Chinh phục điểm cực Tây Tổ quốc

Thứ Sáu, 29/03/2013, 14:54
Điểm cực Tây hay còn được gọi là mốc số 0, mốc ngã ba biên giới, là điểm bắt đầu của hệ thống cột mốc biên giới trên đất liền làm nên hình chữ S của Tổ quốc, thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây chính là cột mốc chung của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Gọi là chinh phục bởi để lên được đây là cả một chặng đường gian nan mà ai trải qua sẽ là một điều thú vị đáng nhớ trong cuộc đời.

Nếu bắt đầu từ Hà Nội, sẽ phải vượt qua 500km theo quốc lộ 6 qua một trong tứ đại đỉnh đèo là Pha Đin huyền thoại mới đến được Điện Biên. Từ Điện Biên phải đi khoảng 200km đường hầu hết là đèo núi quanh co khó đi. Nếu đi xe khách, nhanh cũng phải mất 6 – 7 tiếng mới tới trung tâm huyện Mường Nhé. Với những ai bị say xe thì đây quả là một chặng đầy gian nan cực khổ. Nhất là gặp phải bác tài xế vui tính tuyên bố: “Vào Mường Nhé không say xe không lấy tiền” thì có lẽ sẽ có người bỏ cuộc. Quyết tâm đi hết mới thấy chẳng phải ngoa. Này đây đường núi ngoằn ngoèo gấp khúc lại cheo leo giữa đỉnh núi và vực sâu. Nhiều đoạn đường xấu mà tài xế chưa kịp hãm phanh thì ai nấy sóc nẩy lên tưởng chừng như cơm cháo nôn hết ra. Ừ thì cảnh núi, cảnh rừng điệp trùng ngút ngát ẩn hiện những nếp nhà xa xa cũng đẹp và thơ mộng lắm, nhưng không phải ai cũng đủ sức tỉnh táo mà chiêm ngưỡng hết được. Nhiều người sẽ thở phào khi xe đậu bến tại trung tâm huyện Mường Nhé.

Nhưng chưa hết, đoạn đường từ đây vào với ngã 3 biên giới mới thực sự khó khăn. Đường xa đã là một vấn đề, cái khó là không có tuyến xe nào chạy vào. Nếu không có xe máy thì chỉ còn cách đi xe ôm. Mà xe ôm cũng không nhiều và giá cả thì ngất ngưởng. Đi xe khách 200km từ Điện Biên vào Mường nhé chỉ hết 120.000đ nhưng đoạn đường khoảng 60km còn lại để đến Đồn Biên phòng A Pa Chải đi xe ôm ít nhất cũng hết 300.000đ/người. May mà bây giờ mới có đường nhựa, chứ theo bà con thì chỉ cách đây vài năm, đường vào đó còn phải lội suối, đi bộ nhiều. Dù đường nhựa nhưng cũng quanh co gấp khúc nên thường chỉ đi với tốc độ 30 – 40km/h. Suốt cả chặng đường chỉ thấy núi và núi, thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng một bản làng, dân ở đây thưa thớt một phần vì có khu rừng bảo tồn. Tôi thắc mắc về đời sống bà con ở đây thì được anh xe ôm cho biết ở đây có nhiều triệu phú, tỉ phú.

Không biết anh thật hay đùa. Anh kể nhân dân ở đây thuộc dạng khá, nhất là trong địa bàn xã Sín Thầu, chủ yếu là người Hà Nhì, đều biết chăn nuôi trồng trọt, nhất là trâu bò, nhiều nhà có từ vài chục đến vài trăm con, nhà ít nhất cũng có hai con. Giá mỗi con trâu từ hai mươi đến ba mươi triệu là bình thường, con to còn có thể lên đến 40 triệu đồng. Nổi bật nhất ở đây là dòng họ Pờ, luôn đi đầu trong học tập cũng như làm ăn kinh tế.

Về sau chúng tôi gặp Chủ tịch kiêm Bí thư xã Sín Thầu là Pờ Dần Xinh thì quả đúng thế thật. Hóa ra chính ông cũng là một trong những người nêu gương sáng trong học tập và làm ăn của dòng họ Pờ cũng như người Hà Nhì nơi đây. Thật đáng mừng cho bà con nơi ngã ba biên ải xa xôi này.

Khi lên tới Đồn Biên phòng A Pa Chải thì trời đã đổ bóng hoàng hôn. Nhìn mặt trời đang dần xuống đỉnh núi phía Tây khiến chúng tôi càng háo hức muốn tới ngay điểm cực Tây. Sau một ngày đi đường mệt nhọc, được các chiến sĩ Biên phòng tiếp đón rất chu đáo chúng tôi thấy ấm lòng và yên tâm. Đúng là tình quân dân thời nào cũng luôn gắn bó thắm thiết. Trông các chiến sĩ Biên phòng ai cũng rắn rỏi khỏe mạnh dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nước sinh hoạt lấy từ nguồn suối tự nhiên trên núi nên nếu trời mưa là nước đục ngầu không dùng được. Điện lưới chưa có, phải dùng máy phát nên chỉ chạy vài tiếng vào buổi tối trừ khu chỉ huy. Đồ ăn thức uống đều phải lấy từ ngoài mà đường sá lại xa xôi. Việc tăng gia sản xuất cũng đỡ được phần nào nhưng không phải lúc nào nuôi trồng cũng thuận lợi. Đã thế đồn lại thường xuyên có khách vì ngoài các đoàn báo chí, dân phượt muốn chinh phục cột mốc số 0 cũng rất nhiều. Tất cả đều phải qua đồn thì mới có thể được đi và có chiến sĩ dẫn đường.

Các chiến sĩ Biên phòng đang chuẩn bị chào cột mốc.

Trong bữa cơm, Đồn phó Pờ Bạch Quân tâm sự: “Các bạn thông cảm vì phải ăn rau già thế này, nếu bình thường thì hiện nay việc tăng gia của đồn cũng tạm đủ, nhưng vì nhiều khi có khách đến thất thường nên rau trồng được không ăn hết cũng cứ phải để dự trữ chứ không dám vứt. Bởi ở đây lấy đâu chợ mà chạy ra mua. Có chợ ở cửa khẩu A Pa Chải nhưng tháng chỉ họp ba lần vào ngày 3” Dường như chính sự thiếu thốn ấy đã rèn luyện họ luôn vững chắc tay súng để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Mốc số 0 cách đồn khoảng 9km nhưng đoạn đường có thể đi xe máy vào chỉ được 4km, còn lại phải đi bộ leo núi. Nhưng không dễ leo mà phải lần theo đường mòn, vạch lá vạch cây qua rừng mới đi được, nhiều đoạn dốc dựng đứng, đi nhanh cũng phải mất từ 2,5 – 3 tiếng. Khi được nghe anh Thành, chính trị viên phó của đồn kể đường đi như lên đỉnh Phan xi phăng, chúng tôi vừa thấy hấp dẫn lại vừa lo vì không biết mình có leo nổi không? Anh bảo thế mới vui và tự hào. Vì nếu có đường chạy thẳng đến đó thì còn gọi gì là chinh phục nữa. Tết vừa rồi anh ở lại trực nên đã đưa vợ con từ Yên Bái lên ăn Tết cùng. Và gia đình anh đã có một cái tết đáng nhớ bởi cả gia đình đã chinh phục được mốc ngã ba biên giới. Điều đặc biệt thú vị là cho đến nay, người trẻ tuổi nhất đã leo lên đến điểm cực Tây với độ cao 1875m lại chính là đứa con trai mới lên bốn tuổi của anh. Nhìn thấy niềm tự hào của anh mà chúng tôi có phần ghen tị và lại thấy quyết tâm.

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường. Các chiến sĩ đã chuẩn bị đầy đủ cả thức ăn, nước uống mang theo. Vì chắc chắn phải ăn trưa ở đó rồi mới có sức mà về. Lúc mới lên xe, ai cũng có vẻ sốt sắng. Khi bắt đầu phải leo bộ, mới được đoạn qua rừng cỏ gianh mà chúng tôi đã bắt đầu thở. Rừng gianh tốt ngập người, phải khéo léo để không bị cứa vào mặt, nếu mặc áo cộc thì không tránh khỏi xước tay. Đoạn đường càng lên càng khó đi vì đây là khu vực rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp.

Đêm qua trời mưa nên nay sương mù dày đặc, hơi nước bay như những đám mây phả cả vào mặt cho ta cảm giác vừa mát vừa lạnh. Khí hậu ở đây cũng rất đặc biệt, ngày nắng chang chang nhưng cứ lặn mặt trời là thấy lạnh, đêm ngủ phải đắp chăn, kể cả mùa hè. Hôm chúng tôi đi, Hà Nội mưa lạnh buốt, chuẩn bị rất nhiều áo rét vì nghĩ lên vùng núi sẽ rét hơn. Ấy vậy mà khi lên đây thì nắng như mùa hè. Hóa ra vùng này ảnh hưởng của gió Lào, lại có dãy Hoàng Liên Sơn chắn nên không khí lạnh ít ảnh hưởng.

Qua hết khu rừng cỏ gianh là đến khu rừng nguyên sinh, đây cũng là khu rừng bảo tồn nên không thể đưa máy móc vào làm đường được. Cảm giác đi đường mòn trong rừng rậm vừa thú vị lại vừa rờn rợn. Đúng là rừng núi âm u, ngước nhìn lên không thấy trời mà chỉ cây là cây. Thỉnh thoảng mới có vài khoảng trống nhưng nay gặp đúng hôm mưa nên chỉ thấy mù mịt sương bay. Có thể nhìn thấy từng hạt hơi nước nhỏ li ti, li ti đang bay như đuổi nhau. Hóa ra những đám mây trên đỉnh núi mà chúng tôi nhìn thấy từ xa là đây. Tôi dám chắc những ai đã được đi trong mây như thế này cũng sẽ tưởng tượng mình đang ở trên thiên đình. Kìa những cây cổ thụ mọc đầy rêu và những khóm phong lan đang thả những chùm hoa đung đưa lạ mắt, những cây dây leo giăng mắc như những con trăn dải ngoằng đang quấn lấy nhau. Bước trên những tảng đá rêu xanh mà tôi cứ ước giá có nắng chiếu xuống thì còn tuyệt nữa.

Nhưng theo các chiến sĩ biên phòng thì hơi khó, có những chỗ hầu như quanh năm không có nắng. Chính vì vậy mà khu rừng này luôn ẩm ướt. Những trảng rêu trên cây, trên đá đã chứng tỏ điều đó. Cũng vì vậy mà vắt lại sinh sôi. Cái điều mà tôi đã sợ từ trước khi đi rừng là rắn và vắt thì giờ đã phải trải qua. Rắn thì không thấy nhưng đã được nghe cảnh báo trước về vắt và cũng đã phòng bị. Vậy mà không biết có phải tranh thủ lúc tôi mải ngắm những bông phong lan, một con vắt đã bám vào chân tôi một cách tài tình đến mức tôi không hề hay biết. Mãi đến lúc leo dốc mỏi quá ngồi nghỉ cho thư giãn cái chân mới phát hiện. Cái giống chỉ như con đỉa con mà bám chắc hơn đỉa. Hãi nhất là không thể cầm máu. Tìm đủ các thứ lá cây rịt vào mà vẫn không được. Rịt kín thì không sao, cứ bỏ ra là máu lại chảy. Phải đến mấy ngày sau mới thấy không chảy nữa.

Suốt cả mấy tiếng leo dốc tưởng đứt hơi vẫn chưa tới, dù luôn có tiếng nhiều loài chim hót rất vui tai nhưng có lẽ cái mệt làm người ta không chú ý. Ấy vậy mà khi nghe các chiến sĩ Biên phòng phía trước hô đến rồi thì ai nấy đều xăm xăm bước dù đoạn cuối vào dạng dốc nhất chặng. Tới nơi, ai nấy đểu hổn hển thở dốc nhưng đều thấy nét vui tươi rạng rỡ trên khuôn mặt. Chủ quyền dân tộc là đây, mốc số 0, nơi bắt đầu của hệ thống mốc biên giới quốc gia thiêng liêng của Tổ quốc là đây, mốc ba cạnh đánh dấu chủ quyền ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

Đứng trước cột mốc, ai nấy đều cảm thấy tự hào dân tộc, nhất là lúc cùng các chiến sĩ Biên phòng đứng chào cột mốc, niềm tự hào ấy lại dâng lên. Cái cảm giác bước vài bước là sang được cả Lào và Trung Quốc thật là tuyệt. Một điều tuyệt vời nữa là khi đứng ở cột mốc, trời nắng nóng. Nhưng chỉ cần đi vài bước về phía Việt Nam hay Trung Quốc là lại mát lạnh với sương bay. Có lẽ đây chính là điểm khác biệt ở điểm cực Tây mà ai cũng thích.

Tôi biết đã nhiều người chinh phục điểm cực Tây từ khi đường còn khó khăn hơn. Mỗi người khi lên tới đây sẽ có những cảm nhận riêng. Kể cả khi dự án làm đường bậc thang lên đây hoàn thành để giúp cho việc đi tuần và tham quan thuận lợi hơn, thì tôi tin ai đó đã tới đây đều có niềm tự hào dân tộc và thú vị tuyệt vời. Nếu bạn muốn có cảm giác chinh phục khi dự án đường chưa hoàn thành, hãy đi ngay thôi!

Trần Đức Hiển
.
.
.