Chợ Nhà Xanh: Đi hay ở?

Thứ Sáu, 03/01/2014, 12:11

Trong buổi tiếp nhận đơn kêu cứu của các tiểu thương chợ Nhà Xanh, bà con tiểu thương dãy nhà D, nơi bị thiệt hại về đám cháy nhiều nhất cho biết, ngoài khung cảnh tạm bợ của các ki ốt bị cháy phục hồi kinh doanh lại thì những người tiểu thương ở đây gặp rất nhiều khó khăn, và trở ngại trong công việc buôn bán: đi không được, ở không xong...

Trong kí ức của nhà văn hóa Giang Quân, những ngôi chợ có lịch sử lâu đời như chợ Ô Chợ Dừa, chợ Bưởi hay chợ Nhà Xanh…ở Hà Nội, không chỉ đơn giản là nơi diễn ra hoạt động mua bán hàng hóa nữa, mà còn là nơi gắn với đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ấy thế mà, bên cạnh nỗi kinh hoàng cháy chợ gần đây, bà con tiểu thương ở chợ Nhà Xanh còn đứng ngồi không yên với nỗi sợ hãi thấp thỏm rằng, ngôi chợ có đến 30 năm lịch sử ấy sắp sửa bị xóa bỏ khỏi kí ức người Hà Nội, như một lịch sử lặp lại của câu chuyện Đống Đa, Ô Chợ Dừa?

Tan hoang chợ cũ, "phũ phàng" chợ mới

Bà Trực, một tiểu thương chợ Nhà Xanh đã gắn bó với khu chợ từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay ngậm ngùi khi nói về khung cảnh mua bán ở thiên đường mua sắm dành cho sinh viên sau vụ cháy. Bà dẫn chúng tôi đến từng ki ốt của các tiểu thương bị cháy chợ, bên cạnh dòng người mua bán tấp nập ở các cửa hàng không bị thần lửa hỏi thăm là hình ảnh những tấm bạt tạm bợ bày ra trên hè phố đường Phan Văn Trường.

Một tấm bạt ở dưới, một tấm ở trên chăng ra nối tiếp nhau như những miếng vá của kẻ hành khất để che mưa, che nắng. Những mái tôn đen nhẻm được tiểu thương tận dụng lại dường như không mấy thu hút với các bạn sinh viên, những vị khách thường ngày dạo chợ Xanh mua bán. Cố gắng duy trì buôn bán với mong ước trả được hết nợ nần, gương mặt tiểu thương ai nấy chắc chắn chưa thể thoát khỏi nỗi hãi hùng. Nhưng điều khiến bà Trực, cũng như hầu hết tiểu thương chợ Nhà Xanh buồn lòng nhất chính là, đến thời điểm này ngoài lời hứa từ Ban quản lý chợ ngay sau vụ cháy vẫn chưa hề có một sự hỗ trợ chính thức nào từ phía cơ quan Nhà nước, gọi là động viên tinh thần người dân sau cháy chợ.

Trong buổi tiếp nhận đơn kêu cứu của các tiểu thương chợ Nhà Xanh, bà con tiểu thương dãy nhà D, nơi bị thiệt hại về đám cháy nhiều nhất còn cho biết, ngoài khung cảnh tạm bợ của các ki ốt bị cháy phục hồi kinh doanh lại thì những người tiểu thương ở đây gặp rất nhiều khó khăn, và trở ngại trong công việc buôn bán: đi không được, ở không xong.

Địa điểm mới chợ Nhà Xanh.

Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ một ki ốt buôn bán quần áo nói rằng: Sau vụ cháy, gia đình anh cũng căng bạt ngồi nhờ bên cạnh một quầy hàng không bị ảnh hưởng, mặc dù có hợp đồng thuê chỗ nhưng bây giờ ki ốt của anh chẳng khác nào một ki ốt bán chui, không có điện không có mái che, không có chỗ để hàng hóa. Hàng ngày vợ chồng anh chở hàng ra, rồi chở hàng về căn nhà vốn đã chật chội.

Từ hôm cháy chợ đến giờ, ở trên quận cũng chưa có một động thái nào hỏi thăm, hỗ trợ. Bản thân anh chỉ mong Nhà nước giúp dân vay vốn khắc phục kinh doanh. Trong tình hình hiện tại, kế hoạch của Ban quản lý (BQL) chợ là chuyển chợ sang chỗ mới, anh cùng nhiều bà con tiểu thương đã phản ánh lại trong đơn kêu cứu rằng: Phải kí đồng ý di dời thì các tiểu thương ở đây mới được BQL cho phép đấu điện để sử dụng, hoặc là sử dụng ắc quy để thắp bóng đèn phục vụ kinh doanh sau 6h tối.

Anh Ngô V.Hùng, chủ một ki ốt kinh doanh giày dép cho biết, anh cùng với bà con tiểu thương ở chợ Nhà Xanh cũ cũng muốn chuyển sang một địa điểm mới để ổn định kinh doanh, nhưng chuyển đi cũng khó mà ở lại với tình trạng quá tạm bợ như hiện nay, chỉ sau một thời gian cũng không thể buôn bán được gì nữa vì mất mối khách. Bên cạnh đó, dự án chợ Nhà xanh mới cũng là một ngôi chợ tạm, được bố trí theo hình móng ngựa, ở vị trí cuối đường không thuận lợi cho công việc buôn bán. Mặt khác vì chợ Mới thuộc sự quản lý của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch Vọng, bà con phải thỏa thuận lại giá thuê cũng như mọi khoản chi phí theo giá của chủ đầu tư quy định. Số phận mới cũng không được chắc chắn khi bà con lại phải lo lắng đến các điều khoản thỏa thuận mới có thể giúp ổn định kinh doanh, hay một thời gian sau lại phải chuyển đi một chỗ khác để thực hiện chính sách xóa bỏ chợ tạm của Nhà nước đã đề ra?

Theo chúng tôi quan sát, chợ Nhà Xanh mới đang được gấp rút hoàn thành theo kế hoạch chuyển chợ của quận Cầu Giấy, nhưng không được bà con tiểu thương ủng hộ. Đi không được, ở không xong, tình trạng cực kì bức bối khiến bà con tiểu thương chợ Nhà Xanh mất ăn, mất ngủ.

Những khoản thu mập mờ

Trong buổi tiếp nhận đơn kêu cứu của bà con tiểu thương chợ Nhà Xanh gửi đến chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, bà con tiểu thương phản ánh lại rằng: Một tháng, ngoài các chi phí phải đóng khi kí hợp đồng kinh doanh tại chợ Nhà Xanh, theo quy định của Nhà nước mỗi hộ kinh doanh đóng 600 ngàn tiền phí bảo vệ, vệ sinh một tháng, các hộ kinh doanh ở đây phải đóng thêm chi phí 800 ngàn đồng tiền bảo vệ đêm nếu hộ nào kinh doanh sau 6h tối. Mỗi tháng đều có một người bảo vệ chợ và một cán bộ của BQL đi thu tiền, các khoản chi phí theo quy định đều có hóa đơn đầy đủ, riêng chi phí 800 ngàn/tháng bảo vệ đêm thì không có một giấy tờ nào cả.

Khung cảnh mua bán tấp nập ở địa điểm cũ chợ Nhà Xanh.

PV chuyên đề CSTC đã gặp bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Ban quản lý chợ Nhà Xanh ( có băng ghi âm) để giải đáp thắc mắc này của bà con tiểu thương và được bà Hà cho biết: "Kinh doanh đêm là nguyện vọng chính đáng của bà con tiểu thương ở chợ Nhà Xanh mà BQL chợ xét thấy cần tạo điều kiện cho bà con. Việc tăng cường bảo vệ đêm khiến BQL chợ phải làm việc hết sức vất vả, ngoài kinh phí Nhà nước cấp, việc bà con tiểu thương có tiền "trà thuốc" cho BQL chợ là hết sức bình thường. Việc này (tức là việc thu thêm khoản 800 ngàn đồng bảo vệ đêm một tháng, không có phiếu thu) tôi không chỉ đạo".

Khi phóng viên hỏi về việc bà Hà có biết có khoản thu 800 ngàn một tháng hay không thì bà Hà liên tục nói rằng: "Tôi không chỉ đạo, tại sao khi được BQL chợ tạo điều kiện kinh doanh thì bà con không kêu cứu, đến giờ lại kêu cứu?!". Được biết, khoản tiền 800 ngàn/tháng tiền bảo vệ đêm bắt đầu thu từ đầu năm 2013, trong vòng một năm nay khi bà Nguyễn Thị Hà về làm Trưởng BQL chợ Nghĩa Tân, phụ trách quản lý chợ tạm Nhà Xanh. Câu hỏi đặt ra, không biết vô tình hay cố ý ngay sau khi xảy ra vụ cháy chợ Nhà Xanh, kế hoạch di dời về địa điểm chợ tạm Dịch Vọng Hậu lại được ban hành ngay sau đó?

Đứng trong không khí mua bán sầm uất ở chợ Nhà Xanh sau vụ cháy lớn, tôi nghĩ đến câu chuyện của một người đàn bà bán hàng lá thuốc ở chợ Ô Chợ Dừa nói với tôi về hi vọng một ngày bà sẽ có một quầy thuốc nhỏ ở trong cái khu trung tâm thương mại to lớn mang tên OCD nửa tây nửa ta kia, vì người ta (chủ đầu tư) đã hứa, và người đàn bà đã buôn hàng thuốc nam ấy không cần phải sáng nào cũng hì hụi tấp quầy hàng của mình vào một góc ở mé đường La Thành bụi bặm. Nhưng như quy luật của cuộc sống lâu nay, tôi không dám nói với người phụ nữ kia rằng ngôi chợ có đến 870 năm lịch sử ấy mãi mãi sẽ chỉ còn là kí ức của cô, của cháu, của bác Giang Quân với cái tên OCD lạc loài, vô nghĩa.

Trong nguyện vọng chính đáng của bà con tiểu thương chợ Nhà Xanh, sẽ mãi lưu giữ được một khu chợ giá rẻ cho học sinh, sinh viên, lưu giữ được một hình ảnh thiên đường mua sắm của người dân thành phố ở một nơi cố định, một nơi được quy hoạch đàng hoàng, chứ không phải mãi là một cái chợ tạm nay ngồi chỗ này mai ngồi chỗ khác. Cho đến khi chuyển chợ Nhà Xanh về một nơi cố định được Nhà nước quy hoạch, quản lý để phục vụ cho dự án mở đường Phan Văn Trường vào năm 2015. Mong muốn của bà con tiểu thương chợ Nhà Xanh là được tiếp tục xây dựng lại ki ốt đàng hoàng để kinh doanh tại địa điểm cũ.

Hơn hết nữa sẽ luôn được quản lý bằng một cơ chế cố định để người dân có thể yên tâm mua, bán, nói những câu chuyện vui vẻ hàng ngày ở chợ, kể cho nhau nghe lịch sử 40 năm chợ Nhà Xanh đã diễn ra bao nhiêu lần cháy chợ!

H.Cẩm
.
.
.