người tham gia giao thông.

Dọc tuyến đường từ bến xe khách Mỹ Đình đến trạm thu phí Nội Bài được coi là khu vực béo bở của các nhà xe bởi nó được coi là nơi trung chuyển khách của các xe đi Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo tiết lộ của ông M. sở dĩ các xe thoải mái bắt khách phóng nhanh là vì họ có hàng chục "trạm thông tin" của ông đặt. Khi phát hiện cơ quan chức năng những người này sẽ báo cho ông ngay, sau đó ông M. sẽ "bán" thông tin cho nhà xe.

"Dọc tuyến này lúc nào cũng có cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát, trên cầu 18 thường xuyên có Cảnh sát giao thông đứng quay phim, chụp ảnh xe vi phạm để xử lý phạt nguội. Chính vì thế các nhà xe muốn qua đây an toàn phải thường xuyên kết nối với tôi. Bọn tôi làm đều có đường dây với nhau cả, chúng tôi làm ở đây bao nhiêu năm, các nhà xe làm việc với tôi hầu như không bị bắt. Có chăng chỉ là cơ quan chức năng mật phục, đi xe dân sự thôi. Làm xe khách mà không thế thì không làm nổi đâu. Cứ suy nghĩ đi có gì thì ới lại, tôi sẽ giúp".

Qua tìm hiểu của chúng tôi, phí cho mỗi lần nhà xe điện hỏi dò đường, hoặc gọi mật báo, họ phải trả 10.000 đồng/lượt. Không những vậy, mỗi khách "cò" được cho nhà xe, ông M. thu 10.000 đồng/người.

Được mật báo, nhiều nhà xe vô tư dừng bắt khách.

Với lượng xe lưu chuyển liên tục, tính nhẹ mỗi ngày ông M. thu được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Rời "lãnh địa" của ông M. chúng tôi được giới thiệu đến khu vực ngã tư siêu thị Mê Linh Plazza do ông Nguyễn Tiến S. làm "chủ cò". Đây cũng được coi là đoạn đường khá nóng, "cò" hoạt động nhiều và rất công khai. Do đây là ngã tư, lại có siêu thị lớn, công nhân tại khu công nghiệp cũng khá đông nên được coi là điểm mấu chốt có bắt được nhiều khách hay không của các nhà xe.

Chúng tôi có ý đặt vấn đề với ông S. để né cơ quan chức năng hoạt động tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, thì nhận được sự đồng ý khá thoải mái. Ông S. cười nói đầy tự tin: "Hỏi đúng người rồi đó, bắt đầu mở tuyến hả? Chú sẽ "ok" cho chúng mày, đảm bảo chạy từ bến xe Mỹ Đình đến trạm thu phí Nội Bài vô tư bắt khách. Chú làm đây lâu rồi, nhiều chân tay lắm, anh em đệ tử đông như quân Nguyên. Nếu chơi đẹp thì sẽ bình an vô sự, không vấn đề gì lớn cả. Nếu chưa tin tưởng thì cứ hỏi các nhà xe khác đi, chú làm việc với họ nhiều rồi".

Dứt lời ông B, rút điện thoại gọi cho một nhà xe nào đó với nội dung: "Chậm nhé, có biến". Rồi nhẹ nhàng hất hàm với chúng tôi: "Thấy chưa? Ngon không? Cứ tin tưởng bọn chú đi, chắc chắn an toàn.

Tiếp tay cho mất an toàn giao thông

Sau khi tiếp cận với giới "cò" chúng tôi đã có một cuộc khảo sát thực dọc tuyến Phạm Văn Đồng đến đầu quốc lộ 18 mới thấy tình trạng giao thông ở đây rất lộn xộn. Do mật báo khắp nơi, các nhà xe ung dung tư tung tự tác khắp nơi, đua nhau tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu. Không những vậy nhiều nhà xe còn tự ý dừng đỗ, bắt khách ngay cạnh biển cấm đến vài chục phút. Với khoảng 20km từ bến xe Mỹ Đình đến đầu quốc lộ 18 có hàng chục điểm dừng đỗ bắt khách.

Thừa nhận tuyến đường Phạm Văn Đồng thường xuyên ùn tắc do áp lực giao thông quá lớn, nhưng nguyên nhân do các nhà xe dừng đỗ đón khách không đúng quy định. Chính vì thế tuyến đường này được người ta gọi là "tắc không cần chờ giờ cao điểm".

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều nhà xe chạy chậm, dừng đỗ, đón khách ngay tại các điểm dừng xe bus. Các xe đi với tốc độ "sên bò" dù dọc đường đều được đặt biển cấm đi với tốc độ dưới 30km/giờ. Mới chỉ 14h chiều, còi inh ỏi, tiếng phụ xe mời khách, tiếng gầm rú của động cơ khiến tình trạng ở đây trở nên hỗn loạn. Xe máy phải luồn lách, đi sai làn đường do nhiều xe dừng tạt vào lề đường.

Bến cóc được lập ngay ven đường quốc lộ.

Điểm được coi có tình trạng giao thông lộn xộn nhất phải kể đến điểm siêu thị Mê Linh Plazza và đầu quốc lộ 18. Rất nhiều xe khách lượn lờ quanh đây nhiều vòng để đón khách, có xe dừng đỗ cả nửa giờ. Đặc biệt là ngã ba đầu quốc lộ 18 được ông M. cảnh giới nên đã tạo thành một bến cóc khổng lồ với lưu lượng xe qua lại mỗi ngày lên đến cả trăm lượt.

Theo quan sát của phóng viên ngay cạnh Trạm thu phí Nội Bài (cách khoảng 25 mét) và ngã tư đường Võ Văn Kiệt với đầu quốc lộ 18 - nơi có lưu lượng xe qua lại nhiều và vô cùng nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn giao thông. Các xe chỉ cần qua trạm thu phí là rồ ga phóng nhanh, tranh giành khách, chèo kéo, sau đó tập kết ngay tại ngã ba, đỉnh dốc. Thậm chí một số nhà xe cho người băng qua rào chắn sang bên kia đường mời khách. Bất kể người già, trẻ em, kể cả thai phụ, đồ đạc lỉnh kỉnh đều được các nhà xe phục vụ tận tình để băng qua rào chắn.

Bạn Lê Thị Lý, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói: "Em trọ gần siêu thị Mê Linh plaza, chẳng có lẽ em lại bắt xe ngược lại bến xe Mỹ Đình để mua vé rồi về quê? Đứng đây bắt xe khách là tiện nhất ạ. Cũng biết là mất an toàn giao thông nhưng bắt ngược lại thì tốn kém và mất thời gian lắm. Em nghĩ cơ quan chức năng có những điểm dừng đỗ cho xe khách dọc tuyến đường này là tốt nhất".

Trung tá Lê Văn Duyển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Đây là tuyến đường rất quan trọng, là đầu mối giao thông từ bến xe Mỹ Đình đi nhiều tỉnh. Chính vì thế chúng tôi thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông. Mới chỉ 2 tháng gần đây chúng tôi đã xử phạt 225 vụ các nhà xe vi phạm luật giao thông. Chúng tôi chưa nghe có hiện tượng "cò" mật báo cho nhà xe chạy qua đây.
Phong Anh
.
.
.