"Chim rừng" H'Ben về với đại ngàn...

Thứ Tư, 06/12/2017, 21:09
Dù hạnh phúc nghèo bên bờ tre, khe suối, mái nhà sàn đơn sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên nhưng dễ có mấy ai sánh được với cuộc đời thật nên thơ, lãng mạn của chị. Chị là nghệ sĩ H'Ben, một đời như con chim rừng không mỏi đi "nhặt" câu dân ca cho đời ...


Chị đã về với đại ngàn Tây Nguyên thân yêu nhưng những câu dân ca của chị vẫn còn mãi mãi... Một đời hát cho bộ đội nghe, hát cho cách mạng, hát cho dân làng và bao đàn em học sinh thân yêu...

 Đời chị đã sống hết mình với tình yêu, với dân ca Tây Nguyên. Dù hạnh phúc nghèo bên bờ tre, khe suối, mái nhà sàn đơn sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên nhưng dễ có mấy ai sánh được với cuộc đời thật nên thơ, lãng mạn của chị. Chị là nghệ sĩ H'Ben, một đời như con chim rừng không mỏi đi "nhặt" câu dân ca cho đời ...

Dẫu biết quy luật của đời người không ai qua khỏi chuyện sinh- tử, ly biệt, nhưng khi hay tin nghệ sĩ H'Ben qua đời hôm 29-11, tôi vẫn không khỏi nao lòng vì cảm thấy mất đi một nghệ sĩ tài hoa, một con người sống hết mình với tình yêu, với dân ca Tây Nguyên, một người chị đáng kính... 

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo CAND trò chuyện với nghệ sĩ H'Ben.

Tôi biết chị khi chị đã về hưu, hợp đồng làm giáo viên giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. Tình cờ gặp gỡ, rồi càng gắn bó với chị hơn khi cả gia đình đưa nhau về huyện Kông Chro, một huyện nghèo nhất và thuộc diện xa xôi nhất của tỉnh Gia Lai để sinh sống đến cuối cuộc đời.

Chị bảo, vùng đất này nghèo nhưng có nhiều nghĩa tình với chị, nơi sinh ra và đã gắn bó một thời khốn khó, lớn lên trong bom đạn xới cày. Dẫu nghèo, nhưng ở đó có dòng sông Ba chạy qua uốn lượn, có tiếng suối reo như tiếng hát của đại ngàn.

Và ở đó, chị sống cùng một đứa con tật nguyền của mình với Anh hùng Đinh Núp; được sống với mối tình thật lãng mạn giữa cô học trò Bah Nar với người thầy giáo Hà Nội, đã trải qua bao sóng gió cuộc đời để đến với nhau cho đến cuối cuộc đời...

Khi chị còn sống, mỗi dịp đi công tác về huyện nghèo này, lúc nào tôi cũng ghé thăm gia đình chị. Có lần đến thăm chị vì nhiệm vụ cơ quan, nhưng cũng có lúc chỉ là chuyện riêng tư của hai chị em. Đến lần nào chị cũng vui mừng thật khó tả, luôn hỏi thăm vợ con, gia đình tôi từ ngày xa Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, xa đàn em thân yêu về với buôn làng.

Gặp tôi, chị hay kể về dân ca Tây Nguyên và lo chuyện những bài dân ca ấy ngày bị mai một, chị đau như đứt từng khúc ruột. Rồi chị lấy từng bài dân ca do chính mình sưu tầm, biên soạn ra hát cho tôi nghe. Bên ngôi nhà sàn đơn sơ, dưới bóng cây rừng, nghe dòng suối chảy, tiếng hát chị vút cao, bay xa...

Mùa này năm trước, biết tuổi chị ngày một càng cao, phải lo toan việc chăm nuôi hai người đàn ông bệnh tật nên Thiếu tướng Phạm Văn Miên-Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, nhân chuyến công tác từ thiện ở Tây Nguyên đã đến thăm chị cùng gia đình.

Khi ấy, nhà có 3 người, dù chị tuổi cao sức yếu nhưng hàng ngày còn phải gánh gồng lo cho 2 người đàn ông bệnh tật, một là ông chồng Lê Đức Thịnh, hai là người con trai đặc biệt bị tật nguyền từ nhỏ của chị.

Sở dĩ tôi gọi là "đặc biệt", bởi người con trai tật nguyền ấy là sự gắn bó một thời giữa cuộc đời nghệ sĩ H'Ben với Anh hùng Đinh Núp trong những năm tháng, học tập và làm việc ở miền Bắc. Đó cũng là khoảng thời gian 1958, khi vợ đầu của Anh hùng Đinh Núp, chị H'Liêu đã mất ở quê.

Theo phong tục Bah Nar, người em gái của H'Liêu là Chrơ sẽ kế thiếp, làm vợ Anh hùng Đinh Núp thay người chị đã mất. Nhưng do chiến tranh cách trở, lúc này bặt tin Chrơ ở làng nên Đinh Núp cưới H'Ben làm vợ.

Nghệ sĩ H'Ben cùng chồng và con trai hát dân ca Tây Nguyên.

Tình duyên của đôi trai tài gái sắc mặn nồng hơn 6 năm chung sống hạnh phúc ở miền Bắc. Rồi hai người đã có với nhau một người con trai đặt tên là Đinh Trung Kiên. Nhưng không may, cậu con trai này đã bị bại liệt từ nhỏ nên phải theo mẹ H'Ben chăm sóc cho đến tận bây giờ.

Mỗi lần đến thăm, tôi thấy Đinh Trung Kiên rất vui, nói chuyện tươi tỉnh nhưng giọng thì vẫn cứ lơ lớ không tròn tiếng, mẹ H'Ben phải dịch ý mới hiểu. Còn bây giờ mẹ H'Ben đã mất không biết đời Kiên ai lo...

Nhớ khi đến thăm, ít tháng sau tôi trở về TP. Hồ Chí Minh lại hay tin anh Thịnh đã mất. Thực ra anh Thịnh bị tai biến, nằm cũng khá lâu (trên 10 năm). Dẫu nghèo và khổ thế nào đi nữa, chị H'Ben vẫn chăm sóc chồng một cách chu đáo.

Có lần nghe chị kể chuyện tình yêu của hai người mà tôi cứ tưởng như câu chuyện cổ tích. Chuyện bắt đầu vào năm cuối năm 1964, một mối tình thầm lặng giữa H'Ben, người học trò cá tính, có giọng hát trong veo như tiếng suối reo đã đến thì thầm với một chàng trai Hà Nội.

Đó cũng chính là người thầy dạy kiến thức văn hóa cho H'Ben, cũng là người chơi đàn viôlông tài hoa mang tên Lê Đức Thịnh. Tuy H'Ben lớn hơn Lê Đức Thịnh 2 tuổi, chị là gái đã qua một đời chồng, có con đèo bồng, nhưng người con gái Bah Nar của núi rừng Tây Nguyên ấy đã "qua mặt" cả những cô nữ sinh xinh đẹp của trường Trưng Vương (Hà Nội) đã từng đem lòng yêu anh Thịnh. Vì tình yêu mãnh liệt, chị H'Ben lọt vào "đôi mắt xanh" của chàng trai Hà Nội và trở thành mối tình thật lãng mạn.

Mặc cho gia đình bố mẹ anh Thịnh ngăn cản, hai người đã đến với nhau mà không ai có thể tách rời. H'Ben nhớ có lần anh Thịnh lấy trộm bộ quần áo của bố mình đem cho chị mặc giả bạn trai để được đi chơi cùng, khỏi bị gia đình phát hiện. Rồi anh Thịnh chọn đúng ngày mùng một Tết (năm 1964) để thưa với bố mẹ xin cưới H'Ben. Hai người nghĩ rằng, chọn mùng một Tết đầu năm để bố mẹ không nỡ lòng quát mắng con cái mình, nhưng chuyện vẫn không thành.

Bố mẹ anh Thịnh vẫn ngăn cản nên chàng trai "si tình" đã quyết tâm lặng lẽ khăn gói rời nhà lên Hà Bắc tìm H'Ben trong ngày mùng một Tết năm ấy. H'Ben ngỡ ngàng khi thấy anh Thịnh không thể ăn Tết thiếu mình nên hai người ôm nhau trong nước mắt... hạnh phúc.

Rồi hai người xin phép cơ quan được kết hôn và nhận món quà 4 mét vải cùng hai gói chè "Hồng Đào". Và mối tình ấy vẫn đẹp mãi, đi mãi cùng năm tháng đến núi rừng Tây Nguyên cho đến ngày cuối đời.

Trọn cuộc đời nghệ sĩ H'Ben gắn với dân ca Tây Nguyên.

Chị H'Ben có cái lạ là không muốn làm phiền ai. Dường như chị sinh ra trên đời này, được sống trên cuộc đời này là để cho chứ không cần được nhận. Cũng vì lẽ ấy mà khi chị đang hạnh phúc với Anh hùng Đinh Núp ở miền Bắc nhưng hay tin người em gái của vợ đầu anh Núp là Chrơ còn sống ở làng Sitơr nên H'Ben đã tình nguyện nhường hạnh phúc ấy của mình lại cho Chrơ.

Sau này chị H'Ben gặp anh Thịnh, dẫu khó khổ mấy chị cũng hy sinh vì chồng, vì con. Khi vào Nam, chị H'Ben cũng đưa anh Thịnh cùng đứa con riêng tật nguyền của mình về Tây Nguyên. Sau khi nghỉ hưu, rời phố núi Pleiku về tận quê nghèo ở Kông Chro, thường ngày, hai vợ chồng vui với con suối, bờ tre...

Rồi anh Thịnh đổ bệnh, bị tai biến nằm một chỗ, chị H'Ben một tay lo cho chồng, một tay lo cho con trai tật nguyền nhưng chị vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Hôm tôi cùng Thiếu tướng Phạm Văn Miên đến thăm gia đình, chị đã rưng rưng cảm xúc. Chị bảo, dù nghèo vật chất nhưng lòng mình thì không nghèo. "Khi có việc cần sớm hôm, cán bộ chiến sĩ của Công an huyện Kông Chro đến giúp chị nhưng chị cứ bảo không lo đâu, chị vẫn làm được"- Đại tá Lê Hoài Nam-Trưởng Công an huyện chia sẻ.

Dù nghèo nhưng trong căn nhà nhỏ đơn sơ của chị luôn đầy khúc hát dân ca Tây Nguyên. Chị kể thuở xưa, khi làng Đe Dơng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai còn có nhiều cây rừng và hoa rừng đẹp lắm, nước sông Ba cũng réo rắc vút cao.

Chị yêu dân ca Tây Nguyên khi nghe già làng hát. Nhưng rồi chiến tranh ác liệt, bao tình yêu của chị với buôn làng, với khúc hát dân ca bị chia cắt. Năm 12 tuổi, nghe lời cán bộ ở đồng bằng lên Tây Nguyên vận động dân làng theo cách mạng đánh Pháp, chị cũng thấy mình đã lớn và có trách nhiệm nên xin cha mẹ lên đường theo bộ đội. Đêm đầu tiên lên rừng, H'Ben gùi theo hai bao thóc tiếp sức cho bộ đội đánh Pháp. Hết tải lương thực, H'Ben tập vót chông, đêm biểu diễn văn nghệ…

Như có năng khiếu của "trời cho" nên càng lớn giọng hát H'Ben càng trong như tiếng suối reo, ngân vang bất tận cùng núi rừng Tây Nguyên theo bước chân bộ đội. 

Thấy năng khiếu bẩm sinh của cô bé Bah Nar cần được nuôi dưỡng, phát huy nên năm 1955, H'Ben được cấp trên đưa ra miền Bắc vừa làm công tác văn công vừa học văn hóa. Hai năm sau (1957), H'Ben là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được dự Đại hội Thanh niên thế giới tại Moskva (Nga)...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị H'Ben về Tây Nguyên rồi đi dạy ở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật. Ngày đến lớp tối về chị dành thời gian chép nhặt dân ca Tây Nguyên để lưu giữ cho đời sau.

Hàng chục năm chị cùng chồng lẽo đẻo trên chiếc xe cà tàng lặn lội khắp núi rừng Tây Nguyên để sưu tầm những bản dân ca Bah Nar, Jơ Rai, XêĐăng… còn sót lại trong dân gian. Sau khi "nhặt" dân ca về chị dịch, tu sửa cho hoàn chỉnh rồi chồng đàn, vợ hát với nhau nghe. Rồi H'Ben mang những bản dân ca ấy dạy cho học sinh của mình hát theo, cho in thành sách... Và đến tận những ngày cuối đời, bên căn nhà sàn nhỏ bé nơi dòng sông Ba, chị vẫn hát dân ca Tây Nguyên. Tiếng hát ấy của chị vẫn vút cao, bay xa, trong veo như tiếng suối reo...

Thế rồi đến cuối năm nay, chị đã ra đi khi tôi chưa kịp trở về Tây Nguyên thăm chị. Ngẫm cuộc đời nhanh như tía chớp, chị với anh Thịnh mỗi người ra đi về với đại ngàn cách nhau chưa đầy 1 năm. Khi "lửa" tình già vẫn còn "nóng" trong những tháng ngày ở quê nghèo đầy nhân nghĩa, thủy chung.

Chị ra đi trong niềm thương tiếc của bao người yêu dân ca Tây Nguyên, yêu tiếng hát trong veo như tiếng suối reo của chị. Hoa rừng vẫn còn thơm mãi mãi, tiếng suối vẫn còn reo giữa đại ngàn hùng vĩ, tiếng tình, tiếng lòng người người thương yêu vẫn còn mãi mãi.

Đặng Ngọc Như
.
.
.