Chợ "tử thần" Kim Biên trước ngày di dời

Thứ Hai, 30/05/2016, 19:26
Chợ Kim Biên từ lâu được biết đến là "vựa" cung ứng hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Từ công khai đến bán công khai và nay là trá hình với mức độ tinh vi hơn. Những vụ nổ, hỏa hoạn, thực phẩm tẩm hóa chất, hay tạt axit kinh hoàng thời gian vừa qua đều có sự "giúp đỡ" của khu chợ này.


Muốn chụp hình phải hỏi, biết không?

Chợ Kim Biên là một bức tranh muôn màu… hóa chất, ở đây có đủ các loại hóa chất từ tẩy công nghiệp, hương liệu, tinh chất chế biến thực phẩm, cà phê cho đến món bình dân nhất là nước giải khát. Người chiết xuất, kẻ pha trộn, cảnh bán mua lúc nào cũng nườm nượp.

"Anh chị tìm gì?", một thanh niên mặc quần cộc từ trong tiệm bán hóa chất U.L bước ra giở giọng hăm he những người khách lạ. Tiếp đó, có 2 thanh niên quần lửng áo ba lỗ xông ra. "Có gì không? Tìm gì?..." - Ba bốn cặp mắt khác láo liếc đảo quanh, dữ tợn như chỉ muốn ăn tươi nuốt sống hai vị khách lạ.

Chợ Kim Biên được mệnh danh là chợ "tử thần".

Chúng tôi hỏi mua nguyên liệu chế biến cà phê, tức thì ba thanh niên xua tay: "Không có, sang tiệm khác nhé". Thật bất ngờ vì sự dè chừng cảnh giác cao độ của những "lái buôn" ở đây đối với người lạ.

Nhất cử nhất động của chúng tôi luôn nằm trong tầm kiểm soát của cánh thanh niên bặm trợn này. Họ cứ lởn vởn, quanh quẩn xung quanh khu chợ, không chào hàng cũng chẳng tha thiết bán.

Dạo một vòng quanh các con đường bao bọc chợ Kim Biên, bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy những chai lọ chứa hóa chất đầy đủ hương liệu thơm như cà phê, ca cao, lá dứa, tẩy trắng,… được trưng bày lộ thiên, niêm yết rõ ràng giá cả và chủng loại.

Hóa chất hương liệu ca cao giá 200.000 đồng/kg, hóa chất hương liệu cà phê moka 250.000 đồng/kg, hóa chất hương lá dứa 200.000 đồng/kg… Càng vào sâu trong chợ, cảnh buôn bán hóa chất càng sầm uất.

Chúng tôi hỏi bốn tiệm bán hóa chất, người chủ nào cũng lắc đầu, dẫu trên kệ sạp vẫn có niêm yết đủ loại hóa chất.

Chúng tôi trình bày về hoàn cảnh, rằng đang mở quán cá phê, cần mua hương liệu để cà phê ngon thu hút được khách. Chủ quán đảo mắt một lượt, hỏi han dăm câu để thăm dò đâu đấy mới nói: "Đây đầy đủ, hương cà phê gì cũng có".

Sau đó, chủ quán tư vấn rất chu đáo: "Em bán cà phê dọc đường nên dùng loại hương liệu có mùi thơm nhiều hơn, giá cũng mềm, chỉ cần vài giọt là ly cà phê thơm lừng hết chỗ chê, đảm bảo khách sẽ quay lại cho mà coi".

Vừa nói, chị chủ quán vào trong nhà xách ra một chai nước màu đen nhóng nhánh giao cho khách. Chỉ nói xanh rờn: "Một lít hơn bốn trăm ngàn, miễn trả giá". Ngoài ra, chị còn tư vấn thêm công dụng kỳ diệu cho một số thức ăn, uống khác.

Một kilogam bột đậu nành có giá 60 ngàn đồng pha khoảng 50 lít sữa đậu nành, uống không khác đậu nành nấu. Hương vị phở bò, miến gà, bún các loại… cũng được tư vấn rất kĩ một khi đã yên tâm về vị khách đến mua.

Thấy chúng tôi giơ điện thoại lên chụp hình, tức thì sắc mặt chủ quán thay đổi rõ rệt. Thay vì vui vẻ, niềm nở, chị lại càu nhàu, nóng nẩy và định gọi bảo kê đến "hỏi thăm". Chủ quán dằn mặt: "Muốn chụp phải hỏi… biết không?".

Không bán cho người lạ

Dù đã qua 17h nhưng cổng và các lối vào chợ Kim Biên luôn chật kín người. Mối quen đến mua chỉ cần nói dăm ba câu là ông bà chủ tận tình tư vấn, giới thiệu, hoặc giơ tay ra hiệu là bên kia hiểu ý ngay.

Cảnh mua bán diễn ra khá nhanh gọn, người mua nói ngắn gọn tên hóa chất, mua số lượng bao nhiêu là nhân viên nhanh tay sang chiết vào can nhỏ trong tích tắc.

Chợ Kim Biên bán đủ các loại hóa chất.

Nếu khách đi xe gắn máy, chỉ cần ngồi trên xe là có nhân viên ra tận nơi chào hỏi và "tiền trao cháo múc". Tuy nhiên, không phải ai cũng được mua như kiểu đó, trừ những khách mới toanh như chúng tôi.

Hai giờ vòng quanh chợ Kim Biên, dù trời đã ngả bóng chiều nhưng nắng còn gay gắt, cửa hàng hóa chất bốc mùi nồng nặc, xông vào tận mũi, chúng tôi choáng váng, khó thở. Vậy nhưng các chủ quán bán hóa chất không bao giờ đeo khẩu trang hay vật dụng bảo hộ lao động, có lẽ họ đã "lờn" hóa chất.

Thời gian gần đây, chợ Kim Biên bị báo chí và chính quyền "quan tâm" nhiều nên không dám bán công khai. Những loại hóa chất bày bán đều là loại bình thường, chưa phải hóa chất cực độc, tính năng cao.

Chị N.T.V, chủ quán cà phê cạnh chợ bật mí: "Chỉ cần một muỗng nhỏ hóa chất trộn phù hợp với một một thau thực phẩm sẽ cho hương vị như thật, chẳng khác gì các thương hiệu cà phê, nước uống ngoài thị trường".

Vậy nên, dù là chỉ còn ít ngày trước khi di dời, những câu chuyện "thượng vàng hạ cám" về hóa chất ở khu chợ này vẫn là đề tài khai thác vô tận của báo chí.

"Khối u" giữa lòng thành phố

Chợ Kim Biên (phường 13, TP Hồ Chí Minh) là một ngôi chợ tự phát từ những năm 1960. Trước đây, chợ Kim Biên chuyên bán đôla và hàng tạp hóa.

Những sạp kinh doanh hóa chất vẫn buôn bán công khai.

Sau năm 1975, chợ Kim Biên trở thành ngôi chợ chính ở khu vực Chợ Lớn với các mặt hàng chủ yếu là hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Từ đó đến nay, Kim Biên nổi danh gần xa là ngôi chợ "tử thần".

Theo thống kê mới nhất của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn quận 5 có 112 cơ sở kinh doanh hóa chất gồm 76 doanh nghiệp và 36 hộ cá thể, tập trung tại các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên.

Trong đó Sở Công thương đã tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 57 cơ sở, gồm 50 doanh nghiệp và 7 hộ cá thể kinh doanh hóa chất công nghiệp. 

Trước tình trạng mua bán hóa chất công khai dư luận và báo chí phanh phui thời gian qua, tháng 2/2015, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo về di dời "chợ tử thần" Kim Biên ra xa khu vực nội thành.

Cuối tháng 4/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và UBND quận 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất khu vực bán phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên. Tại đây, thanh tra Bộ Y tế vẫn phát hiện tình trạng kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc.

Hóa chất được ghi tên cho từng chủng loại và giá cả rạch ròi.

Trước tình hình ấy, ngày 5/5/2016, UBND thành phố có công văn gửi Sở Công thương, Sở Y tế, Công an thành phố, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường và UBND quận 5 về việc tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố, trọng tâm là địa bàn khu vực chợ Kim Biên và những điểm buôn bán nhỏ lẻ ở quận 5.

Tiếp sau đó, UBND quận 5 có văn bản đề xuất UBND thành phố về việc di dời chợ Kim Biên đến chợ tạm trên hai tuyến đường Phan Văn Khỏe và đường Vũ Chí Hiếu để xây dựng lại chợ Kim Biên.

Do đó, trong thời gian trên, các cơ sở kinh doanh sẽ sử dụng chợ tạm. Khi được quy hoạch, 259 quầy sạp sẽ được cải tạo, nâng cấp sắp xếp lại các ngành hàng và đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Đây là những động thái tích cực của UBND quận 5 và thành phố nhằm chấn chỉnh hoạt động mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thành ủy về xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố đáng sống.

Luật quy định về hoạt động kinh doanh hóa chất

Điều 5, Chương I, Luật Hóa chất năm 2007 quy định về nguyên tắc hoạt động hóa chất

1. Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, hệ sinh thái và môi trường; trật tự, an toàn xã hội.

2. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất, đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh, hóa chất cấm.

3. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính nguy hiểm của hóa chất và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

 Điều 7, Chương I, Luật Hóa chất năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất:

1. Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.

3. Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.

4. Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường.

Ngọc Thiện - Việt Hoàng
.
.
.