Chợ tết Cô Sàu

Thứ Tư, 01/02/2012, 11:12

Tết sắp đến! Không khí cứ rộn lên khắp nơi. Trong bản ngoài phố nhà nhà rậm rịch, người người râm ran. Cái khí xuân cứ vẩn vơ đâu đó khiến mọi người háo hức đợi cái giây phút thiêng liêng. Năm ngày một chợ phiên Cô Sàu. Chợ lớn nhất cho cả huyện đến họp. Cái chợ phiên cuối năm quê tôi gọi là chợ tết sao mà lâu đến.

Chợ tết nho nhe từ ngày mười lăm tháng chạp, hai mươi tháng chạp là cao trào, còn ngày hai mươi lăm là đỉnh điểm. Lỡ phiên chợ hai mươi lăm là tiếc ngẩn. Chỉ còn phiên ba mươi, nhằm cái ngày tất niên nên người cũng thưa, mà hàng hoá thì loàng toàng. Có chăng chỉ những người vì lý do nào đó mà chưa kịp sắm tết, những người đi làm ăn xa nay vội vã trở về, những người còn phải bòn những đồng tiền khó nằm sâu trong túi thiên hạ. Nhưng giàu nghèo gì rồi cũng có tết. Tết tự làm, tự có chưa đủ, phải sắm thêm. Những thứ cần đều có bày bán ở chợ.

Chợ Cô Sàu nằm giữa những hàng phố xây bằng đá. Người lẫn người đi qua những dãy lồ, choóng, thạ trước mặt những người phụ nữ vận áo chàm ngồi trên những chiếc đòn càn. Người bán không mời mọc, chỉ nhìn khách bằng nụ cười hiền. Hàng hoá mộc mạc thôi, nấm hương, mộc nhĩ, gạo nếp hạt tròn, đỗ xanh đựng trong nải mõm ngựa, rượu ngon ủ trong vò bọc lá chuối, lá giong dựng như củi, ống giang buộc thành bó ai mua cứ mua, của ai cũng được, không tranh chấp, khủng khỉnh tị hiềm. Cứ thản nhiên cùng xuân chuẩn bị vào năm mới. Yên vui và thanh bình.

Lâu rồi mới được về với phiên chợ tết quê nhà, tôi lách qua rừng người thẫm xanh màu chàm. Cái mùi ngai ngái của chàm nhắc tôi nhớ ngày xưa. Bây giờ cũng vẫn quần áo chàm nhưng thưa đi rồi. Lòng lơ thơ buồn. Chợ Cô Sàu vui nhất có lẽ là ở dãy hàng bán rượu. Rượu ngô Cô Sàu ủ bằng men lá, đựng trong bầu, trong chai, trong những chiếc vò to nhỏ đủ kích cỡ. Mới đi được một phần ba dãy hàng rượu đã thấy lâng lâng. Em tôi bảo : "Nếm náp thôi, đừng tợp sâu thế". Tôi nói: "Thì cũng chỉ nếm thôi". Em cười: "Anh vẫn hệt ngày xưa". Tôi thấy vui vui.

"Hệt ngày xưa" có nghĩa tôi vẫn là người quê nhà, rễ vẫn còn bén gốc. Tiếng cười nói sôi lên như đàn ong bay ngang trời. Nhớ hồi nhỏ mình thường bịt hai tai rồi mở ra, đóng vào tận hưởng âm thanh u oa, u oa khi to, khi nhỏ với niềm thích thú lạ kỳ. Tôi kín đáo đưa tay lên tai tìm lại cảm giác ngày ấy. Âm thanh giờ vẫn thế, nhưng hình như nó đã bị pha lẫn. Ngày xưa chỉ một âm điệu Tày Nùng, giờ đã thêm một nửa tiếng kinh. Ừ thì có sao, thời mới mà! Nhưng có gì đó tiếc nhớ khiến lòng bần thần. Tôi rẽ sang dãy bày bán gia cầm. Từ lâu lắm dãy hàng này luôn nằm riêng một góc đối diện với xóm Thang Cang. Chợ hai mươi lăm tết nên hôm nay chỉ thấy bày bán gà. Những người đàn ông, đàn bà, già có, trẻ có đứng cạnh những chiếc lồng đan bằng nan mạy pàu, bên trong nhốt những chú gà trống thiến béo mượt.

Ngày bé chúng tôi thường ra đây, chọn những con màu đỏ ớt, nhổ trộm lông đuôi về làm yến chơi. Có điều lạ những người bán gà đều điềm nhiên, thậm chí còn cười thân thiện với lũ trẻ. Giờ vẫn thế, vẫn những con trống thiến béo múp, lễ vật chính của mâm cỗ cúng trước đó đã được chăm bẵm một cách kỳ công. Gà khi thiến xong được chủ nhà đưa lên gác bếp tránh bệnh dịch, và cho ăn ngô hạt vàng. Phải đúng là ngô vàng gà mới béo và đẹp thịt. Tết đến dù nghèo đến đâu cũng gắng có một con trống thiến làm lễ dâng tổ tiên. Trăm người bán, vạn người mua, cuối ngày hàng hoá cũng được bán hết. Người bán hàng rủng rỉnh tiền lại tìm mua sắm tết. Những thứ cần sắm như thịt lợn, mắm muối, dầu hoả, mì chính, hạt tiêu cũng đã hòm hòm, vài đôi giày bát kết cho trẻ nhỏ cũng đã được cất vào đáy nải.

Cả năm mới có một ngày, hôm nay phải tự thưởng một tô phở. Hàng quà bánh phiên chợ tết ở Cô Sàu thì nhiều không thể kể. Phố xá, đình chợ nhà nhà tất bật kẻ ra người vào, ăn uống xì xụp, cười nói râm ran. Những bát rượu được rót đầy. Những cánh tay bíu vai nhau hò hẹn, tết nhất định phải gặp nhau mừng tuổi. Tôi cùng em tôi bước vào một quán phở. Chủ quán là bạn học cũ, nó cười nói với tôi nhưng vẫn luôn tay làm phở cho khách.

Nghe tôi hỏi nó cười phớ lớ: "Làm gì còn mấy lão vá chảo, chết ngóm từ chục năm rồi, chỉ còn có phở xa xíu thôi, cái thứ này ở quê mình sẽ không bao giờ kém trước đây, nó chỉ đắt hơn lên thôi, giá cả mà, tăng vùn vụt". Rồi nó bảo ngày trước cứ gần tết, ngay trước cửa nhà nó là một dãy những bễ lò hàn chảo gang…Tôi muốn nói là tôi vẫn còn nhớ là thế. Nhưng sao giờ không còn nữa? Làm gì còn, chảo trâu còn mấy người dùng, bây giờ người ta luộc bánh chưng bằng thùng tôn vừa nhanh sôi lại vừa xanh bánh. Biết là thế nhưng sao vẫn buồn vu vơ.

Những người hàn chảo là một phần của chợ tết, nó đã ăn sâu trong ký ức tôi. Tiếng bễ phì phò, thổi vào lò cỡ lồng ấp làm tan chảy gang vụn. Cái màu nước gang đọng trong miếng vải đệm lót tro như lòng đỏ trứng gà được áp vào chỗ nứt vỡ của chảo, nước gang lỏng đi qua khe nứt vỡ, lập tức bàn tay kia của lão thợ cầm cuộn giẻ dấp nước cột cứng như cổ tay miết lên. Khói bốc mù mịt, mùi gang nóng, mùi vải cháy khét lẹt. Tất cả đều diễn ra chóng vánh hấp dẫn lạ kỳ. Giờ mấy lão có còn hay đều chết ngóm? Tôi bỗng thấy nhớ họ, nhớ những khuôn mặt mốc meo tro bụi hiện dưới những vành khăn bạc phếch. Thế là họ đã lại mang đi của tôi một phần ký ức.

Chợ tết Cô Sàu vẫn đây, nhưng có gì đó đang phai dần. Tôi cố tìm một hàng bán lá quế về tắm tất niên mà tìm mãi không ra. Có người bảo bây giờ ai còn bán thứ ấy. Thứ ấy ngày trước nhiều như bán cỏ ngựa, tôi không tin quê mình tiệt mất giống quế rừng. Bạn bảo tôi là đồ ngốc, bây giờ là bình nóng lạnh, là vòi hoa sen gấp vạn lần cái lối tẩy trần cũ kỹ. Có lẽ tôi ngốc. Nhưng sao vẫn nhớ hương quế rừng ngày nào. Hương thơm ấy đã thanh tẩy những nhỏ nhen tầm thường, những rắc rối u ẩn để cho ta bước vào xuân với tâm hồn nhẹ bay sáng láng. Mọi thứ bây giờ chẳng lẽ đã khác xưa?

Tôi chẳng thể giữ lại quá khứ. Nhưng sao vẫn tiếc, giá mọi thứ lại như ngày xưa. Giá như tôi được bé lại cùng lũ bạn nhổ trộm những lông đuôi gà trống thiến đỏ ớt làm những chiếc yến đánh trong ngày xuân. Giá như trong tiếng u oa của người chợ váng như bầy ong khổng lồ bay ngang trời còn nguyên tiếng ông bà. Giá như cái màu chàm vẫn ngăn ngắt trong sóng người trôi đi trong phiên chợ tết. Giá như vẫn còn những lão hàn chảo, mặt mũi mốc meo bên những bễ lò phì phì khói bụi…giá như, giá như… tôi chẳng thể nghĩ được gì hơn, nhìn chợ tết đang dần tan

Cao Duy Sơn
.
.
.