Chợ hoa Tết phố cổ

Chủ Nhật, 27/01/2019, 16:06
Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta tạm biệt năm cũ Mậu Tuất, đón chào năm mới Kỷ Hợi. Ở Thủ đô Hà Nội, một không gian văn hóa đậm màu sắc Tết cổ truyền nhất được khai mạc sớm nhất, đó là chợ hoa Hàng Lược.


Gọi là chợ hoa, nơi đây không chỉ bán các loại hoa, mà là muôn vàn hàng hóa, đồ vật trang trí ngày Tết. Đến đây, hòa mình vào dòng người đi bộ,  tham gia các hoạt động đón Tết cổ truyền trên nhiều con phố khác nữa, bạn sẽ thấy lòng mình như đang tràn ngập sắc xuân.

Gọi là chợ hoa Hàng Lược, vì chợ chỉ họp trên phố cổ Hàng Lược và các con ngõ gần kề đó. Chợ hoa Hàng Lược ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, đây cũng chính là chợ hoa lâu đời nhất của Thủ đô. Mỗi năm chợ hoa chỉ họp đúng một lần, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Thường thì chợ hoa bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày Ông Công Ông Táo lên chầu trời và kết thúc vào đêm 30 Tết. Nhưng những năm gần đây, Ban quản lý phố cổ Hà Nội khai mạc chợ hoa Tết sớm hơn, thường vào sau rằm tháng Chạp để bà con có điều kiện đi chơi chợ hoa sớm hơn.

Đào và quất khoe sắc trên phố Hàng Lược.

Dù cho hôm nay, ở Thủ đô đã xuất hiện nhiều chợ hoa Tết khác nhau, nhưng chợ hoa Hàng Lược vẫn luôn là địa chỉ thu hút mọi người. Đây vẫn là khu chợ được xem là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hóa của người Hà Nội.

Chợ hoa Hàng Lược đã đi vào thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật, trở thành một nỗi nhớ trong tâm tưởng của những người dân Thủ đô, đặc biệt những người ở xa quê hương khi Tết đến xuân về.

Chợ hoa Hàng Lược kéo dài suốt con phố Hàng Lược, đến Hàng Chai, Hàng Rươi, cộng luôn thêm cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng. Bao nhiêu sắc hoa thắm tươi đua chen trong khu chợ này.

Những người bán hoa, như thường lệ thường tuyển chọn những loại hoa đẹp nhất, những bông hoa đặc sắc nhất để bày bán trong khu chợ này. Bà Nguyễn Thị Cần, một người dân trong khu phố cổ nói: "Tôi vẫn thích nhất chợ hoa Hàng Lược. Đi chợ hoa Hàng Lược, cây đào, cây quất cũng đẹp hơn, nhã hơn. Hoa thì luôn là những cây, những bông đẹp nhất, mướt mát nhất. Tôi đi một số chợ hoa khu vực khác rồi, nhưng chả đâu bằng. Với lại, ở đây ngoài hoa hay cây cảnh, mình sắm những thứ khác cũng tiện, như đèn lồng, câu đối, các đồ trang trí ngày Tết, rồi bánh kẹo nữa, đủ cả. Đấy là chưa kể được ngắm người ngắm phố, vui vô cùng. Ở trong khu chợ Hàng Lược, cảm nhận được cái Tết truyền thống rõ ràng hơn nhiều ở những khu vực khác. Người già chúng tôi hay hoài cổ, đến đây nhớ những cái Tết xưa, dù cuộc sống đã hiện đại nhiều rồi".

Hoa trong chợ Hàng Lược không giống hoa ở các chợ đầu mối khác, vì bán buôn nên cứ chất đống chất chồng. Hoa trong chợ Hàng Lược người ta bày biện đẹp mắt, gọn gàng và phong phú các loại từ lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường… Đào hay quất ở đây cũng là những cây có thế đẹp, dáng dấp xinh xắn, dễ cầm, dễ mang.

Ở đây không có nhiều những cây đào khổng lồ, cổ thụ, hay đào rừng cao to lòa xòa. Muốn mua những loại cây lớn hơn, mọi người sẽ phải qua khu Quảng Bá hay vườn đào Nhật Tân, khu Lạc Long Quân… Một đặc điểm nữa của chợ hoa Hàng Lược là khu vực bán hoa lụa hay hoa giấy.

Người đi bộ chen chân trên phố cổ Hà Nội.

Dù cho người ta mua hoa tươi chơi Tết là chính, nhưng không ít người vẫn mê mẩn ở các cửa hàng hoa lụa, hoa giấy. Vì công nghệ làm hoa lụa, hoa giấy hiện nay rất tốt. Hoa cao cấp được nhập khẩu về từ các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu đẹp và sinh động hơn cả thật, giá cả cũng rất đắt. Các bà, các chị ngoài bày hoa tươi còn bày thêm cả hoa lụa cho gia đình nhiều sắc màu ngày Tết.

Chợ hoa Hàng Lược còn tưng bừng sắc đỏ của các cửa hàng bán đồ trang trí hay phong bao lì xì Tết hay vui mắt bởi những cửa hàng bán bưởi Tết, quả hồ lô Tết. Ngày càng nhiều giống bưởi lai, với loại quả đỏ vàng phong phú, người dân tha hồ chọn về bày mâm ngũ quả.

Những ngày này, con phố Hàng Lược đã cấm tất cả các loại xe, chỉ để dành cho người đi bộ. Chợ hoa họp từ tờ mờ sáng đến nửa đêm tất cả các ngày. Cụ ông Đinh Văn Tiến vừa cầm một cành đào bích rất đẹp trên tay vừa kể: "Bất kỳ người Hà Nội gốc nào cũng có những ký ức tuổi thơ về chợ hoa Hàng Lược. Ngày xưa  lúc còn nhỏ, tôi thường theo bà, theo mẹ đi xem và chơi chợ Hàng Lược. Đi chơi chợ hoa là không vội được, phải nhẩn nha vừa đi vừa ngắm, thỉnh thoảng lại sà vào một hàng hoa bên đường, xuýt xoa vì cây hoa đẹp, nếu ưng mua thì trả giá.

Người bán cũng không vì thế mà tỏ ra khó chịu, niềm nở chào mời và vui vẻ tặng nhau một lời chúc mừng năm mới. Có lẽ  vì nét văn hóa đó mà chợ hoa Hàng Lược trở thành điểm đến hấp dẫn của người Hà Nội trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Đó là một vẻ đẹp của văn hoá đất kinh kỳ.

Chợ hoa Hàng Lược ngày nay có phần ồn ào và xô bồ hơn trước. Cũng không thể trách được, vì cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Tôi thì năm nào cũng vẫn đến đây ngắm hoa, ngắm cây, mua cũng được mà không mua vẫn vui. Đi chợ Hàng Lược là để tìm lại một phần ký ức của mình  ngày xưa".

Vài năm trở lại đây, người đi chợ hoa Hàng Lược còn được ngắm nghía khu phố bích họa Phùng Hưng liền kề. Bên cạnh sự náo nhiệt của khu vực chợ hoa, sẽ là một không gian yên tĩnh hơn của phố bích họa, nơi bạn có thể đắm chìm trong những bức bích họa được thể hiện trên các bức tường cũ kỹ, nhắc về những sinh hoạt văn hóa của Hà Nội xưa và cả những đổi thay trong cuộc sống mới hôm nay.

Bà Trần Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: "Chợ hoa Tết Hàng Lược và không gian bích họa phố Phùng Hưng, phố tranh bích họa Phùng Hưng là dự án nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, và nằm trong chương trình "Đưa nghệ thuật vào không gian sống" do Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc phối hợp với Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc và các thành phố tại Việt Nam triển khai từ năm 2015. Sau khi hoàn thành, dự án đã vinh dự đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Từ khi đi vào hoạt động, phố tranh bích họa Phùng Hưng trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, Chợ hoa Hàng Lược. Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức trang trí, chiếu sáng không gian Bích họa phố Phùng Hưng và chợ hoa Tết phố Hàng Lược.

Phố Hàng Mã rực rỡ ngày chợ Tết.
Tấp nập chợ hoa Hàng Lược.

Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết như: Tranh dân gian Đông Hồ; con giống bột làng Phượng Dực; Con Giống đất làng Đông Hồ; nghệ thuật nặn và vẽ các con giống bằng gốm; Mây tre đan; Thư pháp… với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề.

Chúng tôi muốn tái hiện lại các giá trị truyền thống của Hà Nội xưa để mỗi người khi đến đây sẽ thêm trân trọng, tự hào về Thủ đô của mình và cống hiến những gì đẹp đẽ cho Hà Nội hôm nay".

"Nét xuân xưa" là tên gọi của một chuỗi hoạt động phục vụ nhân dân Thủ đô Tết Kỷ Hợi 2019 của Ban quản lý phố cổ. Từ chợ hoa Hàng Lược, các không gian sẽ được mở rộng ra liên tục, bày biện các trò chơi dân gian, các làng nghề truyền thống để nhân dân và khách du lịch có thể thưởng lãm một không khí Tết đậm màu sắc Hà Nội.

Chương trình "Nét xuân xưa" của Ban quản lý phố cổ Hà Nội tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội như sau:

- Tại địa điểm Đình Kim Ngân - 42, 44 phố Hàng Bạc: Trang trí, sắp đặt không gian sinh hoạt Tết truyền thống, phỏng dựng hoạt động sắp mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình, với mâm lễ bao gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội.

Tại địa điểm Ngôi Nhà Di sản - 87 Mã Mây: Giới thiệu không gian đón Tết của gia đình Hà Nội gồm các nội dung: Sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của gia đình Hà Nội, trưng bày hình ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam, giới thiệu thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa.... do Nghệ nhân văn hoá ẩm thực Trà Việt Nam - Nguyễn Cao Sơn trình diễn.

- Tại địa điểm Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội 28 Hàng Buồm: Giới thiệu 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng, triển lãm "Sắc Dó và Gốm Hương Canh" tôn vinh các sản phẩm truyền thống từ hai làng nghề Gốm sành Hương Canh (Vĩnh Phúc) và giấy Dó làng Dương Ồ (Bắc Ninh).

Phan Hữu
.
.
.